Chỉ 1 người khai gian tài sản: Thanh tra CP cũng không tin!

Tác giả: T. Hằng
.
KD: Các bác bây giờ mới không tin, chứ dân đã không tin từ lâu. Bởi việc kê khai chỉ dựa vào sự trung thực không thôi thì không đủ. Cần phải dựa vào cơ chế kiểm soát được sự trung thực hay gian dối của con người. Mà cơ chế kiểm soát đó hiện đang thiếu, rất thiếu. Vì sao, ở nước ngoài, chỉ một vị Bộ trưởng đeo một chiếc đồng hồ có 6000 USD, lập tức bị tố cáo và xử lý tham nhũng. Bởi cơ chế quản lý của XH đó nó kiểm soát dược thu nhập các quan chức. Còn hiện nay, có ai bảo đảm kiểm soát được thu nhập của các quan chức nước Việt?
————–
“Theo báo cáo của Thanh tra chính phủ (TTCP) trước QH, trong gần một triệu người đã kê khai tài sản, có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh trong đó có một người bị xử lí kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Khi tiếp nhận con số này, TTCP có tin không?”. 

Trả lời câu hỏi này của báo Pháp Luật TP.HCM tại cuộc họp báo quý III vào sáng 23-10, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, TTCP khẳng định: “Con số này chưa thể coi là trung thực”.

Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cũng cho rằng vì chỉ xác minh có năm trường hợp, phần lớn còn lại chưa xác minh nên không thể khẳng định là các bản kê khai đều trung thực.

Theo ông Tuyển, vấn đề trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập là vấn đề được đặt ra xuyên suốt trong quá trình thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Từ năm 2007 đến nay, chúng ta đã nhiều lần hoàn thiện các quy định về kê khai và câu chuyện giải quyết bài toàn làm sao kê khai trung thực, khách quan luôn được TTCP đặt ra để tìm giải pháp thực hiện. Tuy nhiên vấn đề này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

Đánh giá về hiệu quả của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập trong phòng chống tham nhũng, ông Tuyển cho biết vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo yêu cầu đánh giá. “Hiện nay có chín giải pháp để phòng ngừa tham nhũng. Qua đánh giá được chia ba nhóm: nhóm có hiệu quả, nhóm có hiệu quả trung bình và nhóm hiệu quả không cao thì giải pháp kê khai tài sản nằm trong nhóm ba, hiệu quả không cao”- ông Tuyển nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Tuyển, việc đánh giá này là quá trình từ trước đến nay. Trong khi các quy định về kê khai tài sản thay đổi từ năm 2012, khi Luật phòng, chống tham nhũng được sửa đổi thì chưa được thể hiện qua con số này. Với những quy định mới về kê khai tài sản trong tương lai sẽ có hiệu quả tốt hơn trong công tác tham nhũng.

Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho biết thêm có nhiều nước áp dụng giải pháp kê khai tài sản nhưng cũng có nước không áp dụng. “Ở Việt Nam việc kê khai tài sản không phải mới. Từ lâu, cán bộ công chức khi kê khai lí lịch có mục hoàn cảnh kinh tế chính là kê khai tài sản. Đến pháp lệnh Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng năm 1998 đã xác định rõ đối tượng, chủ thể, nội dung và quản lí kê khai thế nào. Đến Luật Phòng, chống tham nhũng có thêm việc xác minh có điều kiện, ràng buộc tương đối chặt chẽ. Đến năm 2012 sửa luật tiến thêm bước công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Kinh nghiệm thế giới họ cũng làm từng bước như vậy. Thế giới họ đánh giá bước đi của Việt Nam như vậy là nhanh nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện. Vì nhiều người kê khai nên việc tổng hợp, quản lí khó khăn. Do đó đã có ý kiến khuyến nghị thu hẹp diện kê khai hẹp và công khai rộng hơn“, ông Lượng phân tích. 

—————

http://plo.vn/thoi-su/chi-1-nguoi-khai-gian-tai-san-thanh-tra-cp-cung-khong-tin-504375.html

%d người thích bài này: