Trên 99% công chức ‘chuẩn mực’: ĐBQH yêu cầu báo cáo lại…

Tác giả: Vũ Lan

KD: Nói thẳng, ngay cả năng lực của bác Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng nên xem xét lại. Kỳ họp trước, bác đã khiến XH xôn xao vì con số chỉ 1% không làm được việc. Kỳ họp này bác đổi lại cho đỡ sốc: 99% hoàn thành nhiệm vụ  😀

———-

Không sai quy trình nhưng vì sao con số 99% cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ lại khiến dư luận băn khoăn, ĐBQH không tin?

ĐBQB Lê Như Tiến thẳng thắn cho rằng cần phải xem xét lại báo cáo của bộ Nội vụ về đánh giá chất lượng công chức trước Quốc hội mới đây.

Xét về quy trình, bộ Nội vụ không sai, họ đã làm rất đúng thậm chí đã hoàn thành rất xuất sắc vai trò, nhiệm vụ thống kê và đưa ra được một con số rất đẹp.

Bởi lẽ, đó là những con số được tổng hợp từ các bộ ngành, địa phương mà theo kinh nghiệm của VN chưa bao giờ có chuyện mình tự nói xấu về mình. Tức là, những con số đã được làm đẹp từ địa phương được tổng hợp lại rồi gửi lên bộ Nội vụ, bộ Nội vụ lại thống kê lại được một con số đẹp khác để gửi lên Quốc hội.

99% công chức hoàn thành nhiệm vụ: Điều trớ trêu trong nền công vụ
99% công chức hoàn thành nhiệm vụ: Điều trớ trêu trong nền công vụ

Ông Tiến cho rằng, cá nhân ông cũng như nhiều ĐBQH đều không tin vào con số này, theo ông số lượng công chức không làm được việc ít nhất phải là 30%. Ngay cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng thẳng thắn khẳng định như vậy tại cuộc làm việc với các bộ ngành, địa phương.

Vậy, tại sao một bản báo cáo toàn màu hồng như vậy nhưng lại không được dư luận ủng hộ. Và tại sao con số đẹp như vậy lại khiến dư luận băn khoăn nhiều đến thế?. Theo đại biểu Lê Như Tiến chỉ có thể trả lời rằng, “nếu cơ chế người đứng đầu chịu trách nhiệm còn chưa tường minh thì không cớ gì người ta lại dơ đầu ra chịu báng”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho hay, ngay cả trong phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm ở đâu cũng có tiêu cực, tham nhũng nhưng lại không một cơ quan nào thừa nhận. Như vậy, phải thừa nhận rõ ràng quy trình đánh giá chất lượng cán bộ, công chức hiện nay đang có vấn đề, VN chưa xây dựng được các tiêu chí đánh giá chuẩn. Bên cạnh đó, công tác thẩm định vừa yếu lại vừa thiếu nên mới có câu chuyện chỉ nhận báo cáo, tổng hợp lại chứ không kiểm chứng được tính chính xác, trung thực, mức độ tin cậy của thông tin tới đâu. 

Do đó, ông Tiến đề nghị Chính phủ nên chỉ đạo bộ Nội vụ phải kiểm tra, rà soát lại để có được báo cáo đánh giá thực chất hơn.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng chia sẻ cái khó với bộ Nội vụ, theo ông Tiến bộ nội vụ được giao nhiệm vụ đánh giá công chức, nhưng các bộ ngành, địa phương đều có các kênh riêng để đánh giá chất lượng cán bộ, công chức của từng bộ ngành. Vì vậy, để phát huy được hiệu quả thì phải có sự vào cuộc đồng bộ, không đẩy khó cho bộ Nội vụ. Có làm như vậy mới phát huy được hiệu quả của các cấp, các ngành và các địa phương.

Ông Phạm Văn Tấn – Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An nhấn mạnh, vấn đề ở đây là tiêu chí, mục tiêu đánh giá đang có vấn đề. Ông Tấn cho rằng, khi tiêu chí chưa rõ ràng, dù bộ Nội vụ có báo cáo lại cũng không thể có được kết quả khác. Bộ Nội vụ chỉ là đơn vị chịu trách nhiệm thống kê và báo cáo lại chứ không phải đơn vị điều tra, đánh giá trực tiếp.

Vì vậy, vấn đề ở đây là phải đưa ra được giải pháp để công tác đánh giá cán bộ đạt được thực chất hơn chứ không phải mang tính hình thức.

Khi đánh giá chỉ để xét thi đua…

Chỉ rõ vấn đề của công chức hiện nay, PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Bộ LĐTB&XH cho rằng: “Khi mục đích đánh giá không nhằm nâng cao chất lượng công vụ, mà thực tế chỉ để xét thi đua thì không ai dại gì thừa nhận mình yếu kém, không hiệu quả, không tốt”.

Không bình luận con số báo cáo 99% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ là đúng hay sai, nhưng ranh giới giữa cái được và cái không được là quá mong manh. Do đó, mới có chuyện nói vui ai cũng phải thừa nhận có tới 1/3, thậm chí 2/3 cán bộ cơ quan mình không tốt, nhưng báo cáo lại chỉ nhận được kết quả màu hồng.

Nhưng nếu thật sự có kết quả như vậy có lẽ người dân VN đã trở thành người dân hạnh phúc nhất thế giới vì có nền công vụ tốt nhất thế giới. Như vậy chắc không có câu chuyện “quan chức ăn lương nhà nước, mà 9h tới cơ quan, 10h ra quán bia. Cán bộ đến cơ quan bỏ rượu uống rồi mới làm việc”.

Thế nhưng, thực tế người dân vẫn kêu, vẫn phàn nàn, vẫn không thể hài lòng được với chất lượng cán bộ, công chức, nền hành chính công hiện nay nghĩa là quy trình đánh giá đang có vấn đề.

Chia sẻ câu chuyện của chính bản thân ông, ông cho biết không ít lần gặp rắc rối khi phải làm việc với các cơ quan hành chính từ địa phương tới trung ương.

“Cá nhân tôi cũng từng gặp không ít rắc rối khi làm việc với các cơ quan hành chính, từ cấp xã trở lên. Một ví dụ đơn giản, cùng một thủ tục cấp sổ đỏ, tôi đến phường A họ nói không công chứng được, tài liệu không đạt, nhưng tới phường B thì lại ô-kê ngay. Tại sao lại thế?”

Ông Tiến cho rằng, ở đây là người thực thi hành công vụ và ngay cả nền công vụ cũng đã có vấn đề.

Hay sau bao năm hô hào chống tham nhũng, nhưng cuối cùng chỉ kỷ luật được hai người. Còn thực tế thì sao, vụ việc ông Trần Văn Truyền có phải là điển hình? Hệ thống chính quyền có biết không?

Ông Tiến cho rằng, tình trạng công chức nhũng nhiễu, tham nhũng không còn là trường hợp cá biệt mà theo quan sát của ông nó có ở cả Hà Nội, TP.HCM và ngay cả miền núi, vùng cao tất cả đều có. Theo ông, chính thành phần quan chức không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình là nguyên nhân làm nghèo đi đất nước.

Nguyên nhân là do chúng ta không có được tiêu chí đánh giá rõ ràng, không có thước đo chuẩn mực để đánh giá nên ai cũng có thể nhận tốt và ai cũng có thể trở thành xấu. Đó là cái dở trong công tác đánh giá chất lượng công chức hiện nay và khi chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể thì cả người đánh giá và người được đánh giá đều tốt là đương nhiên.

Ông Tiến nêu ví dụ, với một dự án giao thông để đánh giá được hiệu quả hay không thì phải có thước đo, tiêu chí giám sát đánh giá, tiến độ, chất lượng cao hay thấp phải bằng thang điểm rõ ràng, rồi tính lan tỏa, tác động tới kinh tế-xã hội ra sao… Với công chức, tháng này phải ra văn bản, nếu ban hành sai, không kịp ban hành nghĩa là không hoàn thành về kế hoạch, chất lượng… nhưng ở VN chỉ đánh giá chung chung ai cũng hoàn thành, chỉ phân biệt hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc mà chưa đi vào đánh giá cụ thể.

“Chính tôi đã được chứng kiến, cơ quan có 10 người thì 7 người là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Hay, các cơ quan, tổ chức cứ 5-10 năm lại lên nhận bằng khen, giấy khen tặng thưởng đơn vị thi đua, chiến sĩ thi đua một lần…tại sao lại băn khoăn nếu nền công vụ quá tuyệt vời như vậy?”, ông Tiến đặt câu hỏi.

Phải có đánh giá độc lập

Chia sẻ cảm xúc khi tiếp cận báo cáo của bộ Nội vụ, PGS.TS Mạc Văn Tiến cho biết, ông rất buồn “nó giống như câu chuyện 99% học sinh tốt nghiệp phổ thông vậy”.

Không thể nói, một nền kinh tế như vậy, đất nước như vậy mà 99% học sinh đều đỗ tốt nghiệp. Cũng không thể nói một nền công vụ tham nhũng tràn lan, đang bị đưa vào sách đen, sách đỏ của thế giới mà lại nói công chức 99% tốt, 1% tha hóa.

“Tôi không nói đúng hay sai, nhưng tôi thấy như vậy thì nó đang phản ánh điều trớ trêu trong nền công vụ mà ngay cả bộ Nội vụ cũng đang phải thừa nhận vẫn còn rất nhiều yếu kém, hạn chế đang tồn tại trong nền công vụ hiện nay.

Rõ ràng, về con số đó là không thể chấp nhận được mặc dù đó là con số đúng. Nhưng không nói lên điều gì, con số đó là vô cảm”, ông Tiến băn khoăn.

Từ thực tế đó, PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng, VN cần học tập thế giới xây dựng một cơ quan đánh giá độc lập cùng với những cơ chế cởi mở và quan trọng hơn cả là trao quyền cho họ để họ được thực hiện nhiệm vụ đó.

“Nếu còn cơ chế ta tự đánh giá ta, cấp dưới đánh giá cấp trên thì không thể có được kết quả thực chất. Kể cả không có nể nang, cũng không biết phải đánh giá thế nào”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, vấn đề vẫn phải là có tiêu chí đánh giá chuẩn xác và phải có cơ quan đánh giá độc lập chứ không thể ngồi chờ tham nhũng xảy ra mới xử lý. Đó chỉ là “bắt” phần ngọn mà không thể giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Để làm được như vậy, ông Tiến cho rằng, cần phải rạch ròi, làm rõ khái niệm thế nào là công chức. Đó là nguyên nhân khiến bộ máy nhà nước ngày càng phình to, không tinh giản được.

Trên 99% công chức “chuẩn mực”: ĐBQH bật cười, không tin!

“Khái niệm công chức rất lẫn lộn, công chức trong đảng, đoàn thể, công chức ăn lương nhà nước… chưa tường minh như vậy thì làm sao tinh giản được?

Thứ hai, tinh giản được thì cần phải có cơ chế giám sát, đánh giá, tiêu chí nếu không người làm được lại bị tinh giản, người không làm được, con ông cháu cha lại giữ lại.

Bên cạnh đó, quy chế tiền lương của công chức, cũng phải đồng bộ hóa, nghĩa là đồng lương phải xứng đáng với công sức bỏ ra. Nếu còn tình trạng “chân trong chân ngoài” thì vẫn sẽ tha hóa, vẫn “chân ngoài dài hơn chân trong” và tinh giản công chức không thể thoát được vòng luẩn quẩn như hiện nay.

Do đó, ông Tiến cho rằng đánh giá đúng chất lượng công chức là rất quan trọng, góp phần làm trong sạch, nâng cao chất lượng nền hành chính công.

———-

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tren-99-cong-chuc-chuan-muc-dbqh-yeu-cau-bao-cao-lai-3211333/