Làm báo thời nay…?

Tác giả: Đặng Duy Linh

KD: Bất ngờ chủ Blog KD/ KD nhận được bài viết của bạn đọc trẻ Đặng Duy Linh, về nghề báo, về những cảm nhận của mình trước những thông tin thượng vàng hạ cám của báo chí. Hiện tượng cướp giết hiếp, hay cách làm báo cẩu thả không phải chỉ có ở một tờ báo nào, mà nói cho công bằng, có nhiều tờ, kể cả những tờ báo điện tử lớn  😀

Làm thế nào để báo chí đỡ “lá cải hóa” cũng là câu hỏi của dư luận xã hội. Nhưng thú thật, chưa có câu trả lời, và cái sự “chưa” này còn dài dài…. Dù cách làm báo kiểu này rất tai hại, mất nghề, và mất cả uy tín trong con mắt bạn đọc

Xin đăng lên Blog để bạn đọc chia sẻ.

Chủ Blog có biên tập một số chỗ cho phù hợp  😛

Cảm ơn tác giả Đặng Duy Linh!

——–

Ảnh trên mạng

Thời gian vừa rồi, VC Corp, đơn vị chủ quản của nhiều tờ báo có lượng truy cập lớn tại Việt Nam bị “hacker” tấn công, đánh “sập” (Không thể truy cập hoặc bị chuyển đến website khác) một cách có hệ thống.
Bỏ qua các vấn đề về kỹ thuật, hay mâu thuẫn lợi ích, tôi muốn cùng các bạn có một góc nhìn khác.
Mỗi sáng sớm, rất nhiều người ghé vào D.T đê điểm tin. Hãy xem sáng nay có những tin gì?
1 cô giáo tự tử trước phòng hiệu trưởng
1 thai phụ bị xe cán, thai nhị bật ra ngoài
1 tiệm vàng bị cướp…

Đó là 3 trong khoảng 10 tin trên mục chính của báo lúc này.
Và cũng không chỉ có tờ báo này. Ở bất kỳ một tờ báo điện tử nào, cột đọc nhiều nhất cũng là cột cướp, giết, hiếp.
Bạn nghĩ đi, nếu mỗi ngày bạn điểm tâm bằng những món ăn sáng tiêu cực và khủng khiếp như thế này, thì cả ngày còn lại của bạn sẽ như thế nào?

Thực sự, thì khoảng thời gian đầu ngày sẽ tác động đến toàn ngày của chúng ta. Một bữa sáng ngon miệng, vui vẻ sẽ giúp cả ngày hứng khởi.
Tôi có quen với chị H.N, một phóng viên của tờ báo, và tôi đã từng chứng kiến rất nhiều lần chị ấy ngồi vẽ ra các câu chuyện sau khi “hóng” được một tin gì đó mới về sinh viên, giới trẻ. Ví dụ: Sống thử tạo ra nhiều hệ lụy, vậy là vẽ ra cảnh đánh nhau, hết tiền, có em bé,…Tần tần tật tiêu cực! Sau này khi chuyển vào Sài Gòn, chính chị nói với tôi rằng: Chị đã viết phiến diện về sống thử. Thời điểm nói câu đó, chị đang sống cùng người yêu.

Sống thử, chính xác là như vậy! Giá chị tìm hiểu kỹ càng hơn với đa góc nhìn, bài viết của chị đã khác.
Cũng khổ, với áp lực số bài và phải câu được view (tiền thưởng tỉ lệ thuận với lượng view) thì việc các phóng viên bị cuốn vào việc viết phóng đại vẽ vời vô tội vạ không còn lạ. Nhiều bạn sẽ hỏi tôi rằng, vậy nếu viết tích cực và chân thực, có thu hút được người đọc không.

Tôi xin bạn hãy đọc vài website sau đây, để tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Đây là những website tôi thường đọc mỗi ngày:
1. http://www.bolapquechoa.blogspot.com: Là một blog của một cá nhân, những có thể nói đang là một trong những trang thời sự đáng đọc nhất hiện nay. Hãy gác lại mọi định kiến một bên, trang này đang là nơi chia sẻ bài viết, quan điểm của rất nhiều người có uy tín, trải nghiệm, đa dạng về nghề nghiệp,…một cách xây dựng và đầy phản biện. Phải nói ngay, trong đó có rất nhiều cây bút là đảng viên, quân nhân,…

2. http://www.dotchuoinon.com: Nơi chia sẻ tư duy tích cực mỗi ngày. Trừ cuối tuần, ngày nào cũng có khoảng 5 bài viết mới. Đây là nơi bạn sẽ tìm thấy bình yên, tìm thấy thứ ánh nắng nõn nà chảy mượt mà trên những tà lá chuối.
Và bạn sẽ tìm thấy tiếng vọng về từ tâm hồn mình, lắng nghe và kết nối với chính mình cũng như nhiều bạn bè khác.

3. http://www.gocnhinalan.com: Chỉ là một blog của một “ông già Alan” theo tác giả tự nhận, đã lọt vào top các website được truy cập nhiều nhất, bình luận đa chiều, tranh luận mạnh mẽ.

4.http://nguoicaotuoi.org.vn/: Báo điện tử của Người Cao Tuổi, với ông tổng biện tập Kim Quốc Hoa, người sẵn sàng lao vào vạch mặt những cộm cán lừa đảo và tham nhũng, không trừ bất cứ ai dù cho nhân vật đó là bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng hay cựu Tổng thanh tra chính phủ,… Ông cũng sẵn sàng bảo vệ pháp lý cho các chính quyền địa phương nếu thấy có dấu hiệu bị oan ức. Kim Quốc Hoa, với mái tóc bạc trắng, là một nhân vật tương đối ẩn mình nhưng “võ công” chống tham nhũng thâm hậu mà rất nhiều quan chức e sợ.

Trên đây, tôi chỉ điểm qua 4 website, trong đó có đến 3 blog và có cả một tờ báo chính thống. 3 blog tất nhiên chỉ là của cá nhân hoặc nhóm, song có đến hàng triệu lượt đọc!

Tại sao, với nguồn lực hạn chế, họ có thể làm được điều đó? Và tạo ra uy tín lớn như vậy.
Xin thưa, có vài điều sau:

1. Họ chọn giá trị Đạo đức cho những bài viết và trang website của mình, họ không chọn số view làm thước đo giá trị.

2. Họ giữ cây bút của mình tích cực, chân thực và xây dựng. Vẫn các câu chuyện thời sự, song một người có đạo đức sẽ viết cẩn trọng hơn so với mấy chị H.N tôi nhắc đến trên kia, viết vội viết vàng viết quàng viết xiên để lên bài, kiếm chác.

3. Họ có tài năng: Cô Kim Dung, hay còn biết tới với bút danh Kỳ Duyên, chỉ một tuần thậm chí lâu hơn, viết một bài trên Tuần Việt Nam/ Việt Nam Net, song bài của cô luôn được đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhà báo, phóng viên tài năng hướng tới những bài viết để đời, phóng viên lá cải viết câu view, đọc xong sau đó vài giây là đáng vứt đi. Nếu tôi là phóng viên hay nhà báo, viết chỉ câu view hay viết phải theo chỉ đạo, tôi sẽ vứt bút nghiên tìm nghề khác tử tế hơn để làm.

Đừng nói với tôi là phóng viên phải áp lực mưu sinh, vì vừa rồi có mấy thằng trộm viếng thăm nó cũng tâm sự với tôi như vậy!

Tuy nhiên, trên DT có mục Tấm Lòng Nhân Ái, tôi đánh giá rất cao nỗ lực này của Ban biên tập. Song trong một khu rừng quá nhiều cây độc, thì một vài cây thuốc không giúp nó khỏe mạnh hơn.

Tôi cho rằng, nhiều tờ báo đang có xu hướng “cải hóa” hãy… “cải hóa” mình để có thêm nhiều bài viết tích cực.

Cách đây vài tháng, khi Toàn Shinoda ra đi, ngay trong ngày hôm sau tôi có ghé thăm gia đình và nói chuyện với anh trai cậu ấy. Anh có chia sẻ vài điều về cách sống của người trẻ, để mong các bạn tránh những hệ lụy đáng tiếc như Toàn.

Về nhà, tôi có viết một bài ngắn và gửi cho Zing. Không hồi âm!
Sau đó ba ngày, một bài báo trên Zing xuất hiện với tiêu đề giống 80% với tên bài tôi gửi, nội dung được xào nấu, cắt ghép và thêm bớt, thậm chí là dùng lại ngôn từ của tôi. Cây viết nào đó, đã khôn khéo sử dụng ý tưởng, và khoảng 60% nội dung bài viết để “sáng tạo” nên một bài viết mới.

Tất nhiên, việc này ngoại trừ tôi, người đã gửi bài cho Zing, thì độc giả bình thường làm sao mà biết được việc này! Từ đó, tôi chừa việc gửi bài cho các báo.

Thà rằng, họ ngỏ một lời mượn ý tưởng, đằng này, họ âm thầm 03 ngày không phản hồi, mặc dù bài báo viết về một chủ đề họ đang cố gắng ra bài (một người em của tôi ở Zing đã chờ chực hai ngày trước cổng nhà Toàn Shinoda để chụp ảnh mà không thể bước chân vào trong nhà vì không ai cho phép!).

Sau đó, ngay khi bài báo của họ xào nấu xuất hiện, họ có hồi âm là do bên họ đã có bài trùng ý tưởng này! Thật là ngộ.

Thực chất, xây dựng được một website có lượng độc giả lớn như DT hay nhiều tờ báo mạng lớn khác là điều mà nhiều tay kinh doanh online khát thèm, và chúng ta phải ghi nhận nỗ lực của VC Corp ở góc độ này.

Chỉ mong các báo hãy viết có lương tâm, đạo đức, cẩn trọng, chính xác, tích cực hơn.

Tất nhiên, có thể nhiều phóng viên, biên tập viên có đọc được bài này, cũng sẽ cười khẩy: Viết thế không giàu được.

Song, hãy cẩn trọng vì không chỉ chúng tôi (tôi và các bạn) mà chính con em, cháu chắt của chúng ta cũng đang ngày ngày đọc báo..

Hãy giữ lương tâm mình trong từng bài báo!
———————-
Nguồn: FB Đặng Duy Linh
https://www.facebook.com/diengia.DangDuyLinh?fref=photo