Tác giả: Lê Đăng Doanh
.KD: Một bài viết rất đáng đọc. Quy luật kinh tế thị trường đòi hỏi luật chơi sòng phẳng. Sức sép của những hiệp định thương mại sắp tới, càng đòi hỏi kinh tế VN sớm muộn phải tạo ra sân chơi bình đẳng. Không thể cứ sử dụng các biện pháp hành chính.
———-
Ngày 7-1-2015 vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị 01 nhằm đảm bảo duy trì ổn định nguồn nhân lực cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA). Lâu nay, người dân cũng không mấy xa lạ với những loại chỉ thị như vậy vì VNA là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2015, theo Luật Doanh nghiệp 2014, liệu những cách hành xử như vậy có còn phù hợp?
Tranh chấp lao động giải quyết bằng biện pháp hành chính?
Dư luận quan tâm là vì phi công và những nhân viên kỹ thuật cao của hãng Hàng không quốc gia là những người lao động thuộc tầng lớp ưu tú, được đào tạo bài bản ở nước ngoài khá tốn kém, có mức lương rất cao so với mức bình quân trong xã hội. Họ đã bày tỏ sự không hài lòng của mình với cách đối xử của bên sử dụng lao động bằng cách báo ốm, xin nghỉ việc, được bên sử dụng lao động coi là “lãn công tập thể thông qua lý do báo ốm”.
Đáng chú ý là người ta không thấy các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ có vai trò nào trong sứ mạng đại diện lợi ích hợp pháp của người lao động. Việc nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, tình cảm của người lao động sâu sát thế nào mà để cho người lao động phải tự liên lạc với nhau đi đến biện pháp “báo ốm” hàng loạt này.
Về bản chất, đây là một vụ tranh chấp lao động rất bình thường có thể diễn ra ở các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Thí dụ như trong lĩnh vực hàng không, phi công của hãng hàng không lớn, có truyền thống lâu đời và tên tuổi trên thế giới Lufthansa, Đức đã đình công nhiều lần trong năm 2014 cho đến khi hai bên thống nhất được về phương án nâng lương cho phi công. Nhân viên của sân bay Heathrow của Anh cũng đình công gây đình trệ hoạt động và gây thiệt hại đáng kể trước khi hai bên thỏa thuận được với nhau.
Những ví dụ đó cho thấy trong môi trường cạnh tranh gay gắt, những hãng hàng không lớn cũng không tránh khỏi tranh chấp lao động, hai bên phải đàm phán để giải quyết.
Rõ ràng mô hình bộ “chủ quản” đối với DNNN trực thuộc không còn thích hợp nữa và những chỉ thị tương tự của Bộ GTVT sẽ không nên lặp lại nữa. |
Tuy nhiên, trong trường hợp VNA, VNA đã sử dụng công cụ hành chính để giải quyết bằng cách kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) can thiệp (theo Nghị quyết 09/NQ-HĐTV/TCTHK ngày 6-1-2015). Đáp lại, ngày 7-1, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ra chỉ thị chấp nhận đề nghị của VNA “tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lực lượng lao động kỹ thuật cao của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Cần phải nói thẳng rằng cơ sở pháp lý của chỉ thị này không rõ ràng, đặc biệt là không phù hợp với Luật Cạnh tranh và chỉ thị này không giải quyết được một cách căn bản tranh chấp lao động này. Rõ ràng một bộ không nên can thiệp hành chính để hạn chế quyền hợp pháp của người lao động để ủng hộ cho phía sử dụng lao động là một tổng công ty nhà nước trực thuộc bộ mình. Chính Bộ trưởng Bộ GTVT trong những phát biểu khác với báo chí cũng nhấn mạnh yêu cầu phải chấp nhận môi trường cạnh tranh và không nên mong đợi người lao động sẽ chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều để ở lại mãi với doanh nghiệp.
Cần chuẩn bị cho môi trường cạnh tranh ASEAN
Sự can thiệp đặc biệt này của Bộ GTVT là nhằm bảo vệ một tổng công ty nhà nước, song theo Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, VNA sẽ không còn là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nữa vì theo luật này, chỉ doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước mới là DNNN. Lúc đó, sẽ khó có khả năng Bộ GTVT sẽ can thiệp hành chính để bảo vệ một doanh nghiệp dân doanh mà không vi phạm Luật Cạnh tranh và các quy định khác của bộ máy nhà nước.
Hơn nữa, cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có hiệu lực, trong đó có cam kết quy định lao động có chứng chỉ đào tạo về tám nghề được 10 nước công nhận và những chứng chỉ khác được quốc tế công nhận được quyền tự do di chuyển trong các nước ASEAN. Như vậy, hoàn toàn có khả năng các phi công của VNA sẽ có thể chuyển sang làm việc tại các hãng hàng không ASEAN khác. Cạnh tranh bình đẳng sẽ diễn ra trong cả AEC và lúc đó có khả năng sự can thiệp hành chính để hạn chế sự dịch chuyển của phi công sẽ vi phạm cam kết về dịch chuyển lao động của AEC. Vì vậy, VNA cần tích cực cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút lao động chất lượng cao cho mình.
Phân tích các khía cạnh khác nhau của vụ việc này cho thấy quy định pháp lý về quan hệ giữa bộ quản lý ngành và doanh nghiệp nhà nước cần được xác định lại cho phù hợp với tinh thần và lời văn của Luật Doanh nghiệp 2014 cũng như những cam kết quốc tế trong AEC, TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EU). Cả hai hiệp định TPP và FTA Việt Nam – EU đều có quy định rõ ràng về yêu cầu đối xử bình đẳng đối với doanh nghiệp nhà nước, không được có ưu đãi hay đối xử đặc biệt nào đối với doanh nghiệp nhà nước.
Cũng xin lưu ý là TPP có quy định rõ ràng về quyền của các doanh nghiệp kiện những vụ vi phạm ra tòa án quốc tế nếu như họ phát hiện ra bất kỳ sự vi phạm nào. Những hành vi bảo vệ, ưu đãi DNNN có thể sẽ trở nên rất tốn kém và trở thành một tranh chấp quốc tế. Rõ ràng mô hình bộ “chủ quản” đối với DNNN trực thuộc không còn thích hợp nữa và những chỉ thị tương tự của Bộ GTVT sẽ không nên lặp lại nữa.
Việc các tổ chức quần chúng như công đoàn, đoàn thanh niên… không có vai trò nào trong việc phát hiện mâu thuẫn lợi ích, tổ chức đối thoại và tham gia hòa giải tranh chấp chắc chắn không phải là một ưu điểm. Mô hình tổ chức “quần chúng quốc doanh”, trở thành công cụ thực hiện đơn phương ý chí của lãnh đạo doanh nghiệp cần được xem xét lại, tổ chức quần chúng phải thực sự phản ánh tâm tư tình cảm của người lao động, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các đoàn viên.
———-
http://www.thesaigontimes.vn/125680/Hanh-xu-phai-dung-vai.html