Lời dẫn của Bọ- NQL: Không ngờ nhạc sĩ Tuấn Khanh viết phóng sự hay quá. Chẳng biết ngày nay có nhà báo trẻ nào đi và viết được như nhạc sĩ Tuấn Khanh?
KD: Đọc bài viết này, mà thấy rờn rợn. Nó na ná quang cảnh xã hội “vô chính phủ” trong các cuốn sách văn chương thời loạn. Cách hành xử của những người trong cuộc này, lại na ná như kiểu hồng vệ binh thời CM VH TQ, lại na ná nhưng những kẻ Ăng ca của CPC. Vậy mà tiếc thay, nó lại là đời thực của Bình Dương những ngày này. Không biết chính quyền, lực lượng chức năng ở đâu?
Lúc 10g sáng ngày 14/5, Tôi cùng 2 người bạn là Thiên Văn và Phạm Thy quyết định chạy xuống khu Gò Vấp, gần Lái Thiêu, khi nghe nghe tin các công ty ở khu Tân Thới Hiệp bắt đầu có đình công.
E rằng sẽ có đập phá và bạo động, chúng tôi không dám mang theo nhiều máy móc, chủ yếu là mang theo sự liều lĩnh, để tìm hiểu vì sao lại có những chuyện đập phá và cướp bóc như trên các trang mạng xã hội mô tả.
Lý do của chuyến đi này được thôi thúc từ đêm trước. Ngay khi chúng tôi nhận được những hình ảnh những chiếc thiết giáp tiến vào Sài Gòn, những đoàn xe biểu tình được dẫn đầu bởi một chiếc xe Matiz bí ẩn, được chuẩn bị hình cờ búa liềm và ngôi sao, làm náo loạn nhiều con đường. Trong đêm, nhà văn Nguyễn Đình Bổn nhắn tin “anh buồn quá, công nhân bị lợi dụng, rồi sẽ có người chết”. Nhà báo Mạnh Kim thì gọi, giọng lo lắng “tôi quá sốt ruột nên làm một vòng coi tình hình, có gì mình liên lạc nhau nhé”. Lúc đó, tôi cũng đang chạy trên các con đường dẫn đến tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc. Thành phố im lặng, nhưng nặng nề trong lòng những người đang quan tâm đến thời sự đất nước.