Tác giả: Ts Đàm Quang Minh- Ts Trần Vinh Dự
KD: Hôm rồi, ông Nguyễn Quang Duy đề nghị tư thục hóa tất cả ĐHVN. Hôm nay hai bác TS đề nghị đóng hết cửa các trường ĐH tư thục . Cả hai bài, hai cách nhìn đều quá cực đoan. Vấn đề là điều chỉnh chính sách phát triển, chứ đâu phải loại hình này có lỗi. Trong khi nhà nước không đủ tiền đầu tư?
Gần đây khi Trường Đại học Hoa Sen, một trường đại học tư thục hàng đầu của Việt Nam, dính vào bê bối chạy theo lợi nhuận, dư luận một lần nữa đặt dấu hỏi lớn về tương lai của các trường đại học tư thục tại Việt Nam. Có vẻ như với áp lực nặng nề từ quan niệm thái quá của xã hội về việc “kinh doanh giáo dục”, kèm theo các chính sách ban hành ra dường như chỉ để xiết cổ các trường đại học tư, lựa chọn tốt nhất của tất cả những người làm giáo dục đại học tư thục là … đóng cửa trường và bỏ nghề.
Khi nhà nước bắt đầu mở cửa cho việc thành lập đại học ngoài công lập tại Việt Nam, hàng loạt các nhà giáo tâm huyết đã bỏ công sức xây dựng các trường ngoài công lập với hoài bão thay đổi nền giáo dục nước nhà. Đem lại môi trường học thuật tiên tiến, xóa bỏ giáo điều và sự khô cứng của nền giáo dục đại học là những mong muốn đầu tiên mang nặng tính lạc quan và nhiều mơ mộng.
Đáng tiếc là những lạc quan và mơ mộng đó kết thúc sau chặng đầu tiên với một loạt các vụ bê bối “khủng”. Theo đó, các trường đại học dân lập bị mang tiếng là các trường hạng hai, luôn vơ vét sinh viên, làm việc vô nguyên tắc và chất lượng thấp. Đỉnh điểm của những bê bối này là 3 Giáo sư, Tiến sĩ của Trường Đại học Đông Đô phải hầu tòa và lĩnh án tù 18 tháng (được hưởng án treo) vì tội tuyển sinh sai quy định vượt quá 2,8 lần và không đảm bảo chất lượng đào tạo.
Giai đoạn bùng nổ kinh tế và hội nhập những năm 2006 – 2007 đánh giấu một bước hồi sinh mạnh mẽ của phong trào “làm đại học tư thục”. Đáng tiếc là phần nhiều trong số các trường này được thành lập bởi các “ông chủ” kinh doanh trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản, và mục tiêu của họ khi lập đại học tư thường gắn chặt với mục đích “chiếm đất”.
Thành công chưa thấy đâu, chỉ thấy gần đây Hiệp hội các Trường Đại học Ngoài Công lập liên tục gửi đơn kêu cứu khắp nơi về nguy cơ sụp đổ của hệ thống các trường này. Thực tế là, khi các trường tư được cấp phép hàng loạt thì các trường công cũng mọc ra như nấm (đặc biệt là sự xuất hiện của hệ thống đại học vùng). Các trường công đang tồn tại và có thương hiệu thì tính đường mở rộng quy mô, tạo ra các chương trình đào tạo mang tính thương mại.
Kết quả là, các trường công lập với lợi thế giá rẻ đã gần như đánh gục tất cả các trường đại học tư thục ở tỉnh lẻ. Đội ngũ ngoài công lập chỉ còn lại một vài trường hoạt động “tàm tạm” nằm chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi mà sự kỳ thị “trường tư nhân” ít hơn và nhu cầu giáo dục, đào tạo cũng đa dạng hơn.
Tử địa chính sách
Không những lép vế hơn hẳn hệ thống trường đại học công được bao cấp đến tận răng trong cuộc cạnh tranh thu hút sinh viên, đại học tư còn bị cơ chế ép bằng các chính sách đưa họ vào chỗ chết.
Để chấn chỉnh hoạt động vị lợi nhuận của các trường tư thục, các cơ quan quản lý nhà nước liên tục ban hành từ Luật giáo dục mới đến các văn bản hướng dẫn khác, tăng mức độ kiểm soát và hạn chết phát triển theo hướng doanh nghiệp của các trường ngoài công lập. Theo đó việc thành lập trường trở nên khó khăn hơn nhiều với quy định vốn tối thiểu có hiệu lực từ 01.01.2014 là 250 tỷ, diện tích 5 ha, tỷ lệ 25m2 trên mỗi đầu sinh viên. Tăng 18 lần so với 7 năm trước đó khi điều lệ đầu tiên của trường đại học tư thục ra đời.
Giả sử chi phí vốn chỉ là 12%/năm, riêng chi phí vốn cho 250 tỷ Đồng mỗi năm đã là 30 tỷ. Với một trường khoảng 1000 sinh viên những năm đầu tiên, mỗi sinh viên gánh 30 triệu Đồng/năm chỉ cho chi phí vốn. Nếu tính thêm các chi phí giảng dạy (tiền trả cho giáo viên), chi phí cho nhân sự, marketing, tuyển sinh, các chi phí vận hành và quản lý khác, thì phân bổ chi phí mỗi đầu sinh viên theo đúng quy định này phải lên tới 80- 100 triệu Đồng/năm, mức học phí mà chắc chắn các trường ngoài công lập không thể tuyển sinh được.
Nói cách khác, những quy định này phát đi một thông điệp cực kỳ rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước là tốt nhất đừng đầu tư vào giáo dục đại học vì không thể nào có lợi nhuận tài chính nếu tuân thủ đúng các yêu cầu của nhà nước.
Đối với các trường hiện hữu, nhà nước cũng tạo ra các chính sách thành lập vốn chung không chia thuộc sở hữu chung, bổ sung các thành viên độc lập vào HĐQT nhằm kiểm soát và hạn chế các nhà đầu tư can thiệp vào quản trị và kiểm soát mục tiêu phi lợi nhuận của các trường đại học tư thục. Các nhà đầu tư đã bị “kẹt vốn” tại các đại học tư này cần hiểu rằng họ đang bị hạn chế cả về lợi nhuận và quyền lực thực tế đối với các trường tư thục.
Tháo chạy trong hoảng loạn?
Kể từ 01.01.2014 khi văn bản pháp luật chính thức có hiệu lực, nhiều chủ đầu tư đã tháo chạy trong hoảng loạn. Chưa bao giờ giới đầu tư lại thấy các trường được mua bán tấp nập như vậy. Chỉ riêng từ đầu năm, một loạt thương vụ được ghi nhận từ các trường như Trường Đại học Tài chính Marketing, Trường Đại học Đông Đô, hay Đại học Công nghệ Gia Định. Hoặc có những trường được rao bán nhưng chưa ai mua như Trường Đại học Quản lý Kinh doanh Hữu nghị, Trường Đại học Chu Văn An. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng lặng lẽ rút khỏi thị trường như chủ đầu tư cũ của Kent College hay Black Hourse Asset Management để lại thị trường cho các nhà đầu tư nội. Ngoài ra còn những thương vụ được mua bán, chuyển nhượng một cách âm thầm khác không được công bố thì còn nhiều hơn nữa.
Với thông điệp rất rõ ràng là không mong muốn sự phát triển của hệ thống trường đại học tư thục vị lợi nhuận và chưa có hành lang thực sự hữu hiệu cho các trường tư thục phi lợi nhuận thì những chính sách siết chặt như những thòng lọng đang xiết vào cổ các nhà đầu tư. Họ dần mất cả cổ phần và cả quyền lực tại các tổ chức góp vốn. Đầu tư vào giáo dục vốn đã bất công nay càng trở nên bất công hơn nên không có lý do gì khiến họ còn cần thiết nữa. Dư luận xã hội cũng nặng nề và trở nên cay nghiệt với những người lấy giáo dục làm công cụ kiếm tiền (cho dù họ có đem lại giá trị cho xã hội đi nữa) càng đẩy họ vào thảm cảnh.
Thế nên nếu không có gì thay đổi về mặt chính sách nhà nước thì có lẽ cách tốt nhất mà nhà nước nên làm là… đóng cửa tất cả các trường đại học tư. Hãy giải phóng tất cả các nhà đầu tư giáo dục tư nhân đang mắc kẹt tại đây thay vì để họ tìm mọi cách thu hồi vốn bằng mọi cách (thu hồi vốn bằng mọi cách thể hiện sự chụp giật và ngắn hạn và người chịu thiệt là sinh viên và xã hội). Thay vào đó, nhà nước có thể công hữu hóa các trường này và trả tiền lại cho các nhà đầu tư, chấp nhận nhìn thẳng vào thực tế là chiến lược xã hội hóa giáo dục đại học đã không thành công (phần nhiều là do lỗi chính sách).
Nửa vời sẽ dẫn tới thảm họa về giáo dục
Đối lập với bức tranh u ám của giáo dục đại học tư thục, xã hội hóa giáo dục phổ thông được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn. Các trường phổ thông tư thục đa dạng mọi cấp độ và nhiều trường trở nên những trường có danh tiếng. Không hề có các thảo luận xung quanh việc giáo dục phổ thông nên phi lợi nhuận hay vị lợi nhuận cho dù giáo dục phổ thông đúng nghĩa cần phải có quyền lợi phi lợi nhuận nhiều hơn là giáo dục đại học mang tính hướng nghiệp và không bắt buộc. Từ đó cũng không có những quy định về tài sản chung không chia hay quy định bắt buộc về Hội đồng quản trị nghiêm ngặt như Giáo dục đại học.
Chính sự không rõ ràng trong chính sách và nhiều định kiến khác nhau đã khiến cho việc xã hội hóa đại học đã trở nên phức tạp hơn so với việc xã hội hóa giáo dục phổ thông. Vì vậy, nếu không thể đối xử công bằng với các trường đại học tư thục thì giải pháp tốt nhất là nên đóng cửa loại hình này thay vì đưa thêm các thòng lọng siết cổ từ từ như hiện nay.
————
Theo đadien.net, ngày 12/8/2014
Bạn phải đăng nhập để bình luận.