Tác giả: Thời báo Kinh tế SG
. Nói cải cách môi trường kinh doanh, chúng ta thường nghĩ ngay đến các nỗ lực rút ngắn số ngày cần trải qua khi thành lập doanh nghiệp, số ngày doanh nghiệp phải tiêu tốn cho việc nộp thuế, làm thủ tục hải quan hay chuyện một cửa một dấu…
Những cải cách này cũng quan trọng và đáng hoan nghênh nhưng không mang tính quyết định. Cái mang tính quyết định đến môi trường kinh doanh, đến sự hăm hở bung ra làm ăn của giới doanh nghiệp nằm ở chỗ khác.
Nói đến kinh doanh là nói đến rủi ro và chấp nhận rủi ro. Một môi trường trong đó rủi ro là có thể định lượng, có thể lường trước, có thể giảm trừ bằng các biện pháp – đó là môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh. Nói cách khác, việc khuyến khích người dân bỏ vốn ra để đầu tư, làm ăn đồng nghĩa với việc khuyến khích mọi người chấp nhận rủi ro ở một mức độ hợp lý bởi rủi ro cao dẫn tới lợi nhuận cao; rủi ro thấp đi liền với lợi nhuận thấp.
Trong vòng đời của một doanh nghiệp, con số thêm bớt vài ba ngày khi làm thủ tục thành lập làm sao quan trọng bằng xây dựng quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác chính mà hậu thuẫn là các bộ khung luật lệ bảo đảm các bên phải chân tình với nhau! |
Rủi ro đầu tiên mà người kinh doanh nào cũng có thể gặp phải là niềm tin vào đối tác bị phản bội. Vì vậy bất kỳ doanh nhân khởi nghiệp nào cũng quan sát môi trường làm ăn trong đó các hợp đồng, các cam kết giữa những người kinh doanh với nhau được tôn trọng. Đây là một điều phải xây dựng dần dần nhưng vai trò của nhà nước là xây dựng luật hợp đồng, luật giao kết thật chặt chẽ và nghiêm minh. Sau đó mỗi khi có những vi phạm giao kết phải xử phạt thật nặng những bên làm ăn gian dối, lừa đảo để hỗ trợ những bên làm ăn chân chính và xây dựng niềm tin của cả cộng đồng doanh nghiệp.
Trong vòng đời của một doanh nghiệp, con số thêm bớt vài ba ngày khi làm thủ tục thành lập làm sao quan trọng bằng xây dựng quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác chính mà hậu thuẫn là các bộ khung luật lệ bảo đảm các bên phải chân tình với nhau!
Việc ứng xử như thế nào đối với con dấu doanh nghiệp cũng phải đặt trong bối cảnh niềm tin đó. Trước đây luật trao cho con dấu một địa vị pháp lý cao để các bên sử dụng như một công cụ kiểm soát đối tác ở bước sơ khởi. Nhưng nếu không xây dựng được niềm tin thì cho dù quy định về con dấu có chặt đến đâu cũng không ngăn được việc làm giả, sử dụng sai mục đích.
Trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường quan ngại rủi ro thay đổi bất ngờ về chính sách thì doanh nghiệp trong nước lại lo lắng về khả năng xuất hiện rủi ro đối thủ đi cửa sau, đối thủ được cho chạy trước cả cây số trong cuộc đua mà trọng tài không công bằng, khách quan. Bởi vậy nên việc ngăn chặn các doanh nghiệp “sân sau” không chỉ là biện pháp chống tham nhũng mà còn là cách cải thiện môi trường kinh doanh hữu hiệu nữa.
Ở các nước, mối lo thường trực của cơ quan lo chuyện duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh là sự xuất hiện các dạng độc quyền, bóp nghẽn sáng tạo, chặn đường người khởi nghiệp sau. Vì thế Microsoft hay Google luôn là đối tượng bị săm soi.
Ở nước ta các hình thức độc quyền vẫn còn tràn lan và không đến mức tinh vi như thế. Chỉ đến khi nào giới quản lý nhà nước cũng xem chống độc quyền là một con đường cải cách môi trường kinh doanh thì lúc đó họ mới đạt được những cột mốc cải cách thật sự.
———–
http://www.thesaigontimes.vn/124099/Cai-cach-moi-truong-kinh-doanh-la-cai-cach-gi.html