Mình với ta tuy hai mà một !

Tác giả: Đào Dục Tú

KD: Chỉ một chữ “mình”, tác giả Đào Dục Tú diễn giải thành một bài viết, đi từ thể chất tới tinh thần, tình cảm. Đủ hiểu ngôn ngữ VN đẹp và đa diện đến thế nào…

Cảm ơn anh Đào Dục Tú  😀

———–                                                                                                                                  

Người đọc, người học hay người dùng tiếng Việt như một ngoại ngữ, nếu muốn am hiểu ngôn ngữ có phần dị biệt này, trước hết phải hiểu và cao hơn, phải cảm được phần lớn nghĩa biểu ý biểu cảm của những từ thuần Việt, trong đó phải kể đầu tiên là những từ dùng để  chỉ các bộ phận thân thể lộ diện của con người. Ví như: Mình, đầu, chân ,tay, mặt, mắt, mũi, miệng, mồm, tai, tóc v..v…


“Hai mình”- nguồn Trên mạng

Nói ngôn ngữ Việt có phần dị biệt là bởi cấu trúc của nó rất  “không thuần nhất”. Có người cho rằng quá bán ,hoặc đúng hơn là ba phần tư số lượng từ là thuộc gốc Hán Việt do quá trình tiếp nhận văn hóa suốt hàng ngàn năm Bắc thuộc và diễn trình giao thoa văn hóa sau này cũng . . .hàng nghìn năm bang giao Hoa Việt. Đấy là chưa kể số lượng từ của các tộc người Nam Á cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Xin đưa ra một ví dụ: Từ “săn” trong tiếng Khơ Me, tiếng Thái đều có nghĩa là theo dõi thì “săn” thuần Việt cũng là theo dõi, ví như  trong động từ kép “săn bắn”- theo dõi dấu vết  thú vật để bắn. . . Số lượng từ Hán Việt bề nổi có vẻ “áp đảo” song đã được  “Việt hóa ” lâu đời, đặc biệt mảng ngôn ngữ tuyên truyền tuyên huấn chính trị xã hội, đại loại như nhân dân, quân đội, đảng, chính quyền, giáo dục ,học thuật, quốc phòng, văn hóa ,văn nghệ, toàn dân , toàn diện, sinh sản , sản xuất vân vân.

Điều cần lưu tâm là từ, tiếng thuần Việt quá đa nghĩa, quá nhiều cung bậc cảm xúc và cách dùng từ thì hết sức đa dạng ,linh hoạt  làm nên phần dị biệt, lý thú của ngôn ngữ. Xin viện dẫn hai từ, tiếng “mình ” với “ta”- hai đại từ nhân xưng, nhất là từ ,tiếng “mình” đặc sắc

 “Mình” thuộc danh từ chỉ phần  thân thể người, cùng với đầu và tứ chi làm nên diện mạo toàn phần . Mở rộng nghĩa ,mình cũng chỉ phần thân thể của động vật. Người Việt ca ngợi những chàng trai lực điền ngực nở, săn chắc  là người có “mình cá trắm”, như các đô vật trong sới vật hội xuân . Các cụ ông  người gầy gò  dáng thanh tao “tiên phong đạo cốt” ,người ta  gọi ” mình hạc xương mai”. Phần cơ thể người ở giữa đầu và chân gọi là  “mình” ;nhưng  với cách nói biểu trưng ,mình cũng đại diện cho toàn thể.

Khi người ta nói “sức khỏe  bất ổn, thời tiết mưa nắng thất thường, khiến mình khó chịu quá” thì không có nghĩa “người ấy” chỉ đau ốm phần. . “giữa cơ thể” mà là toàn bộ cơ thể không được khỏe mạnh ,bình thường. Điều đáng nói nhất là người Việt đã biến “mình” danh từ thành đại từ nhân xưng của cả “ba ngôi”.

Ngôi thứ nhất ,ví như nói một cách thân mật: “Hôm nay mát trời ,mình chỉ muốn “tùy hứng qua. . . hai cầu” đi Hà Nội chơi thôi cậu ạ” .Trường hợp này,  “mình” thay “tôi” hoặc “tớ” ở ngữ cảnh thân mật, có thể cả “ta” nữa- ít dùng hơn. Dùng làm đại từ nhân xưng ngôi thứ hai ví như, cũng thân mật nói” tôi với mình cùng đi lễ chùa làng nhé! “. Hai người nói chuyện về người thứ ba ,mình trở thành đại từ nhân xưng ngôi thứ ba. Ví như ” Này ,tôi nói cho cậu biết lão ấy  kênh kiệu lắm nhé ! Lão ấy tưởng chỉ có ” mình” là chúa thằn lằn về  trình độ Anh ngữ ở cơ quan này”.

Như vậy, từ danh từ chỉ bộ phận giữa cơ thể, phần trọng lượng lớn nhất, cái khoang  “thể tích”lớn nhất chứa lục phủ ngũ tạng ,cái ” kho” lục phủ ngữ tạng, một nhà máy hóa sinh liên hoàn thu nhỏ chế biến và tổng hợp tài tình thực phẩm ,khí trời, nước để làm nên hồng cầu cho  sự sống nhân sinh, ” mình” biến thành đại từ nhân xưng của cả ba ngôi !

Điều cần nhấn mạnh là người Việt thường đem những bộ phận quan trọng  của cơ thể để ám chỉ ,để biểu tỏ ,để diễn tả về các mối quan hệ tinh thần tình cảm cũng . . . quan trọng nhất ,thiết thân, gắn bó chặt chẽ nhất của con người. Người xưa gọi kẻ tùy tòng thân cận bên mình là kẻ “tâm phúc”- tim, bụng .Điều cốt tủy được giãi bầy trong quan hệ người- người gọi là điều “gan ruột” , hay là “anh em như thể tay chân”.Thậm chí tâm trạng bực bội thường nhật của con người cũng được  gọi là “tức mình” vân vân . .

Các bộ phận cơ thể còn được đi vào cách nói ẩn dụ. Mấy ai không biết ý nghĩa bóng gió của những câu thành ngữ như “môi hở răng lạnh” “máu chảy ruột mềm” vân vân Đặc biệt trong quan hệ vợ chồng “bách niên giai lão”, người Việt gọi nhau là mình ,xưng hô với nhau là mình. Mình – từ chỗ là đại từ nhân xưng của cả ba ngôi, biến  thành danh từ tương tự như “chồng ” và “vợ”.

Người Việt trẻ tuổi thời a-còng có thể gọi nhau là “chồng ơi”, “vợ ơi” song thường chỉ là ngữ cảnh đùa vui pha chút tếu quấy trẻ trung. Người xưa gọi nhau là mình với tất cả tình cảm thân thiết và trân trọng. Có lẽ chỉ có người Việt mới “hóa thân” kiểu đó, chỉ có ngôn ngữ Việt mới sử dụng “mình” kiểu đó chăng? Chồng gọi vợ là mình ,vợ gọi chồng là mình, có khi còn dùng thêm cả danh  từ “nhà” nữa nên thi sĩ Bùi Giáng “bàng giúi điên điên” mới có câu thơ lý thú “mình ơi tôi gọi bằng nhà- nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi”. Vợ chồng, tình nhân “sủng ái” nhau gọi nhau là mình. Đúng là mối quan hệ “trao thân gửi phận”!.

Chỉ trong các mối tương giao thân thiết, tình tứ và trân trọng lắm người ta mới dùng “mình” để gọi nhau ,để xưng hô với nhau.Sau quan hệ vợ chồng là quan hệ tình ái, là quan hệ  chị em ruột thịt, đồng nghiệp . .đồng tâm, đồng chí ,đồng ý ,đồng tình.

Riêng đại từ nhân xưng số ít, cũng có khi dùng cho cả số nhiều là “Ta”, có điều cần lưu tâm: “ta” thường nói nhiều hơn về các quan hệ xã hội. Trái lại, “mình” nói nhiều hơn về các mối quan hệ nặng phần tình cảm riêng tư, cá nhân. Câu ca dao “ta về ta tắm ao ta- dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” chẳng hạn, là một sự nhắc nhở chung  tất cả mọi người cần biết quý yêu, lựa chọn, chấp nhận những gì gần gụi với mình ,của mình, không nên  “vọng ngoại” một cách viển vông hoặc đáng sợ hơn, trái với lòng tự trọng và thuần phong mỹ tục của người Việt.

Bài thơ Việt Bắc “nổi tiếng một thời” của Tố Hữu là điển hình kết cấu, cấu tứ thơ từ cặp đôi ngôn ngữ, cặp đôi đối lập mình- ta,tương xứng, tương ứng ta- mình mình- ta thấm đậm phong cách ca dao :”mình về mình có nhớ ta-t a về ta nhớ những hoa cùng người. . .” “mình đi ta hỏi thăm chừng- bao giờ Việt Bắc tưng bừng yên vui”, “ta đi ta nhớ những ngày- mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi. . .”.

Ta- cũng là một đại từ nhân xưng tương tự như mình, có thể là  ngôi số một  số nhiều ,ví như nói “trong học tập, lớp ta cần cố gắng hơn nữa “. Có thể là đại từ ngôi thứ nhất số ít khi người trên nói với người dưới “ta thường tới bữa quên ăn- nửa đêm vỗ gối nước mắt đần đìa”(Hịch tướng sĩ-Trần Hưng Đạo); hoặc  tỏ vị thế  bề trên, ví như :” ta không thể chấp nhận yêu sách vô lý của các cháu như thế được”

Riêng cặp từ mình –ta, chủ thể và khách thể.  Điều đáng lưu tâm là, khi giữa ta và mình đã thân gần, mật thiết, nghĩa tình trong một mối tương giao tình cảm bằng hữu hay vợ chồng  đồng ý đồng tình thì quả là, như câu thành ngữ đã nói “ta với mình tuy hai mà một” . Là một, đấy là “nhất tâm”. Nhất tâm vạn sự tất thành : “thuận vợ thuận chồng biển đông tát cạn- thuận bè thuận bạn tát cạn biển đông”. Người  Việt đoan quyết “nhất tâm” là sức mạnh- như một chân lý. / .