Tác giả: Nhà văn Ma Văn Kháng
(Nhân đọc “Trăm năm ly hợp – Lê Khắc Gia phả chí” của Lê Khắc Hoan) – (Tham luận trong Hội thảo do Hội Nhà văn VN tổ chức tại Hà Nội ngày 20-02-2014)
KD: Cách đây ít lâu, Blog Kim Dung/ Kỳ Duyên có giới thiệu cuốn sách Trăm năm ly hợp của nhà báo Lê Khắc Hoan, một cuốn sách về gia phả dòng họ Lê Khắc của ông. Mới đây, mình nhận được cuốn Kỷ yếu của Hội thảo về tác phẩm hấp dẫn này. Xin được chọn và giới thiệu bài viết rất hay của nhà văn Ma Văn Kháng về cuốn sách, để bạn đọc suy ngẫm, chia sẻ, tìm đọc.
Nhà văn họ Ma, viết về cái Thật- mà viết thật… “ma” 😀
Đọc thêm: https://kimdunghn.wordpress.com/2014/02/25/tram-nam-ly-hop-cua-nha-bao-le-khac-hoan/
————
Ảnh: Nhà văn Ma Văn Kháng
Một vóc hình thanh kỳ cao ráo. Một gương mặt thông tuệ cao sang. Một ánh cười và hai con mắt nhìn trìu mến. Một phong cách khoan thai đĩnh đạc. Một tấm tình nồng nhiệt với bạn bè. Đó là Lê Khắc Hoan trong trí nhớ của tôi. Lê Khắc Hoan với truyện ngắn Chân trời xa xôi giải nhất cuộc thi cấp quốc gia về đề tài nhà trường năm 1961 và tiểu thuyết Mái trường thân yêu, xuất bản năm 1964(1), hai tác phẩm vượt thời gian và không gian, mang dấu ấn của một cây bút tiên phong mở đường, là một tài năng văn chương tiềm ẩn.
Lê Khắc Hoan, đầu những năm 90 của thế kỷ trước hành tiến về phương Nam đã mê hoặc tôi trong những lần gặp gỡ trò chuyện về nghề báo, cùng với Đỗ Quốc Anh, Nguyễn Vũ Tiềm, từ vị thế những người sáng lập các tạp chí Thế giới mới, Tài hoa trẻ… gây xôn xang cả đô thành Sài Gòn những năm 90.
Bẵng đi mấy chục năm, lần này Lê Khắc Hoan xuất hiện trong một thể loại văn chương thật khiêm tốn và bình dị là… biên soạn. Lần này, Lê Khắc Hoan, khiêm nhường trong vị trí thành viên của một dòng họ thế gia, ông tổ đằng ngoại là chúa Nguyễn Hoàng, con trai ngài Văn Phố Lê Khắc Thứ (1891-1946) xuất thân cậu ấm con quan tuần phủ nhị phẩm Văn Xuyên Lê Từ (1855-1928), con rể Hiệp tá đại học sĩ nhất phẩm Nguyễn Hữu Mẫn (1853-1943), kể chuyện lịch sử gia tộc mình – dòng họ Lê Khắc làng Văn Xá, tỉnh Thừa Thiên Huế, trải ba bốn trăm năm, với trăm ngàn con đàn cháu đống thịnh suy chìm nổi, lênh đênh trôi dạt bốn biển năm châu.
1. Nói thế là để thấy sức mạnh hấp dẫn đầu tiên và sự rất tự nhiên của cuốn sách chính là phong phú gần như vô tận của các số phận con người. Vì chỉ tính riêng ông Văn Phố đã có tới ba bà phu nhân là ba chị em gái thuộc dòng quyền quý. Họ có tới 11 người con trai mà một trong đó là Văn Trí, tức
thị là nhà văn – nhà báo tài năng Lê Khắc Hoan. Và nếu tính tất cả con cháu của anh chị em ruột thì trên trăm nhân khẩu. Còn thời hậu chiến, bà con Lê Khắc cư ngụ tại Sài Gòn ngót ngét ngàn người.
Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời/ Mỗi số phận mang một phần lịch sử (E.A. Evtoushenko) mà lịch sử trăm năm qua của dân tộc mình là lịch sử của những biến động long trời lở đất. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân và đập tan chế độ phong kiến. Kháng chiến chống Pháp và tiếp đó là chống Mỹ dẳng dặc 30 năm khói lửa chiến tranh. Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Cuộc đấu tranh âm thầm và quyết liệt giữa các hệ tư tưởng. Cuộc biến động từ bao cấp kế hoạch hóa chuyển sang kinh tế thị trường. Có góc trời nào còn giữ được yên bình!
Huống hồ, như định mệnh thắt buộc, Thừa Thiên – Huế rẻo đất miền Trung đau thương và anh dũng này lại là điểm giao cắt và lửa tranh chiếm thù hận đã có từ trong lịch sử. Sông Gianh là chiến tuyến ly – hợp thời Trịnh – Nguyễn phân tranh thế kỷ XVI, XVII. Hòa bình lập lại năm 1954, sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 là ranh giới phân chia hai miền.
2. Không viết về những gì xa lạ. Nghiêm túc, cẩn trọng và đầy tinh thần trách nhiệm, Lê Khắc Hoan giới hạn việc phản ánh hiện thực trong những gì anh hiểu biết thật tường tận cặn kẽ. Anh chỉ viết về những số phận gần cận trong nội tộc mình. Và lập tức khi cái thật đi vào trang văn, chúng đã tạo ra ngay sức cám dỗ, sự tin cậy.
Bà dì của anh chồng mất khi mới 36 tuổi. Chiến tranh một mình bà nheo nhếch dẫn 6 đứa con từ Huế tán cư ra Thanh Hóa (trang 40). Đồng tiền mất giá. Mấy cây vàng dự trữ đã hết. Xoay xỏa đủ nghề mọn để nuôi con. Hết thêu thùa vá may, quay sợi dệt vải, lại làm thuế gánh mướn, buôn bán vặt. Cuối cùng sau những truân chuyên cùng đường triệt lộ, cực chẳng đã, bà đành tìm đường về Huế xin tiền của họ tộc ở vùng tạm chiếm, với mục đích để rồi quay trở ra tiếp tục nuôi dạy các con đi theo cụ Hồ.
Tâm niệm vậy mà phải đi như trốn chui trốn lủi. Vì nghĩ mình tình ngay lý gian. Vì trong khi mọi người nô nức đi dân công hỏa tuyến thì mình lại ngược dòng. Tội nghiệp thay, người phụ nữ có số kiếp đa đoan. Đường về hóa ra là tuyệt lộ. Bà đi mà không trở về. Bà rơi vào vô tăm tích cho đến tận hôm nay. Viết toàn là sự thật về bà, có cảm tưởng nhà văn với sự thấu hiểu đến tận cùng tâm sự của bà muốn giải minh cho bà, muốn chia sẻ cùng bà nỗi buồn đau còn mang xuống nơi cửu tuyền.
Lê Khắc Lự là một ông chú út của Lê Khắc Hoan (trang 216-219) Ông Lự vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1947. Đất nước chia cắt tổ chức cài cắm lại trong vùng địch. Hoạt động tình báo đơn tuyến của ông rất có hiệu
quả. Bất đồ bị địch bắt, bị giam 4 năm. Ra tù dẫu có tự biện hộ đó là tai nạn nghề nghiệp và tự biết mình đã giữ trọn danh tiết cộng sản, đã coi trung hiếu là châu báu của dòng họ Lê Khắc mà vẫn xót xa hiểu rằng từ đây sự nghiệp riêng của mình đã tan thành mây khói. Mất liên lạc với tổ chức. Còn ai tin nữa mà làm việc!
Cảm thông với nỗi đau có thật của kẻ cầm vàng mà lội qua sông, vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng của ông, Lê Khắc Hoan góp ý với ông và ông chấp nhận, vượt qua nỗi bi lụy, tiếp tục sống với tinh thần còn thân còn dịp đền bồi. Chuyện này giống như chuyện bà dì trên kia là sự thật ở độ sâu xa chỉ có Lê Khắc mới biết được.
Từ trang 80 của cuốn sách, Lê Khắc Hoan chuyển sang kể chuyện nhà giáo Văn Khê, người anh trai. Văn Khê tuổi 20 đeo cây đàn banjo alto hăm hở leo núi lên dạy học ở rẻo cao Mường Tè – Lai Châu. Đã từng là đại biểu về dự đại hội chiến sĩ thi đua ngành giáo dục lần thứ nhất ở Hà Nội. Đang lên như diểu gặp gió thì đột ngột bị đình chỉ giảng dạy, chuyển sang làm nhân viên hành chính sự vụ, chuyên việc cở đèn kèn trống, đóng đinh leo thang. Thế đó! Vì nhìn thẳng vào sự thật nhiều khi thấy cuộc sống cũng chẳng có mấy lắt léo đâu. Vì ai bảo chàng đã gẩy đàn banjio alto, đã hát Tiếng hát quay tơ của Tử Phác lại còn mê thơ văn Trần Dần trùm sò Nhân Văn – Giai phẩm(!)
3. Như nước Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Từ Triệu, Đinh, Lê, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Nguyễn Trãi, từ thế kỷ XV trong Đại Cáo Bình Ngô đã viết những dòng thật hào hùng như thế về các dòng họ trong lịch sử dân tộc ta. Thế mới biết, dòng họ là một hiện tượng lịch sử – văn hóa mang tính phổ quát, xuất hiện tử lâu trong lịch sử nhân loại. Đó là một thiết chế xã hội đặc biệt trong đó các thành viên gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống khởi sinh từ một thủy tổ. Đó là một tổ chức vững chắc liên kết với nhau chặt chẽ bằng huyết thống, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng những quyền lợi vật chất và bằng mối dây luân lý đạo đức của cộng đồng. Hiểu như thế mới thấy hết tấm lòng thiết tha của nhà văn Lê Khắc Hoan với dòng tộc mình – cái tổ chức thiêng liêng máu thịt mà mỗi xa xẩy của một thành viên cũng làm anh xót xa muốn được sẻ chia.
Rất chân thật, đó là khi anh kể lại những chuyện buồn như chuyện dẫn ở trên. Đó là khi anh kể về trường hợp Lê Khắc Thành đang là cây bút sắc sảo dùng vũ khí Mác – Lê xung trận lên án quyết liệt nhóm Nhân văn – Giai phẩm, đùng một cái trở thành tội phạm bị tống đi chăn bò, cải tạo Nông trường Cao Phong Hòa Bình (trang 267-269). Một sự thật oái oăm khiến cho
ta có cảm giác cuộc đời đã trở nên bất khả tri. Lẽ đời là thực giả hư chi, có có không không. Cái quay búng sẵn trên trời. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm?
Rất chân thật, sự đến bất ngờ, đó là Lê Khắc Hoan kể về trường hợp người anh rể trưởng Trần Văn Kình, con cụ thượng La Hà, tiến sĩ Hán học Trần Văn Thống, cựu chuyên viên cao cấp thuế vụ của cả hai chế độ, sau năm 1975 phải tập trung cải tạo; bên cái lý do tất yếu công khai phổ biến là kẻ thua cuộc phải chấp nhận cuộc tẩy não cải đổi ý thức hệ thì chỉ có Hoan – người trong cuộc thấu đáo sự tình đến chân tơ kẽ tóc mới dự cảm được rằng, ông anh rể của mình trong cuộc tập trung này còn phải kết hợp để trả nốt cái món nợ của quá khứ, tức cái thói ương bướng, phát ngôn trái với quan điểm chính thống đương thời, từ thời làm việc dưới chế độ ta, 24 năm trước (chương 2).
Chà!
4. Có nhiều chuyện buồn rải rác trong cuốn sách. Có nhiều bi kịch của thời cuộc ám vào các số phận cá nhân đã được kể lại. Nhưng với tôi, và chắc với nhiều bạn đọc khác nữa, âm hưởng chủ đạo của tác phẩm này không phải là một giọng ca buồn thương bi thiết; vả chăng nếu có, thì đó chỉ là một bè trầm len lỏi trong khúc hoan ca một giao hưởng tràn đầy hào hùng.
Lê Khắc là một họ tộc có chiều dày lịch sử và sức sống mạnh mẽ. Đó là một sự thật. Ba thập niên đầu của thế kỷ XX, thế hệ thứ 9 của Lê Khắc chỉ có 7 ngài: Lê Từ, Lê Triết, Lê Trọng Bình, Lê Doãn Thăng, Lê Đôn, Lê Trí, Lê Phu đạo cao đức trọng, nhân nghĩa vẹn toàn. Thế hệ thứ 10, chi phái đã có 50 đinh. Thế hệ 11 có 150. Và thế hệ thứ 12, 13… thì đã phát triển thành con số hàng ngàn. Một dòng tộc hùng hậu qua hàng trăm năm lịch sử bi hùng, biết tích đức thanh liêm nối dòng thuần hậu, đã tôi luyện hun đúc nên những phẩm chất ưu việt, dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nào cũng biết bó kết lại, cùng nhau vươn lên làm tròn chức phận ở vị thế hàng đầu.
Lê Khắc là một dòng họ vinh hiển. Chỉ tính riêng từ thế hệ thứ 9 đã có đến vài trăm người có danh vọng, có sự nghiệp. Có thượng thư nhất phẩm, tham tri nhị phẩm. Có tỉnh trưởng, huyện trưởng. Có quan chức cấp vụ, Viện thuộc Bộ. Có giám đốc công an, Tài chính, Y tế, Thuế vụ, Điện lực, Bưu điện. Có học giả giáo sư, tiến sĩ. Có văn nghệ sĩ, cây bút tên tuổi, có doanh nhân tiếng tăm. Có đại đức cao tăng phật pháp thông tuệ Đông Tây (trang 139)
Lê Khắc cũng là một dòng họ hiếu học. Tri thức Lê Khắc đa phần làm nghề dạy học (chương 10) Và tất thảy đều là những ông thầy giỏi dang, không hổ thẹn với nghiệp tổ khai sáng, thầy Chu Văn An.
Đây là những trang văn Lê Khắc Hoan viết với sự sung mãn của cảm hứng về cái thật . Và anh không giấu diếm điều đó. Rất đỗi tự hào anh nói về các tên tuổi lừng lẫy của dòng tộc. Như vị võ quan tứ đẳng thị vệ Lê Khắc Chí con trai Trung phụng Đại phu Lê Từ làm quan đầu tỉnh Phú Yên và Quảng
Ngãi, nổi tiếng chí khí và yêu nước thương nòi. Đặc biệt có người con trai Lê Khắc Linh nổi tiếng tư duy sáng tạo khoa học đa ngành (chương 12). Như dòng họ Lê Khắc ở thế hệ thứ 11 được coi là thế hệ Vàng của Chi phái. Thế hệ này đã qua thử lửa của hai cuộc chiến tranh mà tôi luyện nên người. Trong đó có đại tá Lê Khắc HIền, có Văn Trí – nhà văn, nhà báo nổi tiếng Lê Khắc Hoan, tác giả cuốn sách này (chương 13).
Câu chuyện về ông đốc tờ Lê Khắc Quyến, một bác sĩ, một tri thức yêu nước thương dân, một bậc thầy của ngành y có công đào tạo bồi dưỡng hàng loạt bác sĩ giỏi, thường được tôn vinh cùng với các tên tuổi lớn trong ngành Y như giáo sư Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch… đối mặt khẳng khái với Ngô Đình Cẩn hung thần họ Ngô ở miền Trung được kể từ trang 285 đến 289, khiến ta vừa cảm động vừa vô cùng khâm phục.
Không thể kể hết những tên tuổi, những tấm gương trong sáng đẹp đẽ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước của những người con Lê Khắc. Một tình yêu thiết tha Tổ quốc, quê hương. Một ý chí vươn lên, qua truân chuyên để nên bậc siêu quần. Một ý thức keo sơn gắn bó và kiêu hãnh về dòng tộc. Một tâm tình dịu dàng mến thương, tương ái tương thân. Đó là dòng họ Lê Khắc của Văn Trí.
Một dòng họ trải qua mấy trăm năm dâu bể, thăng trầm vẫn bền bỉ dạt dào mạch nguồn truyền thống tốt đẹp ông cha. Một dòng họ có sức sống mãnh liệt, có chí anh hùng, có cuộc tình đẹp lãng mạn như mơ của Lê Khắc Úy và Tôn Nữ Cẩm Dung (trang 306) . Và bây giờ dòng họ ấy chi phái ấy dám nhìn thẳng vào sự thật trong tinh thần quả cảm để cái biến tình hình.
5- Năm 1975. đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, Lê Khắc Hoan viết: “Sướng vui cực điểm. Và hẫng hụt lập tức. Ơ hay, nước Việt toàn thắng, sao người Lê Khắc không vui trọn vẹn. Việt Nam độc lập thống nhất, non sông nguyên vẹn còn đây, nước không mất, nhưng nhà tan. Dòng tộc ly tán. Tiếng súng im mà lòng người xao xác”.
Thế đấy, cả dân tộc hội ngộ. Nhưng chỉ riêng gia đình ông chú Lê Khắc Ủy đã có 5 người con bị tập trung cải tạo. Tách ra hai ngả đối lập. Một gia tộc, mà gia đình anh phía bên nớ, gia đình em phía bên ni. Mâu thuẫn gia đình bùng phát, xung đột gay cấn kéo dài. Người ở lại với quê hương. Người đóng vai thuyền nhân buông mình vào cõi vô định, chạy trốn khỏi quê hương. Một dòng họ vài trăm huân chương, vài trăm ly khách rời quê ra đi. Nỗi đau này, vết thương này là của cả trăm họ, của cả dân tộc.
Không né tránh hiện thực dù nó xót xa đau đớn đến thế nào. Tái hiện lại hiện thực nọ, Lê Khắc Hoan là một cây bút trung thực. Và đó là một nguyên nhân nữa khiến cho cuốn sách càng có sức hấp dẫn. “Cái đẹp là cái
thật ở độ rực rỡ nhất”. Đó là câu nói của nhà văn, nhà phê bình văn học Nga lỗi lạc N.G. Tshernyshevski.
6. Nhất nhất người và việc đều ghi chép y nguyên sự thật. Đó là phương châm nhà văn Lê Khắc Hoan ghi ở trang đầu cuốn sách. Thực hiện được phương châm trên là do nhà văn có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc cẩn trọng và đã thành công trong nghệ thuật thể hiện. Tương hợp với cái thật trong nội dung cuốn sách. Lê Khắc Hoan có giọng văn kể chuyện gần gũi với lối kể chân mộc. Anh chậm rãi, điềm tĩnh, trọng diễn tiến sự việc, ít tả, không tô điểm hoa mỹ màu mè. Văn anh khúc triết, mạch lạc có hơi hướng chuyện kể của cổ sử. Rất kiệm lời bình phán. Dường như có thế nào thì anh kể thế. Không giữ kẽ rào đón. Thật đến mức không thể thật hơn.
Nhưng do mạch cảm xúc điều hòa, không phô lộ, dồi dào năng lực diễn cảm, nên văn anh không vì thế mà kém phần tinh tế, hoặc đơn điệu, khô khan. Bên cạnh cái kiểu viết hơi hướng cổ xưa khi chuyển đoạn bằng cách tiếp đầu ngữ : Kịp đến khi… Lại nói đến…. đọc thấy hợp với văn cảnh câu chuyện, anh rất quan tâm đến tạo lập không khí thời đoạn bằng nhiều chi tiết sống động. Cây đàn banjo alto của Văn Khê, Tiếng Hát Quay Tơ, Về Miền Trung, Bà mẹ Gio Linh, Nụ Cười Sơn Cước, Không Quân Việt Nam, Thủy Quân Việt Nam….. những khúc hát của Tử Phác, Phạm Duy, Trần Hoàn, Văn Cao… đã in dấu vào thời đoạn, chỉ cần điểm xuyết thoáng qua đã tạo nên văn cảnh của cả một thời đã qua.
“Chuyến ấy quá cồng kềnh nên chơi sang thuê xích lô. Chứ thường thì đi công tác dè sẻn từng hào. Không ở khách sạn mà ngủ nhờ phòng tập thể 2B của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Nằm tạm ghế bố đặt trong toa-lét cũ. Ăn thì tùng tiệm nấu một món trên cái bàn ủi chổng ngược làm bếp điện, mấy anh em xì xụp qua quýt. Từ nhà Tiềm ra ga Bình Triệu đi tàu Thống Nhất, Văn Trí vẫn tay xách nách mang cuốc bộ… Có bữa một bác xích lô đang ngồi vểnh râu đọc báo, thấy Trí lếch thếch ngang tới liền mời cậu Hai ơi ngồi lên xe đi cho lẹ. Dạ cám ơn, gần tới Bình Triệu rồi, đi bộ cho khỏe người… Thôi ngồi lên đây, tôi xin cậu ba cắc thôi…” (trang 174)
Bên cạnh cái giọng kể chuyện như đoạn trích trên là dòng chủ lưu của cuốn sách, thật dung dị mà vẫn có duyên riêng, Lê Khắc Hoan giữ được sự hấp dẫn bạn đọc bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác. Anh khéo léo dẫn chuyện, chuyển đoạn bằng sự biến hóa khá linh hoạt các kiểu cách, các thể loại văn chương. Chẳng hạn, trích dẫn Nhật ký, Thư từ.
Và nhiều khi dùng cả thủ pháp dựng, một nghệ pháp phổ biến của tiểu thuyết. Như cái đoạn văn ở chương đầu cuốn sách kể chuyện tình của ông thân sinh Lê Khắc Thứ lấy ba chị em gái khuê các con quan thượng thư nhất phẩm triều đình đó! “Ui dao, ăn như thúng lủng khu”. “Thầy học võ học ném lúc mô tài rứa”. Ngôn ngữ nhân vật cá thể hóa, đậm đà hương vị xứ Huế, xứ Thanh là một đặc sắc nữa của bút pháp. Có thể nói vận dụng linh hoạt thể văn trần thuật để chuyển tải tư liệu, nhờ vậy cái thật đã đi vào trang văn một cách thật tự nhiên, ngọt ngào, không dấu vết gượng gạo gò ép, là một thành công của cuốn sách.
7. Kể sao cho xiết những biến động đau thương, những mất mát hy sinh thiệt thòi suốt mấy chục năm qua của đất nước. Và đó là một sự thật không phải của riêng dòng họ Lê Khắc. Nhưng Trăm Năm Ly Hợp nói về những gì đã trải qua của họ tộc Lê Khắc mà tựu trung không phải là một cuốn sách tập hợp của những bi kịch trên trường đời. Không giọng điệu kể khổ. Không có chuyện than thân trách phận. Càng không phải là những lời tố giác cay độc, uất ức của các nạn nhân.
Cao hơn cả có chăng là một hồi ức mang mang một chút ngậm ngùi, một chút hiu hiu buồn cao cả và sang trọng: À thì ra cuộc đời trầm luân chìm nổi nó là vậy và thế là ta đã trải qua. Ta đã ngạo nghễ mà đi qua trong tư thế ngẩng cao đầu với những phẩm giá cha ông tuyền di lại. Tâm thế, nhân cách của nhà văn Lê Khắc Hoan là thế. Và tôi không sợ lầm, khi nói rằng, gấp cuốn sách hơn 400 trang dày dặn nọ lại, trào lên trong tôi là cảm giác khâm phục và kính trọng.
Cuộc sống là thế đấy. Khổ ải. Nhọc nhằn. Cay cực. Đớn đau. Đó là cái thật đã đi vào trang văn của nhà văn Lê Khắc Hoan. Nhưng biện chứng của cuộc sống ở chiều sâu của cái thật nọ còn là cái cao cả, cái kiêu hãnh siêu trên. Lẽ đời là thế! Minh triết của cuộc sống được thể hiện trong cuốn sách này là thế!
Cao hơn cả nỗi đau đời, cao hơn tất cả và cùng với một chút bùi ngùi nuối tiếc là niềm tin yêu và hy vọng. Vì cuộc đời đã là một minh chứng hùng hồn, trải qua bao cuộc dâu bể, ly rồi lại hợp, cuối cùng là nước lại trở về nguồn hòa hợp. Cuộc can qua bi khốc đã kết thúc, vết sẹo tổn thương sẽ được tháng ngày chữa cho lành lặn. Vì trong tâm khảm con người Lê Khắc cũng như trong mỗi họ tộc người Việt vẫn dạt dào khuynh hướng hài hòa thuần hậu. Vì nết đất tính trời đã quy định như vậy! Vì đó cũng là một khía cạnh nữa của cái thật khi đã đi vào trang văn của Lê Khắc Hoan.
Vì dòng họ Lê Khắc còn có người Mạ. Một người mẹ ăn ở trước sau như một, không biết nặng lời to tiếng với con, với dâu rể, với hàng xóm láng giềng. Một lần nghe người khác nói : Sở dĩ con cháu mình giỏi giang không thua kém ai, là vì chúng như tờ giấy trắng, được hoàn cảnh môi trường vẽ lên cái chữ cái hình đẹp. thì bà nói :
– Không phải giấy trắng. Cha tui học tận bên Tây về nói, mẹ đẻ con ra đúng như tờ giấy, nhưng không trắng tinh, mà có chữ chìm bên trong. Con người lớn tới đâu, chữ hiện lên tới đó. Chữ chìm đó là máu thịt cha mẹ truyền cho con (trang 114).
Một bà mẹ Việt Nam một thân một mình dẫn đàn con thơ rời quê hương đi tản cư, chịu đựng bao vất vả gian nguy, đi theo suốt cuộc Kháng chiến Cứu nước trường kỳ. Một người mẹ đã nuôi dạy 10 người con lập công trạng cho Tổ quốc. Người mẹ ấy trong một chiều nắng loang lổ, trên đường tản cư, ngồi bên mộ con như hóa đá, rồi cất tiếng khóc đứt ruột đứt gan : Con ơi, mai mốt cả nhà đưa nhau về Huế, còn con nằm lại đất Thanh Hóa một mình… (trang 35).
Người mẹ ấy là minh triết của dòng họ Lê Khắc, của cả dân tộc, là lòng nhân ái, là tình yêu thương bao la của người Việt mình. Và đó chính là âm hưởng chủ đạo tỏa ra từ cuốn sách. Một cuốn sách văn chương. Một tác phẩm văn chương thuộc loại hình văn học tư liệu, được nuôi dưỡng bằng cái thật, tràn trề cảm hứng về cái thật, cái thật trong sự thấu suốt việc đời của một nhà văn, trong đó nhân vật Văn Trí đóng vai kép, vừa là anh vừa là tác giả, có mặt trong bản giao hưởng với vị trí người kể chuyện, người lĩnh xướng tài năng và kỳ khu hiếm có.
———————————————————————————
(1) Năm 2011, Mái trường thân yêu được NXB Văn học và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành lần thứ 10, tác phẩm được đề cử nhận Giải thưởng sách hay (Goodbooks Awards) do trường Pace và Dự án sách hay vừa sáng lập.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.