Tác giả: Đào Dục Tú
KD: Đó là sông Cái mùa nước cạn, mà tác giả Đào Dục Tú còn có hẳn một bài viết với những cảm xúc tràn trề về đời sống người Việt từ thì quá khứ đến hiện tại. Nếu vào mùa nước đầy, thì sao nhỉ? Hy vọng khi đó, tác giả sẽ dẫn dắt bạn đọc đi trên con sông Cái đẫm phù sa đất mẹ, để tâm hồn bạn đọc được “nảy chồi xanh lá”
Cảm ơn anh Đào Dục Tú 😛
——–
Trong cảm thức của người Việt, con sông Cái lớn nhất vùng châu thổ sông Hồng là dòng sông Mẹ. Từ thủơ hồng hoang lịch sử, từ thời “mẫu hệ” cổ xưa, tiếng Cái đã được người Việt dùng chỉ những gì là quan thiết nhất, to tát nhất, căn bản nhất của đời sống nhân sinh và hiển nhiên vị thế ấy trước hết là người mẹ, thuộc về mẹ :.”Nàng về nuôi cái cùng con. . .”
Hàng ngàn đời người, dòng sông mẹ có bao giờ cạn nước! Thế mà vào những ngày không biết có phải “ông bạn láng giềng xấu chơi” ngăn hệ thống đập thượng nguồn sông Hồng cố tình “đóng cửa xả nước” hay không, mà ai có dịp đi đi về về qua cầu Chương Dương như tôi chắc không khỏi ngỡ ngàng. Nước sông Hồng sao cứ mỗi ngày lại thấy cạn khênh thêm thế kia không biết?
Bãi giữa sông như một cù lao lớn xanh sắc lục diệp của đủ loại hoa mầu tươi tốt đỗ, lạc, ngô, khoai. Chả lẽ thế gian biến cải sông nên… ruộng? Cái lạch nhỏ sát bờ phía nội ô ngày nào còn lênh đênh con thuyền nhà hàng biển hiệu xanh đỏ cùng đủ loại thuyền nan lớn nhỏ nối đuôi nhau chở hàng về bến chợ Long Biên, nay chỉ còn là một vùng đất trũng lầy bùn nhơ nhớp đầy đồ phế thải, trông xuống chân cầu mà thấy bẩn mắt.
Chợt nhớ những câu thơ “Lửa thiêng” của thi nhân tiền chiến Huy Cận đã đi vào thiên cổ, viết về con sông Cái đẹp một mầu hồng cầu đỏ tươi. Sông như động mạch chủ huyền thoại của đất Việt qua lăng kính lãng mạn buồn . . .tiểu tư sản ( là chúng tôi được nghe giảng như thế!):
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu muôn ngả
Củi mục cành khô lạc mấy dòng
Đến bao giờ mới tới cái ngày sông Cái mùa nước cả, mùa nước nổi để sông Mẹ mênh mang; để con sáo sổ lồng mỏi cánh bay sang những vườn khế ngọt cổ tích bên bờ bắc. . . .
Tôi nhớ không lầm, trong vòng bốn thập kỷ qua, kể từ ngày tôi đi học rồi đi làm kẽo kẹt đi về hàng ngày hết thời xe đạp chậm như rùa bò qua cầu Long Biên lát ván gỗ gập gềnh lại đến thời xe máy… vi vu qua cầu Chương Dương, có bao giờ nước sông Hồng cạn khênh đĩa đèn đến thế!
Tự nhiên thấy nhớ cái thời đến chín chín phần trăm cán bộ nội ngoại thành “cưỡi ngựa sắt Phù Đổng” đi làm, đi học, đi chợ, đi chơi. Nhìn dòng sông xe máy bây giờ lại nhớ dòng sông xe đạp thời ấy; cái xe đạp biểu trưng cho cuộc sống thời bao cấp đến mức một nhà báo Pháp có tiếng đã chiêm nghiệm nhiều điều ở Hà Nội từng đưa ra một định nghĩa hóm hỉnh ẩn chứa tình thân thiện, cảm thông: Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là cụ Hồ. . .cộng với xe đạp !
Gần 20 năm thời bao cấp vì không chịu nổi cảnh sống khu tập thể có những thời khốn khó như khu ổ chuột, “ban ngày cả nhà lo việc. . .nhà; ban đêm cả nhà lo việc (hứng) nước”, tôi bỏ . . thẳng cẳng nội thành, về quê cách xa trung tâm Hà Nội mười tám cây số. Thế là bắt đầu vào cuộc trường chinh biết mấy ngàn ngày nắng mưa dầu dãi, cứ đều đặn sáu giờ ba mươi sáng buổi phát thanh quân dội nhân dân nổi nhạc hiệu “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. . .” là tôi xách xe đi. . . chiến đấu với đời (!).
Chiều trên dưới sáu giờ về đến đầu xóm; có khi chưa kịp thở đã lao ra đồng tát nước hay xe lúa, kéo lúa. Mệt thì. . . “thịt da ai cũng là người”, cũng mệt chứ, bởi ngoài tám giờ vàng ngọc cơ quan, còn tranh thủ lo chạy hết chợ Cửa Nam sang chợ Hôm xếp hàng mua cá biển ướp đá hoặc “cắt phiếu mua thịt chín”, nước mắm, đậu phụ vân vân . . .về nuôi ba đứa con mọn chu kỳ sinh hai năm một!
Nhưng sao ngày ấy con người ta hồn hậu vui vẻ thế không biết!. Xe qua cầu sông Cái gặp bữa ô tô chết mày giữa cầu thì thôi rồi. Tha hồ mà ngóng cổ cò chờ đợi hoặc cố len lách. Có khi cầu đông chật cán bộ công nhân viên tan tầm, người người đèo kéo túi nhỏ túi to gạo mì nước mắm thực phẩm, nhích từng vòng bánh xe một mà vẫn góp vui với nhau bằng lời nói đùa hoặc tếu quấy bông lơn ,mà nào có ai biết ai, mà nào có ai quen ai đâu kia chứ!
Nhìn xuống sông, một mầu hồng nhạt phù sa trôi miên man qua thơ Huy Cận thời lãng mạn “Sóng gơn tràng giang buồn điệp điệp. . .” “Sông dài trời rộng bến cô liêu. . .”
Vào giờ cao điểm tan tầm buổi chiều thường là người đông cầu tắc, mọi người rồng rắn ùn ùn lên dốc cầu, biến cây cầu trăm năm già nua thành dòng sông xe đạp đủ kiều đủ mầu đủ cảnh đèo kéo lai thồ, nón mũ nhấp nhô. Tôi kiên nhẫn nhích từng vòng bánh xe, cố né tránh, không đụng người xung quanh ai ai cũng chằng buộc gạo, dầu, túi to, bịch nhỏ, ai ai cũng một mầu áo quần cán bộ xanh nâu xám xịt, cùng chung nét khắc khổ, vất vả , xanh xao mặt người nhưng hình như chả thấy ai cau có khó chịu “mặt như đâm lê”.
Chót bánh xe đụng vào chân nhau,cười cười xin lỗi là xong, chẳng hề có cảnh rút mũ cối chửi thề phang nhau túi bụi như sau này thời tiền kinh tế thị trường, người người nhao ra đường !
Thế mới hay cái ngày gian khổ thiếu thốn, người người cùng trông vọng về một hướng mà sống mà phấn đấu hàng ngày, người người cùng chung một mức sống kham khổ từa tựa như nhau, người người cộng cảm vui buồn cùng nhau, sướng khổ chung nhau, nên thời bấy giờ những danh từ “chúng ta, chúng mình”, kể cả từ “đồng chí” nữa, còn nguyên giá trị nhân văn nhân bản, chan chứa tình tự dân tộc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương- Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hèn chi ông Tố Hữu đã có lời bình luận thời cuộc bằng . . .thơ mà chẳng ai thấy thậm xưng lãng mạn; nhận được đồng cảm tự nhiên của một thời: ” Có gì đẹp trên đời hơn thế – Người với người sống để yêu nhau”. Quả là có một thời phong khí xã hội đẹp như . . . .mơ, người Việt tạm quên “bi kịch cá nhân”(có vị đạo cao đức trọng khăng khăng ta không có bi kịch), đáng gọi là thời “người yêu người”, thời “người vui sống” với nhân quần xã hội, với những mục đích chung lớn lao cao cả của đại gia đình dân tộc. Những ngày xưa . . .như thế trôi xuôi như nước chẩy qua cầu. Tiếc nhớ lắm thay!
Mà sông Cái mùa này chân cầu mắc cạn, chẳng còn là dòng thủy lưu sung sức nữa. Làm sao có thể trôi chẩy đầy vơi tự nhiên nương theo mùa vụ nắng mưa như ngàn đời xưa sông Cái nương theo trời đất mà hàng vạn năm vĩnh hằng tồn tại? Những cái đập khủng long án ngữ phía thượng nguồn nước người có khác gì vòng đai kim cô chặt khúc con thủy long khổng lồ trên mặt đất hai quốc gia liền kề?
Rồi nghe nói hồ Điền Trì rộng mênh mông như . . . ..biển lớn giữa Hoa lục thuộc thành phố Côn Minh thủ phủ tỉnh Vân Nam nay đang ô nhiễm nặng nề và hình như người ta đã tính đến “siêu đại sự” là xẻ một con sông nhân tạo cho nước xả xuống thượng nguồn sông Hồng . . . Những thông tin đại loại như thế và hành xử sớm nắng chiều mưa thất thường của “ông bạn láng giềng” càng ngày càng xấu nết xấu chơi cũng đủ để con sông Hồng “chẩy vào đất mẹ” đã và đang hiện tồn trong thế bị động ngoài ý muốn.
Các vị nhìn kia! Dòng chủ lưu của sông bị kẹp giữa hai bờ bồi lắng, giữa hai bãi bồi như hòn cù lao chạy dài, nước lặng tờ không chẩy. Sông cạn khênh ngoằn ngoèo dải nước thanh mảnh xa xa chui qua cầu Long Biên vắng tanh tầu thuyền. Sông cạn nước sông không cánh buồm nâu “như mảnh hồn làng”, sông buồn như. . . chợ chiều vắng người.
Bao giờ cho đến mùa mưa, bao giờ cho đến ngày xưa sông ơi !. . . ./ .