Cận cảnh gia đình 01 chồng, 39 vợ

Tác giả: Hoài Linh

KD: Khiếp đảm. Vị này vừa phải có sức khỏe, vừa phải có tiềm lực kinh tế, mới có thể gánh vác nổi?

——-

Tại Ấn Độ có một người đàn ông mà bất cứ chính trị gia nào ở bang Mizoram đều muốn lấy lòng. Đó là thủ lĩnh giáo phái đa thê  Zionnghaka Chana, người có 39 bà vợ và 127 đứa con, cháu.

đa thê, một chồng nhiều vợ, Ấn Độ

Để nhận được nhiều phiếu bầu, các chính trị gia trong vòng bầu cử sắp tới ở Ấn Độ đều muốn làm thân với người đàn ông này vì ông rất có ảnh hưởng với vợ và đàn con cháu.

đa thê, một chồng nhiều vợ, Ấn Độ

Ông Chana, hiện có ngôi nhà 100 phòng ở làng Baktawng, Aizawl nói với các phóng viên: “Chúng tôi thấy rất nhiều chính trị gia kéo tới đây để tìm kiếm phiếu bầu trong vài ngày qua.

Trong các cuộc bầu cử, chúng tôi luôn được quan tâm khi sự chênh lệch thắng thua giữa các chính trị gia trong bang rất sít sao, vì thế, 100 phiếu bầu rất có ý nghĩa với họ”.

đa thê, một chồng nhiều vợ, Ấn Độ

Một trong những người vợ của ông Chana là Rinkmini nói: “Khi đi bỏ phiếu, chúng tôi luôn bỏ cho cùng một ứng viên hoặc một đảng. Điều đó có nghĩa là chắc chắn sẽ có 160 phiếu từ một gia đình”.

đa thê, một chồng nhiều vợ, Ấn Độ

Gia đình ông Chana được tổ chức với kỷ luật cao. Người vợ cả Zathiangi, 69 tuổi, thường vạch thời khóa biểu cho những bà vợ khác thay phiên nhau làm việc nhà như chuẩn bị đồ ăn, giặt giũ và dọn dẹp.

Chuẩn bị cho các bữa ăn là một nhiệm vụ to lớn. Một bữa tối cả gia đình dùng hết 30 con gà, 60kg khoai tây và 100 kg gạo.

đa thê, một chồng nhiều vợ, Ấn Độ

Gia đình này có trường học riêng, một sân chơi, xưởng làm mộc, trại lợn, trại gia cầm và một vườn rau đủ lớn để cung cấp cho cả nhà.

Ông Chana là chủ giáo phái cho phép thành viên lấy bao nhiêu vợ tùy thích.

đa thê, một chồng nhiều vợ, Ấn Độ

Ông Chana và người vợ trẻ nhất

Ông Chana giữ những người vợ trẻ nhất ở gần giường, còn những người lớn tuổi hơn thì nằm xa. Tuy nhiên, có hệ thống quay vòng để đảm bảo các bà vợ đều được ngủ chung với chồng.

Rinkmini, một trong những bà vợ của Chana, năm nay 35 tuổi nói: “Chúng tôi sống quanh ông ấy vì đó là người quan trọng nhất trong nhà. Ông ấy là người đẹp trai nhất làng”.

———–

http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/170619/can-canh-gia-dinh-1-chong-39-vo.html

 

 

Xét xử vụ Bầu Kiên: Bị cáo Trần Xuân Giá xin vắng mặt

Tác giả: Nhóm PV

Sáng nay (16/4), TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là “bầu Kiên”) và đồng phạm ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 16-29/4.

 

Những bị can ‘đại gia’ trong đại án bầu Kiên

Liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên, một loạt “đại gia” nguyên là lãnh đạo ngân hàng sừng sỏ, chuyên gia kinh tế kỳ cựu cũng sẽ phải đứng trước vành móng ngựa.

 

bầu Kiên, sếp ngân hàng, đồng phạm, xét xử, Hà Nội
Xem đồ họa toàn cảnh vụ bầu Kiên TẠI ĐÂY
10h25: HĐXX tiến hành hội ý.Khu vực theo dõi phiên tòa dành cho các cơ quan báo chí lại bị mất điện.

10h15: Đại diện Ngân hàng ACB nêu ý kiến, bị cáo Trần Xuân Giá không dự tòa sẽ không làm rõ một số nội dung quan trọng, vì thế đề nghị Tòa cho hoãn phiên xét xử.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng, quyền lợi của mình sẽ không đảm bảo vì thiếu lãnh đạo Thuế, đề nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Thuế… và triệu tập một số nhân chứng quan trọng đối với bị cáo. Bị cáo này đề nghị phiên tòa tiếp tục xét xử vì ” 3 tội danh của tôi không liên quan đến ông Trần Xuân Giá”.

 

VỢ BẦU KIÊN CÓ MẶT TẠI PHIÊN TÒA TỪ SỚM:

Xem hình ảnh tại đây.

Một số luật sưu cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Trần Xuân Giá có ảnh hưởng quan trọng đến việc làm rõ bản chất vụ án. Vì thế, cần phải tạm hoãn xét xử. Luật sư Nguyễn Đình Hưng bổ sung thêm: “Vụ án Huyền Như chưa có hiệu lực pháp luật, do vậy các luật sư chúng tôi không biết cách nào để tranh tụng, kính mong HĐXX bổ sung các tài liệu đã có hiệu lực pháp luật”. Vì lý do trên, ông Hưng cũng đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa.

Theo triệu tập của Tòa, siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như cũng có mặt tại phiên xét xử sáng nay. 

bầu Kiên, sếp ngân hàng, đồng phạm, xét xử, Hà Nội
Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như có mặt với tư cách người có nghĩa vụ liên quan

“Đại án” bầu Kiên liên quan gì đến Huyền Như?

10h13: Một số luật sư cho rằng, phiên tòa xét xử hôm nay vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, trong phiên xét xử hôm nay, không có mặt bị cáo Trần Xuân Giá, vì lý do sức khỏe.Vì vậy, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa.

Phóng viên tác nghiệp tại tòa gặp nhiều khó khăn vì sự cố mất điện và đường truyền tín hiệu. Rất nhiều ý kiến của các luật sư bị mất tiếng.

9h54: Kết thúc phần kiểm tra căn cước các bị cáo và điểm danh các luật sư cũng như đại diện các bên liên quan. Trước đề nghị của các luật sư xin hoãn phiên tòa, đại diện VKS cho rằng, việc vắng một số đại diện các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng đến phiên tòa; riêng ông Trần Xuân Giá, ngày mai sẽ có mặt. Vì thế, kiểm sát viên đề nghị tiếp tục phiên tòa.

9h20: Sau khi kết thúc phần kiểm tra căn cước các bị cáo, tòa điểm danh các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và các bên liên quan.Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Giá cho hay, ông đã nộp đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do, bị cáo này hiện sức khỏe yếu, không thể có mặt tại phiên xét xử hôm nay. Tuy nhiên, trước đó, HĐXX đã thông báo, bị cáo này sẽ có mặt tại phiên xét xử vào ngày mai (17/4). 

Chùm ảnh các sếp ngân hàng đến hầu tòa

Sáng 16/4, hàng loạt sếp ngân hàng, nguyên là lãnh đạo ACB đã có mặt tại phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm với tư cách bị cáo.

8h55: Phiên tòa tiếp tục với phần kiểm tra căn cước của các bị cáo: Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang,Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến….

8h45: Phòng xử án lại mất điện. Hội đồng xét xử phải tạm dừng chờ xử lý sự cố điện.

8h42: Phòng xử án đã có điện trở lại. Phiên tòa tiếp tục phần kiểm tra căn cước của bị cáo Kiên.

8h27: Phòng phóng viên theo dõi qua màn hình nối với phòng xử án bị sự cố mất điện đột ngột. Phòng xử án cũng bị mất điện.

8h45: HĐXX điểm danh, kiểm tra căn cước các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bị cáo Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB vắng mặt vì lý do sức khỏe. Ông Giá bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính thông báo, bị cáo Trần Xuân Giá xin vắng mặt hôm nay, ngày mai bị cáo sẽ có mặt tại tòa.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trả lời rõ ràng những câu hỏi từ chủ tọa phiên tòa. 

Những hình ảnh một thời lẫy lừng của bầu Kiên

Từng sở hữu khối tài sản khổng lồ, khó thể đong đếm; những phát ngôn táo bạo; những cú “mạnh tay” chi đậm trong làng bóng đá… Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) lại phải “hạ cánh” trong trại giam.

8h20: Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội,  Chủ tọa phiên tòa tuyên bố lý do xét xử.

8h15: Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm được dẫn giải vào phòng xử án. Bầu Kiên trong trang phục áo sọc, quần đen, trông già và gầy hơn so với ngày bị bắt.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, trú ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 8 đồng phạm bị VKSND Tối cao truy tố về 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.

bầu Kiên, sếp ngân hàng, đồng phạm, xét xử, Hà Nộibầu Kiên, sếp ngân hàng, đồng phạm, xét xử, Hà Nội
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm.

Trong đó, ông Kiên bị truy tố về cả 4 tội danh nói trên.

Hai bị cáo: Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

bầu Kiên, sếp ngân hàng, đồng phạm, xét xử, Hà Nội
Bầu Kiên và các đồng phạm trước giờ xét xử.

Các bị cáo: Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, các bị cáo đã gây ra thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội giữ quyền điều hành phiên tòa.

Khoảng 6h30: Xe bịt bùng chở bầu Kiên và các đồng phạm vào khu vực chuẩn bị xét xử.

Rất đông lực lượng công an đã có mặt tại phiên tòa để bảo vệ trật tự. An ninh phiên tòa được siết chặt.

Rất nhiều phóng viên các báo đài đã có mặt từ sớm. Tuy nhiên, phải đến 7h55, phóng viên các cơ quan báo chí mới được vào trong khuôn viên tòa án TP Hà Nội và theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn ảnh.

bầu Kiên, sếp ngân hàng, đồng phạm, xét xử, Hà Nội
Xe bít bùng chở bị cáo đến tòa. (Ảnh: P.Hải)bầu Kiên, sếp ngân hàng, đồng phạm, xét xử, Hà Nội
Các luật sư cũng có mặt sớm để tham gia phiên xét xử. (Ảnh: H.Sang)
XEM ĐẦY ĐỦ CÁO TRẠNG TẠI ĐÂY

(Tiếp tục cập nhật…)

—————–

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/170720/truc-tiep–bi-cao-tran-xuan-gia-xin-vang-mat.html

Title bài, Blog Kim Dung/ Kỳ Duyên biên tập cho phù hợp hoàn cảnh kỹ thuật Blog  😛

 

 

 

Bí ẩn lăng mộ lớn nhất thế giới thời cổ đại Trung Quốc

Tác giả: Ánh Toan

.
Qua thám sát bằng máy móc, các nhà khoa học cũng khẳng định bên trong lăng mộ là vô số ngọc ngà, châu báu, mà số lượng phải tính bằng hàng trăm tấn.

.
Nhắc đến lăng mộ Trung Quốc, người ta thường nghĩ ngay đến lăng mộ Tần Thủy Hoàng, với vô số điều kỳ bí đang dần hé lộ, trong các cuộc khai quật. Tuy nhiên, chúng ta không biết rằng, có một lăng mộ còn lớn hơn cả lăng Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, đây được coi là lăng mộ cổ đại lớn nhất thế giới. Đó chính là lăng mộ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, đời nhà Minh – 1381.
Lăng mộ Minh Thái Tổ gọi là Hiếu Lăng, hợp táng hoàng đế khai quốc nhà Minh cùng hoàng hậu họ Mã. Lăng mộ nằm ở núi Độc Long, thuộc Nam Kinh.
Quy mô Hiếu Lăng khiến cả thế giới phải kinh ngạc, thậm chí các đế vương Ai Cập nằm trong các Kim Tự Tháp khổng lồ cũng phải vị nể. Chiều dài lăng mộ này lên tới 22,5km.
Các công trình bên trong tường vây lăng mộ đều nguy nga, tráng lệ. Có tới 70 ngôi chùa, 100 ngàn cây tùng cổ. Theo sử sách, vào đời Minh, có tới 10 ngàn quân sĩ ngày đêm tuần tra bảo vệ cho giấc ngủ của hoàng đế Chu Nguyên Chương.
Hiếu Lăng cùng với lăng mộ của Võ Tắc Thiên được coi là công trình lăng mộ còn nguyên vẹn nhất, chưa bị xâm phạm đáng kể.

chu nguyên chương

Hiếu Lăng

Tiếp tục đọc

Những bức ảnh thú vị của tạp chí LIFE về VIỆTNAM năm 1948

Tác giả: Theo Kiến thức

KD: Cảm ơn bạn bè iu quý gửi cho những tấm ảnh thú vị này.  Chúc ngày mới luôn vui vẻ  😛

Những người đàn ông Việt Nam “đậu” như chim trên hàng rào, xe điện chạy trên đường phố Sài Gòn… là những hình ảnh độc đáo do phóng viên tạp chí Life chụp ở Đông Dương năm 1948

 

Những người đàn ông “đậu” như chim trên hàng rào để xem đua ngựa ngày chủ nhật ở trường đua ngựa Sài Gòn.
 
 
Xe bò kéo chạy qua tòa nhà sau này trở thành thương xá Tax ở Sài Gòn.

Tiếp tục đọc

Ác mộng

 

Tác giả: Duy Linh

KD: Bạn trẻ Duy Linh vừa gửi cho mình bài viết này, xin được đăng lên đây. Cũng may đó chỉ là giấc mộng, theo cách tưởng tượng của tuổi trẻ,  chứ không phải hiện thực   😀

Khổ! Thời buổi @ này, tình hình kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế,…trong nước, ngoài nước nóng rẫy, diễn biến khó lường, nên tôi đây, vốn ít tiền không sắm tàu bay riêng như bầu Đức được, liền nghĩ ra cách tự chế cái tàu lượn gắn vào người, để…bay đi bay đó hóng tin cho nó nhanh. Thế là từ đó giang hồ gọi tôi đây là Người Bay. Ừ, thì Người Bay.

Mấy hôm nay bay khắp Hà Nội, đâu đâu cũng nghe bàn tán vụ 34 nghìn tỷ mà Bộ giáo dục xin Quốc hội để đổi mới sách giáo khoa. Kinh quá! Lúc đầu đọc báo, mình cứ tưởng 34 tỷ, bỏ qua. Sau thấy ầm ĩ ngoái lại thì không tin nổi. Mấy ông giáo sư, chuyên gia giáo dục lập tức lên tiếng, thậm chí có mấy vị đánh tiếng xin “thầu” vụ này, vỏn vẹn có 100 tỷ.

Tiếp tục đọc

Title còn bỏ ngỏ

Tác giả: Tiến Hải

KD: Đọc bài này mà bật cười. Trong cuộc sống, ở các công sở, không thiếu những loại người- nhân vật chính của bài viết mà nhà báo Tiến Hải vẽ ra chân dung, rất sinh động. Để tồn tại và … phát triển có những vị đã phải “biến màu” rất nhanh cho phù hợp với Sếp. Mình thì nghĩ, bài này có thể đặt Title là Cái bóng- hoặc Tắc kè hoa (loài vật có khả năng biến màu rất nhanh).

Cơ quan cũ của mình trước đây có một vị, lúc nào nói với Sếp cũng cười hẹ…hẹ… nghe ngượng và khó chịu lắm, và lúc nào cũng lum khum trước mặt Sếp. Nhưng thế này mới kinh: mình chứng kiến, một lần có tiếng chuông đt, ổng cầm máy nghe, vừa nghe thấy tiếng người trong máy, hẳn là Sếp, mình bỗng thấy ổng cúi rạp người… một mình: Dạ anh ạ!  khiến mình phải chạy ù té ra ngoài, cười chảy nước mắt. Vậy mà mãi 55 tuổi, ổng mới được kết nạp, khiến bọn bạn bè mình lại khúc khích với nhau, gọi ổng là “mầm non của Đảng”!

Hẹ…hẹ…  😀

Cảm ơn nhà báo Tiến Hải

Tên anh ấy là Q. Những nhận xét, đánh giá về anh rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau tới 180 độ. Người thì bảo anh thức thời, biết thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể. Người thì ca ngợi anh có khả năng nắm bắt quy luật khách quan đang vận động trong hiện tại và dự báo một cách chính xác sự vận động của nó trong tương lai cho nên anh luôn đứng vững và phát triển.

Người khác lại phê phán anh là sống không có bản lĩnh, thiếu chính kiến, quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật, thủ trưởng bảo sao nghe vậy, cam phận nô bộc, tôi đòi. Có người còn gay gắt bảo anh là “con điếm chính trị” vân vân và vân vân . Chẳng biết ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai và mức độ chính xác của mỗi ý kiến đến đâu.

Tôi rất quen biết Q nhưng thú thật là cũng đành chịu, không thể rút ra được một nhận xét nào khả dĩ nói đúng được bản chất của con người anh. Vì thế, khi viết bài này, tôi mới chọn đầu đề : “Title còn bỏ ngỏ” với mong muốn bạn đọc sau khi xem xong tự đặt cho nó một cái title thích hợp.

Tiếp tục đọc

Người Việt nghĩ ngắn: Trộm vào Việt Nam tha hồ cắm cờ trên đất trống

Tác giả: Lê Quang Vũ

KD: Giống như hệ quả của tất cả những tư duy “ngắn hạn” khác đã bắt rễ vào đời sống hàng ngày của người Việt, con đường mòn “từ nghĩ ngắn đến làm ngắn” đang vạch cho các doanh nghiệp Việt Nam một lộ trình mạch lạc dẫn tới thất bại! (LQV)

Tại cái nước Việt mình nó thế  😀  

Tác giả chê tầm nhìn người Việt ngắn bởi nó đích thị là tư duy tiểu nông, ăn sổi ở thì, chỉ thấy cái lợi trước mắt, mang tính đầu cơ hơn là đầu tư để có chiến lược dài hơi. Toàn những cái ngắn gặp nhau mà không thể cộng vào được thành cái… dài , chỉ thành ra cái hỗn độn   😛

Trong khi quản lý thì tùy tiện, lỏng lẻo, hở ra một cái là hối lộ, ăn hối lộ, ăn cắp, tham nhũng.

———–

Tư duy thường gặp

Sự kiện những xe dưa hấu xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh và được chủ hàng đổ về nội đô bán tháo với giá rẻ mạt những ngày vừa qua là minh chứng rõ nét cho việc doanh nghiệp Việt Nam tư duy ngắn để rồi hành động ngắn. Rõ ràng, chúng ta đang mắc đi mắc lại một bài cũ: Đổ xô đi trồng bất kì loại nông sản nào mà Trung Quốc thu mua với giá cao trong vụ mùa trước, mà chẳng nghiên cứu nhu cầu cũng như xu thế của thị trường. Thiếu tầm nhìn chiến lược, doanh nghiệp mãi chỉ là con rối trong tay kẻ “thao túng”.

Cũng chỉ vì nghĩ ngắn, một đất nước có đầy tiềm năng du lịch như Việt Nam mà 80% khách quốc tế chỉ đến một lần và quyết định không bao giờ quay trở lại. Khi Sapa được nhớ đến bởi những trò “giữ tay kéo áo” mời mua đồ, Huế nổi danh vì những cuốc xe ôm chặt chém, Hạ Long gây ấn tượng bởi hàng nhái thì nguồn thu du lịch sẽ mãi chỉ là miếng bánh nhỏ bị xâu xé. Tổng cục du lịch cho biết năm 2013 có hơn 7,5 triệu khách đến Việt Nam. Con số này của Thái Lan là 26,7 triệu, của Singapore là 15,5 triệu. Mục tiêu doanh thu của các doanh nghiệp nên xây dựng trên mức tăng trưởng số khách, làm cho miếng bánh thị trường to lên, chứ không thể chỉ chăm chăm kiếm miếng to trong một chiếc bánh nhỏ.

thương hiệu, kinh tế, chiến lược, tư duy
Sự kiện những xe dưa hấu xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh và được chủ hàng đổ về nội đô bán tháo với giá rẻ mạt những ngày vừa qua là minh chứng rõ nét cho việc doanh nghiệp Việt Nam tư duy ngắn để rồi hành động ngắn. Ảnh: Nhị Tiến

Đáng buồn là tư duy đó lại đang trở nên phổ biến hơn. Và điều này phần nào lý giải cho việc doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có xu thế bé lại so với thế giới. Báo cáo doanh nghiệp thường niên được Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam công bố hôm 8/4 cho biết doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2%.

Bà Vitoria Kwakwa, Giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam được dẫn lời cho biết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là các đơn vị vừa và nhỏ: 90% dưới 50 lao động, trong đó đơn vị siêu nhỏ (dưới 10 lao động) chiếm 60%, và đại đa số đều dưới 200 người.

Những cơ hội bị đánh cắp

Hoạt động trên quy mô nhỏ với tầm nhìn ngắn, các doanh nghiệp Việt Nam đang đánh mất những cơ hội lớn.

Mất mát rõ nhất là thương hiệu của không ít doanh nghiệp bị kẻ khác “cắm cờ trên vùng đất trống”. Sau một năm kiện cáo, cuối cùng thì cà phê Ban Mê Thuột cũng đòi lại được cái tên từ doanh nghiệp của Trung Quốc. Nếu có tầm nhìn dài và đăng ký bảo hộ thương hiệu từ đầu, chắc chắn sự cố này đã không khiến phía Việt Nam phải hao tâm tổn lực.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế. Gần đây nhất là sự việc nước mắm Phú Quốc bị công ty Viet Huong Fishsauce đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ, cộng đồng chung Châu Âu, Trung Quốc và Australia. Công ty của Mỹ đã đăng ký bảo hộ chính xác hình ảnh chữ “Phú Quốc” kèm logo hình con cá cơm và bản đồ Việt Nam.

Nếu bây giờ, nước mắm Phú Quốc thâm nhập các thị trường trên, dù có xuất xứ từ chính đảo ngọc của Việt Nam thì nó cũng không được mang tên của chính mình.

Không chỉ mất tên, tầm nhìn ngắn còn khiến cho nhiều doanh nghiệp đánh mất thị trường cũng như tự đóng cơ hội vươn ra thế giới của mình. Việt Nam đã gia nhập vào hầu hết các tổ chức kinh tế toàn cầu, nhưng số doanh nghiệp Việt nam thật sự thành công ở nước ngoài vẫn vô cùng khiêm tốn. Trong khi đó, sân nhà thì lại bị lấn lướt bởi ngoại lai.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan 2013, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước trước đây như dệt may, da giày… có kim ngạch cao đã rơi vào tay các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang “thua toàn tập” trên các lĩnh vực xuất khẩu linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính, máy ảnh…

Cuộc chơi sẽ ngày càng khắc nghiệt, và những toan tính tủn mủn sẽ không thể trở thành động lực để đi xa, dù là đi ngay trên sân nhà mình.

Tầm nhìn ngắn cũng khiến nhiều doanh nghiệp không có ý thức xây dựng lực lượng để sẵn sàng đón đầu các xu thế. Tư duy ăn xổi ở thì cũng khiến doanh nghiệp Việt đa phần là làm theo, bắt chước, chứ ít khí tự nhận biết được cơ hội mới để đi tiên phong.

Khả năng tài chính hạn chế, quy mô nhỏ, không có nhiều kinh nghiệm ở sân chơi quốc tế là những hạn chế lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu. Tuy nhiên, không phải là không có cơ hội.

thương hiệu, kinh tế, chiến lược, tư duy
Nước mắm Phú Quốc giờ không được mang tên mình trên thị trường quốc tế. Ảnh: daophuquoc

 

 

 

 

 

Thời cuộc mới, luật chơi mới

 

Trong một thế giới phẳng, khoảng cách thông tin và nhận thức đã rút ngắn đi rất nhiều. Sự xuất hiện của các ngành nghề mới và các lĩnh vực mới cũng nhiều hơn, và chúng mang lại cơ hội đồng đều cho tất cả. Một doanh nghiệp có tầm nhìn xa, thì dù nhỏ vẫn có thể chiến thắng được các công ty có nhiều năm kinh nghiệm nhưng bảo thủ và trì trệ. Một doanh nghiệp có chiến lược tốt vẫn có thể đạt được thành công cao hơn với chi phí thấp hơn. Một doanh nghiệp dám mạnh dạn thay đổi cách tư duy “ăn xổi ở thì” sẽ dễ dàng tách mình ra khỏi rủi ro để tịnh tiến về thành công.

Tất cả nằm ở trong một tầm nhìn chiến lược.

Trước thềm TPP, kinh tế Việt Nam đang bước những bước chập chững vào guồng quay chuyên nghiệp, nơi có những nguồn lợi nhuận khổng lồ hơn và đương nhiên là cả những cú ngã đau hơn. Những yếu tố đã giúp các doanh nghiệp làm nên thành công trong quá khứ không còn phù hợp để giúp họ tiếp tục phát triển trong điều kiện thị trường mới. Sân chơi ngày hôm nay có những đối thủ là những công ty nước ngoài, những tập đoàn đa quốc gia có nhiều chục năm kinh nghiệm, có nguồn vốn dồi dào và dàn nhân sự được trang bị kiến thức đến tận răng. Thành công của Samsung, Lotte, Intel… và rất nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài khác có nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm.

Bài 3: Làm thương hiệu hay “trọc phú ném tiền”?

———–

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/169802/trom-vao-viet-nam-tha-ho-cam-co-tren-dat-trong.html

 

 

 

 

Phát ngôn ấn tượng của người “làm chính quyền đau đầu”

Tác giả: Hoàng Hường (thực hiện)
KD: Nói thẳng ra, hiện tượng Seymour Hersh cũng là sản sinh ra trong một xã hội thực sự dân chủ. Những điều tra, phát hiện sự thật của báo chí Mỹ nói chung, của một nhà báo tầm cỡ như Seymour Hersh nói riêng khiến giới chức Mỹ đau đầu, và như một sự vận động của xã hội, họ phải “nâng tầm quản lý”- nói theo cách nói của người Việt. Sự vận động của hai phái, khiến xã hội luôn vận động, phát triển và hoàn thiện. Nó sẽ khác hẳn với việc, nếu giới cầm quyền Mỹ bỏ tù nhà báo Seymour Hersh với đủ tội danh, và kết đủ thứ tội về tư tưởng, thì nước Mỹ hẳn sẽ rất khác- cũng sẽ lẹt đẹt đi sau nhân loại mà thôi.
———
Công việc của nhà báo không phải để chấp nhận rằng tất cả những điều lãnh đạo của họ nói đều là sự thật, hay đáng tôn trọng. Phải luôn đặt câu hỏi. LTS: Năm 1969, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, nhà báo Seymour Hersh đã đưa ra ánh sáng vụ thảm sát ở Mỹ Lai (16/3/1968) vốn làm thay đổi dư luận Mỹ chống lại cuộc chiến Việt Nam. Seymour Hersh được trao Pulitzer Prize cho loạt phóng sự này. Sau đó, ông về làm cho tờ The New York Times và dẫn đầu toán ký giả của báo này điều tra vụ Watergate vốn dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Richard Nixon.

Seymour Hersh cũng đã đưa ra ánh sáng nhiều chuyện khác: máy bay KAL 007 bị Liên Xô bắn rơi; Israel bí mật sản xuất vũ khí nguyên tử, thất bại của Hoa Kỳ trong việc săn tìm Osama bin Laden ở Afghanistan, cảnh lính Mỹ ngược đãi tù nhân trong nhà tù Abu Ghraib..

Trung thành với phương châm làm báo “thể hiện lòng trung thành của mình là đặt câu hỏi” Seymour Hersh luôn làm giới chức Mỹ đau đầu.

Công luận tôn vinh ông là “anh hùng trong giới báo chí”, đồng nghiệp coi ông là “ông trùm phóng sự điều tra” là nhà báo tầm cỡ nhất thế giới, còn quan chức chính phủ Mỹ gọi ông là “kẻ khủng bố”.

Tuần Việt Nam trao đổi cùng nhà báo Seymour Hersh.

chính phủ, Mỹ, Việt Nam, Seymour Hersh

Nhà báo Seymour Hersh. Ảnh: The Politic

Người luôn bị những bữa tiệc từ chối

Tính cả vụ Mỹ Lai, ông đã khiến Chính phủ Mỹ đau đầu khi lật tẩy nhiều vụ việc. Có khó khăn không khi chọn lựa trở thành một nhà báo chân chính, nhưng có thể nguy hiểm ở thế đối đầu với Chính quyền?

Đó là điều tôi tin tưởng về chức năng của báo chí, và của một nhà báo,  là để giữ được sự đứng đắn và trung thực ở mức độ cao nhất có thể cho những người trong cơ quan công quyền, và ràng buộc trách nhiệm của họ với những hành động mà họ đã làm; đặc biệt với những người có đủ quyền lực để yêu cầu những người đàn ông/đàn bà vào các cuộc chiến tranh.

Tất nhiên với tư cách một nhà báo tôi không đủ quyền lực để bắt buộc các nhân viên công quyền hành động đúng đắn, nhưng thực tế đôi khi những nhà báo có nhiều quyền lực hơn là chúng ta vẫn nghĩ, hoặc muốn. Chẳng hài hước khi bạn luôn là người không được mời đến các bữa tiệc, đến Nhà Trắng, chấp nhận thôi!

Nhiều câu hỏi từng được đặt ra: Tại sao những người lính Mỹ có thể làm những việc kinh khủng thế với những người phụ nữ và trẻ em vô tội ở Mỹ Lai. Đó không phải là cách con người nên đối xử với nhau. Ông có lời giải thích nào thuyết phục không?

Việc  những người đồng bào Mỹ của tôi đã làm là khủng khiếp, và tất cả họ đáng bị trừng phạt vì những hành động đó; nhưng đối tượng đáng trừng phạt nhất là những cấp trên của họ. Chúng ta đều biết rằng chiến tranh là địa ngục , và không có gì đáng sợ hơn việc một cậu bé 19 tuổi được đặt một khẩu súng trường vào tay, khi mà cậu ta không hề biết môi trường văn hóa ở nơi mà cậu ta bỗng nhiên bị ném vào.

Còn những người nắm chức quyền, là những người – về lý thuyết – là lớn tuổi và khôn ngoan hơn tiếp tục phải chịu trách nhiệm lớn lao về thất bại ở Việt Nam. Họ là những ‘cha đẻ’ của những vụ việc vô cùng tệ hại ở Mỹ Lai và nhiều nơi khác ở Việt Nam. Khi những người lính trẻ cưỡng hiếp, giết hại người dân Mỹ Lai đều dưới sự chấp thuận của những cấp trên trực tiếp – những người chẳng có bất kỳ hành động gì để ngăn chặn cuộc sát hại.

Điều xấu hổ của đất nước tôi là ông Tổng thống và ban bệ của ông ấy đã không đòi hỏi tất cả những sĩ quan trong vụ này phải bị truy tố, kể cả những cấp cao hơn, bao gồm cả Tổng thống Mỹ và những quan chức trong chính phủ của ông ấy vì đã không có những phản ứng thích hợp khi họ là người tiến hành chiến tranh, và là nguyên nhân của những cuộc biểu tình khắp nước Mỹ.

Báo chí Việt Nam cho rằng: ‘Cuộc thảm sát Mỹ Lai đã ‘dội bom’ công luận, làm thay đổi quan điểm thế giới về chiến tranh Việt Nam và kích hoạt phong trào phản chiến’. Điều này đúng không thưa ông? Trước khi vụ thảm sát bị đưa ra công luận, người Mỹ nghĩ thế nào về cuộc chiến tranh Việt Nam?

Tôi không thể trả lời câu hỏi này vì tôi không biết người Mỹ nghĩ gì về cuộc chiến. Tôi chỉ biết rằng rất nhiều người phản đối cuộc chiến nhưng hai Tổng thống Johnson và Nixon vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh bằng mọi giá, cho đến khi phía quan điểm đối lập thắng.

Tôi đồng ý vụ thảm sát Mỹ Lai đã làm cho người Mỹ căm ghét chiến tranh, nhưng tôi nghĩ thời điểm quan trọng nhất là khi Calley (William Calley – viên sĩ quan trực tiếp chỉ huy trung đội thực hiện vụ thảm sát Mỹ Lai – PV) và những đồng đội của anh ta bị tòa án buộc tội giết người hàng loạt.

Sau đó, dù rất khó khăn cho Tổng thống Nixon tiếp tục cuộc chiến, nhưng ông ta vẫn làm.  Đó là một thất bại lớn của nền dân chủ.

Ông có thể nói điều gì về William Calley. Cảm giác của ông thế nào khi phỏng vấn ông ta lần đầu tiên? Sự kiện Mỹ Lai đã tác động đến cuộc đời William Calley và những lính Mỹ  tham gia vụ thảm sát như thế nào?

Điều đầu tiên tôi nghĩ là William Calley không nên là một sĩ quan quân đội, không nên phải lãnh đạo người khác trong một tình huống sống chết. Nhưng ông ta đã là một trong những sĩ quan quân đội trong chiến tranh và đã hành động thật nhục nhã.

Thật kinh khủng, những điều này lại xảy ra khá thường xuyên trong tất cả các cuộc chiến tranh. Những người đàn ông/đàn bà được đào tạo sơ sài và thực hiện máy móc mệnh lệnh cấp trên. Chiến tranh thường là bi kịch hơn là chủ nghĩa anh hùng hay những tung hô cao quý.

Tất nhiên thi thoảng nó cũng mang những điều tốt cho nhân loại, khi những người lính hy sinh bản thân họ cho những người khác, cho những lý tưởng cao quý;  nhưng đáng tiếc là chiến tranh thường là dấu hiệu của sự yếu đuối và thất bại của lãnh đạo.

chính phủ, Mỹ, Việt Nam, Seymour Hersh
Tượng đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thám sát Mỹ Lai tai khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: VOV

Làm báo không phải để chấp nhận mọi điều sếp nói đều thật

“Cách tôi thể hiện lòng trung thành của mình là đặt câu hỏi, chứ không phải chấp nhận bất kỳ điều gì liên quan đến sự trung thành. Nếu chúng ta không làm điều đó thì có nghĩa chúng ta quên lời hứa trung thành. Do vậy, chịu đựng mà không phản đối những gì thấp kém hơn, ngay cả khi nhân danh an ninh quốc gia, là điều sai trái”. Khi nhắc tên ông, người ta cũng thường nhắc đến quan điểm làm báo này, ông đã bao giờ rơi vào thế phải đi ngược lại chuẩn mực nghề nghiệp của mình?

Tôi mong rằng tôi không bao giờ đi chệch niềm tin đó. Công việc của nhà báo không phải để chấp nhận rằng tất cả những điều lãnh đạo của họ nói đều là sự thật, hay đáng tôn trọng; mà phải luôn đặt câu hỏi.

Tôi hiểu rằng tôi sống trong chế độ dân chủ nơi những ý kiến như của tôi có giá trị và được tôn trọng. Tôi cũng hiểu rằng ở một số quốc gia khác những ý kiến như vậy là không thể và nguy hiểm, nhưng chúng ta nên luôn nghĩ rằng một thế giới hoàn hảo nên tồn tại.

Mỹ được coi là ‘ông lớn’ trên thế giới. Các nước nhỏ và những khu vực không ổn định luôn mong Mỹ giúp đỡ gìn giữ hòa bình và sự ổn định. Tuy nhiên, nhiều người vô tội chết trên các con đường có dấu chân lính Mỹ, ở Việt Nam, Irag, Afghanistan.. Ông nghĩ sao?

Đất nước tôi đã phạm sai lầm khủng khiếp sau Thế chiến 2, vốn được coi là cuộc chiến tranh chính nghĩa, hay là cuộc chiến chính nghĩa cuối cùng. Chúng tôi đã sai khi tấn công Irag, Afghanistan, Libya…

Bạn không thể chống lại một cuộc thánh chiến được phát động cùng súng đạn. Bạn phải cố hiệu tại sao những ý tưởng điên rồ tồn tại và được phổ biến. Đáng buồn nhất là suy nghĩ rằng những người không theo hoặc chia sẻ niềm tin hay tập quán tôn giáo với bạn là kém cỏi hơn, muốn là có thể trừng phạt hoặc tiêu diệt họ. Nhưng chúng ta sống trong thế giới mà sự điên cuồng đó dường như đang được lan tỏa, có thể nhìn thấy điều này ở những chiến binh ở Syria, thậm chí ở ngay vài đơn vị quân đội Syria.

Tôi tin rằng đó là hậu quả của thất nghiệp, tuyệt vọng, mất phương hướng; và Al qaeda đã tận dụng điều này để chiêu dụ họ làm chiến binh.

Công luận gọi ông ” anh hùng”; Richard Perle (*)  gọi ông “kẻ khủng bố”, ông gọi bản thân là gì?

Bạn biết câu trả lời của tôi. Tôi chỉ làm công việc của mình. Tôi nghĩ tất cả các nhà báo đều dành trọn sự nghiệp của mình để chinh phục lý tưởng của họ.

*Bài phóng sự ngày 17.3.2003 của Hersh lật tẩy những quan hệ làm ăn của Richard Perle, chủ tịch Ban Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, với quỹ tư nhân quản lý đầu tư của Saudi Arabia trong các công ty an ninh, và một công ty Anh chuyên bán phần mềm theo dõi cho FBI và CIA, đã khiến Perle phải mau chóng từ chức.

———-
Mời độc giả đọc loạt bài về vụ thảm sát Mỹ Lai được thực hiện năm 2011, nhân dịp người chụp những bức ảnh khủng khiếp về vụ thảm sát – cùng loạt phóng sự của Seymour Hersh – nhiếp ảnh gia Ron Haeberle về thăm lại hiện trường xưa.

Kỳ 1: Thảm sát Mỹ Lai: nhìn lại ký ức kinh hoàng

Kỳ 2: Buổi sáng định mệnh qua hồi ức Ron Haeberle

Kỳ 3: Sát nhân, anh hùng Mỹ và những người sống sót

Kỳ 4: ‘Người chết sống lại’ và cuộc hội ngộ đẫm nước mắt

Kỳ 5: Mỹ Lai: Từ bức ảnh tranh cãi đến… hành hung nhà báo

Kỳ 6: Ron Haeberle và người dân Sơn Mỹ ‘phán quyết’ về bức ảnh

——————

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/169351/phat-ngon-an-tuong-cua-nguoi–lam-chinh-quyen-dau-dau-.html

 

 

Putin đang sống ở một thế giới nào?

Tác giả: Đinh Minh Đạo

KD: Cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo vừa gửi cho Blog bài viết này. Xin đăng tải để bạn đọc đọc và trao đổi.

Sau hành động Nga đưa quân đội vào Krym, thủ tướng Đức Angela Merkel đã trao đổi điện thoại với tổng thống Putin. Sau cuộc nói chuyện điện thoại bà đã nhận xét: Putin như đang ở một thế giới nào khác, tôi không chắc là ông ta còn khả năng tiếp cận với thực tế không.

Nhận xét trên đây của bà thủ tướng Đức được nhiều nhà báo, chính trị gia…chia sẻ, nhưng có những ý kiến phản bác. Đến nay Nga đã hoàn thành các bước sáp nhập Krym vào lãnh thổ Nga, quân đội Nga còn điều động hàng vạn quân tập trận và áp sát vùng biên giới với Ukraina, hậu thuẫn cho những người dân gốc Nga ở phía đông Ukraina đòi ly khai, gây nên tình hình bất ổn và nguy cơ chia cắt nước Ukraina. Những người phản bác đưa ra những nhận xét, rằng Putin đã hành động rất tỉnh táo và hiệu quả. Một vài tác giả của báo chí “lề phải” Việt Nam còn hân hoan ca ngợi “Trận pháp Putin”(1), rằng sau thắng lợi ở Krym, ai cấm được Nga hợp tác với Trung Quốc sản xuất vũ khí siêu thanh tấn công toàn cầu, đánh thắng chiến lược “xoay trục” của Mỹ.

Vậy hậu quả của việc Putin sáp nhập Krym vào Nga đối với nước Nga nói riêng và thế giới nói chung sẽ ra sao?

Vài dòng lịch sử

Bán đảo Krym nằm ở phía bắc của Biển Đen, phần đất liền nối với miền nam Ukraina, phía đông giáp Biển Azov. Diện tích 27.000 km2. Phía đông Krym có dãy núi Jailu dựng đứng, chạy bao quanh bờ biển đến tận phía bắc, chia thành những dẫy nhỏ chạy song song và được bao phủ bởi rừng rậm. Phía bắc là những cánh đồng hoang rộng kế tiếp nhau. Phía nam Krym với nhiều thắng cảnh, nhiều di tích, các thành quách, các khu nhà cổ đổ nát, các tu viện của người Tatar, những khu vườn cây xinh đẹp, những cánh rừng ô liu nhỏ. Phía bắc khí hậu điều hòa, tạo điều kiện cho thảm thực vật phát triển gần giống khí hậu cận nhiệt đới, những thung lũng màu mỡ phì nhiêu nằm trên các bờ vịnh nhỏ, với những dòng suối chảy ngang, tạo thành những bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ.

Với khí hậu ôn hòa ở bờ biển phía nam, thuyền buồm của cư dân từ Biển Đen dễ dàng đến Krym trú ngụ và sinh sống. Nơi đây luôn là vùng đất của nhiều sắc tộc sinh sống và các cuộc chiến tranh giành Krym của các quốc gia vùng Biển Đen. Năm 1774 chiến tranh Nga – Thổ kết thúc với thắng lợi của Nga, Năm 1783 Nga sáp nhập Krym vào lãnh thổ của Nga. Năm 1864 sau những biến động về di cư, dân số của Krym 198.000 người, trong đó 50,3% người Tatar, 28,5% người Nga, 6,5% người Hy Lạp, 5,3% người Do Thái, 2,9% người Ác Mê Ni, 2,7% người Đức, 1,7% người Karaimi(2), 1,7% người Bungari. Đây là thời điểm sau cùng người Tatar chiếm đa số tại Krym.

Năm1917 những người bolsevik Nga nắm chính quyền nhưng chưa đủ sức mạnh để cai trị dân Tatar tại Krym. Tháng 11 năm 1917 Hội Đồng Trung Ương nước Ukraina đã sáp nhập 3 huyện phía bắc của Krym vào Ukraina trước sự phản đối của Nga và cộng đồng người Tatar.

Cuối năm 1920 chính quyền Lenin mới thực sự cai quản được Krym, năm 1921 thành lập nước Cộng Hòa Tự Trị Krym thuộc Cộng Hòa Liên Bang XHCN Nga. Trong chiến tranh thế giới II, năm 1942 – 1944 quân Đức đã chiếm đóng Krym. Tháng 05-1944 Hồng Quân giải phóng Krym. Ngay sau giải phóng, Stalin đã quyết định trục xuất 200 ngàn người Tatar Krym đến nước Cộng Hòa XHCN Uzbekistan thuộc Liên Xô, gần một nửa đã chết trên đường đi do đói rét hoặc ốm đau bệnh tệt. Chính quyền Stalin đã phạm tội ác chống loài người, họ đưa ra lý do cộng đồng dân Tatar Krym đã hợp tác vớí quân Đức chống lại Liên Xô.

Năm 1954, nhân dịp 300 năm ngày ký kết thỏa thuận Perejaslawska(3) Xô Viết tối cao ký quyết định sáp nhập Krym vào Ukraina.

Hiện nay dân số Krym 2,4 triệu, người Nga 60,4%, người Ukraina 24,01%, người Tatar 10,21%. Về sử dụng ngôn ngữ, tiếng Nga 79,1, tiếng Ukraina 9,6%, tiếng Tatar 9,6%.

Đi ngược dòng chảy của thời đại

Chiến tranh thế giới lần thứ II đi qua đã 60 năm, đây là khoảng thời gian hòa bình dài nhất kể từ đầu thế kỷ XX mà châu Âu được hưởng thụ. Các cuộc chiến tranh tàn khốc quy mô lớn thường bắt đầu từ châu Âu, lan rộng và cuốn hút cả thế giới, đưa đến thảm họa kinh hoàng cho nhân loại. Chỉ một nước Đức với chủ nghĩa dân tộc cuồng tín đã gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới, giết chết hàng vài chục triệu người. Các lò thiêu người ở Oswiecim Ba Lan và rải rác ở châu Âu luôn nhắc nhở các thế hệ người dân châu Âu ghê sợ, cảnh giác để ngăn ngừa chiến tranh. Nguyên nhân của các cuộc chiến tranh thường bắt đầu với những lý do về lãnh thổ, biên giới, chủng tộc, vùng ảnh hưởng và bảo vệ những người đồng hương.

Ý tưởng tiến tới một châu Âu thống nhất để ngăn ngừa chiến tranh, gìn giữ hòa bình, xây dựng phát triển kinh tế hiện đại đã được các chính trị gia, nhà văn, nhà triết học… của châu Âu đề cập từ thế kỷ XVIII, XIX, nhưng nó chỉ được thảo luận cụ thể sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Ngày 18-04-1951, sáu quốc gia dân chủ tây Âu gồm Pháp, Cộng Hòa Liên Bang Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Lusemburg đã ký kết thành lập Cộng Đồng Than Thép Châu Âu. Đây là tổ chức cơ sở đầu tiên tiến tới thành lập Liên Minh Châu Âu (EU) sau này. Hiện nay đã qua sáu lần phát triển mở rộng, EU bao gồm 28 quốc gia thành viên, hầu hết đều nằm trong khối quân sự NATO. Khu vực sử dụng đồng EURO gồm 17 quốc gia.

Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, Stalin đã hành động bạo ngược, vạch lại biên giới nhiều quốc gia trung và đông Âu. 1/3 lãnh thổ của Ba Lan ở phía đông đã bị sáp nhập vào Liên Xô, một phần lãnh thổ phía đông của Đức (bằng khoảng một nửa diện tích của Ba Lan đã bị sáp nhập vào Liên Xô) được sáp nhập vào Ba Lan. Biên giới giữa Tiệp và Đức cũng bị vạch lại. Một cuộc di dân ép buộc rộng lớn, đầy bi thương đã xẩy ra, hàng vạn người dân đã mất hết nhà cửa, ruộng vườn quê hương.

Liên Xô tan dã, chiến tranh lạnh kết thúc, biện pháp dùng bạo lực trong tranh chấp biên giới và lãnh thổ càng trở nên xa lạ ở châu Âu. Để duy trì hòa bình và ổn định, EU cùng các quốc gia của châu Âu đã đàm phán, ký kết các hiệp định giữ nguyên các đường biên giới giữa các quốc gia tồn tại từ sau chiến tranh thế giới II.

Sáp nhập Krym vào lãnh thổ Nga, chính quyền Putin đã vi phạm luật pháp quốc tế về tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia, phá vỡ sự ổn định của châu Âu, đi ngược lại xu thế lịch sử.

Một trong những lý do Nga đưa ra để thôn tính Krym là nó đã từng là lãnh thổ của Nga. Vậy, nếu như Ba Lan cũng đưa ra lý do tương tự để đòi lại thành phố Lwow, nơi đã sinh ra nhiều danh nhân Ba Lan nay thuộc Ukraina? Nếu như Đức cũng đưa ra lý do tương tự để đòi lại thành phố Wroslaw cổ kính nay thuộc Ba Lan?

Câu trả lời: có thể sẽ đưa châu Âu đến một cuộc chiến tranh mới.
Lý do thứ hai Nga đưa ra là để bảo vệ những người Nga đang sinh sống ở Krym. Đây là sự ngụy tạo làm các nước láng giềng của Nga phải “giật mình”. 14 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giờ đây là các quốc gia độc lập, nhưng đều có người Nga sinh sống. Một ngày xấu trời nào đó, “Nga Hoàng” Putin ra lệnh đưa quân vào để bảo vệ những người đồng hương của mình (chẳng hạn như Estonia có đến 25,6% dân số là người Nga), như đã từng làm ở Osetia và Abchazja của Gruzia.

Hành động sau cùng mà Nga tiến hành để sáp nhập Krym là tổ chức trưng cầu dân ý. Krym là lãnh thổ của Ukraina, chính quyền Krym muốn tổ chức trưng cầu dân ý phải thảo luận và được sự đồng ý của chính phủ Ukraina theo đúng hiến pháp hiện hành của Ukraina. Nhưng có một điều chắc chắn, trưng cầu dân ý dưới họng súng của của những binh lính Nga bịt mặt, các xe tăng Nga đã khống chế các đường phố, trụ sở các cơ quan hành chính, các căn cứ quân sự của Krym, một cuộc trưng cầu dân ý như vậy không thể được coi là hợp lệ.

Như vậy sáp nhập Krym vào Nga, Putin đã gây ra tình hình bất ổn cho Ukraina và châu Âu, không một quốc gia nào (kể cả ông bạn vàng Trung Quốc của Nga) ủng hộ hành động này. Putin đã đưa nước Nga đi ngược xu thế hòa bình, ổn định của châu Âu và thế giới ngày nay.

Nga đã hành động như một đế quốc, luôn nhòm ngó lãnh thổ các nước láng giềng để chiếm đoạt hoặc gây ảnh hưởng. Hành động đã và sẽ đưa nước Nga đến vị thế cô lập và sự bất ổn về kinh tế.

Mỹ và EU biết phải làm gì để thắng Putin

George Soros nhà kinh tế, tỷ phú Mỹ, người đã đầu tư nhiều tiền bạc và công sức để giúp đỡ phát triển thể chế tự do dân chủ của các quốc gia đông Âu hậu cộng sản đã nói: “Châu Âu rất cần đến Nga như một đối tác, nhưng Putin đã đưa nước Nga trở thành đối thủ của châu Âu”. Chúng ta thử xem xét, so sánh sự cân bằng lực lượng giữa hai đối thủ nước Nga của Putin và EU, dĩ nhiên là EU và cả Mỹ đều mong muốn hợp tác với Nga hơn là đối địch.

Ai cũng biết nước Nga là một quốc gia rộng lớn nhất thế giới, diện tích 17.075.400 km2, chiếm gần 1/6 diện tích địa cầu, trải dài từ bắc Á đến đông Âu, dân số là 143,5 triệu (số liệu 2012), mật độ dân số 8,4 người/km2. Tổng sản phẩm quốc dân năm 2013 là 2.117 tỷ USD, tương đương với với tổng thu nhập quốc dân của Ý (dân số Ý 60,92 triệu người). Nước Nga có trữ lượng dầu hỏa, gaz nhiều nhất thế giới, Nga còn có nhiều kim loại quý như vàng, kim cương, niken, titan, nhôm. Năm 2012, mỗi ngày Nga khai thác 10,73 triệu thùng dầu, đứng đầu về sản xuất dầu của thế giới. Xuất khẩu dầu hỏa, gaz và khoáng sản đem lại 90% nguồn thu nhập ngân sách và dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Năm 2013, mặc dù giá dầu hỏa trên thế giới tăng đều đặn, kinh tế Nga chỉ tăng trưởng có 1,3%.

Chế độ độc tài của Putin đã đưa kinh tế nước Nga phát triển, nhưng nền kinh tế Nga phát triển không bền vững, phụ thuộc nhiều vào giá dầu hỏa và gaz của thế giới. Putin dùng việc xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt làm công cụ để thực hiện ý đồ chính trị: mua chuộc, trừng phạt, gây sức ép… Nga là một trong những nước có bộ máy chính quyền tham nhũng nhất thế giới. Theo PricewaterhouseCooper (PwC), một trong bốn công ty toàn cầu có uy tín nhất thế giới về kiểm toán và tư vấn, tỷ lệ tham nhũng của bộ máy chính quyền Nga là 60%, châu Phi 50%, mức trung bình của thế giới 37%. Những đại gia Nga, những người chi phối, kiểm soát một phần đáng kể nền kinh tế Nga, không có một niềm tin nào vào chế độ Putin, họ gửi con cái sang các nước phương tây du học và sẵn sàng chuyển tiền bạc tài sản đến đó để làm ăn sinh sống.

Tổng thu nhập quốc dân của 28 quốc gia EU là 17.720 tỷ USD gấp 8 lần của Nga, dân số EU 732 triệu, gấp 5 lần dân số Nga. Tất cả các quốc gia EU đều theo thể chế dân chủ và có nền kinh tế thị trường ổn định, có chung một chính sách về an ninh và quốc phòng và hầu hết đã tham gia khối quân sự NATO. Chi phí quân sự của EU là 285 tỷ USD chiếm 1,7% thu nhập quốc dân, gấp 4 lần chi phí cho quân sự hàng năm của Nga. Nếu tính cả Mỹ trong khối NATO, chi phí của NATO hàng năm là 935 tỷ USD, gấp 15 lần Nga.

Về xuất khẩu, Nga là khách hàng đứng thứ 4 của EU , chiếm 6,7% lượng hàng xuất khẩu của EU (sau Mỹ 17,5%, Trung Quốc 8,3%, Thụy Sỹ 7,7%).

Mỹ và EU sẽ làm gì để ngăn chặn hành động xâm lược Krym và những hành động leo thang tiếp sau của Putin?

Trước hết Mỹ và EU loại bỏ khả năng đối đầu quân sự với Nga nếu như Nga không mở rộng hành động xâm lược sang các nước thành viên khối NATO.

Sau khi Nga sáp nhập Krym, Mỹ và EU đã hoạch định chính sách đối phó kịp thời trước mắt và lâu dài đối với Nga.

Ông Elmar Brok, nghị viên đại diện của đảng CDU/CSU Đức, chủ tịch ủy ban đối ngoại của nghị viện EU nói: “Nga tồn tại nhờ bán dầu hỏa và gaz, nếu chúng ta ngừng xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ cao một thời gian dài, sẽ là thảm họa cho nền kinh tế Nga, chúng ta từng bước, từng bước làm thất bại chính sách bành trướng của Putin” Các nhà chính trị cho rằng, nước Nga của Putin không phải chỉ ham muốn Krym và khôi phục đế quốc Xô Viết, Putin còn muốn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị quan trọng của thế giới. Theo kế hoạch, Putin sẽ đón 7 nguyên thủ quốc gia khác của nhóm G8 tại Sochi, nơi vừa tổ chức thế vận hội mùa đông vào tháng 06 tới, Obama và 6 nguyên thủ quốc gia phương tây đã khai trừ Nga ra khỏi nhóm G8 và chuyển địa điểm họp về Anh. Mỹ và EU đã lên danh sách các quan chức Nga bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và EU, Mỹ còn đóng băng một số ngân hàng Nga mà chủ ngân hàng là tay chân của Putin. Sự cảnh báo của Mỹ và EU đã tác động đến tình hình chính trị và kinh tế của Nga. Trong mấy ngày, đồng Rúp đã mất giá 13% so với đồng USD, thị trường chứng khoáng mất điểm, Elwira Nabiullina tổng giám đốc ngân hàng Nga đã phải công khai thừa nhận, dự đoán kinh tế Nga tăng trưởng 1,5 đến 1,8 trong năm 2014 đã quá xa vời, ngân hàng nhà nước vừa phải điều chỉnh xuống 0,6%.

Nếu Nga tiếp tục gây bất ổn và xâm chiếm lãnh thổ Ukraina, Mỹ và EU buộc phải cấm vận kinh tế đối với Nga. Mỹ có thể mạnh tay hành động vì Mỹ không bị phụ thuộc vào trao đổi hàng hóa với Nga. EU nhập khẩu từ Nga 1/3 tổng số gaz cần dùng, Putin sẵn sàng đóng các đường ống dẫn gaz sang EU nếu bị cấm vận.

Vì vậy EU đã và đang có kế hoạch “an ninh năng lượng ”. Đầu tiên, EU dần dần giảm tỷ lệ nhập khẩu gaz của Nga, trước mắt nguồn gaz hóa lỏng sẽ được nhập khẩu từ Mỹ, việc xây dựng hệ thống các thiết bị để tiếp nhận gaz hóa lỏng tại hải cảng Wilhelmshaven ở phía tây bắc Đức gần như đã hoàn tất. Trữ lượng gaz đá phiến ở các nước đông Âu của EU như Ba Lan, Rumani…rất cao, với sự giúp đỡ kỹ thuật của Mỹ đã và đang thăm dò và chuẩn bị khai thác. EU sẽ tiến hành đầu tư một công trình trọng điểm là đường ống dẫn gaz Nabcco dẫn ga từ vung biển Kaspien đến châu Âu và đình chỉ xây dựng đường ống dẫn ga từ Nga mang tên South Stream, đi dưới đáy Biển Đen, qua vùng phía nam châu Âu bỏ qua Ukraina.

Qua việc sáp nhập Krym, Nga đã đẩy Ukraina về với châu Âu, làm cho xu thế tách Ukraina ra khỏi sự phụ thuộc của Nga trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Giờ đây, những đảng phái, giới tinh hoa của Ukraina đã nhận ra, họ đã bỏ nhiều cơ hội để xây dựng đất nước trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ, dân chủ và giầu mạnh, nằm trong gia đình châu Âu. Họ phải rút ra bài học của quá khứ, bài học về chia rẽ, “cãi vã” giữa các nhà chính trị. Ukrain đang trong tình trạng rất khó khăn. Nga dùng mọi biện pháp để can thiệp, kích động những người gốc Nga sống ở các tỉnh phía đông Ukraina, dùng sự phụ thuộc năng lượng để khống chế Ukraina.

Mỹ và EU trước hết giúp đỡ Ukraina vượt qua khủng khoảng kinh tế, kế hoạch giúp đỡ lâu dài của Mỹ, EU và Qũy TiềnTệ Quốc Tế (IMF) gắn với các đòi hỏi về cải cách kinh tế, chính trị. Các nước đông Âu hậu cộng sản như Ba Lan, Séc…sẽ giúp đỡ Ukraina tiến hành các cuộc cải cách kinh tế, cải cách hành chính, cải cách luật pháp v…v. George Soros cho rằng, EU phải coi trong việc giúp đỡ Ukraina hơn việc trừng phạt Nga. Nếu những người lãnh đạo mới của Ukraina quyết tâm và khôn khéo, với sự giúp đỡ của Mỹ và EU, Ukraina có thể trở thành một nước tự do, dân chủ và giầu mạnh, một đối tác tốt hay có thể là một thành viên của EU với 45 triệu dân.

Chiến tranh lạnh giữa hai khối XHCH và TƯ BẢN CHỦ NGHĨA đã dẫn đến sự tan dã của Liên Xô và phe XHCN. Cuộc đối đầu giữa nước Nga với Mỹ và EU có thể dẫn đến sự sụp đổ của thể chế độc tài Putin. Nhiều nhà bình luận tiên đoán rằng, sự kiện Krym là bắt đầu của quá trình kết thúc một giấc mơ bất thành của Putin: khôi phục lại đế quốc Xô Viết. Chúng ta hãy chờ xem “Nga Hoàng ” thời hiện đại Putin sẽ đưa nước Nga về đâu.

                               Warszawa 06-04-2014

GHI CHÚ

(1) Trận pháp Putin, tác giả Đặng Vương Hạnh, Tiền phong điện tử, 18-03-2014

(2) Một sắc tộc có vài trăm ngàn người, sống rảirác ở các nước Ả Rập, Thổ và châu Âu.

(3) Hiệp ước PEREJASLAWSKA ký ngày18-01-1654 giữa đại diện của Nga Hoàng với hội đồng những người Kozak Ukraina, giữ lời thề trung thành với Nga Hoàng.

Bài viết sử dụng các số liệu của nhật báo WYBORCZA Ba Lan và WIKIPEDIA WOLNA ENCYKLOPEDIA.