Tác giả: Đào Dục Tú
KD: Cảm ơn anh Đào Dục Tú về một bài tạp cảm thú vị. Trăng hoa sẽ không bao giờ mất đi, khi trái đất vẫn tiếp tục sinh ra con người 😀
—
Ở Việt Nam tôi không biết còn có tác phẩm văn học cổ kim nào như truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, nôm na dùng hình ảnh so sánh, như một tảng đá nam châm tinh thần tinh hoa Việt “siêu khổng lồ”. Truyện Kiều hấp dẫn không biết bao nhiêu thế hệ độc giả trải suốt thời gian “tam bách dư niên hậu” nước Việt liên tục thăng trầm, suy thịnh hết sức bất thường.
Nguồn: Trên mạng
Nói khoa trương, trên dưới ba trăm năm nay, người Việt đã tốn sông mực núi giấy bình giải, bình chú, luận bàn, lạm bàn, nghiên cứu, khảo cứu. Hàng nghìn cây bút từ bậc “bỉnh bút” túc Nho, bác học, nhân sĩ, trí giả, nhà văn nhà thơ cho tới bạch diện thư sinh học trò, người làm báo, người làm văn hóa giáo dục phổ thông…v.v.. với biết bao nhiêu tâm sức,thời gian dành cho cuốn sách hơn ba ngàn câu thơ lục bát này.
Nên chi đến thời hiện đại a- còng, người viết cẩn trọng và tự trọng nào hình như cũng vẫn tự cảm “thẹn mình đuối hơi” mỗi khi cầm bút động tới thi phẩm hàng đầu của nước Việt mọi thời đại. Và dù rằng chỉ là chuyện phiếm đàm lan man, như tôi, ngồi vào bàn phím gõ những dòng chữ mon men động tới hai danh từ đơn trăng, hoa ghép lại thành một từ đôi vô cùng quen thuộc và biểu cảm: Trăng-hoa . . . .
Nếu như có ai đó đặt câu hỏi ngôn ngữ “cắc cớ”, người Việt mình hay dùng từ nào nhất để chỉ chuyện tình trai gái vĩnh viễn phổ quát của con người (chứ không phải tình vợ chồng, dù đầu bạc răng long cũng chỉ là thời đoạn), tôi không ngần ngại trả lời, đấy là từ Trăng- Hoa (viết hoa). Đẩy câu hỏi “cắc cớ” đó đi xa hơn, vì sao người Việt mình lại dùng từ đó để chỉ thứ tình đẹp nhất trên đời, nhân bản nhất trên đời?
Tôi xin được giải trình đơn giản: Người Việt mình sản sinh ra và cộng sinh trên nền văn minh lúa nước sông Hồng, sống “cực gần gũi” với đất, nước, chim muông, hoa lá, cỏ cây, sông ngòi rừng biển nhiệt đới gió mùa phương Nam. . . (khác với sắc dân du mục phương Bắc chẳng hạn). Bản tính tư duy trực cảm, tượng hình, từ cổ xưa (chắc thế) đã xem đóa hoa, bông hoa là vật phẩm tuyệt hảo nhất mà trời đất ban tặng cho cuộc sống. Một trần gian truyền kiếp bị bốn thế lực hắc ám thù địch, trấn lột, đàn áp là thủy hỏa đạo tặc.
Từ đơn “hoa” gốc Hán, Việt hóa lâu đời (miền Nam gọi biến âm là huê) được mở rộng nghĩa để chỉ tất cả những gì đẹp nhất hữu hình và cả vô hình. Từ hoa viết…thư tình, chiếu hoa ngày cưới, mặt hoa da phấn người con gái đẹp, tuổi hoa, cuộc tình hoa mộng, “miệng cười như thể hoa ngâu”, lời hoa, “thề hoa chưa ráo chén vàng”…, nhiều không thể kể xiết.
Người Việt tôn vinh nhân bản, tôn vinh con người và xếp ngang bằng người với hoa trong câu thành ngữ: “Người là hoa của đất”. Tuổi đời rung động đầu đời với tình yêu trai gái, tuổi hoa niên trinh nguyên “trai thanh gái lịch”: “Hoa thơm phong nhị trăng rằm tròn gương”.
Còn trăng? Trăng, đêm trăng tự cổ chí kim, nhất là ở phương Đông đặc trưng tâm linh (chứ không phải thực tiễn, thực chứng khoa học !), biểu trưng thiên tính nữ như là bối cảnh tuyệt vời nhất của tình yêu và những cuộc tình lãng mạn “kinh điển” cũng thường diễn ra dưới sự chở che của chị Hằng, mặt nguyệt trên trời.
Nàng Kiều và chàng Kim: “Rằng trong buổi mới lạ lùng” chưa “quen hơi”, chỉ vừa ” bén tiếng” thôi, nhưng đã thề nguyền dưới trăng như duyên trời tiền định, xem đó là cuộc “thề hoa” thiêng liêng. Nên khi xẩy chuyện gia biến, “Rằng nàng lấy “hiếu’ làm trinh”, nàng mới nói “Thề hoa chưa ráo chén vàng”.
Trăng hoa không chỉ định danh chuyện tình trai gái một cách ước lệ nghệ thuật. Lẽ thường tình chuyện tình trai gái, như các cụ nhà ta đã “cảnh giới” từ đời . . .xưa : “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén-Thiếp gần chàng toàn vẹn được chăng” ? Có lẽ trong đời đã xảy ra quá nhiều “chuyện lửa rơm”, hạnh phúc trần gian thì ít mà đau khổ trần ai thì nhiều, nên từ ghép trăng- hoa được người đời về sau, đến thời cận hiện đại thường chỉ chuyện gái trai quá . . . ngưỡng, phá hàng rào quy tắc đạo đức phong kiến và dư luận thi phi cộng đồng đầu làng cuối xóm “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”.
Bởi vậy người ta mới thấy đến như đêm hội ngộ giao duyên tình tứ lãng mạn nên thơ là thế mà khi thấy chàng Kim “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, nàng Kiều cũng đã khôn khéo tỉnh táo giữ mình, vội vàng cảnh tỉnh tình nhân. . . hơi quá chén! : “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia- Ngoài ra ai có tiếc gì với ai”. Nguyệt nọ hoa kia là chuyện trăng hoa rồi.
Nàng Kiều còn dẫn. . . chuyện đời xưa làm gương soi cho . . .chàng Kim, chuyện tình nổi danh thời phong kiến Trung Hoa của đôi Thôi Oanh Oanh –Trương Quân Thụy. Vì nàng họ Thôi “Quá chiều nên đã chán chường yến oanh –Trong khi chắp cánh liền cành- Mà lòng rẻ rúng đã rành một bên”.
Cũng phải lẽ thôi, cái hữu hạn của thân xác và nhu cầu bản năng “tối đa tối thiểu” của nó làm sao sánh được với cái vô hạn và nhu cầu “tối thượng tối cao” của tâm hồn tình cảm con người, nhất là một người tài sắc vẹn toàn “Sắc đành đòi một tài đành họa hai” như nàng Kiều! Chợt nhớ câu thơ “tuyệt hay” của nhà thơ Nga Mai-a-cốp-ski: “Vấp cuộc đời phàm tục- Chiếc thuyền tình vỡ tan” mới thấy nàng Kiều. . . ngày xưa ứng xử “cao tay” quá, đẹp quá!
Nhân chuyện trăng hoa, chợt nhớ thêm thơ Chinh Phụ Ngâm, bản dịch chữ Hán của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm kể tả người chinh phụ ngắm cảnh nguyệt hoa của đất trời mà nhớ chuyện trùng phùng đôi lứa: “Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng- Trên hoa dưới nguyệt trong lòng xiết bao”, “Hoa dãi nguyệt nguyệt in một tấm– Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông”. Chuyện nguyệt hoa hoa nguyệt trong thơ chỉ là cách nói ẩn dụ chuyện trăng hoa tình ái- gái trai ngoài đời thực.
Người Việt mình có câu ca giản dị “Có trai có gái mới nên xuân-Có xôi có thịt mới nên phần” khẳng định lẽ đời tự nhiên tiên thiên vốn có. Có điều người Việt mình sau hàng ngàn năm lịch sử phong kiến “toàn trị”, giáo lý “tứ đức tam tòng” phần nào quy phạm hóa lối sống lối nghĩ, cộng với tính duy cảm, duy tình, trọng chuyện đời đạo đức thủy chung, có hậu. . .
Hai nét văn hóa tinh thần đó “hỗn dung” thành căn tính đạo đức nên thường coi chuyện trăng hoa. . . ngày xưa, chuyện ngoại tình lòng thòng, léng phéng, mèo chuột ngày nay thành chuyện xấu xa cần lên án, chí ít là phê phán, phê bình ở đời. Thói trăng hoa “giăng gió” là “tối kị” là . . . không thể chấp nhận!
Nàng Xúy Vân “điên dại” trên sân khấu chèo truyền thống làm đổ không biết bao nhiêu nước mắt người Việt, chẳng phải là nạn nhân duy nhất của thói đời này. Không may cho bất cứ người con gái nào thất cơ lỡ vận, thấp cổ bé miệng chót mắc “oan tình” hoặc tựa tựa như cô Thị Mầu lẳng lơ để lửa tình hun đốt thân xác đến nỗi “không chồng mà chửa” thì đành cam chịu hình phạt tàn khốc: Cạo đầu bôi vôi đóng bè chuối trôi sông hay chí ít cũng đành tha phương cầu thực không dám “vác mặt mo” về làng.
Mặc dầu vậy, ngay từ thời phong kiến khắc nghiệt oan nghiệt đó thì người lao động bình dân chiếm tuyệt đại đa số cộng đồng dân tộc vẫn công khai bênh vực tình yêu tự do, đả phá kịch liệt thói đạo đức giả của đám mũ cao áo dài. Ca dao từ đời nào đã có câu ” Không chồng mà chửa mới ngoan- Có chồng mà chửa thế gian thường tình”. Hoặc câu “Chính chuyên chết cũng ra ma- Lẳng lơ chết cũng khênh ra ngoài đồng”.
Đã xem chuyện tình yêu trai gái là chuyện tình nhân bản nhất, phổ quát nhất, là lẽ thường hằng ở đời thì chuyện gió giăng trăng hoa đời nào không có? Đành rằng thời hiện đại a- còng, chuyện trăng hoa biến tướng biến dạng thành đủ kiểu tình công sở, tình dọc đường, tình pich-nich, tình du lịch, tình thử nghiệm, tình sống thử v.v… Và không gian của nó cũng đâu còn hoang sơ hoang dã như chuyện điển cố văn học “trên Bộc trong dâu”.
Thời cổ xưa trai gái nước Trịnh bên Trung Hoa thường rủ nhau đến bãi dâu trên sông Bộc mà làm chuyện ái tình kiểu hip- pi vượt vòng cương tỏa! Chưa có một ” hòn đá thử” nào nhậy cảm và đáng kể hơn hòn đá thử tình yêu. . . khác giới trong việc xét đoán nhân sinh triết lý đạo đức ở đời của bất kỳ ai. Từ “vương vị” “quan vị” cầm quyền ngôi cao đạo trọng (chưa chắc đức trọng) cho tới thứ dân “thất phu hữu trách” hay vô trách.
Chuyện trăng hoa hay dở, thanh hay tục, phúc hay họa là tùy người và tùy cái “chuẩn đạo lý nhân sinh” mà người ta định lệ cho riêng họ, hay cho một lớp người nào có, còn hợp thời, hợp . . .đạo, hợp… đức nữa không. Nhưng có một sự thật hơn mọi sự thật, diệu kỳ và quang minh chính đại vượt thời gian không gian, vượt cả . . hạn chế.
Lịch sử là sự sống, cuộc sống con người không thể thiếu tình yêu cao đẹp, cũng như trời đất không thể thiếu trăng hoa làm nên vẻ huyền ảo cho trái đất dường như thời đại nào, thế kỷ nào cũng “bay như giọt lệ giữa không trung” (Xuân Diệu), đầy ắp nước mắt nhân loại . / .