Tác giả: Thơ Trịnh
KD: Hị…hị… Hôm nay, cái Blog nhỏ bé của mình, “lẹt đẹt mãi cuối cùng em cũng tới”… cán mốc 01 triệu lượt view 😀
Xin cảm ơn các bạn đọc gần xa, các bạn bè, các cộng tác viên, các nhà báo thân thiết và chí tình luôn chia sẻ, cộng tác, hỗ trợ , giúp đỡ và góp ý cho Blog Kim Dung/ Kỳ Duyên có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.
Xin chúc tất cả mọi người sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc. Xin cảm ơn! 😛
—————–
Chỉ tính riêng một cơ sở nước ngoài liên kết đào tạo với Việt Nam mà trụ sở đặt tại TP.HCM đã cho ra thị trường 300 tấm bằng thạc sỹ và 200 tấm bằng tiến sỹ “dỏm”.
Lợi dụng khát khao có được tấm bằng, học vị quốc tế của người Việt, nhiều cơ sở đào tạo, trường đại học “dỏm” của Mỹ đã xuất hiện và cho ra lò hàng loạt tấm bằng không có giá trị.
Vụ việc của ông Trần Đình Sơn (Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt) là một trong những trường hợp điển hình, bị phát hiện sử dụng học vị của trường đại học “dỏm”. Điều đáng lo ngại, rất có thể có những cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước sử dụng bằng cấp, học vị quốc tế “dỏm” này…
Trung tâm Hợp tác quốc tế (viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp) – nơi từng liên kết với trường đại học công nghệ PUT.
Khi hiệu trưởng “sính” dùng… bằng thạc sỹ ngoại
Thanh tra bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch vừa có văn bản kết luận ông Trần Đình Sơn (Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt) sử dụng bằng thạc sỹ không được bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận về tình trạng sử dụng bằng không đúng quy định. Đồng thời, không ít người tỏ ra ái ngại về các chương trình liên kết tại Việt Nam hiện nay.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, ông Sơn sử dụng bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh do trường đại học Công nghệ Paramount (Paramount University of Technology – PUT, Mỹ) cấp ngày 7/12/2010. Tuy nhiên, bằng thạc sỹ này không đủ điều kiện công nhận theo quy định của bộ GD&ĐT về trình tự thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do ngành giáo dục nước ngoài cấp.
Không chỉ vậy, theo nguồn tin của PV, sau khi nhận cấp bằng thạc sỹ nói trên, ông Sơn đã sử dụng học vị trên văn bản nội bộ của trường. Đồng thời, đóng dấu lên các văn bằng, chứng chỉ của khoảng 50 học viên trung cấp của trường. Bên cạnh đó, ông Sơn đã thực hiện sai quy định của bộ VH-TT&DL trong việc bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Thắng vào chức danh phó phòng hành chính – quản trị. Trong khi, ông Thắng mới chỉ có bằng trung cấp.
Trao đổi với PV về nguyên nhân của vụ việc gây xôn xao dư luận nói trên, ông Sơn cho hay, năm 2008, để đáp ứng yêu cầu trong quản lý một dự án lớn, ông Sơn đi học tại trung tâm Hợp tác quốc tế – viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp (157 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM).
Kết thúc khóa học, ông Sơn đã được trường đại học Công nghệ PUT liên kết với Trung tâm này cấp bằng thạc sỹ. Điều đáng nói, cùng đi học với ông Sơn còn có nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh Lâm Đồng. Trường hợp của ông Sơn một lần nữa báo động về tình trạng sử dụng bằng cấp, học vị không đúng quy định vẫn còn xảy ra trong các bộ máy nhà nước chưa được phát hiện.
Còn không ít người sử dụng bằng “dỏm”
Trả lời về việc đào tạo và cấp bằng của trường đại học Công nghệ PUT trong vụ việc của ông Sơn như đã nêu trên, thông tin từ cục Đào tạo (bộ GD&ĐT) cho biết: “PUT không được bộ GD&ĐT và hội đồng Kiểm định giáo dục đại học Mỹ công nhận. Năm 2011, tiến sỹ Mark A. Ashwill, nguyên giám đốc viện Giáo dục quốc tế (IIE) đã công bố 21 trường “dỏm” của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam và PUT nằm trong danh sách này.
Trao đổi về việc liên kết với trường đại học Công nghệ PUT, ông Trần Văn Dũng (nguyên giám đốc trung tâm Hợp tác quốc tế – viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp) cho biết, trước năm 2008, PUT liên kết với Viện mở lớp đào tạo thạc sỹ. Tuy nhiên, đến năm 2008, việc liên kết của hai bên đã chấm dứt. Lớp thạc sỹ quản trị doanh nghiệp mà ông Sơn tham gia học là khóa cuối cùng PUT liên kết với viện. Khóa học kết thúc năm 2010, có tất cả 11 học viên tốt nghiệp; trong đó, có một số cán bộ đang công tác trong các cơ quan hành chính của tỉnh Lâm Đồng.
Liên quan đến việc liên kết đào tạo của trường đại học Công nghệ PUT nói trên, qua tìm hiểu, PV được biết, các học viên tham gia học tập để được cấp bằng thạc sỹ của trường này hầu hết là những cán bộ làm việc trong các bộ máy hành chính nhà nước tại nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam. Trong đó, một số cán bộ chủ chốt trong các cơ quan hành chính cũng sử dụng tấm bằng này để bảo vệ vị trí của mình. Tuy nhiên, chất lượng và giá trị của những tấm bằng đó thì chỉ những người theo học mới biết được.
Không chỉ riêng trường đại học Công nghệ PUT nói trên, vẫn có không ít các trường đại học “dỏm” của Mỹ liên kết rất chặt chẽ với một số cơ sở đào tạo tại Việt Nam. Theo một nguồn tin, chỉ tính riêng một cơ sở nước ngoài liên kết đào tạo với Việt Nam mà trụ sở đặt tại TP.HCM đã cho ra thị trường 300 tấm bằng thạc sỹ và 200 tấm bằng tiến sỹ “dỏm”. Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra tự đắc khi được một số trường đại học “dỏm” của Mỹ cấp bằng thạc sỹ danh dự. Trong khi, các cơ sở này không được các cơ quan giáo dục tại Mỹ công nhận là trường đại học.
“Những thạc sĩ, tiến sĩ mua bằng này bỏ ra những khoản tiền lớn để chơi hay khoe mẽ. Họ mua để tiện thăng chức”, một chuyên gia giáo dục nói. Điều dư luận quan tâm họ 500 thạc sĩ, tiến sĩ “dỏm” này làm đang làm ở đâu.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thực trạng hàng loạt trường đại học “dỏm” của Mỹ tràn lan tại Việt Nam, một chuyên gia nghiên cứu giáo dục tại TP.HCM cho biết, nhu cầu không lành mạnh về bằng cấp ngày càng gia tăng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện và hoành hành của các trường quốc tế “dỏm” cung cấp bằng không có giá trị.
Mặt khác, các cơ sở đào tạo quốc tế “dỏm” xuất hiện tại Việt Nam với cái mác đại học Mỹ, nên đã gây hiểu nhầm cho những người chưa quen với hệ thống đại học Mỹ. Lợi dụng tình trạng thiếu thông tin và khao khát muốn có bằng nước ngoài, đặc biệt là bằng của các trường đại học Mỹ, các cơ sở kinh doanh bằng cấp “dỏm” này được dịp lộng hành.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch hội Luật gia TP.HCM) cho biết: “Chúng ta cần sớm sửa lại quy định về việc phê duyệt hình thức liên kết đào tạo.
Theo đó, các chương trình liên kết đào tạo nên quy định theo hướng cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ phê duyệt chương trình liên kết khi cơ sở đào tạo nước ngoài tham gia liên kết và văn bằng do cơ sở này cấp được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận.
Tình trạng cơ sở đào tạo nước ngoài nào cũng liên kết được trong thời gian qua đã làm hao tổn thời gian, tiền bạc của người học, khi văn bằng được cấp cho họ lại không được công nhận tại Việt Nam. Bên cạnh đó, người học trước khi quyết định tham gia các chương trình liên kết quốc tế cần phải tham khảo danh mục các trường đại học, cơ sở đào tạo quốc tế được công nhận để có quyết định phù hợp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình”.
———–
http://xalo.vn/news/tl/300-thac-si-200-tien-si-rom-Viet-Nam-o-dau/1688826-12-1-20-1107302.htm