Hà Nội suy tư và học hỏi mô hình ‘phố đèn đỏ’

Tác giả: Lam Lam

KD: Thú thật với các bác Hà Nội.  Các bác hãy tổ chức cho HN sống thế nào cho văn minh đi đã. Trước hết là tham gia giao thông. Thứ hai là không vứt rác mỗi khi có lễ hội. Thứ ba là không có chợ cóc lổn nhổn. Thứ tư là người ở HN biết nói lời xin lỗi, cảm ơn. Thứ năm là giảm bớt cướp giật, trộm cắp, cờ bạc, đề đóm. Để HN văn minh trong lối sống kiểu đó, là cả một vấn đề lớn, không hề nhỏ, và rất lâu dài,  đừng nghĩ vội chuyện học và làm theo… gái mại dâm   😀

Bởi ngay quản lý những vấn đề mại dâm đó ở các quốc gia, đều phải trên một nền tảng XH khá văn minh, văn hóa, ổn định. Con người ý thức tự giác và tuân thủ pháp luật. Mặt khác, về truyền thống , trước đây các bác kêu “giải phóng phụ nữ”, giờ biến họ thành đồ chơi, nhân danh đủ thứ, dù có để quản lý  thì cũng vẫn là đi ngược với những mục đích tốt đẹp trước kia. Chứng tỏ các bác bất lực trong quản lý XH.

——–

Hà Nội đi sau để học hỏi dần chứ chưa thể áp dụng được ngay. Chúng tôi đang thực hiện từng bước rất thận trọng.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết.

PV: Ông đánh giá thế nào về tính chất, hoạt động mại dâm hiện nay? Lý do nào khiến Chi Cục phải đưa ra đề xuất công khai danh tính người mua dâm, thưa ông?

Ông Lê Minh Hùng: – Tôi cho rằng, từ thời cổ chí kim mua bán mại dâm là nhu cầu sinh lý có thật và hiển nhiên tồn tại dù muốn hay không muốn thừa nhận nó. Nhà nước đã có nhiều giải pháp để dẹp bỏ hoạt động này nhưng đó cũng chỉ là ý muốn chứ khó có thể dẹp bỏ hoàn toàn được. Chúng ta nên chấp nhận rằng hoạt động mại dâm sẽ còn tồn tại cùng với sự phát triển của loài người.

Đề xuất này dựa trên một hiện tượng thực tế của xã hội, có cung – có cầu. Nếu giải quyết tệ nạn mại dâm theo hướng giảm cung mà không giảm cầu, xử lý người bán dâm còn người mua dâm không bị xử lý hoặc chỉ bị phạt hành chính chắc chắn sẽ không có hiệu quả.

Công khai danh tính người mua dâm
Công khai danh tính người mua dâm

Trong khi đó, tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm cũng nêu rõ: người bán dâm chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Xử phạt như vậy không hiệu quả. Hầu hết người bán dâm vẫn tái phạm. Mặc dù không chính thức thừa nhận nhưng chúng ta có thể ngầm hiểu là mức phạt đó chỉ là “phạt để tồn tại”.

Nếu vậy, thay vì quản lý theo hướng quan liêu (tức là dẹp bỏ hoàn toàn) chúng ta nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan hệ tình dục như thế nào cho lành mạnh và an toàn. Tất nhiên cũng không phải vì lý lẽ đó mà cổ động cho mại dâm phát triển mạnh mẽ lên.

Vì sao tôi nói vậy, vì văn hóa, phong tục tại Việt Nam chưa thể chấp nhận như Thái Lan công khai thừa nhận mua bán mại dâm như một nghề.

Trước kia, báo chí nói nhiều đến phố vẫy ở đường Phan Đăng Lưu (quận Long Biên). Lâu nay, lực lượng chức năng thường xuyên đi tuần xung quanh khu vực này. Khách mua dâm thấy thế nên sợ. Gái bán dâm ế ẩm. Dần dần, gái bán dâm tại khu vực này giải tán. Sau một thời gian, phố này đã không còn gái mại dâm hoạt động nữa.

Hiện nay, dọc đường Phạm Văn Đồng, khu vực gần làng Vạn Phúc (Hà Đông) – đoạn giáp ranh với quận Nam Từ Liêm – vẫn còn gái mại dâm hoạt động. Mặc dù các đượt truy quét, ra quân rất quyết liệt nhưng rõ ràng hiện chúng ta đang đứng trước tình huống khó, dẹp thì không dẹp được, quản lý cũng không xong. Truy quét chỗ này, dạt chỗ kia.

Nếu hỏi quản lý mại dâm hiện nay có hiệu quả không, có giảm không tôi phải thừa nhận là nó không giảm mà còn phức tạp hơn, tinh vi hơn.

Bên cạnh đó là ý thức của người dân lại quá thấp, không có trách nhiệm với xã hội. Tôi lấy ví dụ như ở nước ngoài, việc này là công khai, tự do thoải mái có cầu thì có cung nhưng cả người mua và người bán đều là những người rất có ý thức và trách nhiệm với xã hội.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chính tôi đã được nghe gái mại dâm kể nhiều lần họ đã thông báo cho khách hàng là bị HIV khi hành nghề. Tuy nhiên, khi đưa bao cao su thì nhiều lần bị khách từ chối và không sử dụng. Đó là sự thiếu trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và xã hội.

Công khai danh tính người mua dâm, nhằm đe dọa tâm lý tới những người có ý thức nghiêm túc. Ví dụ những vị lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp chỉ cần dọa công khai danh tính về công ty có thể cũng có thể làm họ khiếp sợ, mà từ bỏ ý định linh tinh.

PV:- Nếu công khai danh tính người mua dâm thì sẽ xử phạt thế nào, dựa vào đâu để phạt thưa ông?

Ông Lê Minh Hùng: – Sẽ xử phạt khi có những chứng cứ rõ ràng như bắt quả tang tại chỗ, danh sách của công an gửi về… đó là cơ sở để cơ quan quản lý tiến hành xử phạt. Tất nhiên, trong trường hợp có sự thỏa thuận giữa hai bên hoặc không bắt được quả tang thì cũng coi như không xử lý được.

Đây là điều hạn chế, vì những vụ việc bắt được quả tang chỉ là con số rất nhỏ. Nhưng nói như vậy là rất khó, nó cũng giống như vụ năm nay to hơn năm trước, càng làm càng phức tạp thì chẳng lẽ lại không làm gì?

PV:- Ngoài giải pháp xử phạt hành chính theo ông cần áp dụng giải pháp nào mới đủ sức răn đe và được cho là hiệu quả nhất?

Ông Lê Minh Hùng: – Thực tế, một số nước trên thế giới đã áp dụng nhiều hình thức xử lý người mua bán dâm như phạt hành chính, cho lao động công ích… ở Việt Nam tất nhiên nếu phải đeo biển trước ngực và quét rác thì chúng ta chưa nghĩ tới nhưng tôi cho rằng, nếu để người mua dâm quét đường 2-3 ngày cũng đủ.

Bởi thực tế, biện pháp cho nộp tiền đã xuất hiện nhiều tiêu cực. Không loại trừ có khả năng thỏa thuận, làm giá với nhau bắt rồi thả sẽ rất khó xử phạt hoặc công khai được danh tính.

Chính tôi đã xử lý một vụ việc nhưng khi tới hiện trường, khi tiếp cận đối tượng thì cô gái nói nhỏ “chú ơi, cháu vừa nộp tiền cách đây hai ngày”.

Nên chắc chắn không thể tránh khỏi tình trạng thỏa thuận. Vì tâm lý đằng nào cũng thế, dẹp không dẹp được, phạt thì phải bắt quả tang rồi đêm hôm vất vả. Thôi thì thu tiền chợ, theo tháng, theo quý, theo kỳ… cho nhanh.

Quan điểm cá nhân tôi tôi ủng hộ mô hình quy hoạch mại dâm thành phố đèn đỏ.

PV: “Xử phạt để cho tồn tại”, có thể ngầm hiểu chúng ta đang coi đó là một nghề. Nghĩa là gái mại dâm sẽ được cấp thẻ hành nghề, có khu phố riêng hoạt động, thưa ông?

Ông Lê Minh Hùng: – Trước đây, khoảng 4-5 năm Bộ LĐTB&XH từng đề xuất lựa chọn Hà Nội, TP.HCM, Nam Định sẽ là hai tỉnh thí điểm có “phố đèn đỏ”, nhưng phong tục tập quán của Việt Nam còn rất nặng nề. Tâm lý những người Việt Nam chưa thể chấp nhận có người thân trong gia đình hành nghề mại dâm.

Tuy nhiên, tôi vẫn nói rằng “giải pháp đó vẫn phải làm, chỉ là thời điểm nào người dân có thể chấp nhận được”.

Cứ nhìn từ Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia rõ ràng về tâm lý, phong tục người Việt Nam vẫn khắt khe hơn cả nhưng lại không thể phủ nhận đó là nhu cầu thực tế. Và vì thế, Việt Nam vẫn là nước bán dâm nhiều nhất, không chỉ trong nước, họ còn ra cả nước ngoài để tổ chức mua bán dâm.

Điều này vô tình đã làm chảy máu nguồn ngoại tệ ra nước ngoài, nếu quản lý hiệu quả có thể người nước ngoài phải đến Việt Nam để mua dâm thay vì người Việt Nam chạy sang nước ngoài để bán.

Ở Việt Nam có những địa điểm dù không thừa nhận nhưng mặc nhiên hiện nay nó vẫn trở thành thương hiệu như Quất Lâm, Sầm Sơn…

Tôi cho rằng khi mà chưa thể có được một giải pháp hài hòa thì nên lựa chọn cách thực hiện như chợ tình Trung Quốc. Đó là nơi chuyên phục vụ những người có nhu cầu, ở đó họ ra vào tự nhiên nhưng họ được tư vấn phòng bệnh, thực hiện tình dục an toàn cho xã hội.

Tất nhiên, nhà nước sẽ thu thuế và gái mại dâm ở đây được coi là một nghề.

Người mua dâm sẽ phải ra đường dọn vệ sinh?

PV:- Vậy với Hà Nội thì sao thưa ông?

Ông Lê Minh Hùng: – Hà Nội là Thủ đô nên rất nhạy cảm, chúng tôi xin phép chỉ đứng nhìn các tỉnh khác làm trước, Hà Nội đi sau để học hỏi dần chứ chưa thể áp dụng được ngay. Chúng tôi đang thực hiện từng bước rất thận trọng.

Có thể Hà Nội sẽ áp dụng mô hình của tổ chức Plan quốc tế, họ thực hiện chương trình hỗ trợ rất khoa học dưới hình thức vừa hỗ trợ, vừa học nghề vừa hành nghề.

Theo quan điểm của họ việc yêu cầu gái mại dâm phải từ bỏ hành nghề ngay tức khắc là một điều phi lý khi mà trong tay họ không có một công cụ nào để kiếm sống, không một đồng vốn, không việc làm… như vậy chẳng khác nào giết chết họ. Đó là lý do vì sao mại dâm không bao giờ dẹp được.

Chủ trương của Plan là hỗ trợ từng bước để gái mại dâm tự xây dựng cơ sở, vốn liếng cho tới khi có đủ niềm tin muốn từ bỏ nghề đó.

Hà Nội trước mắt có thể sẽ thực hiện theo hướng này nhưng tài chính hiện là vấn đề khó khăn lớn nhất.

PV: – Vậy theo ông, quản lý không hiệu quả cộng với ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao thì hậu quả tác động tới xã hội sẽ như thế nào?

Ông Lê Minh Hùng: Thì đây, chúng ta đang nhìn thấy những gì xã hội đang thể hiện chính là hệ quả. Chính vì lẽ đó, chúng tôi muốn nhắc lại quy định dựa trên pháp lệnh đã có và muốn làm quyết liệt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

———

Nguồn: baodatviet.vn, ngày 28/7/2014