Tác giả:Huy Đức
KD: Bài viết của Osin Huy Đức quá hay, cả về mặt biện luận lẫn chỉ ra cái thực tiễn phũ phàng những ngày qua trước thách thức của TQ, khi mổ xẻ những khuyết tật của một xã hội từ tư duy đến hành động.
Việc chỉ ra cái sự “thoát Trung” về ý thức hệ, nhưng lại phải xác định được một thực tiễn đắng cay, TQ vẫn là một nền kinh tế lớn mà VN vốn phụ thuộc quá nhiều lâu nay. Diện mạo “giai cấp công nhân” nhưng hành xử, ý thức , nếp sống, vẫn không khác đám trai làng. Và quan trọng nhất, chỉ ra những mâu thuẫn trong tư duy của ngay giới quan chức cao cấp, được coi như chính khách VN.
Điều đó không có gì khó hiểu. Ngay cả những người tưởng là cấp tiến như cựu Bộ trưởng TĐT thì tư duy, về bản chất vẫn là “sản phẩm’ của một ý thức hệ tư tưởng đã thành cội rễ. Nhất là VN khủng hoảng trầm trọng về mặt lý luận và chủ thuyết, bên cạnh đó là nỗi sợ “mơ hồ” nhưng lại rất hiện hữu về “lập trường tư tưởng”. Vì vậy mà những giá trị văn minh của nhân loại luôn bị chối bỏ. Rút cục VN cứ một mình một chợ. Không có lý luận hướng đạo, nên cách đi của VN luôn loạng quạng, lúc là thị trường, lúc là bao cấp xin- cho, và vì vậy không hề lạ khi tư duy của một cựu Bộ trưởng được coi là cấp tiến cũng hết sức mâu thuẫn với chính mình!
Trong khi để phát triển, đòi hỏi xã hội VN phải thực sự đổi mới từ tư duy ý thức hệ, đến tổ chức, kết cấu, thể chế vận hành đồng bộ. Tính đồng bộ mới khiến cho xã hội vận hành nhịp nhàng.
Không có kết cấu đồng bộ, lại còn rất “lởm khởm” trong phát triển, thì một cái “giàn khoan’ ngoài Biển Đông, cũng là phép thử cho độ kết cấu bền vững của một cơ chế quản lý, nền quản trị xã hội trước những biến động.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.