Sau dịch sởi sẽ đến bệnh nào?

Tác giả: BS Nguyễn Văn Soạn

KD: Đúng là phải “ở trong chăn mới biết chăn có rận”- như bài viết này đã chỉ ra  😛

——–

Nhận định được các chuyên gia y tế đưa ra đều dựa trên các cơ sở khoa học hết sức chắc chắn, nhưng lại “hé lộ” những nghi vấn về trách nhiệm trong quản lý y tế cũng như hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm nay ở nước ta.

Ngày nay việc sử dụng văcxin trong phòng bệnh đặc hiệu là chính sách của tất cả các nước trên thế giới, nhưng hiệu quả kiểm soát dịch bệnh cũng còn phụ thuộc vào chất lượng của bộ máy y tế ở mỗi quốc gia.

Những bất thường từ những điều… bình thường?

Sởi là một bệnh gây thành dịch với nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Trước khi có văcxin, bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 05 tuổi. Cho tới năm 2010, trên thế giới cứ 04 phút có một người chết vì bệnh sởi.

dịch sởi,  bệnh dịch, văcxin, Bộ Y tế, Nguyễn Văn Soạn, quản lý nhà nước
Số trẻ mắc bệnh vẫn đang tăng ở các bệnh viện  Nhi. Ảnh: Thanh Huyền

Chính vì vậy, văcxin phòng bệnh đặc hiệu đối với bệnh sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) nhằm mục đích giúp cho cơ thể đứa trẻ chủ động tạo ra kháng thể đặc hiệu với vi rút sởi ngay từ những tháng năm đầu đời.

Nước ta sau 03 năm không có ca mắc sởi nào, nhưng từ cuối năm 2013 những thông tin ban đầu về những ca bệnh sởi xuất hiện lẻ tẻ ở vài tỉnh, đến nay sau hơn 04 tháng  đã lan rộng tới 59/63 tỉnh, thành phố.

Trái ngược với nhận định, virus sởi không có sự biến đổi về gen gây bệnh cũng như thay đổi độc lực và dịch bệnh đang giảm dần, trên thực tế, tại bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân sởi vẫn tăng lên nhanh chóng, gây nên hiện tượng quá tải, làm tăng khả năng bệnh lây chéo giữa các bệnh nhân cũng như nhiễm khuẩn bệnh viện, làm cho các biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do sởi rất nặng.

Cho tới nay đã có hơn 100 bệnh nhi tử vong vì sởi và các biến chứng liên quan tới sởi, hiện con số tử vong vẫn tăng lên hàng ngày, cho thấy; sự lúng túng nếu không muốn nói là bất lực của phân tuyến kỹ thuật, và điều trị, trong quản lý ngành y, khi có dịch bệnh xẩy ra trong thời gian qua, và tính chất phức tạp của dịch sởi năm nay khác hẳn với diễn biến của sởi “cổ điển”.

Nhưng Bộ Y tế và các tỉnh nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng vẫn chưa công bố dịch. Trên phương diện quản lý nhà nước, trước câu hỏi Bộ Y tế có giấu dịch hay không, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Hà Nội có công bố dịch hay không là quyền của UBND TP Hà Nội và Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu. Sau đó, Bộ Y tế mới có thể có ý kiến, chúng tôi (Bộ Y tế) không có quyền trả lời thay

Dưới góc độ chuyên môn, giải thích về việc tại sao Bộ Y tế chưa công bố dịch, các chuyên gia y tế có những nhận định rất chắc chắn, mà nói theo đời thường là ‘chuẩn không cần chỉnh’. Dịch sởi năm nay vẫn bình thường …trong tầm kiểm soát. Dịch sởi năm nay là do tính chất chu kỳ xuất hiện sau 4-5 năm kể từ vụ dịch 2009-2010. Và bởi vì, theo các nghiên cứu của Bộ Y tế, vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực… của vi rút sởi thì cũng chưa có gì bất thường.

Nhận định được các chuyên gia y tế đưa ra đều dựa trên các cơ sở khoa học hết sức chắc chắn nhưng lại “hé lộ” những nghi vấn về trách nhiệm trong quản lý y tế cũng như hiệu quả của chương trình TCMR nhiều năm nay ở nước ta.

Vì sởi là bệnh truyền nhiễm gây thành dịch bùng phát hàng năm. Vậy tại sao nước ta dịch sởi lại có sự thay đổi với chu kỳ 4- 5 năm? Nhưng khi chuyên gia y tế đã biết có sự khác biệt như vậy, thì họ (các chuyên gia y tế này) cũng có thể ‘dự báo’ trước được sự bùng phát của dịch sởi năm nay.

Vậy xin cho người dân được đặt một câu hỏi; với lương tâm của người thầy thuốc và trách nhiệm của người quản lý, tại sao không thấy ai cảnh báo/dự báo trước dịch sởi năm nay(!?). Một cảnh báo sớm dựa trên những cơ sở khoa học chắc chắn, sẽ giúp ngành y tế chủ động trong tổ chức phòng chống dịch, có thể đã làm giảm được số trẻ mắc cũng như số trẻ tử vong trong kỳ dịch sởi năm nay.

Có một điều “lạ” trong dịch sởi năm nay, là sởi xuất hiện ở cả hai nhóm: Một là- người lớn và hai là- các cháu bé dưới 09 tháng tuổi, do không có được miễn dịch thụ động từ người mẹ truyền cho. Trong khi đó các nghiên cứu của Bộ Y tế về‘vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực… của virus sởi thì cũng chưa có gì bất thường’. Như vậy, chương trình TCMR đã không đạt được hiệu quả phòng bệnh từ nhiều năm trước đây?

Chính vì vậy, nhiều bà mẹ trẻ hiện nay đã không có kháng thể đặc hiệu bảo vệ con mình trong 09 tháng đầu đời. Nó cũng phản ánh trung thực vấn đề chất lượng của bộ máy quản lý y tế ở nước ta nói chung và ngành y tế dự phòng nói riêng.

Việc các chuyên gia/quan chức đầu ngành của hệ y tế dự phòng còn đang giữ vững quan điểm chưa đủ điều kiện công bố dịch sởi đầu năm nay, khiến nhiều người lại nhớ lại những kết luận chắc chắn ‘như đinh, đóng cột’: Không rõ nguyên nhân, không liên quan … của các vị chuyên gia y tế này về hiện tượng các trẻ em bị tử vong sau khi tiêm phòng Vắc xin Quinvaxem.

Những kết luận như vậy, trong khi hiện tượng trẻ tử vong sau tiêm loại văcxin này vẫn tiếp tục tái diễn, thì chỉ làm cho người dân mất dần niềm tin vào Quinvaxem, cũng như các loại văcxin khác được dùng trong chương trình tiêm chủng ở nước ta.

Những câu hỏi đau xót

Sự thật nhiều năm nay, các loại văcxin được dùng trong chương trình TCMR hầu như đều được tài trợ từ nước ngoài, thông qua sự giúp đỡ của WHO (Tổ chức Y tế thế giới). Hiện tượng trẻ tử vong sau tiêm phòng trong năm qua đã khẳng định trẻ em Việt Nam đã không được dùng văcxin tốt như trẻ em Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… vì đất nước ta còn nghèo là sự thật rất đáng hổ thẹn và rất đau xót.

dịch sởi,  bệnh dịch, văcxin, Bộ Y tế, Nguyễn Văn Soạn, quản lý nhà nước

Chương trình TCMR được triển khai ở nước ta từ năm 1984 để  phòng 11 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em trong đó có bệnh sởi. Diễn biến phức tạp của dịch sởi năm nay cho thấy ‘hình như’ chương trình TCMR đã không đạt được mục tiêu tạo miễn dịch đặc hiệu đối với 11 loại bệnh cho các đối tượng của chương trình này. Một trong nhiều nguyên nhân là vấn đề chất lượng của văcxin. Nếu nhận định này là đúng, thì sau dịch sởi năm nay sẽ đến dịch bệnh nào sẽ tiếp tục bùng phát (?!).

Đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất văcxin cho chương trình TCMR là chủ trương rất đúng, nhưng để nghiên cứu thành công, sản xuất được tất cả các loại văcxin tốt cũng cần có thời gian, không phải một sớm, một chiều. Còn với tình hình tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực y tế như hiện nay thì thật sự là khó, nếu không muốn nói thẳng ra là chỉ là giấc mơ xa xôi.

Ngay cả các cường quốc có nền công nghiệp hóa- dược, công nghệ sinh học y dược phát triển, vẫn phải mua văcxin không phải thế mạnh của họ. Ví dụ như Hàn Quốc họ có thể tự sản xuất văcxin Quinvaxem để bán rẻ cho các nước nghèo trong đó có Việt Nam, nhưng lại mua văcxin tốt hơn, đắt hơn dùng cho con cháu của họ.  

Vậy nên một đề xuất mới đây của nhà báo Kỳ Duyên về “Quỹ văc xin trẻ em” – (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/132818/an-tuong-trong-tuan–sinh–tu-va-chua—-dang-ngon-.html) rất đáng được quan tâm. Việc xây dựng “Quỹ văcxin trẻ em”, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngân sách Nhà nước. Quỹ này có thể huy động sự đóng góp của cả xã hội, của cha mẹ các cháu bé, để mua những loại văcxin có chất lượng tốt nhất cho chương trình TCMR.

Xây dựng một quỹ với “đặc thù” như vậy, là hành động rất cụ thể vì trẻ thơ, thật sự rất nên làm trong tình hình kinh tế hiện nay.

—————

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/171217/sau-dich-soi-se-den-benh-nao-.html

 

 

Vợ Nguyễn Văn Thiệu viết gì cho chồng trước khi sang Mỹ?

Tác giả: Xuân Hà

KD: Đọc bài này, mình chỉ thương con becgie tội nghiệp. Số phận của một loài vật chung tình hơn cả con người ở xã hội này, lại chỉ để thành món nhậu khoái khẩu.

———–

“Khi phá xong cánh cổng sắt chắc nịch, tiến vào dinh thự của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, tôi thấy trên bàn có một mảnh giấy của vợ Thiệu viết gửi cho chồng…”, ông Thướng nói.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Vũ Trung Thướng (Ảnh: Xuân Hải)

Khi biết tôi muốn tìm hiểu về những ngày khói lửa 30/4/1975, khuôn mặt ông đăm chiêu, đôi mắt nhíu lại, hai bàn tay ông xoa vào vết thương sần sùi dưới bắp chân, dường như ký ức của bom đạn 39 năm trước lại ùa về, dâng trào trong ông. Người đàn ông đó là Đại tá Vũ Trung Thướng, Anh hùng lục lượng vũ trang nhân dân.

Sinh ra ở vùng quê nghèo thôn Tảo Khê, xã An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), chàng thanh niên Vũ Trung Thướng nhập ngũ năm 1961 khi chưa đầy 18 tuổi. Trong thời gian đi bộ đội rồi được cử đi học và được cử về làm Chính trị viên Đại đội 5 bộ binh, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48, sư đoàn 320.

Trong trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đại đội của ông nhận được nhiệm vụ chốt ở ngã ba Long Hưng, phía nam Thành Cổ Quảng Trị để đánh địch từ xa, đóng chốt không cho địch bước qua ngã ba này vào Thành cổ. Đại đội ông đã tiêu diệt được hơn 400 tên địch cùng 5 xe tăng, đến khi cả đại đội còn lại 17 người vẫn tiếp tục đánh địch. Để ghi nhận công lao của ông trong trận 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, ngày 23/9/1973 ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau trận chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, ông được chuyển về huấn luyện cho bộ đội tại Vinh (Nghệ An) đến tháng 3/1975 thì tiếp tục hành quân vào Nam để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Kể đến đây, ông Thướng ngừng lại, ký ức của 39 năm về trước khi tiến vào giải phóng Sài Gòn lại hiện nguyên trong tâm trí vị đại tá già, ông kể: Khi vào giải phóng Sài Gòn sáng 30/4/1975, đơn vị ông đã tiếp cận được tư gia của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Đó là căn biệt thự 2,5 tầng, rộng khoảng vài trăm m2, khi tiến vào bộ đội phải phá cổng của căn biệt thự, cửa ngôi nhà được khóa kín, phía ngoài có chiếc bàn làm việc của người trợ lý cho Thiệu, trên đó có mảnh giấy của vợ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Mai Anh gửi cho chồng với nội dung: “Chìa khóa nhà em để…” và vẽ mũi tên trên tờ giấy này. Lần theo hướng mũi tên của tờ giấy để trên bàn đơn vị ông đã tìm thấy chìa khóa để vào căn biệt thự của Tổng thống Thiệu.

Ông Thướng kể, mãi sau này tôi mới biết khoảng ngày 24 – 25/4/1975 vợ Tổng thống Thiệu đã sang Đài Loan rồi sau đó cùng chồng con bay sang Mỹ và định cư ở đó.

“Khi vào trong ngôi nhà, anh em bộ đội choáng ngợp trước sự xa hoa cùng với những tiện nghi mà nhiều người chưa bao giờ thấy như ti vi, tủ lạnh, điện thoại, máy móc quân đội cùng vô số đồ hộp và thực phẩm các loại để trong nhà bếp, tủ lạnh. Nhưng tạo được sự chú ý nhiều nhất là một con chó béc giê nặng khoảng 60 kg đang nằm bẹp dí, đói lả trong nhà khoảng 1 tuần, khi chúng tôi vào nó không còn đủ sức để sủa. Thấy vậy anh em trong đơn vị đã lấy đồ hộp, thức ăn có sẵn trong nhà để cho con béc giê ăn uống”, vị đại tá già nhớ lại.

Ông Thướng kể tiếp, do không biết tên, mật mã của con béc nên tôi tiến lại gần xoa đầu nó và bảo: “Thôi tao không biết tên mày là gì nên tạm gọi mày là Thiệu nhé”. Từ đó, trong thời gian gần 1 tuần ở tại tư gia của gia đình Thiệu, con béc giê rất nghe lời và ngoan ngoãn theo chúng tôi, bảo nó canh cửa nhà có ai vào thì sủa báo cho bộ đội nó đều tuân theo.

“Trước khi sư đoàn rút về miền Trung, chúng tôi đã bàn giao con béc giê này cho 1 đơn vị tại Phú Bài và từ đó do phải tiếp tục huấn luyện cho bộ đội nên tôi cũng không có thông tin gì về con béc giê của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nữa”, ông Thướng nói.

Đã gần 40 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, bây giờ ông cũng đã về nghỉ hưu và cùng gia đình lập nghiệp tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa để được gần đơn vị. Ký ức 40 năm trước vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí ông, để giành lại độc lập, thống nhất đất nước rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, và hiện nay trong người ông vẫn còn 3 mảnh đạn M79 trong trận chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

————

http://infonet.vn/vo-nguyen-van-thieu-viet-gi-cho-chong-truoc-khi-sang-my-post126902.info

 

 

Số phận Dương Chí Dũng ra sao sau khi Tướng Ngọ qua đời?

Tác giả: T.N tổng hợp

KD: Tướng Ngọ đã tử  thỉ rất có thể lại tiếp tục án… tử. Tính toán mãi vmới đưa ra được tình tiết đầy kịch tính, là lời khai của Dương Chí Dũng, thì cái chết “đẹp” của Tướng Ngọ làm …hỏng hết cả kịch bản. Đau thật!

———–

Liệu số phận Dương Chí Dũng được định đoạt ra sao trong phiên toà phúc thẩm theo lịch sẽ diễn ra vào ngày 22/4 tới, khi mà sau phiên toà xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm với lời khai chấn động của Dương Chí Dũng, đã xảy ra một số sự kiện gây chú ý dư luận.

Theo lịch, ngày 22/4 tới đây, tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm. Trước đó, “cựu chủ tịch” Vinalines cùng đồng phạm bị truy tố 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.

Theo bản án của TAND TP. Hà Nội, trong vụ án này, Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỷ đồng và tham ô 1,666 triệu USD. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) được chia mỗi người 10 tỷ đồng. HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Dương Chí Dũng án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tổng hợp hình phạt là tử hình. Mai Văn Phúc cũng bị tuyên án tử hình cho cả 2 tội trên.

Số phận Dương Chí Dũng ra sao sau khi Tướng Ngọ qua đời? - Ảnh 1

Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình tại phiên toà sơ thẩm.

Lời khai mang tính “chiến thuật”?

Có thể thấy, tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng liên tục kêu oan. Dù đứng trước mức án cao như vậy nhưng ông Dũng tỏ ra rất bình tĩnh và thái độ không giống với những bị cáo bị tuyên án tử hình. Một số ý kiến cho rằng, liệu điều đó có phải là do sự tỉnh táo hay khôn ngoan đối đáp trước cơ quan pháp luật của vị “cựu chủ tịch”? Liệu việc khai báo có mang tính “chiến thuật”, trước phiên tòa xét xử mình thì không khai việc “chạy tội”, chờ bản án, rồi đến phiên tòa xét xử em trai Dương Tự Trọng thì khai rất nhiều, liên quan đến việc đưa tiền cho một cán bộ cao cấp ở Bộ Công an để lo lót “chạy tội”?

Trước ngày xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Triển (một trong ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng). Luật sư Triển cho biết: “Trong buổi làm việc gần đây, thân chủ của tôi vẫn bày tỏ những quan điểm giống như từ trước đến nay về vấn đề mà anh Dũng khai về việc người “mật báo” cho anh biết và đề nghị anh trốn đi một thời gian. Việc này anh Dũng cũng đã khai lại với cơ quan có thẩm quyền trong các buổi làm việc sau khi tham dự phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm”.

Những lời khai của Dương Chí Dũng trước phiên tòa rất nhạy cảm, rất nghiêm trọng nhưng lại không nhất quán, thay đổi nhiều lần. Vì vậy, dư luận cho rằng, cần xem xét lại lời khai, điều tra triệt để những lời khai trên để làm rõ đúng – sai, lý do hay động cơ gì mà Dương Chí Dũng lại thay đổi? Vì sao ông Dũng phải chờ đến phiên tòa xét xử em trai mình mới khai ra nhiều điều “bí mật” như thế, liệu có dụng ý gì không? Theo một chuyên gia pháp lý, tuy đó là vụ án khác nhưng ông Dũng hoàn toàn có thể tố giác ngay trong vụ án của mình. Vấn đề “đưa tiền” liên quan trực tiếp đến việc “chạy tội” chứ không liên quan trực tiếp đến việc bỏ trốn, tại sao ông Dũng không khai ở thời điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử mình? Liệu ông Dũng có “chiến thuật” hay “trông chờ” gì không?

Đến thời điểm này, cả bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, vẫn không thừa nhận hành vi tham ô. Đồng thời, hai bị cáo này tiếp tục đề nghị được làm rõ về lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, thành viên Đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga, về việc đưa cho Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng khoản “lại quả” sau khi Vinalines mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD.

Trước án tử của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, nhiều ý kiến luật sư cho rằng, căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các bị cáo hoặc gia đình bị cáo bồi thường cho Nhà nước một phần khoản tiền mà Nhà nước bị thiệt hại, đồng thời phải thành khẩn nhận tội thì “có thể không xử phạt tử hình”.

Về thông tin này, luật sư Trần Đình Triển đã nói rõ trên báo Đất Việt: “Nghị định 01 cũng nằm trong Điều 46 của Bộ luật Hình sự, có nghĩa nếu họ khắc phục hậu quả thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Nhưng ở đây giảm nhẹ cái gì, ông Dũng có xin giảm nhẹ đâu, vì ông Dũng khẳng định mình không phạm tội tham ô, trong khi đó tội tham ô là mức án tử hình”. Ông Triển nhấn mạnh rất nhiều lần rằng: ông Dũng khẳng định mình không phạm tội thì bồi thường cái gì? Dựa vào điều đó làm gì?.

Số phận Dương Chí Dũng ra sao sau khi Tướng Ngọ qua đời? - Ảnh 2

Luật sư Trần Đình Triển trò chuyện về vụ án Dương Chí Dũng.

Còn theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao về việc bồi thường thiệt hại đến nay vẫn có giá trị thực hiện. Do vậy, việc áp dụng theo Nghị quyết này đối với vụ án Dương chí Dũng cũng hoàn toàn hợp lý.

Luật sư Tiến cũng chỉ rõ rằng, việc gia đình ông Dương Chí Dũng cũng như bản thân ông Dũng cần phải nhận thấy cái sai của mình và tích cực thực hiện việc bồi thường ngân sách đã tham ô của Nhà nước. Theo đó, căn cứ vào Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao và Điểm b Khoản 1 của Điều 46 Bộ luật hình sự thì đương nhiên Dương Chí Dũng phải được giảm mức án tử hình của tội tham ô xuống mức chung thân.

>Số tiền ông Chấn đòi bồi thường án oan cực lớn

Sẽ có một phiên toà đầy kịch tích?

Trao đổi với PV, luật sư Trần Đình Triển cho biết: “Về hành vi liên quan đến tham ô, anh Dũng cũng đề nghị ông Goh (Goh Hoon Seow, Giám đốc công ty AP, Nga – PV) cũng phải có ý kiến. Ngay bản thân ông Goh cũng không thừa nhận là có liên hệ với anh Dũng. Điều nữa là, phải làm rõ việc phía Nga, ai là người thương thảo liên quan đến 1,666 triệu USD. Anh Dũng cho rằng anh ấy không hề biết về số tiền 1,666 triệu USD và không được hưởng phần nào trong số tiền này. Tòa cần làm rõ lời khai của ông Sơn bởi, trong lời khai của ông này có rất nhiều mâu thuẫn trong việc nhận tiền và đưa tiền. Tại tòa, ông Sơn khai không có liên lạc gì với phía Nga và ông Goh, nhưng trên thực tế, đã có nhiều cuộc gặp thông qua người phiên dịch là ông Quang. Cần làm rõ việc gặp đó, nội dung thỏa thuận những gì…”.

Trước đó, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Hải Sơn khai, Sơn là người được “uỷ quyền” đứng ra nhận số tiền “lại quả” 1,666 triệu USD từ việc mua ụ nổi M83. Số tiền này đã được chuyển về Việt Nam thông qua tài khoản của Công ty Phú Hà (do em gái Sơn làm chủ). Sau khi nhận được tiền, Sơn đã chuyển cho bị cáo Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, đưa cho Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinalines 340 triệu đồng… Sơn cho biết đã đưa tiền cho bị cáo Dũng 2 lần, tổng cộng 10 tỷ đồng. Đối với bị cáo Phúc, Sơn khai đưa ba lần, tổng cộng 10 tỉ đồng; trong đó có lần Sơn đưa 2,5 tỷ tại nhà của Phúc tại huyện An Dương, Hải Phòng.

Theo luật sư Trần Đình Triển, tại phiên toà xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm, toà mới chỉ căn cứ vào các lời khai của các cấp dưới của ông Dũng. Tại sao tòa không thực hiện thu thập chứng cứ ở các đối tác của Vinalines ở Nga và Singapore. Việt Nam với Nga, với Singapore đều đã ký văn bản tương trợ tư pháp về mặt hình sự. Phải có trả lời từ các đối tác của Vinalines ở nước ngoài thì mới đủ bằng chứng để xử nghiêm minh và đúng người đúng tội.

Theo tin tức trên báo pháp luật Việt Nam, trước phiên tòa phúc thẩm, bà Ngô Thị Vân, vợ bị cáo Mai Văn Phúc, đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đã có đơn gửi đến Tòa và một số cơ quan “xin cứu xét” cho chồng. Bà Vân cho rằng, việc quy kết bị cáo Phúc nhận 10 tỷ chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Sơn và lời khai của anh chị em Sơn là chưa thỏa đáng và cần xem xét lại động cơ khai báo này.

Về chi tiết Sơn khai “mang va ly đựng 5 tỷ đến nhà bị cáo Phúc nhưng Phúc không có nhà, chỉ có một người phụ nữ ra mở cửa. Sơn ngồi đợi ở phòng khách khoảng 45 phút thì Phúc về cùng một người khách…”, bà Vân đã “xin cho đối chất” với bị cáo Sơn và đề nghị làm rõ “người phụ nữ ấy là ai”.

Ngoài ra, bà Vân còn khẳng định, dịp gần Tết âm lịch 2008, nhà bà không có giỗ hay sinh nhật nào cả. Trong khi đó, theo lời khai của bị cáo Sơn thì hôm Sơn mang 2,5 tỷ đến nhà bị cáo Phúc tại xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng thì nhà Phúc có rất đông người, có thể đó là đám giỗ hoặc mừng thọ.

Theo thông tin PV cập nhật được, phần còn lại liên quan đến sai phạm của Dương Chí Dũng đối với dự án đóng tàu trong việc mua ụ nổi, còn một mảng nữa là mảng chi cho các nhà môi giới khoản tiền rất lớn, hơn 4,3 triệu USD. Hoặc các vấn đề khác tại Vinalines chưa được điều tra, làm rõ trong vụ án này như quản lý, khai thác cảng biển, đầu tư ngoài… Cơ quan điều tra của Bộ Công an vẫn tiếp tục xác minh, khi có đủ căn cứ sẽ khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

————-

http://www.nguoiduatin.vn/so-phan-duong-chi-dung-ra-sao-sau-khi-tuong-ngo-qua-doi-a130203.html