Tác giả: Đào Dục Tú
KD: Một Tạp cảm của tác giả Đào Dục Tú vừa gửi cho mình, mang tính Tự bạch của cá nhân và của bè bạn trang lứa một thời nghèo khó, thanh sạch và cũng đầy lãng mạn của tuổi trẻ.
Nhưng đọc bài viết này, cùng chính sự trải nghiệm của mình trong đời, nghiệm ra, con người ngoài phần được GD, hay đào tạo trong nhà trường, thì cái phần tự GD, hay tự đào tạo qua sách vở, qua thực tiễn đời sống, cực kỳ quan trọng. Nhờ đó, mà có thể cùng xuất phát điểm về trình độ học vấn, nhưng có người chỉ đi được một chặng rồi dừng, có người đi được xa hơn, và càng đi xa càng thấy mình… trường hơi.
Sự thành công của con người, chỉ có 1% là tài năng, còn 99% là lao động (mượn câu danh ngôn của người xưa), là vậy!
Cảm ơn anh Đào Dục Tú 😀
———–
Cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước, với một cậu thiếu niên gần như ngày nào cũng như ngày nào, đến quá “tám giờ vàng ngọc” ngoài cánh đồng đầu trần đội nắng đội mưa, quen với việc bắt cua, tát cá, chăn trâu cắt cỏ như tôi, thì những cuốn sách mà cụ thể là những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ, những tập kịch và tạp chí văn chương thời bấy giờ còn hết sức xa lạ.
Mãi cho đến năm cuối cấp ba phổ thông, tôi gánh gạo đi “trọ học” tại làng Trang Liệt có trường Thể dục Thể thao Từ Sơn nổi tiếng, nhờ người anh kết nghĩa quê làng này công tác trên Ty Giáo dục Bắc Ninh (nay là Sở), tôi mới có cơ may được cầm giữ cả năm học cuối cấp phổ thông hai cuốn giáo trình “Văn học lãng mạn” của hai thầy khoa Văn – Bạch Năng Thi và Phan Cự Đệ. Mùa thu 1963 tôi đậu vào khoa văn ĐH Tổng hợp có lẽ nhờ năng khiếu văn “trời cho” thì ít, mà dựa vào vốn liếng kiến thức văn chương chứa trong hai cuốn giáo trình trên cấp độ phổ thông là phần nhiều chăng? .
Ngoài hai cuốn giáo trình dầy cộp “hoành tráng” trong tầm học trò trường huyện cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi cũng không bao giờ quên hai cuốn tạp chí Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN tôi may mắn mượn được của anh bạn làng trên có người anh trai là cán bộ giảng dạy ĐH Giao thông nhưng yêu chữ nghĩa, nghệ thuật. Bìa một cuốn, vẽ bức tranh đồng quê ngày mùa, lúa chín vàng sáng ấm mầu no đủ yên bình và gương mặt cô nông dân cầm liềm cách điệu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: vnexpress.net
Những truyện ngắn, những bài thơ trong đó lần đầu tiên gợi ra cho tôi những liên tưởng, gợi tưởng về một vùng quê khác, những con người khác. . .lạ hơn và đẹp hơn làng quê quen thuộc đến “sờn mòn con mắt” của mình.. Cũng thời gian này, người bạn thừa hưởng được vốn sách báo văn học của anh trai còn cho tôi mượn cuốn tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi nhớ có trích tiểu thuyết Xung đột của Nguyễn Khải và có truyện Trăng sáng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn- sau này là tác giả Nguyễn Thi nổi tiếng thời chống Mỹ cứu nước trên chiến trường “Bê dài” đồng bằng sông Cửu Long trước sự kiện Mậu Thân 1968.
Văn xuôi đầy chất thơ của Trăng sáng và những góc cạnh tâm lý nhân vật trong Xung đột, có lẽ là vốn liếng văn học ít ỏi đầu đời ngoài sách giáo khoa phổ thông mà tôi có được. Mê sách ,nhiều buổi trưa tan học, mặc dầu nhà xa tám cây số đi bộ (cả làng tôi không có học trò nào có xe đạp), tôi vẫn không ngại cộng thêm hơn hai cây “lượn vòng thúng” lên phố huyện Từ Sơn để tìm mua sách trên hiệu sách Nhân Dân.
Thời đó đồng tiền quý lắm vì khó kiếm và giá trị sử dụng cao lắm. Hai hào rưỡi chai bia Hà Nội, bia Trúc Bạch “đắt” hơn, ba hào. Một giỏ cua đầy chật tưởng cua “không thở” được nữa, lẽo đẽo”bê” ra chợ Cầu –Yên Viên xa nhà năm cây số, bán được năm hào vừa đủ tiền hai chai bia cho hai chú nhóc “nhà quê” uống thử ở cửa hàng ăn uống mậu dịch trước nhà ga xe lửa Yên Viên, vừa uống vừa nhắm mặt kêu “khai lắm mày ơi !”.
Hiển nhiên trong túi học trò hàng huyện thời xưa ấy, thường chỉ có tiền hào lẻ, làm gì có tiền trăm, thậm chí tiền triệu như học sinh con nhà khá giả cuối cấp phổ thông bây giờ mà đòi mua sách quý, thoạt trông gáy sách dầy cả gang tay đã thấy. . . ngỡ ngàng, như kịch Sếch-spia, đại tiểu thuyết “Những người khốn khổ” vân vân. .
Tôi chỉ dám mua đại loại tập truyện ngắn “Đêm tháng mười” của Bùi Ngọc Tấn, “Tiếng sóng” của Tế Hanh, “Trời mỗi ngày lại sáng” của Huy Cận. Và lạ thế, những câu như “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa” (Tế Hanh) hay “Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui- Lưa thưa mưa biển ấm chân trời” (Huy Cận) tôi có bao giờ đọc lại nữa đâu, mà hơn nửa thế kỷ qua vẫn xếp hàng “đắp chiếu trong ký ức”!
Những bài thơ trong tập “Ánh sáng và Phù sa” của Chế Lan Viên đến tay tôi cũng là ở thời điểm này, cuối lớp mười phổ thông trước kỳ thi tốt nghiệp. Cho đến bây giờ, tóc đã “muối nhiều hơn tiêu” mà thơ “Đi ra ngoại ô” của tác giả Điêu Tàn vẫn “lúc tỏ lúc mờ” trong trí nhớ bởi vẻ đẹp thơ mộng giản dị nhưng có vẻ gì điệu nghệ “rất Chế” :
Thấy sông trôi lại thấy người
Thoi đưa cối giã cuộc đời cần lao
Nhờ em cởi hết thương đau
Thơ ta áo nắng mặc mầu trời xanh
Cho đến một ngày nắng thu vàng rười rượi, tôi “mũ lá, dép cao su” lơ ngơ giữa bến tầu điện Bờ Hồ, nhờ mấy bà buôn thúng bán mẹt chỉ cho mới biết tầu đi Cầu Giấy đỗ đường nào, cuối cùng tôi cũng qua được cánh đồng mầu trồng nhiều loại rau làng Láng, tìm về được khoa văn Trường ĐH Tổng hợp lúc bấy giờ tạm thời ở trong Trường Sư phạm miền núi, ngay giữa cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng đang làm đòng mùa thu, cách chùa Láng chỉ một bờ ruộng dài “không đủ chỗ hai xe đạp tránh nhau”, hai bên cỏ xanh mướt.
Chỉ đến khi đó tôi mới thực sự bước vào thế giới sách vở văn chương với một tâm thế tự ti bỡ ngỡ của cậu học trò trường huyện nhà quê trước nhiều “cây văn” giỏi thủ đô và các tỉnh thành miền Bắc. Còn nhớ bài văn mẫu thi văn học sinh giỏi toàn quốc của “học trò Nguyễn An Định” năm học trước đã tác động mạnh đến tôi như thế nào (cố nhà báo bút danh Chu Thượng báo Lao Động).
Có lẽ do mặc cảm tự ti, tôi rất “ngại” học sinh thành phố. Mới nhìn vài ba bạn nữ “phi dê” lượt là quần lụa đen áo trắng tinh, thoạt trông đôi ba “cậu Hà Nội” kính dầy đít chai như “thằng Chính, thắng Lân, thằng Thảo. . .mù” đã đủ “ngại” rồi. . .Nhớ quá những ngày mới nhập trường, chung địa điểm với Trường sư phạm Hoa Kiều, với những dãy nhà trệt lợp ngói bò “mùa hè thì nóng hơn, mùa đông thì rét hơn” song song ẩn mình dưới hàng cây phượng vĩ, tháng tư nắng to hoa đã nở tưng bừng.
Chiều chiều, có khi trời nắng, ngày dài, tiếng ồn ào của đám đá bóng chưa dứt, sau bữa cơm sinh viên “siêu đạm bạc” “siêu thanh bần” (có khi là cái bánh mì hai hào và bát “súp bình dân”), chừng hơn sáu giờ chi đó, là đám sinh viên văn gốc học trò nhà quê chúng tôi đã ôm sách mượn của thư viện lên các lớp học, lặng lẽ ngồi đọc đọc, ghi ghi.
Đối với chúng tôi, những cuốn sách lớn, những tác phẩm văn học đồ sộ, danh nổi như cồn, qua văn dịch của các vị, các thầy Đỗ Đức Hiểu, Huỳnh Lý, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo vân vân. . . ví như “Những người khốn khổ” “Hồng Lâu Mộng” ” Chiến tranh và hòa bình””kịch Sếch – pia ” “Con đường đau khổ” vân vân . . .có thể các bạn bè gốc thành thị chưa hẳn xa lạ, thậm chí có “đứa” đã đọc hai lần, thì chúng tôi bây giờ mới “chạm mặt sách làm quen”.
Đấy là chưa kể ngay những tác phẩm văn học Việt thời kỳ 1930-1945 “hết sức đặc biệt”, không ít bạn Hà Nội, Nam Định đã chép thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên đầy mấy cuốn sổ tay mà vốn liếng của tôi chỉ lơ thơ vài tập thơ mỏng như . . . lá lúa, nội dung duy nhất một mầu hồng lạc quan cách mạng còn thơm mùi mực!
Tôi cùng không ít bạn bè gốc gác nhà quê “rũ bùn” bước lên giảng đường đại học rất có ý thức học bù “thời gian đã mất”, đọc bù thời gian đã qua, thị lực có người sụt nhanh từ 10/10 xuống 8/10 trong vòng gần hai năm học chưa đi sơ tán lên Đại Từ- Thái Nguyên. Bù lại nhiều thiệt thòi, chúng tôi có cả “một thế giới sách” cổ kim đông tây, chúng tôi lần đầu tiên được giao tiếp rộng rãi với thế giới nhân sinh nhiều thời đại, nhiều quốc gia dân tộc qua lăng kính nghệ thuật ngôn từ mang tầm tư tưởng nhân văn của nhiều tác giả kinh điển cao vời vợi như “đỉnh cô sơn lĩnh” trên “mặt địa cầu chữ”.
Tôi có thể quên đi nhiều chuyện song gương mặt bác thủ thư già đậm nét khắc khổ, cẩn trọng, cần mẫn tận tụy và nho nhã chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức sinh viên của tôi thời ở chùa Láng, thời ở Mễ Trì.
Người dính líu với chữ nghĩa văn chương, người chọn thi vào ngành ngữ văn thời bấy giờ vào đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước phong khí xã hội còn nhiều phần trong lành thanh sạch vốn đã sẵn “khí quyển lãng mạn”, lại thêm thế giới sách vở đẩy mở biên độ cảm xúc và suy tưởng thăng hoa hơn, nên tuổi trẻ học đường thời bấy giờ sống thiếu thốn giản dị đến không thể . . .giản dị hơn được nữa, nhưng đáng yêu lắm về phương diện tinh thần tình cảm.
Vẻ đẹp ấy như là một thứ hành trang tinh thần theo bước chân thế hệ chúng tôi từ cổng trường ĐH đi thẳng ra chiến trường hay đi bất cứ đâu mà thời chiến tranh đất nước cần đến, chẳng thấy ai thắc mắc so đo chứ đừng nói “chống quyết định” đi vùng sâu “hủy quyết định” đi vùng xa như nhiều cô cậu thời a- còng có nhà mặt phố, bố làm to, thừa cả quyền lẫn tiền chạy chỗ hoặc xếp vào diện “năm xê” con cháu các cụ cả!
Thế hệ sinh viên văn khoa thời ấy ,những người bạn đồng môn đại học của tôi chừng một phần tư thế kỷ sau ngày ra trường, đã thành những cây bút nghề báo nghề văn “đi ra từ chiến trường” hữu danh hữu thực như Trần Vũ Mai, Đoàn Tử Diễn, Ngô Thế Oanh, Ngôn Vĩnh vân vân…
Nhớ một thời xưa . . .xa vắng, đôi khi tôi tự hỏi nếu như cách đây trên dưới nửa thế kỷ, chúng tôi không dính líu với sách vở chữ nghĩa như thế thì chắc hẳn chúng tôi không chọn khoa ngữ văn làm điểm đến sau thời phổ thông mười năm và như thế, có lẽ cuộc đời mỗi người, thân phận riêng tư mỗi người sẽ rẽ sang ngả khác, không chọn cầm bút làm một nghề, có thể chỉ là một nghề. . . không nghiệp.
Chính vì lẽ đó nên tôi gọi tên trang tạp văn này là “Những cuốn sách mở cánh cửa số phận”, số phận không chỉ một lớp sinh viên K 8 hay K 9, K10 nào mà có khi là cả một lớp người. Thời nào hình như cũng thế . / .