Đường trong làng hoa dại với mùi rơm…

Tác giả: Đào Dục Tú

KD: Tất cả bài là một bức tranh quê, có hồi ức quá khứ, có hiện tại đầy những lúng túng, quẩn quanh của một vùng quê đang phát triển, một chân đã bước vào phố thị, chân kia còn ở lại với …lũy tre làng. Và có cả mong ước văn minh đáng trân trọng

Vậy mà mình vẫn lại nhớ nhất hai câu thơ của Huy Cận được trích dẫn trong bài, cũng là hai câu mình yêu thích nhất từ thuở thiếu nữ: Đường trong làng hoa dại với mùi rơm. Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm. Mà tại sao mình lại thấy nó có gì đó rất phương Tây, rất văn minh. Lạ thế!

Cảm ơn anh Đào Dục Tú   😀

————–

Những ngày này quê tôi bắt đầu gặt lúa mùa chính vụ. Rơm phơi ngoài ngõ xóm, rơm chất đầy ria đường cái.  Đi bộ rơm quấn quanh chân ,đi xe máy phải lượn từ từ qua những  đống rơm xiêu đổ tràn  ra đường. Khi ngày thu đã tàn, vầng trăng trung tuần tháng chín đã “đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn”(thơ Xuân Diệu) nhởn nhơ lơ lửng  trên trời, thì thóc nhà nào vào bồ nhà ấy rồi.

Nguồn Trên mạng

Chỉ còn rơm phơi được nắng, tỏa một mùi hương đồng nội quê mùa quen thuộc. Tự dưng nhớ câu thơ Huy Cận thời lãng mạn tiền chiến ” Đường trong làng hoa dại với mùi rơm- Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm”. Con đường thơm hương tình ái ấy là con đường làng đầy “hoa dại với mùi rơm” ! .Không phải là chuyện văn hoa chữ nghĩa, một vùng quê ngoại ô rơm rạ mùa này, đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Qua những đoạn đường rơm rạ ngoài cánh đồng về khuya, thấy nhiều  đống lửa đốt đồng còn âm ỉ cháy. Lửa  bay theo gió đồng, cánh đồng trong đêm  tự nhiên hoang liêu, hoang đường như trong cổ tích. Khói đốt đồng ngoại ô cộng với sương thu thành một màn sương khói mông lung quá. Người viết miên man nhớ đến những ngày đã xa. Thời chống Mỹ, thời bao cấp, mùa gặt,ngoài sân kho, hợp tác xã chia  từng đống con đai rơm to nhỏ cho mỗi gia đình theo công điểm nhiều ít.

Người ta có thể sẵn sàng cho  con  đi bộ đội , nhưng nếu như chia thiếu chỉ một vài con đai rơm, chỉ một vài cân thóc, cũng đủ thành to chuyện đôi co. Người nông dân mình sao có thời khổ thế không biết !. Bây giờ nhà nào  không bếp điện, lò vi sóng thì bếp ga ,không bếp ga thì bếp than tổ ong. Mười nhà khéo lắm may ra còn hai, ba nhà đun rơm rạ. Thời nhà nông đun rơm rạ có khói lam chiều thi vị “tự lực văn đoàn” là thời cái nghèo nàn lạc hậu đeo đẳng truyền kiếp.

Không hiểu sao nói về cảnh nghèo, tôi nhớ ngay đến bài phú có tên “Hàn nho phong vị phú” của danh nhân Nguyễn Công Trứ tự trào thủa hàn vi. “Bốn vách tường mo- ba gian nhà cỏ- đầu kèo mọt đục vẽ sao- trước cửa nhện giăng màn gió-phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng- ống nứa đựng đấu kê đấu đỗ- đầu giường tre mối dũi quanh co- góc tường đất giun đùn lố nhố-đầu giàn chuột chậy khua niêu. . .”

Nhà ấy, bếp ấy, gia cảnh ấy đâu phải của riêng ai,đâu chỉ riêng gia cảnh chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt Đèn! Hàng ngàn năm dân quê nước Việt trong vòng vây thiên niên kỷ phong kiến trung cổ, kéo dài trăm năm nô lệ giặc Tây đến giữa thế kỷ hai mươi, đa phần làng quê vùng châu thổ sông Hồng là thế đó.

Trở về hiện tại. Làng quê Việt thời a-còng không có khói lam chiều nữa đâu ! Xin các vị hoài cổ ở  xứ người đã lâu không về cố hương hãy xếp vào một góc hình ảnh thân thương cổ điển ấy trong ký ức người cao tuổi. Nói không quá lời, chỉ cần ngó qua căn bếp của nhiều gia đình nông dân chân lấm tay bùn làng tôi, cũng đủ thấy sự tân tiến của đời sống,mức sống, một trời một vực so với ngày xưa!. Đâu còn như thủa nào gà bới tanh bành tro trấu, đâu còn như thủa nào chỏng chơ nồi niêu, bát sứt dơ rác với những vại tương cà bốc mùi “gia bản”!.

Câu ca dao “anh đi anh nhớ quê nhà- nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” như một hoài niệm đẹp của người Việt nhớ thủa hàn vi. Con cháu bây giờ đọc vanh vách ca dao nhưng chúng nó bảo nhau “tương cà,eo ôi ,mặn dựng cả tóc gáy ! ” .

Làng lên phố, nửa tỉnh nửa quê ! Xe máy,ô tô,máy vi tính,điện thoại di động, ti vi màn hình thủy tinh lỏng và. . . mỏng, cửa hàng cắt may, cửa hiệu tạp hóa sáng choang. Chả còn thiếu thứ gì, chả còn gì xa lạ với người làng tôi nữa trong nhịp sống hiện đại nhà nhà vươn lên “đổi đời” này ! Có khối gia đình biến gian bếp thành nơi phô bầy đủ loại bát đĩa cốc chén, tủ cao tủ thấp  cùng đủ thứ lò vi sóng, bếp nấu sáng choang như bên Tây!
Lại nhớ một thời hậu chiến, nông dân cả nước cố hết sức vẫn không sao đẩy được cỗ xe bò  nông nghiệp hợp tác hóa cấp thấp rồi cấp cao bò qua được cửa ải 21 triệu tấn lương thực. Năm nào cũng thiếu đói , thiếu đói triền miên đến độ có thời kỳ mưa bão lũ lụt liên tục, hầu như chả có năm nào bà con kiều bào không lo vận động quyên góp, gửi cứu trợ về  giúp quê, giúp nước.

Ấy là thời gạo châu củi quế, là thời con đai rơm mùa gặt cũng quý. Trẻ con thời đó ở không ít gia đình xã viên neo ngươi làm, ngoài giờ đi học phải cắp thúng đi quét lá tre, lá bạch đàn khô, nhặt từng nhánh củi tre gai về đun bếp. Giờ thì nước ta là cường quốc xuất khẩu lúa gạo, đa phần gia đình nông dân đốt đồng biến rơm rạ thành tro bụi !. Mỗi mùa cả xã, cả huyện  có hàng chục tấn rơm… hóa khói.

Có đêm đứng gió,khói lửng lơ đi chậm,cả làng nam phụ lão ấu trong mơ ngủ vẫn thấy thoảng mùi khói đốt đồng đắng khét bay về ! Môi sinh ô nhiễm quá !.  Giá như công nghệ vi sinh về làng ,rơm rạ ủ ẩm thành môi sinh cho các loại nấm ăn, nấm quý giầu chất dinh dưỡng như các xứ văn minh tiên tiến có phải đẹp đời không !. Người viết mấy dòng tạp cảm này vẫn tiếc cho quê mình bao nhiêu năm nay ,hàng ngàn tấn rơm rạ bốc khói ! . Làng ngoại ô cách thủ đô chưa đầy một giờ xe máy còn thế, huống chi vùng sâu vùng xa.

Nhìn vào rơm rạ ,đôi khi thấy rộng ra vấn đề văn minh hiện đại còn như ngoài tầm tay với. Một làng đã vậy ,hàng ngàn  làng quê vùng châu thổ sông Hồng tương tự, chắc cũng thế thôi. Có những thành tựu nhãn tiền ví như xây dựng nông thôn mới, đường đổ bê tông giao thông thông suốt nhẹ nhàng, từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra đường làng, từ đường làng ra cánh đồng.

Mương máng đổ bê tông dẫn thủy nhập điền chắc chắn, tứ thời không còn cảnh  cô kia “tát ánh trăng vàng đổ đi” đẹp như mộng. . . ngày xưa !. Người làm ruộng có máy làm đất, máy bơm nước, xe chuyên chở đủ loại hỗ trợ, nhẹ thân xác, rảnh chân tay rất nhiều. Cảnh làng Việt “ngày mùa vui thôn trang-lúa reo trên cánh đồng” trong nhạc,trong thơ vẫn còn đấy.

Nhưng quả thật bức tranh quê xưa trong tâm tưởng người xa xứ cao niên với khói lam chiều ,với thôn nữ gành lúa nhịp nhàng như múa dưới bóng tre xanh với nắng thu vàng, đã mờ nhòe theo dĩ vãng . Và vân vân, vân vân. . . . Ngày mùa vui thôn trang không còn cảnh gánh lúa ,xe lúa vã mồ hôi trên đường đất gập gềnh, không còn cảnh lực điền xoay trần đập lúa dưới trăng khát khô cổ  suốt đêm như ngày xưa.

Người làm ruộng đã đỡ vất vả lam lũ nhiều. Nhưng nông nghiệp ,nông thôn rõ ràng còn quá  nhiều việc phải làm, dù chỉ là việc nhỏ mà không nhỏ là xử lý cọng rơm cọng rác , biến hàng  tấn rơm rác thành môi sinh nuôi trồng  nấm ăn, một loại thực phẩm giầu dinh dưỡng, chẳng hạn.

Ước mơ một nền nông nghiệp xanh -sạch- mạnh, nhờ khoa học công nghệ, xem ra còn ngoài tầm tay với , xa vời tít bổng ngọn cây tre !. Người dân quê chưa sướng được, chưa được sướng, theo bén gót  dân quê xứ người văn minh hiện đại cũng vì thế chăng ?

Mà chỉ còn dăm sáu năm nữa thôi đã tới cái đích công nghiệp hóa ,hiện đại hóa ! Mong lắm thay đến lúc đó làng tôi hoặc vùng làng quê ngoại thành rộng lớn có một khu công nghệ vi sinh đủ công suất biến hàng chục hàng trăm tấn rơm rạ dư thừa thành môi sinh nuôi cấy nấm ăn cao cấp .

Tôi tin tương lai cảnh sắc và con người trữ tình thơ mộng làng Việt cổ sẽ có thêm ánh sáng của văn minh, của khoa học công nghệ thời hiện đại soi chiếu. Biết đâu ,chính con cháu người làng tôi sẽ  kiến tạo , biến ước mơ ấy thành hiện thực . / .