Tác giả: Đào Dục Tú
.KD: Không than thở bi ai; sống đến cùng, đeo đuổi mục đích sống là sáng tạo tri thức đến hơi thở cuối cùng. Đấy là dũng lược của người trí thức trung chính, chân chính….Con người ấy đoạn cuối đời nhiều cam go thất thiệt một mực thủy chung với bản tính ngay thẳng cương trực của mình ,lại là người có những câu thơ ý vị về thế thái nhân tình, về nỗi sầu tư bất đắc chí (Đào Dục Tú).
.Cảm ơn anh Đào Dục Tú!
——
Đối với danh nhân văn hóa Phan Khôi (1887-1957) cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Diệu nổi danh lịch sử giữ thành Hà Nội chống thực dân cuối thế kỷ 19, thì việc đọc và hiểu hết những trước tác của cụ với tôi là điều bất khả.
Nắng được thì cứ nắng. Nguồn: Trên mạng
Cách đây ít lâu, nhờ ông bạn phê bình văn học thành danh giới thiệu và cho mượn, tôi có dịp đọc cuốn Nắng được thì cứ nắng do con trai cụ, Phan An Sa là tác giả, tôi mới có được một hiểu biết tổng quát về bậc danh sĩ khí khái và khí phách có một quá trình hoạt động trí thức đáng kính nể này.
Tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ “Nắng chiều” của cụ viết năm 1955, hai năm trước khi cụ đi vào thiên cổ, đem theo việc thế sự nhân gian và nhân tình thế thái “rối như tơ vò” vào pho sách “thiên cổ sự” đời cụ:
Nắng chiều đẹp có đẹp
Tiếc tài gần chạng vạng
Mặc dù gần chạng vạng
Nắng được thì cứ nắng !
Nếu ai quen lối đọc thơ theo chuẩn thơ phải vần điệu mượt mà, trơn như mỡ đổ, như nước chẩy, thì chắc sẽ không “ưa” gì thứ thơ như văn xuôi, như lời xác định, xác quyết chắc nịch như đinh đóng cột thế này. Nhưng với những người “duyên ưa” với thơ giầu ý tưởng, những ý tưởng chuẩn xác ,quyết đoán sâu sắc về việc đời ,việc người thì lại thấy thú vị với những câu thơ tưởng như câu nói thường nhật sống động đó.
Với người mơ mộng, nắng chiều quả là thời điểm đẹp và buồn ,ẩn dụ đắt giá cho những gì thi vị mộng mơ đấy nhưng đang rơi vào trạng thái tàn phai, phôi pha. Như “rừng phong thu đã nhuốm mầu quan san” chẳng hạn, ” lá đổ muôn chiều” thu hoang vắng biền biệt. Ấy là mầu ly biệt giữa nàng Kiều và chàng Thúc, báo hiệu một sự tan vỡ của mối tình chữ “nghĩa” chưa bền chặt, chưa thâm hậu, lại gặp cơn “sóng gió ghen tuông Hoạn Thư”.
Riêng đối với cụ Phan Khôi, nắng chiều chỉ gợi tưởng đến cái tài, trước hết là tài chữ nghĩa và hoạt động trên trường chữ nghĩa hơn nửa thế kỷ của mình đã gần. . . chạng vạng thời gian. Chạng vạng là từ thuần Việt chỉ thời điểm mặt trời sắp tắt, ánh ngày sắp hết, bóng đêm đã đã loang ra chân trời chạng vạng nhá nhem.
Nắng chiều như nắng quái vụt rực lên trước khi sập tối ở đây không gắn với cảm thức buồn vô vọng , thất vọng trước sự sắp ra đi, mất đi vĩnh viễn của cái đẹp, của sắc đẹp, của sự sống, của tuổi trời đã tận hoang mang không điểm tựa. Mà nắng chiều của cụ Phan là một ẩn dụ nghệ thuật, chỉ liên đới ,liên tưởng đến cái tài gần chạng vạng của . . . nhân tài ,dẫn tới một tâm thế xác định, xác tín tích cực:
Chạng vạng thì chạng vạng
Nắng được thì cứ nắng !
So đo với chiều tà tắt nắng nhường chỗ cho bóng tối thì nắng ở đây là biểu tỏ của sự sống,sự sáng tạo ,sự hiện tồn thi gan của con người trước quy luật sinh lão bệnh tử của kiếp nhân sinh thời nào cũng thế. Không than thở bi ai; sống đến cùng, đeo đuổi mục đích sống là sáng tạo tri thức đến hơi thở cuối cùng. Đấy là dũng lược của người trí thức trung chính, chân chính.
Con người nổi tiếng đất ” Quảng Nam hay cãi”, cãi cho chân lý ,cho sự thật, cho chính nghĩa ,cho chữ nghĩa, cho nhân phẩm suốt cả một đời hoạt động văn chương báo chí sôi động từ Nam ra Bắc thời thực dân đế quốc. Con người ấy đoạn cuối đời nhiều cam go thất thiệt một mực thủy chung với bản tính ngay thẳng cương trực của mình ,lại là người có những câu thơ ý vị về thế thái nhân tình, về nỗi sầu tư bất đắc chí:
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra !
Cụ cũng có những câu thơ ngẫm kỹ thấy một tư duy chữ khác lạ diễn tả một cách cảm khác lạ:
Eo đất vắt rừng già ra nước
Thành con sông xanh biếc dài ghê !
. . . . .
Bước giang hồ bước mãi chưa thôi
Mảnh thân còn chọi với đời !
“Luận” về hoa hồng, thơ giản dị nhưng cũng ý vị lắm:
Hồng nào hồng chẳng có gai
Miễn đừng là thứ hồng lài không hoa
Là hồng thì phải có hoa
Không hoa chỉ có gai mà ai chơi
Ta yêu hồng lắm hồng ơi
Có gai mà cũng có mùi hương thơm
Hồng nào hồng chẳng có gai ! Hồng khác nào người đâu. Ví như người đẹp trời cho mà không có “phên dậu” văn hóa phòng thủ phòng vệ , không tu nhân tích đức nâng cấp vốn trời cho ấy, thì hỏi làm sao đạt chuẩn Mỹ Nhân để người đời chiêm ngưỡng tôn vinh ?Hồng không gai để người đời xuồng xã dễ dàng ” thò tay ngắt cánh” còn gì là hoa quý, hoa đẹp, hoa của biểu tượng tình yêu ?
Không khả thủ việc đọc toàn bộ trước tác của tác giả bài thơ Tình Già như một người cổ xúy phong trào Thơ Mới 1930-1945 ,bắc cầu thơ cổ điển sang thơ hiện đại, tôi đành làm cái việc gọi là lướt chữ qua rừng chữ của cụ; làm cái việc người đời gọi là cưỡi ngựa xem hoa ! . / .