Tác giả: Minh Thành (Báo GTVT)
KD: Kê khai theo kiểu tự nguyện, tự giác, thì có ai tự “lạy ông tôi ở bụi này không nhỉ?”. Vấn đề đưa ra rất to như con voi, rút cục, nó be bé như con chuột, thì cũng chả làm được gì nhau.
Tại sao các nước khác, việc kê khai tài sản nó công khai minh bạch, đến như một Bộ trưởng Ba Lan đeo chiếc đồng hồ 6000 USD mà phải từ chức, còn ở ta, chống tham nhũng như chạt đầu Phạm Nhan- rụng đầu này mọc dầu khác.
Vấn đề là nền quản trị quốc gia như thế nào thôi – nhân trị hay thực sự pháp trị? Là có muốn chống tham nhũng thực sự hay không?
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư 08 “Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập”. Theo đó, tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai, kể cả cây cảnh. Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Cao Sỹ Kiêm, việc này không đơn giản thế.
![]() |
TS. Cao Sỹ Kiêm |
Trước đây, vấn đề kê khai tài sản đã được chúng ta đưa ra rồi và ở phạm vi hẹp, nội dung hẹp, đối tượng kê khai cũng hẹp, nhưng cũng chưa làm được bao nhiêu, chưa có kết quả, chuyển biến gì. Nay lại đưa ra rộng hơn, chi tiết hơn nhưng những giải pháp để thực hiện nó, những điều kiện để thực hiện nó thì chưa cho thấy tính thuyết phục để mà theo dõi, kiểm soát, nắm được thực trạng và xử lý.
“Ý tưởng ấy có thành hiện thực hay không thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách làm, cách triển khai, cách theo dõi, thống kê rồi sau đó xử lý như thế nào. Chứ cứ kê ra để đấy thì cũng không giải quyết được gì”.
TS. Cao Sỹ Kiêm
|
Đặt vấn đề xử lý thì bây giờ mình phải thống kê thu nhập, phải phân tích nguồn gốc, nguyên nhân thu nhập. Trong khi, tất cả các khoản thu nhập hiện nay, cái cách quản lý của chúng ta, nó không có cơ sở pháp lý và chặt chẽ. Ví dụ, bây giờ bảo là phải hạch toán, kiểm soát các khoản thu nhập ngoài lương, nhưng những thứ kiểu như đi dự hội nghị, viết báo, các khoản thưởng…, chúng ta có kiểm soát được đâu, có chế tài gì kiểm soát đâu. Hay giờ nói đến cây cảnh, bàn ghế (cũng thuộc diện phải kê khai theo Thông tư 08 – PV), người ta có thể cho, tặng, rất nhiều hình thức mà mình không chi tiết nó ra, không có một giải pháp để thu thập, thu thập xong giải quyết thế nào. Cứ đặt ra, một thời gian không làm được hoặc làm không đến nơi đến chốn thì cái đó nó lại là hình thức, thậm chí phản tác dụng.
Đưa ra cái này (Thông tư 08 – PV) và nói một cách “lý thuyết”, tức là nếu có chế tài, biện pháp, được phổ biến cặn kẽ để đảm bảo những điều kiện thực hiện thì có thể tin tưởng được hiệu quả. Nhưng lại cứ bảo, đã có một cái quy định như thế rồi thì mọi việc sẽ đâu vào đấy, đi vào khuôn phép, cứ thế “đốc” ra mà xử lý thì không có đâu.
Công khai nhưng vấn đề là ai công khai. Ông ấy, vị thủ trưởng ấy tự công khai hay cấp trên tự công khai? Và nếu cấp trên công khai thì cấp trên có đánh giá được hết không, có nắm được cụ thể, có kiểm soát chặt chẽ không. Nói gì thì nói, tất cả phải quy về điều kiện thực hiện, đi vào những yếu tố, giải pháp cụ thể. Chứ còn bây giờ, ý tưởng thì ai cũng muốn làm tốt, định hướng đưa ra như vậy cũng chặt chẽ, nhiều người nhìn vào có thể cho rằng, ừ như thế là tiến bộ. Nhưng vấn đề là phải đảm bảo cái cuối cùng, kết quả thực hiện và khả năng thực hiện mới có thể coi chính sách đó đúng và phát huy tác dụng.
Một số đối tượng phải kê khai tài sản
Đại biểu Quốc hội, HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND; Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương (có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên); Người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập như: Bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên…
Tài sản, thu nhập phải kê khai
Gồm tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên (con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật): Các loại nhà, công trình xây dựng. Các quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác; Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm: Tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên; Ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tàu thủy, tàu bay, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có tổng giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp vào các cơ sở kinh doanh, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có tổng giá trị quy đổi mỗi loại từ 5triệu đồng trở lên…
|