Tác giả: Đào Dục Tú
KD: Đọc bài này, mình thích nhất đoạn nhìn nhận về nàng Mỵ Châu của tác giả Đào Dục Tú: “Người con gái nước Việt tên gọi Mị Châu bị vua cha chém đầu nhưng “không chết theo thời gian” hàng thiên niên kỷ. Hàng nghìn năm sau hậu thế đời đời cháu con người Việt vẫn tôn vinh nàng, thương cảm nàng bởi một lẽ cũng giản dị thôi, người là tiền thân của họ, mang cốt cách phẩm hạnh người phụ nữ, người con gái xứ sở này là thủy chung, nhân ái “sống vì tình chết cũng vì tình”.
Vì thế mà nước Giếng Cổ Loa nước mới trong như nước mắt nàng-
Cảm ơn anh Đào Dục Tú 😀
Trong cuộc đời làm báo xuôi Nam ngược Bắc mấy mươi năm, đã nhiều lần tôi đi ô tô xuyên Việt qua huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An, nơi có đền thờ cha con Thục An Dương Vương-Mị Châu và huyền sử nhà tan nước mất vì người con gái yêu “Trái tim lầm chỗ để trên đầu-Nỏ thần sơ ý trao tay giặc- Đến nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (Tố Hữu).
Cuối con đường tình duyên “rắc đầy lông ngỗng trắng”, là cảnh tượng bi kịch như một khúc tráng ca cổ điển Hy Lạp! Ngựa hý rống lên trên đỉnh đèo Mụ Giạ, trước mắt vua An Dương Vương là biển đông trào dâng sóng. Thần Kim Quy hiện lên và lưỡi gươm oan nghiệt lóe sáng vung cao sau lời phán quyết của Thần “Giặc ngồi đằng sau lưng vua cha đó”. Dấu lông ngỗng trắng xóa đẩy cha con mang trọng trách vương quyền người Việt từ nay vong quốc tới cùng đường tận số.
Ngọc phả Hùng Vương: Chi tiết khác về Trọng Thủy – Mỵ Châu (Ảnh minh họa)
Nguồn: Nguyentandung.org
Nhiều lần lại qua, song chỉ có “một ngày xuân vui” công việc chẳng vội vàng nên tôi cùng bạn đồng nghiệp mới có dịp ghé xe vào bóng mát ven đường, để lên đền thắp nén hương tưởng nhớ cha con người trong cổ sử đậm mầu huyền thoại vào bậc nhất của nước Việt.
Cũng như hầu hết các đền thờ danh nhân, thánh nhân trải qua nhiều đời mưa nắng dãi dầu, đền Cuông- biến âm của “Công”(theo ngữ âm quê choa xứ Hoan Châu cổ?), không có gì đặc biệt về hình hài lẫn cảnh sắc. Thậm chí so với đền đài ở những vùng quê trù phú năng “trùng tu, đúc chuông tô tượng” theo “dự án văn hóa du lịch”, đền Cuông còn có vẻ sơ sài khiêm tốn hơn nhiều.
Bước chân vào đền, trước cảnh mái ngói rêu phong mầu thời gian, ban thờ lạnh ngắt nhang đèn, tôi không khỏi “dấy lên” một chút bùi ngùi thương cảm. Hóa ra đấy cũng chỉ là vẻ ngoài thường nhật của một nơi thờ tự không vào dịp khánh kị, hội hè đình đám. Và nơi thờ tự dân dã này, qua lời kể của người dân tôi gặp, quả là một địa linh nẩy sinh những chuyện thật trăm phần trăm mà như chuyện hư huyền.
Chuyện thứ nhất, cũng là chuyện ấn tượng nhất với tôi là năm 1995 có con chim hạc lớn vào “một ngày đẹp trời” không biết từ phương nào bay tới, hạ cánh xuống bãi đất rộng trước cửa đền. Lạ thay, theo lời bà con ở đây, chim hạc không ăn chẳng uống, chim hạc chỉ đứng thở như chờ giờ quy tiên, chờ thời khắc hóa thân bay lên trời như trong cổ tích! Chợt nhớ thơ của cụ Tản Đà “Cái hạc bay lên vút tận trời- Trời đất từ đây xa cách mãi –Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi” kể chuyện người tiên giáng trần, gặp chàng trai nước Việt là muốn “chào thua” thiên đường luôn!
Người địa phương cẩn thận gửi con chim lạ ra Hà Nội “cấp cứu” (người ta chỉ nói chung chung là ra Hà Nội) rồi hy vọng chờ con chim quý đi dưỡng bệnh an lành trở về. Kết cục sau đó bà con nhận được con chim “nhồi mùn cưa” để . . . thờ ! Chim hạc đứng bất động trong hộp kính sơn son, nghển cần cổ cứng đơ lên nóc đền khiến người qua đường ghé thăm, khách thập phương vãng cảnh liên tưởng đến những vùng đất lạ, những vùng trời xa chim đã đơn độc bay qua.
Trời đất vô cùng như thế, thiếu gì bờ xôi ruộng mật đất lành chim đậu mà chim lại đỗ xuống đây, ngay sát ven đường quốc lộ xuyên Việt huyết mạch phủ bụi trần ai này? Đã đến rồi thì vì sao chim không ăn không uống bình thường cho dù có là một loài thuộc hàng linh điểu. Hay chim là tượng hình sứ giả anh linh của người con gái, của nàng công chúa nước Việt- một xứ sở đầy nắng gió phương nam từng cay đắng chịu quá nhiều kiếp nạn binh đao khói lửa thương hải tang điền nên quý yêu cuộc sống hạnh phúc “Yêu ai yêu trọn mối tình thủy chung” (Nguyễn Đình Thi).
Nàng công chúa ấy đứng trên mọi tham vọng, dã tâm, thù hận cùng đủ thứ mưu ma chước quỷ hiểm ác khó lường của “tộc người mang mặt người” cách biệt huyết thống, vô cùng xa lạ tràn xuống từ phương Bắc. Người con gái nước Việt tên gọi Mị Châu bị vua cha chém đầu nhưng “không chết theo thời gian” hàng thiên niên kỷ. Hàng nghìn năm sau hậu thế đời đời cháu con người Việt vẫn tôn vinh nàng, thương cảm nàng bởi một lẽ cũng giản dị thôi, người là tiền thân của họ, mang cốt cách phẩm hạnh người phụ nữ, người con gái xứ sở này là thủy chung, nhân ái “sống vì tình chết cũng vì tình” !
Chuyện thứ hai nội dung “nghèo hơn” , là vào năm 1996,một năm sau chim hạc về trời, cá Ông voi vào Cửa Hiền, cách đèo Mụ Giạ trông xuống biển không bao xa, vùng biển xưa nay chưa ai “diện kiến Ngài” từ xa bao giờ. Chuyện thứ ba lại đáng lưu tâm, hấp dẫn. Sau một năm Cá Ông về ,năm 1997, trên khu đền thờ xuất hiện một con rùa vàng “to như cái mũ cối”- người dân tôi gặp trên đền nhấn mạnh, “như cái mũ cối chú ơi”.
Không ai dám xâm hại con rùa kỳ lạ tưởng như hình bóng hay là sứ giả của thần Kim Quy hiện về từ trong sự tích Cổ Loa thành. Vài tháng sau, rùa bỏ đi đâu, biệt vô tăm tích. Tiếc thay tôi không được mục sở thị một “di tích” nào của Cá Ông và rùa vàng.
Đối với một người không là dân quê gốc gần thành Cổ Loa như tôi, những chuyện thật tưởng trăm phần trăm theo lời kể của người dân sở tại đền Cuông, chuyện thật mà như chuyện hư huyền, còn gợi nhiều liên tưởng xa xôi, suy tưởng thú vị. Huống chi là tôi sinh ra ở làng quê cách thành Ốc chỉ có một cánh đồng. Tương truyền từ thời Thục An Dương Vương, quan võ trị nhậm ở thành nội; còn quan văn thì nhiệm sở, hành đạo tại làng tôi nên cổng làng tôi xây gạch Bát Tràng mới đắp nổi bốn chữ Hán cổ “Đạo chi sở tại”.
Nghĩa là đạo thánh hiền, rộng ra là bao nhiêu văn bản điển chế của triều đình đều được “định lệ” trên đất làng tôi cả. Ngay từ thủơ thiếu thời, chuyện An Dương Vương xây thành Ốc, chuyện tình Trọng Thủy và nàng Mị Châu “trái tim lầm chỗ để trên đầu- nỏ thần sơ ý trao tay giặc” như người đời sau cảm thương phẩm bình, (đồng thời ngầm phê phán, thế là “mất cảnh giác cách mạng”!), như “một bát nước trời” thanh sạch góp phần dưỡng dục tôi thành người ưa suy tưởng, mộng mơ từ thời chưa . . .cầm bút.
Thắp nén hương trên đền Cuông thờ cha con nàng Mị Châu, tôi dặn lòng không thể không đặt bút viết về chuyện thật mà như chuyện hư huyền xảy ra nơi đây liên tiếp trong ba năm gần cuối thế kỷ trước, một thế kỷ sóng gió bậc nhất trong cả thời chiến lẫn thời bình của lịch sử nước Việt . / .
Bạn phải đăng nhập để bình luận.