Văn Cao – “Nhân vật văn hóa năm 2013”

Tác giả: Hồ Bất Khuất

 

 

Hình như chưa có cơ quan nào bình chọn “Nhân vật văn hóa” cho một năm. Nhưng nếu bình chọn “Nhân vật văn hóa năm 2013” thì chắc chắn Tác giả quốc ca – Nghệ sĩ tài hoa Văn Cao là lựa chọn số Một. Năm 2013 có nhiều sự kiện được tổ chức để kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông.

 

Văn Cao – Cái tên có sức lay động mạnh

Khi nhắc đến cái tên Văn Cao, nhiều người Việt Nam cảm thấy bị lay động. Cuộc đời của con người tài hoa này ghi dấu ấn vào lịch sử hiện đại của Việt Nam theo cách riêng của mình. Những cống hiến của ông cho đất nước rất lớn, không thể lượng hóa, không thể cân đong đo đếm được. Những lời thơ, tiếng nhạc của ông đã góp phần vào thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bài hát “Tiến quân ca” ông viết từ mùa đông năm 1944 khi ông mới 21 tuổi đã trở thành quốc ca của nước Việt Nam vào năm 1946. Từ đó đến nay nó đã vang lên cả triệu lần, khác sâu vào tâm trí con người Việt Nam, thúc giục họ xông lên phía trước. Ấy thế mà tác giả của bài ca kỳ diệu đó đã từng phải chịu long đong, lận đận trong một thời gian dài.

Số là sau Hiệp định Genève 1954, Văn Cao trong “đoàn quân trùng trùng như sóng” về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Đầu tiên ông làm việc ởĐài Phát thanhTiếng nói Việt Nam.Năm 1955, ông viết bài cho đặc san Giai Phẩm.Tháng 2 năm 1956, bài thơ “Anh có nghe không” được đăng trên Giai phẩm mùa Xuân. Văn Cao cùng các văn nghệ sĩ của hai tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm khi đó chủ trương văn nghệ sĩ – những người hoạt động phải được tự do sáng tác.

Đây là một chủ trương đúng đắn cả về học thuật lẫn tư tưởng, nhưng lúc đo có một số người hiểu chưa thấu đáo. Đến tháng 12 năm 1956 thì cả hai tờ báo đều bị đình bản. Và như những nghệ sĩ khác của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm, đến tháng 7 năm 1958, Văn Cao phải đi học tập chính trị. Từ đây cho đến tận ngày giải phóng miền Nam, dường như Văn Cao sống trong sự phong tỏa. Không thấy Văn Cao công bố tác phẩm mới nào nữa, những tác phẩm đã nổi tiếng một thời cũng không thấy ai hát nữa (trừ bài Tiến quân ca).

Không khó gì để tưởng tượng ra là Văn Cao và gia đình ông đã đã gặp khó khăn như thế nào suốt gần 20 năm đó. Ông đã vật lộn rất vất vả (cả về mặt vật chất và tinh thần) để nuôi 5 người con khôn lớn và giữ cho mình trong sạch. Trong hai mươi năm đó, ông không công bố bài hát, bài thơ nào nhưng nhiều người cho rằng ông vẫn âm thầm lao động sáng tạo.

Mãi cho đến cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, những bài hát của ông mới được hát trở lại. Nhưng bài hát “Mùa xuân đầu tiên” – tác phẩm cuối cùng của ông được viết vào mùa xuân năm 1976, cũng chỉ được dàn dựng và biểu diễn chính thức sau khi nó ra đời được 20 năm, còn tác giả đã qua đời được một năm.

Chính vì những uẩn khúc như vậy mà cái tên của ông có sức lay động mạnh, người ta dành cho ông sự kính trọng lớn lao. Công chúng luôn luôn đón chờ các cơ hội để bày tỏ tình yêu đối với ông.

Lặng lẽ tỏa sáng

Văn Cao vóc người thấp bé, ít nói, sống không quá lâu (15.11.1923 – 10.7.1995), nhưng ông đã trở thành một người rất được nhân dân yêu mến. Trước hết đó là do những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Với tài năng thiên phú, ngay từ khi còn rất trẻ, mới 16 tuổi, ông đã sáng tác “Buồn tàn thu”.Sau đó, ông liên tiếp cho ra đời “Thu cô liêu” , “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Cung đàn xưa”, “Bến xuân”, “Trường ca Sông Lô”, “Tiến về Hà Nội”, “Làng tôi”, “Mùa xuân đầu tiên”… và đặc biệt là “Tiến quân ca” đã trở thành quốc ca của Việt Nam.

Thứ hai, ông là một người tài hoa – cầm, kỳ, thi họa đều giỏi cả, nhưng sống lặng lẽ, khiêm nhường; dù có bị oan ức, thiệt thòi vẫn im lặng chịu đựng và chứng minh mình trong sạch, mình yêu đất, yêu thương giống nòi. Ông cống hiến hết mình nhưng không đòi hỏi điều gì cả.

Thư ba, là một nghệ sĩ tài hoa, được rất nhiều phụ nữ xinh đẹp mến mộ, nhưng suốt đời ông chỉ có một mối tình với người bạn đời của mình là bà Nghiêm Thúy Băng. Ông là một người cha nghiêm khắc và đầy trách nhiệm đối với 5 người con của mình.

Thứ tư, sinh thời ông gặp nhiều trắc trở trong con đường công danh sự nghiệp, vì bị đồng chí, đồng nghiệp ganh ghét, đố kỵ hay đơn giản là không hiểu tầm cao tư tưởng và tính nhân văn trong những sáng tác của ông; song, ông không kêu ca, oán thán gì cả.

Từ năm 1956 cho đến khi ông mất vào năm 1995, gần như tất cả các ca khúc của ông đều không được trình diễn (trừ bản Tiến quân ca đã được chính Bác Hồ chọn làm quốc ca), nhưng nhân dân vẫn yêu mến ông. Thời gian càng lùi xa, công chúng yêu nghệ thuật càng đánh giá cao những cống hiến của ông. Và dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông là cơ hội để công chúng thể hiện sự yêu thương, kính trọng, tôn vinh đối với ông.

Những hoạt động kỷ niệm sâu sắc và cảm động

Bước vào năm 2013, nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật đã hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Văn Cao. Đầu tháng 11, Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) phát sóng bộ phim tài liệu mới về Văn Cao. Ngày 9/11/2013, Đài truyền hình Hải phòng phát sóng trực tiếp một chương trình giao lưu âm nhạc kỷ niệm ngày sinh của tác giả Tiến Quân Ca.

Những “Đêm nhạc Văn Cao” đã được tổ chức ở một số phòng trà, tụ điểm âm nhạc trong khắp cả nước được xem là tình cảm chân thành của những người dân bình dị dành cho tác giả quốc ca. Ở Thủ đô Hà Nội – nơi Văn Cao sinh sống phần lớn thời gian của cuộc đời mình, nơi người thân của ông hiện nay đang sống diễn ra nhiều hoạt động nhất. Quán “Lộc Vàng” (ở 17A, đường Ven Hồ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) là nơi tổ chức thành công những “Đêm nhạc Văn Cao”.

Tiếp đến là triển lãm ảnh Văn Cao 18 năm trước của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. Trong không gian đặc biệt của ngôi nhà Khai Trí Tiến Đức nằm cạnh hồ Gươm (nay là Không gian văn hóa Việt), nhân dân Thủ đô và khách của Hà Nội được chiêm ngưỡng những khuôn hình của Nhạc sĩ văn Cao 18 năm về trước. Nhiều người rưng rưng lặng ngắm những cảnh sinh hoạt giản dị của Nhạc sĩ Văn cao trong ngôi nhà của mình; khi thì ông suy tư, trầm ngâm, lúc mắt ông ánh lên ấm áp. Ai cũng dừng lại rất lâu trước bức ảnh “Nhạc sĩ Văn Cao và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Bức ảnh này chứa đựng một điều gì đấy rất lớn lao khi hai con người đáng kính gặp nhau trong dịp mùa xuân năm 1992. Ấn tượng mạnh từ cuộc triển làm, Hội quán di sản đã xuất bản lịch treo những bức ảnh Văn Cao năm 2014 – Một trong những ấn phẩm văn hóa năm mới sang trọng và lịch lãm vào bậc nhất.

Đỉnh cao của những hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày sinh Văn Cao là đêm nhạc “Văn Cao còn mãi” diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị vào đêm 22/11/2013. Đây là một đêm nhạc hoành tráng do chính gia đình Văn Cao tổ chức, với sự tham gia của ca sĩ Quang Thọ, Ánh Tuyết và nhiều ca sĩ tên tuổi khác. Điều đặc biệt là ở đêm nhạc này lần đầu tiên giới thiệu hai bài hát mới của Văn Cao.

Bài thứ nhất là Dưới ngọn cờ giải phóng”, được Văn Cao sáng tác khi nghe tin Mặt trân Dân tộc giải phóng ra đời. Bài thứ hai là bài Ta đi làm con suối” – Văn Cao viết tặng công nhân mỏ – những người mà ông rất trân trọng, thương yêu. Việc công bố hai bài hát này chứng tỏ sự đúng đắn của lập luận: “Từ năm 1956 đến năm 1976, Văn Cao vẫn sáng tác, chỉ có điều những tác phẩm của ông chưa được công bố mà thôi”.

Hội thảo “Thơ Văn Cao” diễn ra vào ngày 30/12/2013 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) khép lại những hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày sinh của một con người tài hoa. Với những hoạt động này, có thể nói Văn Cao đã trở thành “Nhân vật văn hóa năm 2013” của Việt Nam.

———–

http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/van-cao-%E2%80%93-%E2%80%9Cnhan-vat-van-hoa-nam-2013%E2%80%9D