Chuyện gì đang xảy ra ở đại học Hoa Sen?

Tác giả: Phạm Quốc Lộc

KD: Mọi mâu thuẫn, bất đồng của các trường học, đặc biệt ở bậc ĐH ngoài công lập, trước đây gọi là Dân lập, rồi giờ chuyển sang gọi là Tư thục, đều xoay quanh mỗi chữ… Tiền

———

Người Đô thị: Những diễn biến về đại học Hoa Sen đang diễn ra với nhiều kênh thông tin, cả chính thức và không chính thức. Từ trải nghiệm của một người trong cuộc, TS. Phạm Quốc Lộc (Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa học, Trường ĐH Hoa Sen) đưa ra những quan điểm riêng về câu chuyện đang xảy ra ở trường đại học này.

Chuyện gì đang xảy ra ở đại học Hoa Sen?

Dự án đại học Hoa Sen cơ sở 2 tại công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM sẽ đưa vào hoạt động năm 2016. Ảnh: TL

Qua một bài báo trên Tuổi Trẻ về “hội nghị lạ” của đại học Hoa Sen, bạn bè gần xa, sinh viên cũ và đang học đều gửi tin nhắn quan tâm đến tình hình của trường. Tôi xin trình bày vấn đề đang được dư luận quan tâm theo hiểu biết của tôi với tư cách một người đã và đang tìm hiểu về quản trị đại học, một trưởng khoa tham gia điều hành sâu rộng trong nhà trường, một giảng viên, một nhà giáo, một người đã có trải nghiệm ít nhiều các nền giáo dục khác nhau trên thế giới.

Câu chuyện ở Hoa Sen

Trong tuyên bố tôn chỉ thành lập trường đại học Hoa Sen năm 2006, Hoa Sen đã nêu rất rõ là một trường tư thục hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, theo luật Việt Nam, thì đại học tư thục vẫn phải tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tức có cổ đông và đại hội đồng cổ đông quyết định các chính sách lớn của nhà trường, bầu ra hội đồng quản trị, ban kiểm soát, và hội đồng quản trị bầu ra ban giám hiệu. Mâu thuẫn từ trong trứng nước (mà cơ bản là do luật định rất “đặc thù” của Việt Nam) nay được bộc lộ. Một số cổ đông sau nhiều năm thu gom cổ phần, nay thành cổ đông lớn, muối đòi cổ tức thật cao và muốn lấy cái câu “không vì mục tiêu lợi nhuận” ra khỏi quy chế hoạt động của nhà trường.

Thế nên đã có cổ đông, chia cổ tức thì trước giờ Hoa Sen phi lợi nhuận/không vì mục tiêu lợi nhuận (non-profit hay not-for-profit theo định nghĩa trong tiếng Anh đều như nhau) là kiểu gì? Theo định nghĩa đúng và theo thông lệ phổ quát trên thế giới, thì not-for-profit đơn giản là thặng dư/lợi nhuận của nhà trường không được phân chia cho những người có quyền kiểm soát nhà trường. Và như vậy, đã có cổ tức chia cho cổ đông thì về mặt định nghĩa Hoa Sen chưa thực thụ là một trường not-for-profit. Nhưng sự “chưa thực thụ” này là nằm ngay tại trong luật định của Việt Nam (bắt buộc trường tư tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, có cổ đông và hội đồng quản trị). Tuy nhiên, điều Hoa Sen đã làm được trước giờ là khống chế mức cổ tức rất thấp, chưa năm nào cao bằng hay hơn lãi xuất ngân hàng, ngoại trừ năm ngoái khi luật Giáo dục đại học 2012 ra đời. Từ trước đến nay, việc khống chế cổ tức ở mức rất thấp này khá thành công một phần vì kèm theo cổ phần thưởng. Nên cổ đông dù có mức cổ tức thấp, chỉ vài phần trăm, nhưng số cổ phần lại tăng do tăng vốn điều lệ của nhà trường nên các cổ đông cảm thấy “hài lòng”. Nhà trường dùng một phần rất lớn lợi nhuận để tái đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất nên đại học Hoa Sen mới có môi trường học hành thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam.

Nhưng nay luật Giáo dục đại học ra đời, đã quy định minh thị là cổ tức đại học tư thục không vì mục tiêu lợi nhuận sẽ không được quá lãi xuất trái phiếu nhà nước, và phần còn lại sẽ tái đầu tư, phát triển nhà trường, và do đó cũng không thể có luôn cổ phần thưởng! Thế là một nhóm cổ đông lớn, sau nhiều năm thâu gom (giờ muốn thâu tóm) không còn “hài lòng” nữa nên muốn bỏ hẳn câu “không vì mục tiêu lợi nhuận” ra khỏi quy chế hoạt động của nhà trường, để khỏi bị ràng buộc bởi quy định của luật Giáo dục đại học. Thế là họ triệu tập đại hội cổ đông bất thường nhằm thay đổi hội đồng quản trị hiện tại, vốn đa số đang ủng hộ “không vì mục tiêu lợi nhuận”, và thay luôn ban giám hiệu để họ có thể kiểm soát nhà trường theo ý muốn.

Đại học thì nên lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

Để hiểu rõ vấn đề này, trước nhất phải hiểu mấy điều: Thứ nhất, phi lợi nhuận/không vì mục tiêu lợi nhuận không có nghĩa là không được quyền sinh lợi nhuận. Vấn đề ở đây là, phi lợi nhuận có nghĩa là lợi nhuận không được phân chia cho những người có quyền kiểm soát nhà trường (non-distribution constraint). Không phân chia lợi nhuận, chứ không phải là không có hay không được tạo ra lợi nhuận. Và do vậy, phi lợi nhuận cũng không có nghĩa là giá thành phải thấp (ở đây là học phí phải thấp!). Nên đừng “than phiền” nếu nhà trường tuyên bố phi lợi nhuận mà học phí cao. Phải coi xem nhà trường dùng tiền lời để làm gì? Thứ hai, phi lợi nhuận hay lợi nhuận tự thân nó không quyết định chất lượng dịch vụ/sản phẩm nó cung cấp.

Thông thường, một tổ chức vì lợi nhuận sẽ làm tốt nếu thoả đầy đủ bốn điều kiện sau: (a) khách hàng có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm/dịch vụ trước khi quyết định mua; (b) khách hàng có thể thoả thuận một cách rất rõ ràng về số lượng, chất lượng, hay giá cả của dịch vụ; (c) khách hàng có thể xác định được là tổ chức đó có làm theo thoả thuận hay không; và (d) khách hàng có thể trừng phạt tổ chức đó nếu nó không làm đúng thoả thuận.

Tất cả những điều kiện này sẽ tạo nên cái gọi là một thoả ước (contract) giữa tổ chức đó với xã hội. Nếu những điều kiện này không thoả, thì thoả ước này sẽ thất bại (contract failure). Mà trong điều kiện thoả ước thất bại thì xã hội không kiểm soát được chất lượng và cam kết của tổ chức vì lợi nhuận, và do vậy tổ chức đó có thể trục lợi để tối đa hoá lợi nhuận, bất chấp cam kết về chất lượng.

Giáo dục đại học được gọi là một loại dịch vụ đặc biệt (complex personal service), một dịch vụ đào tạo con người phức tạp. Người bỏ tiền ra (thường là phụ huynh) và người hưởng thụ dịch vụ (sinh viên) là hai đối tượng khác nhau, nên cũng góp phần làm cho việc kiểm soát chất lượng rất khó. Ngoài ra, làm sao đo lường được ngay cái chất lượng bốn năm giáo dục như đi mua một sản phẩm kem đánh răng hay cục xà phòng! Có khi đến cuối đời và qua nhiều thế hệ đào tạo thì người ta mới hòm hòm xác định được chất lượng “sản phẩm” của một trường đại học. Bởi thế mới hay nói “trăm năm trồng người” dù học đại học chỉ có bốn năm! Nên giáo dục là một loại dịch vụ mà khả năng thoả ước thất bại (contract failure) rất cao!

Một nhóm cổ đông, chỉ vài người đã nắm đến 40% cổ phần Hoa Sen và hiện đang muốn khuynh đảo nhà trường, thay đổi hội đồng quản trị và ban giám hiệu…

Do vậy, trên lý thuyết, nếu một trường không vì lợi nhuận thì nó sẽ không có động cơ để trục lợi vì có trục lợi thì cũng đâu có được phân chia (non-distribution constraint như đã nói ở trên).

Ngay từ những ngày đầu thành lập, các nhà sáng lập đại học Hoa Sen đã tâm nguyện vì lợi ích cộng đồng. Cho đến nay, đã thành một trường đại học tư thục danh tiếng với hơn 10 ngàn sinh viên, thì Hoa Sen vẫn luôn “chòi đạp” trong khuôn khổ pháp lý còn nhiều chỗ bất cập của Việt Nam để tiếp tục cống hiến cho xã hội. Khi luật Giáo dục đại học 2012 ra đời, quy định rõ hơn và tạo điều kiện tốt hơn để Hoa Sen trở thành một trường phi lợi nhuận đúng nghĩa mà thế giới vẫn công nhận, thì sinh ra chuyện tranh chấp.

Một nhóm cổ đông, chỉ vài người đã nắm đến 40% cổ phần Hoa Sen và hiện đang muốn khuynh đảo nhà trường, thay đổi hội đồng quản trị và ban giám hiệu, trong khi hội đồng quản trị và ban giám hiệu đó trong nhiều năm qua đã góp phần xây dựng Hoa Sen được như ngày hôm nay.

Họ đã biến Hoa Sen thành một “cục kẹo ngon ngọt”, một cơ hội để kiếm siêu lợi nhuận! Họ sẽ làm gì khi “chiếm” được Hoa Sen, chiếm được cái quyền muốn hình thành hội đồng quản trị và ban giám hiệu mới trong vòng một ngày thì đã quá rõ. Đến một lúc nào đó, hội đồng quản trị và ban giám hiệu mới không làm theo ý họ thì họ lại thay, vì hiện nay nhà nước cho họ cái quyền đó! Qua đại hội cổ đông mà họ nắm đa số cổ phần, họ có thể lấy cái câu “không vì mục tiêu lợi nhuận” ra một cách dễ dàng! Cho dù bây giờ họ hứa (để trấn an dư luận chẳng hạn), thì cũng đâu biết được họ giữ lời hứa đến khi nào. Bởi quyền quyết định đang nằm trong tay họ!

Tuy nhiên, hiện nay những người thực tâm vì một nền giáo dục phục vụ lợi ích công vẫn đang cố để giữ vững Hoa Sen thực sự là một trường đại học tư thục vì lợi ích công, vì cộng đồng, vì sinh viên, chứ không vì một nhóm lợi ích nào. Là một trí thức, tôi không cam tâm để Hoa Sen rơi vào tay những người kiếm “siêu lợi nhuận” bằng giáo dục. Tôi tin rằng ở Hoa Sen hiện đang có rất nhiều người muốn cứu lấy Hoa Sen để đưa nhà trường trở về mục tiêu cao cả ban đầu của nó .

 ________________________

Ghi chú: Các khái niệm về phi lợi nhuận trong bài được trích từ các tài liệu sau: Hansmann 1980, 1987, Glaeser 2001, MNCA 2008).

———–

 

 Nguoidothi.vn, ngày 1/8/2014