
Công Lý vốn là một diễn viên đa năng, không chỉ diễn mỗi hài. Anh có diễn cả những vai chính kịch, thậm chí có chút bi thương.
Nhưng Công Lý cũng thừa nhận rằng trong nhiều trường hợp, ngay cả khi anh không chủ động diễn hài thì cũng có thể tạo ra tiếng cười cho khán giả. Ví như trong phim “Bão qua làng” mà Công Lý đóng chính, diễn viên tâm sự rằng tất cả các nhân vật đều diễn rất dung dị, không hề cố tình diễn hài, nhưng tiếng cười vẫn được tạo ra.
Công Lý mới “được” lên bìa một quyển sách về Luật Dân sự. Từ “hài hước” được sử dụng để mô tả sự kiện này bởi hầu hết các tờ báo. Nhưng tại sao lại “hài hước”? Trong trường hợp này thì (tất nhiên) Công Lý không chủ động diễn hài, bản thân câu chuyện là một sai sót rất đáng bức xúc, nhưng cuối cùng cái mặt anh vẫn tạo ra tiếng cười, có lẽ là bởi vì “khán giả” ở đây đã chuẩn bị sẵn tâm lý để… cười.
Khán giả chuẩn bị sẵn tâm lý để cười khi “cô Đẩu” xuất hiện. Cũng giống như dư luận luôn sẵn sàng chuẩn bị tâm lý để cười trước công tác xuất bản. Nhiều chuyện chọc cười quá rồi, bản thân ngành xuất bản đã trở thành một diễn viên hài nhìn thấy mặt là đã muốn cười.
Sự hài hước ở đây đến từ chính tâm lý mong đợi được cười của khán giả. Nếu thay mặt Công Lý bằng mặt NSND Bùi Bài Bình thì người ta vẫn thấy buồn cười thôi.
Những lá cờ Tổ quốc bị in sai, bài toán tập đếm được minh họa bằng việc… chặt ngón tay, và bây giờ thì Công Lý được minh họa bằng chính Công Lý; đã từ lâu ngành xuất bản có một “cơ chế tạo scandal” hoạt động hiệu quả.
Cơ chế này mang tên là “liên kết xuất bản”, khi các nhà xuất bản không trực tiếp thực hiện cuốn sách của mình, mà nó được sản xuất bởi một công ty tư nhân nào đó còn nhà xuất bản chỉ đứng tên, và họ tham gia vào việc duyệt sách nghiêm túc đến đâu thì thực tế đã trả lời.
Như PGĐ NXB Công an Nhân dân tâm sự trên báo rằng một NXB vào loại lớn chỉ có 15-20 biên tập viên, mỗi biên tập viên chỉ đọc được 15-20 đầu sách một năm. Nhưng có NXB thực hiện liên kết với 450-500 đầu sách/năm. Thì tất nhiên là không đọc hết. Và Xuất Bản cũng trở thành một… diễn viên hài.
Cơ chế này bản thân nó không có gì sai, nó mở rộng thị trường cho tư nhân tham gia làm sách. Nhưng nó cần rất nhiều trách nhiệm của những người tham gia. Thúc ép trách nhiệm thì chỉ có bằng cơ chế, chứ sau mỗi lần “diễn hài” như thế này lại đi thu hồi sách thì vẫn chỉ là đuổi theo dọn rác.
Một khi Xuất Bản đã trở thành một diễn viên hài, thì cũng giống như Công Lý hay nhiều diễn viên hài khác, họ sẽ rơi vào một kịch bản là ngay cả khi anh đóng những vai nghiêm túc, người ta vẫn thấy buồn cười.
Và đến lúc chính người đọc sách cũng không tin vào tính nghiêm túc của những quyển sách thì đấy không còn là chuyện của một ngành xuất bản, nó là vấn đề nghiêm trọng của giáo dục và tri thức xã hội.
———-
http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/o-viet-nam-xuat-ban-cung-la-mot-dien-vien-hai-269617.bld