Tiếng sấm no, sấm đói một thời

Tác giả: Đào Dục Tú

KD: Cảm ơn anh Đào Dục Tú luôn cho bạn đọc Blog được … sống chậm  😀

Mình sống ở thành phố, đọc bài này lần đầu tiên mới hiểu “sấm no, sấm đói”. Thấm thía thêm về ngôn ngữ dân gian.

Tiết tháng hai ” trồng đậu” vùng đồng bằng sông Hồng thường có mưa dầm,thứ mưa ướt át, nhớt nhát, ẩm thấp. Nhiều người đi làm ăn xa “thừa nắng phương nam” thì nhớ, còn người ở gần “chờ nắng phương nam” thì. . . sợ. Bỗng một hôm trời đang ủ dột đột ngột quang mây, ban trưa thỉnh thoảng nắng rực lên như ngày đầu hè.

Thời tiết buổi sáng âm âm u u hắt hiu gió lạnh là thế mà chiều vãn, cơm nước xong, lại thấy bức bối thế nào. “Chiều chậm đưa chân ngày” (Hồ Dếnh), tự nhiên tiếng sấm nhỏ ì ầm chân mây. Sao năm nay sấm sớm thế nhỉ. Chưa sang tháng ba “mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày” (Nguyễn Bính). Thường thì tháng ba lúa chiêm xuân mới “lấp ló đầu bờ-hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên” kia mà.

Bà cụ thân sinh ra tôi tuổi trời gần tròn thế kỷ hơi bị lãng tai, nhưng hình như cụ vẫn nghe thấy thoảng qua tiếng sấm động chân trời, vui vẻ nói với lũ cháu bé có lớn có ra vào lượn lờ trước mặt: “Sấm no. Sấm no. . . chúng mày ơi!. Năm nay lại được mùa to cho mà xem”. Tiên đoán mùa vụ được mất của người nông dân thường dựa theo cảm tính, kinh nghiệm, nhưng nhiều khi chính xác. . . như khoa học.

Cơm no, trời chuyển gió, lá chạy xào xạc ngoài sân, sấm động chân mây ì ầm là sấm no,sấm báo được mùa. Chưa ăn,bụng đói mà sấm vội sấm vàng là sấm đói, thất bát.Tự dưng nhớ lại ngày xưa tháng ba ngày tám, mỗi khi nghe thấy sấm đói thì bà nội tôi lại rầu rầu cầu khấn: “Chúng con cầu trời mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ bát mát mặt quanh năm . . .”.

Ấn tượng của người già xung quanh tiếng sấm, sấm no sấm đói khiến tôi không sao quên được một thời kinh tế bao cấp tụt dốc không phanh. Cái đói theo sát gót chân người làng ngày nông nhàn tứ tán chạy chợ, làm thuê “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” (cụ Tú Xương). Lại nhớ thời sinh viên đói ăn xanh mặt những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi người Việt mình được lịch sử nhân loại “chọn làm điểm tựa” cầm súng chiến đấu cho cả loài người!.

Có chủ nhật từ ký túc xá gần chùa Láng tôi rủ anh bạn quê đất Tổ Phú Thọ xa nhà nhảy tầu điện Cầu Giấy-Cửa Nam, ra ga Hàng Cỏ lấy vé tầu về Yên Viên, xuống tầu tiếp tục cuốc bộ năm cây số về làng. Rủi cả nhà đi vắng. Mở thùng gạo thấy lon sữa bò đong gạo quá nhiều năm đen sỉn nằm chỏng chơ. Chúng tôi cầm rổ chạy ù ra cánh đồng mầu hái mấy chẹt ngọn rau khoai lang về luộc chấm tương.

Mỗi thằng lưng bát cơm nguội chan chan húp húp cái thứ nước canh xanh lẹt mà sao ngon thế,vui thế; ngon hơn,vui hơn rất nhiều những bữa tiệc tùng bia bọt đôi khi do giao tiếp thù tạc tưởng như “chuyện thường ngày ở huyện” không có điểm dừng, không sao dừng được bây giờ. No mất ngon, giận mất khôn, người xưa có lý lắm!.

Suốt ngày lúc nào cũng thấy “dửng dưng như bánh chưng ngày Tết” với chuyện ăn uống, làm sao còn có được bữa ăn ngon miệng như thủa học trò đang sức ăn sức lớn mà suất ăn lót dạ buổi sáng chia nhau chỉ là “một mẩu bánh mì con con” thời đó trị giá một hào. Năm ra trường mới về cơ quan, nhớ có lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tuệ cười bảo tôi :”Cậu sướng thật, ăn cái gì cũng thấy ngon. Chỉ có tớ là thiệt “. Hóa ra ông anh đã trải mùi đời làm báo Thông Tấn Xã , làm khách vip tiệc tùng, sơn hào cũng . . .trải, hải vị cũng. . .từng, có đâu như tôi năm 1969 đi công tác Quảng Bình mới nhìn thấy con tôm hùm !

Thế hệ “đói cùng dân tộc” thời chống Mỹ cứu nước, nhiều bạn đồng môn của tôi đi một mạch từ cổng trường vào thẳng chiến trường khu 5, Nam Bộ, lại “trải đời trai” tiếp những tháng ngày “sống chung với tử thần”, triền miên sắn khoai rau cháo đói gạo đói cơm trong bom trong đạn cùng đủ thứ hiểm nguy tật bệnh nơi rừng thiêng nước độc hết năm này tháng khác. . .Nhiều người trong số họ đã trở thành nhà văn nhà thơ nhà báo “hữu danh hữu thực ” như Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh, Đoàn Tử Diễn vân vân . . .

Thời ấy ông già bà cả làng tôi còn trông vào sấm đói hay sấm no để tiên đoán mùa màng, tiên liệu việc đời. Mà cái việc đời lớn nhất của hàng chục triệu người làng quê miền Bắc hậu phương là “thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người” . Con em trong họ ngoài làng nội ngoại thân gần mang sinh mệnh ra đi “chia lửa với miền Nam ruột thịt”, đủ gạo nuôi quân thành nghĩa vụ thiêng liêng, thành trách nhiệm cần gắng sức hàng ngày trên cánh đồng.

Và cần gắng sức “mỗi người làm việc bằng hai” để người ở lại,nhất là ông già bà cả, trẻ mẫu giáo; sau nữa là lực lượng thanh niên dân quân trai gái không rơi vào cảnh cháo rau đứt bữa, đặng lấy sức sản xuất và chiến đấu chống giặc Mỹ leo thang chiến tranh bằng lực lượng không quân chiến lược siêu cường. Có khi suốt ngày nhẩy hầm chui hố, rồi lắng tai nghe còi báo động báo yên liên tục, rồi tai như ù đi vì tiếng bom đạn xa gần,thần sấm con ma gào rú quần đảo khu ga Yên Viên, cầu Sông Đuống huyết mạch giao thông.

Vậy mà người dân vẫn có giây phút thản nhiên nghe sấm đói sấm no. Sấm no là vui cho mình, vui cho xóm giềng, làng nước. Sấm đói là lo cho mùa vụ ,cho cả thiên hạ. Một thời nghe tiếng sấm trên trời thế thôi mà ai cũng thấy mình cộng cảm với dân mình, cái riêng tư bé mọn giao hòa với cái chung lớn lao là giải phóng miền Nam, là mong ngóng con cháu trở về lành lặn

Bây giờ tháng ba ngày tám, một làng hàng ngàn hộ dân cũng chẳng còn nhà nào phải lo đói lo rét. “Ngày xuân con én đưa thoi” , nếu ai có dịp đưa chân thuận đường theo lễ hội làng vùng Bắc Đuống hay nam phần Bắc Ninh, nào Phù Lưu , Đình Bảng ,Đồng Kị, Ninh Hiệp, Đình Xuyên, Cổ Loa ,Đa Hội . . .sẽ dễ nhận ra là một bộ phận lớn của cư dân vùng Đông Ngàn trấn Kinh Bắc xưa đang hoàn thiện mức sống ăn ngon mặc đẹp, sống ở làng xài sang như phố. Hướng tới xóa dần phân cách nông thôn thành thị vốn tồn tại không biết bao nhiêu đời người.

Còn có nghĩa gì đâu cái thứ sấm đói sấm no trong tâm cảm người đời đang tự nguyện hoặc bị . . .quăng xuống dòng cuồng lưu thị trường cuộn xoáy trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn hay lập thân lập nghiệp làm giầu đấy tính đua tranh âm thầm và quyết liệt. Thế hệ con cháu xông pha vào đời ,với đời, không sao tránh khỏi vất vả cực nhọc nhiều khi sẩy chân lỡ bước . . . động tâm loạn trí tới mức “đã lệch bao nhiêu mặt chữ điền”(Nguyễn Bính) người vùng đất thuần nông thuần hậu. .

Nghe mẹ tôi lẩm bẩm mãi chuyện sấm no, sấm đói, mấy đứa cháu nhìn nhau chẳng hiểu bà nội ca cẩm gì. Đứa chắt ngoại “mẫu giáo lớn” ngây ngô : “Ông sấm ăn gì hả cụ ?” Chắc cháu tôi lơ ngơ nghĩ là phải ăn “như nó” thì mới có chuyện no với đói chứ . . ..

Mẹ tôi ngồi cười ngu ngơ nghe tiếng sấm ì ầm chân mây tháng hai. Hình như cũng là tiếng sấm trái tiết, trái vụ. Chẳng cứ người đời, kể cả ông trời thời đại a-còng xem ra cũng đỏng đảnh, thất thường quá lắm . . . . / .

Page 3 of 3