Tác giả: Đào Dục Tú
.KD: Do “ngoại cảm văn chương” có phần xưa cũ của người già hoài cổ chăng ? Do trời sinh thứ mỹ học cá nhân có phần lạc lõng chăng ? Dù thế nào đi nữa, người viết vẫn tự mình xác quyết với mình rằng : tác giả Thanh Nguyên có một giọng thơ tinh tế nguyên bản Việt.
Cảm ơn anh Đào Dục Tú 😛
———–
Với tôi, một độc giả “không thường xuyên” của văn học người Việt hải ngoại, tác giả Thanh Nguyên hoàn toàn xa lạ. Đôi khi “lang thang trên mạng” cho qua ngày nghỉ hưu chả có việc gì quan trọng, rất thừa thời gian thư nhàn, tôi có lướt qua vườn thơ của tác giả nhưng lúc đầu không mấy để ý.
Ảnh Internet
Đến một ngày. . . đẹp trời gần đây, tôi dừng ở vài câu thơ “trên sáu dưới tám” quá quen thuộc với người Việt, ví như :” Tháng giêng bất chợt mưa phùn-Nắng ơi hanh một chút giùm em đi ! . . . Lụa mềm áo nhẹ như không-Tiếng chi lảnh lót ẩn trong tiếng cười-Len qua mấy sợi mưa rơi. . .”. Tôi nhận ra một giọng thơ tinh tế.
Tháng giêng gió bấc với mưa phùn. Đẹp vẻ đẹp quen thuộc trữ tình với những con mắt thơ thi vị hóa cuộc đời trần thế ngày xưa. Nhưng cũng tháng giêng thời hiện đại này, mùa xuân có khi đến sớm với gió đông ấm, cùng mưa xuân nặng hạt khiến đất trời đôi khi ảm đạm thê lương vô cùng.
Nên người cần lao Việt, dù ở làng quê hay phố thị đều thấy mừng biết mấy, đẹp biết mấy khi trời quang mây tạnh ,nẳng hửng lên rồi ! Liên tưởng đến hình ảnh thân thương của người mẹ thủa thiếu thời trong thơ Lưu Trọng Lư “tiền chiến” : “Nét cười đen nhánh sau tay áo”. Người đang đem hong áo dễ ẩm mốc trong tiết trời ẩm ướt triền miên :” Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội-Áo đỏ người đưa trước dậu phơi” .
Những cái nắng bất thường vào cữ ” tháng giêng bất chợt mưa phùn” ấy, là hiếm lắm ngày. . .xưa, nên tác giả mới gọi nắng tha thiết như gọi . . . .nhân tình :”Nắng ơi hanh một chút giùm em đi !” Hanh-từ thuần Việt là nắng nhẹ ,là tiết trời hanh khô. Mùa thu xứ bắc ngày xưa có những ngày gió rải đồng hơi thu se sắt , nắng hanh vàng đặc trưng,người ngoài nắng thì thấy ấm mà trong bóng râm có cảm giác lành lạnh. Tiết trời đúng điệu như thế thật khó thấy ở thời a-còng đỏng đảnh thời tiết này ngay trên quê hương,nói chi đến xứ người !.
Chừng hai, ba chục năm gì đó về trước có một bài hát ngợi ca tà áo dài Việt “tung bay tà áo tung bay” với giọng ca Thanh Lan đã đi vào ký ức âm nhạc không ít người như tiếng reo vui thời hậu chiến đất nước vừa qua cơn binh lửa. Đấy là nhạc; còn thơ ? Có thể câu thơ “Lụa mềm áo nhẹ như không” cũng thoáng qua như gió khi ta vô tình đọc. Nhưng vẫn câu thơ bình dị này đặt cạnh ” Tiếng chi lảnh lót ẩn trong tiếng cười-Len qua mấy sợi mưa rơi. . .” thì người giầu suy tưởng có thể hình dung ra rõ rệt một bức tranh quê nguyên bản Việt.Kìa là bóng dáng những nữ sinh áo trắng hoa mộng một thời nào ngày xưa, chàng Huy Cận của thời Lửa Thiêng đã từng “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” xứ Huế
Thơ Thanh Nguyên đánh động một thời hoa niên của người trai người gái Việt tuổi trẻ học đường ,tuổi dậy thì xuân sắc : ” Mối tình như ca dao-Trong sáng mầu cúc trắng “. Thời nào cũng vậy thôi,những mối tình học trò chưa vẩn đục mầu tục lụy ấy , lạ đời thay, lại thường chỉ là tình đơn phương. Vườn đời, vườn tình nhân đã đổi chủ : ” Vườn nay người khác đã rào-Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa”.
Cái vườn tình nhân hoa chẳng còn tỏa hương như ngày cũ. Hương xưa đâu thấy quay về ! .Để buồn riêng em: ” Em ngồi giặt áo giữa trưa-Đâu rồi môi hát vu vơ một mình-Em ngồi giặt áo lặng thinh-Vò cho sạch những vết tình còn vương-Giũ cho rơi bớt giọt buồn . . . ” Tình thủa học trò,buồn vậy và đẹp vậy, thế thôi ! Nên câu hỏi này chẳng của riêng ai, nếu như người ta còn lưu giữ được cho mình ” mầu phượng vĩ như tuổi tôi mười tám” trong ký ức :
Thời áo trắng nghe chừng xa xăm quá
Dù cổng trường vẫn mở, lá còn bay
Tà áo trắng em có còn xếp giữ
Một mùi hương sương cỏ của sân trường ?
Lạ thế, giữa thời “hậu hiện đại” người ta vừa nghiêm túc, cẩn trọng lại vừa sốt sắng, vội vàng đi tìm những hình thức tân kỳ cho thơ Việt; mà người viết mấy dòng tạp bút thơ này vẫn chỉ quen lối cảm thụ những câu thơ tinh tế như vừa dẫn dụ trên đây của một cây bút nữ đang sống ngoài hải ngoại. Do “ngoại cảm văn chương” có phần xưa cũ của người già hoài cổ chăng ? Do trời sinh thứ mỹ học cá nhân có phần lạc lõng chăng ? Dù thế nào đi nữa, người viết vẫn tự mình xác quyết với mình rằng : tác giả Thanh Nguyên có một giọng thơ tinh tế nguyên bản Việt.