Đọc “ MỘT SỐ TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
VÀ CÁC VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG ”
MỘT QUYỂN SÁCH CẦN PHẢI XÉT LẠI
Phạm Hoàng Quân
Lời dẫn của Diễn Đàn:
Bài viết này được điều chỉnh, bổ sung từ một bài góp ý đã gởi đến nhà xuất bản và cơ quan chủ trì biên soạn hôm 30 tháng Sáu năm 2014. Tác giả đã không nhận được một phản hồi chính thức nào sau ba tuần vừa qua. Quyển sách nêu trên tiêu đề hiện đã lưu hành ở vài hiệu sách tại Việt Nam, vì vậy, độc giả có thể xem bài viết này như là một bài điểm sách thông thường, tác giả mong nhận được những ý kiến trao đổi trên tinh thần nghiên cứu học thuật.
Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện:
Ngày 17 tháng 3 năm 2009, trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao tổ chức hội thảo lần thứ nhất với chủ đề “Tranh chấp chủ quyển tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế”. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một hội thảo về vấn đề này. Và cũng từ đây, hai chữ “Hoàng Sa” mới được nhắc đến trên báo chí nhà nước.
Bên lề cuộc hội thảo, tôi đã gặp anh Nguyễn Xuân Thắng, GS.TS, khi ấy là Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam để trình bày với anh rằng: Hồ sơ tư liệu lịch sử để Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc đều nằm cả ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đề nghị anh sớm gợi ý và chỉ đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm thống kê, khảo sát tập hợp các tư liệu này, rồi dịch thuật và nghiên cứu để khi cần có thể phục vụ ngay cho việc đấu tranh chủ quyền của nhà nước ta. Anh Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận ý kiến của tôi, và ngay trong năm đó đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành đề tài: Thư mục Hán Nôm về biển, đảo Việt Nam. Đề tài này có sự sự tham gia của khoảng 50 cán bộ, tiến hành liên tục trong 5 năm 2009 – 2013. (Tôi có vinh dự được tham gia 01 năm).