Thái độ ứng xử của trí thức

Tác giả: Lê Thanh Phong

KD: Chưa rõ vụ này, sai đúng đến đâu nhưng bước đầu, GS Nguyễn Đăng Hưng có những điều bất lợi: 1) Trường ĐH TĐT “đá” trên sân nhà.  2) Trong sự phát ngôn, GS Nguyễn Đăng Hưng không nên có sự khái quát kiểu “chính trị hóa” cho nhà trường, thể hiện sự suy diễn và ngạo mạn của GS. Cái mất nhiều hơn cái được.

Việc bảo vệ lẽ phải của mỗi phía chỉ có thể căn cứ trên hợp đồng ký kết hai bên, căn cứ trên pháp luật VN. Và dựa vào sự khiêm nhường, thái độ văn hóa, biết kiềm chế. Giả dụ, GS có thua, thì XH cũng vẫn tôn trọng

Vụ Trường Đại học Tôn Đức Thắng kiện GS Nguyễn Đăng Hưng thu hút sự chú ý của dư luận và đặc biệt là giới khoa học. Trong hợp đồng hai bên đã ký kết, có một nội dung mà GS Nguyễn Đăng Hưng có trách nhiệm triển khai: “Lên kế hoạch với sự hỗ trợ nhân sự và tài chính của Đại học Tôn Đức Thắng, xây dựng một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh với mục tiêu được cộng đồng quốc tế công nhận theo tiêu chuẩn ISI (Institute for Scientific Information) trong tương lai. Củng cố và đào tạo nhân lực có thể vận hành và đảm đương việc thẩm định bài vở cho tạp chí” .

Theo đơn kiện của Đại học Tôn Đức Thắng, sau khi thực hiện tạp chí APJCEN với vai trò tổng biên tập, GS Hưng đã gạt bỏ vai trò sáng lập của trường. Đây cũng là điểm mấu chốt của vụ kiện, TAND quận 9 (TPHCM) thụ lý vụ án. Đúng, sai sẽ có tòa phân xử, ở đây xin được bàn đến nội dung khác.

Đúng ra, là nhà khoa học, dù có tranh chấp thì cũng có thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng nhau. Nhưng tiếc rằng, GS Nguyễn Đăng Hưng đã gửi thư đến ban biên tập tạp chí APJCEN gồm hơn 50 nhà khoa học có uy tín của các nước với nội dung: “Chúng tôi không thể chấp nhận rằng, ông hiệu trưởng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng rất ngạo mạn đòi quyền sáng lập tập san để bổ nhiệm thành viên ban biên tập. Ở Việt Nam, sự toan tính như thế thường là do thói quen toàn trị…”. Trong một thư khác gửi diễn đàn Sci-Edu về vụ này, GS Nguyễn Đăng Hưng viết: “Âu đây cũng là thêm một kinh nghiệm hợp tác với một đại học Việt Nam”.

Trong thư ngày 3.5.2014 gửi tạp chí APJCEN, GS Nguyễn Đăng Hưng nói đến hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng: “Ông không xứng đáng là hiệu trưởng của một trường đại học như Đại học Tôn Đức Thắng. Quả thật, điều này đã hạ thấp vai trò học thuật của ông”.

Trả lời Dân Trí, GS Nguyễn Đăng Hưng tự cho mình là “một nhà khoa học lừng danh của thế giới”. Với người đạo cao đức trọng như ông, trong một vụ kiện, ông hãy chứng minh cái đúng của mình trước tòa, nhưng cần tôn trọng các nhà khoa học khác cũng như đối tác của ông là Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông không nên mở diễn đàn nặng lời chê bai trường đại học của Việt Nam và cũng không nên sỉ nhục cá nhân hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tranh chấp xảy ra trong quan hệ hợp tác là chuyện bình thường, bởi vậy, nhân loại mới sinh ra pháp luật và các tòa án để phân xử. Tại sao ông lại cho rằng “Ở Việt nam, sự toan tính như thế thường là do thói quen toàn trị”?

Đại học Việt Nam, có thể chưa bằng nhiều trường đại học khác trên thế giới, nhưng cũng đào tạo nhiều thế hệ các nhà khoa học có uy tín và phẩm chất cao, đào tạo hàng triệu trí thức có năng lực cống hiến hiệu quả cho đất nước. Cho nên, không thể vì một vụ kiện của cá nhân GS Hưng với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, mà ông lại xúc phạm đến cả nền học thuật của Việt Nam bằng câu: “Âu đây cũng là thêm một kinh nghiệm hợp tác với một đại học Việt Nam”.

Thật khó có thể tin được những lời đó là của GS Nguyễn Đăng Hưng – người đã được truyền thông ca ngợi và như chính ông tự ca ngợi mình “lừng danh thế giới”. Nhà khoa học có tài năng thực sự không ai lại tự nói về mình như thế và đặt mình cao hơn người khác, xem thường đồng nghiệp.

Phần thắng của vụ kiện thuộc về ai chưa biết, nhưng các nhà khoa học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có thái độ chừng mực, thực hiện các thủ tục trong khuôn khổ quy định của pháp luật, không lên tiếng đả kích cá nhân. Đó là sự ứng xử văn minh, tôn trọng đối tác của những người trí thức.

————

Lao động, ngày 15/8/2014

%d người thích bài này: