Tác giả: Đào Tuấn
.Những người đẹp “bán dâm” giờ ra sao? Họ đang cố thu mình lại. Họ đang cố lãng quên quá khứ chẳng mấy vui vẻ của một thời dại dột nào đó. Họ đi tìm một người đàn ông biết tha thứ. Họ cố gắng sống bình thường trong những ánh mắt vẫn chưa thôi móc máy, những điệu cười như dao đâm vào lòng. Họ nghĩ về những điều sau này sẽ nói với những đứa trẻ khi chúng lên giường đi ngủ.

Đúng là muốn giết người chẳng cần phải cầm đến súng đạn.
Rất khó để nói chính xác câu hỏi ấy đặt ra để làm gì, trừ phi làm nhục người khác cũng được coi là một mục đích, trừ phi làm thỏa mãn trí tò mò của số đông một cách bất chấp cũng được coi là một trong những nhiệm vụ của báo chí.
Không lẽ khi đã lập gia đình và cố sống thu mình cầu sự lãng quên họ vẫn phải bị lôi dậy để phải mặt đối mặt với quá khứ.
Không lẽ cái ước mong được trở lại một người phụ nữ xum vầy bên gia đình cũng khó đến nỗi phải như anh Chí ngày nào nửa đêm đấm ngực: “Ai cho tôi làm người lương thiện đây”.
Không lẽ cái giá danh dự quá đắt mà họ đã phải trả còn chưa đủ.
Và không lẽ, sau khi đã phạm sai lầm, họ phải “lên cầu để lại đôi dép” thì mới vừa lòng dư luận?! thì mới có thể yên thân?!
Phương Đông có câu: “Không ai có thể nắm tay cả ngày”. Phương Tây nói: Kẻ nào chưa từng mắc phải lỗi lầm cũng là kẻ chưa bao giờ thử làm việc gì cả.
Đã là con người, liệu có ai có thể nói mình không bao giờ mắc sai lầm. Vấn đề chỉ là cái cách họ đã đứng lên như thế nào.
Người Pháp có câu: Sự tha thứ là mùi hương mà vi-ô-lét để lại trên gót chân đã dẫm nát nó.
Xin đừng xát muối vào lòng vị tha của những người đàn ông đã tha thứ cho quá khứ của những người đẹp.
Xin đừng làm tổn thương những đứa trẻ của thì tương lai.
Xin hãy buông tha cho những người đẹp ấy, họ đã thú nhận sai lầm, mà thú nhận sai lầm là điều gần với sự trong sạch nhất. Bởi tha thứ cho một người từng lầm lỗi hôm nay, chính là việc ta đang tôn cao phẩm giá và nhân cách của chính mình.
Huống chi ngay cả những người từng phạm tội và ngồi tù còn được xóa án tích cơ mà.
————
Lao đông, ngày 21/8/2014