Thấy quê mình ở xứ người !

Tác giả: Đào Dục Tú

KD: Dù đi đâu, về đâu thì tác giả Đào Dục Tú vẫn luôn có một cái nhìn “thuần Việt”. Đủ hiểu, xứ sở chảy trong huyết mạch của tác giả như thế nào. Ở đâu cũng gợi nên dáng dấp của dải đất chữ S.

Xin đăng bài viết này, giữa những ngày nóng bỏng chuyện Biển Đông, để hiểu, người dân Việt Nam và người dân TQ muôn đời họ vẫn là những người “toan lo nghèo khó”, cặm cụi làm ăn.  

Cảm ơn anh Đào Dục Tú  😛

Đô thị cổ Lệ Giang (Vân Nam) đẹp tuyệt vời

Khách sạn Thạch Lâm gần khu du lịch Thạch Lâm-rừng đá, một vùng thiên tạo chất chứa hàng ngàn hình thù đá kỳ dị và kỳ diệu của tỉnh biên giới Vân Nam –Trung Quốc, tựa lưng vào một ngọn đòi cao rất đẹp. Đẹp nhờ hàng thông trên đỉnh đồi ẩn hiện trong sương mờ buổi sớm khiến tôi liên tưởng cảnh Sa Pa với hàng thông sa mu trong ảnh nghệ thuật của cụ nghệ sĩ Võ An Ninh nổi danh làng ảnh Việt.

Dưới chân đồi là một hồ nước lớn bảng lảng hơi sương như khói thở, đứng trên bờ, tưởng như mình đang đứng trên bờ đầm mênh mang bên cánh đồng chiêm trũng có cái tên dân dã Soi Thốp quê tôi mùa mưa lũ trắng trời trắng đất xứ nhiệt đới. Trong màn sương ảo ảnh ,đỉnh đồi và mặt hồ yên tĩnh tuyệt đối. Trên tán thông cao ,đôi khi buông rơi mấy tiếng chim rừng “chào buổi sáng” và dưới mặt nước lặng như tờ, phẳng như tờ, thỉnh thoảng có một con cá quẫy động, âm thanh mất hút giữa thinh không trời nước bao la

Không hiểu sao ven bờ đầm người xứ náy lại dựng một mặt bằng bê tông chiều ngang chừng mươi bước chân, nhưng chiều dài nương theo bờ tới vài trăm mét, như một cầu tầu của cảng sông nhỏ. Sáng tinh mơ,cả một vùng trời nước sơn thủy hữu tình không một bóng người. Chỉ có tôi ,một khách du cao tuổi dân quê quen thức khuya dậy sớm, đang lững thững đi tìm những nét lạ mà quen của xứ người.

Lạ nhất là trên mặt sàn bê tông chạy dài theo bờ đầm ,người dân nơi đây để qua đêm không biết bao nhiêu là thóc, thứ thóc nương hạt nhỏ như thóc chiêm quê tôi. Chắc là thóc đã phơi qua ngày, chiều hôm được người ta vun thành luống lớn đậy hờ hững che sương bắng ni lông mỏng. Những luống thóc chậy song song, mỗi luống chừng dăm bẩy tạ . Vậy là dăm bẩy tấn thóc có dư để qua đêm giữa đồng không mông quạnh, giữa một vùng sớm mai thanh vắng vô cùng. không chòi canh, không bóng người.

Chỉ vậy thôi cũng đủ hình dung cuộc sống phong lưu thanh bình yên ả của xứ người nơi đây. Tôi cúi xuống nhúm vài hạt thóc nương, vân vi trong lòng bàn tay loại thóc hạt nhỏ ,vỏ xam xám, “cắn chắt” như trẻ chăn trâu quê tôi . . . ngày xưa cắn lúa nếp non, thấy ngọt ngọt ,thơm thơm hương cốm. Gạo này tôi chắc ngon cơm lắm ,như nhiều loại lúa nương quê mình.

Đi xa ngàn dặm, sang đồng đất nước người, vẫn thấy hạt thóc hạt gạo như ở quê nhà. Tôi tha thẩn đi giữa những luống thóc , ngẩn ngơ ngắm trời ngắm đất. Lặng lẽ bỏ nhúm thóc vào túi quần, tôi thỉnh thoảng lấy ra một hạt cắn chắt, nhấm nhấm cái vị tinh bột quen thuộc với người Việt từ thủa lọt lòng, nằm nôi rồi mẹ bồng ra ngõ “mẹ nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” !.

Nhìn xuống ven bờ nước trong leo lẻo, thấy phất phơ loài cỏ lá dài như cỏ lau vươn chạm tới trần bê tông, thấy đong đưa một loài rong rêu mờ xanh ẩn hiện dưới nước cũng chẳng khác gì đầm nước quê mình có loài tóc tiên ,cây vậy. . . ngày xưa mình lặn hụp mò ,gánh è cổ về nấu cho lợn và đủ thứ thực vật thủy sinh như cây sang cây súng đầm nước ngọt.

Đâu đâu cũng một trời đất ấy, tôi đoan chắc một điều ,người dân quê Trung Quốc nơi đây, quanh đây cũng vậy thôi, đâu đâu thì cũng một đời lam làm bình dị, lương thiện. Ấy là người truyền đời “nông gia cơ bản” làm ruộng ,làm nương, làm ra hạt gạo trắng trong nuôi người hết đời này tiếp nối đời nọ miên man không dứt, như thời gian vô thủy vô chung.

Nhìn xa khuất bên kia chân đồi, thấy cuối con đường đầy vết xe ngựa sau mấy cây thông non lẻ loi đứng im phắc trong sương ,là phất phơ làn khói lam chầm chậm tỏa lan trong màn sương đang tan loãng dần trong ánh bình minh rạng rỡ, báo hiệu một ngày nắng tươi trong, đẹp trời vùng cao Vân Nam tựa như xứ hoa đào Đà Lạt.

Hình như ở phía đó có một bản làng nào của người Choang hay người Di, người Thái hay người Bạch. . . những tộc người hàng ngàn năm nay đã quần cư trên vùng đất xưa thuộc quyền cai trị của thủ lĩnh “nam man” Mạnh Hoạch thời Tam Quốc tranh hùng trong pho sử phong kiến Trung Hoa đồ sộ với điển cố nổi tiếng Gia Cát Lượng “thất cầm Mạnh Hoạch”-bẩy lần bắt, bẩy lần tha, để. . .lấy lòng người , thu phục “thổ dân” ngoại vi đất trung nguyên Hoa Hạ.

Tự nhiên mong có một em nhỏ ,hoặc một chàng trai cô gái , một cụ già nào đó xuất hiện để tôi có thể dùng ngôn ngữ . . .tay chân làm hiệu cộng với vốn tiếng Trung Quốc “ba dọi” từ thời sinh viên . . . duê nản nỉ nỉ hảo hảo của mình mà chuyện trò, thì cái buổi mai xứ người này sẽ đẹp hơn, đáng nhớ hơn biết bao.

Lại nhớ buổi đón đồng nghiệp báo chí đến từ Hà Nội, tôi có nói với các bạn Côn Minh rằng nền văn hóa của nhân dân Trung Quốc với chúng tôi thật là kỳ vĩ , kỳ diệu. Từ thủơ chăn trâu cắt cỏ,vun lá tre làm rơm nấu bếp ngày giáp hạt ,chúng tôi đã quen với chuyện Tam Quốc qua lời kể của các bậc cha chú, đặc biệt ấn tượng với chuyện ” Thất cầm Mạch Hoạch” xuất xứ ở đất Vân Nam này.

Qua “kênh văn học’ ,chúng tôi đi từ Kinh Thi, kinh qua Đông Chu Liệt Quốc ,Tam Quốc, Thủy Hử, rồi Hồng Lâu Mộng,. . . tới tận thời hiện đại từ Lỗ Tấn ,Quách Mạn Nhược, Tào Ngu. . . thời “cách mệnh” cho tới Vệ Tuệ ,Cửu Đan, Mạc Ngôn, Sơn Táp . . . . thời nay, chúng tôi đã có một “vốn kiến thức” văn hóa lịch sử và nhân văn về đất nước lân bang ,về nhân dân Trung Quốc!

Tôi còn nhớ các bạn trẻ, các bạn già cùng nghề làm báo đã hưởng ứng câu chuyện “bốc hỏa” của tôi thế nào, dù là qua phiên dịch. Tình đồng nghiệp lúc bấy giờ tưởng như trăng tròn đêm Trung Thu năm ấy, nên các bạn đồng nghiệp trong buổi liên hoan tiễn chân chúng tôi mới say sưa “rượu ” say sưa “chuyện” ,say sưa nghe Quan Họ quê tôi như thế chứ !

Ờ xứ người đấy ! Mà sao trong tâm cảm du khách xa nhà là tôi có cái gì gợi cảm gần gụi quá, sáng sáng chiều chiều đâu đâu cũng thấy phảng phất như quen quen , từa tựa như quê mình !. Chợt nhớ hai câu thơ của Tố Hữu nói tới một thời hai nước ,hai dân tộc gắn bó với nhau thân thiết làm sao thời điểm chung một chiến hào chống đế quốc “Bên ni biên giới là mình- Bên tê biên giới cũng tình quê hương” !

Chợt nhớ câu thơ của cụ Hồ viết từ thời “mắc nạn” “ra tù tập leo núi” nơi đất khách quê người đầu thập kỷ bốn mươi thế kỷ hai mươi sóng gió bão táp cách mạng: ” Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh-Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”. . . ! Hồi nhớ tháng năm xa, tự nhiên lòng mình chùng xuống ,buồn rười rượi. Nỗi niềm biết ngỏ cùng ai. . . . . / .