Một vở ballet, một kỳ quan, một trò xiếc khỉ

Tác giả: Đào Tuấn
.
KD: Nếu nói về tính xấu của người Việt, về thói quen giẫm đạp pháp luật, về sự “thiếu văn hóa” ứng xử nơi cộng cồng, không gì tốt hơn là dẫn chứng về cách tham gia giao thông. Đây là điều đáng xấu hổ nhưng người Việt vi phạm một cách ngang nhiên, công khai. Tiếc thay mọi điều tuyên truyền đều như nước đổ đầu vịt. Vì sao? Một thói quen sống tùy tiện, kiểu làng xã, cộng với sự nhu nhược và buông lỏng của pháp luật?
Mãi mãi nước Việt là kẻ… đi sau văn minh, văn hóa. Không biết các nhà quản lý XH có thấy hổ thẹn không nhỉ?
———–
Dưới một góc nhìn được chính người Việt nhận là “hài hước và thú vị”, nhà báo Mỹ Llewellyn King mô tả giao thông ở Việt Nam theo một cái nhìn háo hức độ lượng của một người hiện đại lạc vào thời nguyên thủy.
Gì nhỉ? Nó giống như một vở ballet, một kỳ quan của thế giới.
.
Giao thông Hà Nội là một kỳ quan thế giới
Nhà báo Mỹ Llewellyn King

Tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi giao thông nơi đây” – Llewellyn King viết trên Huffington Post – “Nó như một kỳ quan vì nó vận hành theo một cách đáng kinh ngạc nhất”.

“Dòng người tham gia giao thông vô cùng đông đúc, luật cơ bản nhất ở đây là đi bên phải đường, còn những luật khác thì… “tùy hứng”.

“Với hơn 3 triệu xe máy tham gia giao thông hàng ngày, người điều khiển xe phải có kĩ năng, sự lịch lãm và lòng can đảm. Họ lượn, né, phanh, bẻ lái, tăng tốc, giảm tốc… như trong một vở ballet không kịch bản với hàng triệu vũ công.

“Tôi không dám lái xe đi đâu vì sợ sẽ tông phải những người chạy xe máy. Bạn không chỉ cần sự kiên nhẫn, mà còn cần sự can đảm để biết “dòng sông xe máy” – một dòng sông không bao giờ kết thúc – sẽ chảy như thế nào quanh bạn.

“Cả già cả trẻ lao vút đi trên những chiếc xe máy, không khác gì những tay đua giải NASCAR.

“Nếu muốn sang đường ở Hà Nội, bạn phải lấy hết can đảm, cầu nguyện với niềm tin rằng những tài xế sẽ tránh được bạn.

“Có thể sắp tới tôi sẽ kiếm cho mình một chiếc xe độ” – Llewellyn King, có lẽ đã vỗ đùi đen đét, khi kết một câu hóm hỉnh đến như vậy.

Bài viết thật thú vị, nhưng là về một vấn đề chẳng có gì thú vị cả.

Không hiểu Llewellyn King có còn hài hước hóm hỉnh được không khi biết rằng chỉ 4 ngày đầu năm 104 người đã không bao giờ còn có thể mỉm cười, vì tai nạn giao thông, để khởi nguồn cho 365 ngày với bình quân “một sư đoàn” ra đi.

Không hiểu ông có vỗ đùi khi ghé Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nơi mỗi ngày trong 4 ngày qua phải nhận 120-150 ca cấp cứu và 60% trong đó là những “diễn viên ballet”.

Chẳng có gì thú vị cả, bởi đó là một vở ballet của sự hỗn loạn khi mọi luật lệ dựa trên sự “tùy hứng”.

Chẳng có gì là hài hước cả khi kỳ quan thế giới ấy được xây nên bằng máu và rất nhiều đau thương.

Ballet gì. Kỳ quan gì. Xiếc khỉ thì có!

Viết thế, để thấy rằng chừng nào chúng ta còn có thể mỉm cười trước những “hài hước và thú vị” của những người xem xiếc khỉ thì chừng đó chúng ta vẫn sẽ chỉ là một… diễn viên ballet ngày ngày vô tư lao xe ngoài đường lượn, né, phanh, bẻ lái, tăng tốc một cách… tùy hứng với “kĩ năng, sự lịch lãm và lòng can đảm”. Nhưng là để đến BV Việt Đức hay BV Chợ Rẫy.

————

http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/mot-vo-ballet-mot-ky-quan-mot-tro-xiec-khi-286277.bld

%d người thích bài này: