Đứng về phía ai?

Tác giả: Lan Nhi

KD: Đứng về phía … đồng tiền!  😛

Ngành điện và giá điện không phải là một trong năm nhóm vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong cuộc trả lời chất vấn hôm 1-4 vừa qua. Nhưng vấn đề này đã trở thành đáng quan tâm nhất trong cuộc đối đáp giữa các vị đại biểu với ông Hoàng, người vốn luôn đứng về phía tập đoàn Điện lực (EVN) trong tất cả các cuộc trả lời chất vấn trong ba năm gần đây. Lần này cũng không có gì khác các lần trước.

Việc EVN đã và dự tính hạch toán một số hạng mục xây dựng bể bơi, sân quần vợt vào chi phí đầu tư của sáu dự án nguồn điện là kết luận của Thanh tra Chính phủ từ cuối năm 2013. Sau phản ứng của EVN và Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ đã họp với các bộ ngành, xin ý kiến của Thủ tướng về kết luận này và ra thông báo kết luận thanh tra (1-2014), khẳng định những kết quả họ phát hiện ra trong quá trình rà soát việc EVN sử dụng vốn và tài sản là không hề thay đổi. Những gì EVN làm trái với quy định nhà nước có chứng minh cụ thể. Trong đó, chi phí xây dựng sân quần vợt, bể bơi được hạch toán vào chi phí đầu tư sáu dự án nguồn điện là ví dụ.

Song Bộ trưởng Hoàng vẫn khẳng định theo cách bao che cho EVN: “Tôi khẳng định không có chuyện đưa giá thành nhà ở vào giá điện, trừ Nhiệt điện Phú Mỹ”. Ông cho rằng việc hạch toán chi phí xây dựng bể bơi tại dự án Phú Mỹ 1, với mức hạch toán hiện tại từ 1-1,3 tỉ đồng/năm “là không đáng kể gì so với tổng doanh thu của dự án 6.000 tỉ đồng/năm”.

Nhưng việc này, dù ít hay nhiều, đều là trái quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng và nhiều quy định có liên quan về cơ chế quản lý các dự án đầu tư xây dựng. Lý do, vì đầu tư cho hạng mục này phải hạch toán vào quỹ phúc lợi, chứ không khấu hao dần vào giá thành điện. Nếu thanh tra không phát hiện và yêu cầu dừng việc hạch toán, chắc chắn sẽ có gần 600 tỉ đồng tiền xây dựng các sân quần vợt, bể bơi sẽ được “gửi” vào giá điện.

Trong chuyện này, lỗi không hoàn toàn thuộc về EVN. Bởi Bộ Công Thương là người phê duyệt dự án “Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” tại các dự án, nhưng thực tế là xây dựng các biệt thự đơn lập, song lập, nhà liền kề, chung cư, bể bơi, sân quần vợt nhằm hợp thức hóa cho khoản đầu tư trên. Song, người đứng đầu Bộ Công Thương luôn tìm cách lý giải, thay vì nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Chuyện “gửi” giá, gửi lỗ của EVN có tiền lệ là luôn được Bộ Công Thương trợ giúp. Kiểm toán Nhà nước cách đây ba năm từng phát hiện việc EVN giúp EVN Telecom biến hóa chi phí đầu vào, đẩy 1.026 tỉ đồng đầu tư mua thiết bị đầu cuối qua năm tổng công ty điện lực trong khi các tổng công ty này không đầu tư gì. Mục đích là giúp EVN Telecom giảm lỗ, chuyển suất đầu tư quá lớn mà không đem lại hiệu quả kinh tế thành các khoản vốn góp của EVN vào năm tổng công ty và từ đó có cơ hội hạch toán vào chi phí sản xuất, tính vào giá điện năm 2010 mà người dân phải gánh chịu.

Với trách nhiệm được giao quản lý vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại EVN, nếu làm đúng trách nhiệm, Bộ Công Thương không thể không biết các khoản chi này. Nhưng nếu không có thanh tra hay kiểm toán phát hiện thì chúng sẽ vẫn có mặt trong giá điện hàng năm.

Còn nhớ hồi năm 2011, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội (24-11), ông Hoàng đã từng khẳng định là chuyện lương, thưởng ở EVN là làm đúng những gì đã được liên bộ và Chính phủ cho phép. Thế nhưng, kết quả kiểm toán cùng năm đó Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị lãnh đạo EVN nộp lại các khoản thu nhập khoảng 3 tỉ đồng đã nhận không đúng quy định. Hay Thanh tra Chính phủ phát hiện quy chế lương của EVN năm 2010-2011 chưa phù hợp dẫn đến thu nhập của các khối kinh doanh điện có sự chênh lệch lớn, bộ phận văn phòng đã nhận lương cao gần gấp 3 lần khối phát điện…

Vấn đề ở đây là lãnh đạo Bộ Công Thương với vai trò giám sát, chủ sở hữu vốn nhà nước ở EVN đã không làm đúng, làm hết trách nhiệm của mình để định hướng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại EVN mà lại luôn tìm cách lý giải, thanh minh giúp EVN tại các diễn đàn. Điều này khiến cho cử tri cả nước và các bộ ngành có liên quan cảm nhận Bộ Công Thương là một phần của EVN chứ không phải là cấp trên của EVN. Và chưa bao giờ bộ này đứng về phía người dân, vì lợi ích của nền kinh tế để giải quyết những bất cập trong lĩnh vực kinh doanh điện vốn còn đang còn là độc quyền của EVN.

———–

http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/112824/Dung-ve-phia-ai?.html