Vàng và tiền

Tác giả: Tô Văn Trường

.KD: “Trong lúc cái không khí dân chủ đang lan tỏa khắp bàn dân thiên hạ thì việc một nữ chính khách cấp cao, có cao hứng lên mà đề xuất thêm một Bộ này, một ngành nào đấy cũng là chuyện bình thường vì phụ thuộc vào tầm nhìn, tư duy chiến lược của mỗi người. Bất cứ một thể chế nào, hành chính và chính trị mà không chuyên nghiệp thì người dân dưới chế độ ấy sẽ lĩnh đủ mọi hậu họa”- Ts Tô Văn Trường. 

.Cảm ơn Ts Tô Văn Trường đã gửi bài viết này. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ. Đây là bài viết của Ts bàn về ý tưởng lập Bộ Phụ nữ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân vừa qua, cũng đang rộn ràng trên các diễn đàn  😀

————-

Kim Ngan 1Kim ngân đúng nghĩa theo quan điểm của người xưa là vàng và bạc nhưng ngày nay cũng có thể hiểu là vàng và tiền. Đúng thế! Ngân là bạc chứ không phải tiền. Vì phương đông từ xa xưa đã có tập tục, quy ước “ngân bản vị” (nén bạc trong quy đổi thương mại), cho nên sau này vẫn thường mệnh danh tiền theo quy ước là bạc (ngân hàng, ngân khố v.v…) .
Trong tiếng Việt có cái hay là vậy : “đồng tiền” rất trọn nghĩa vì khi chưa có tiền bằng giấy thì đại đa số được đúc bằng “đồng” – tuyệt vời vì tiền bằng đồng. Cho tới khi dân châu Á thấy xuất hiện đồng tiền của nước Mỹ được bảo chứng giá trị bằng vàng nên mới gọi là Mỹ kim

Trong cổ ngữ có câu “kim ngân phá lề luật” ! Và “nén bạc đâm toạc tờ giấy” – mà “tờ giấy” là ám chỉ những văn bản, pháp quy. Dư luận thời gian qua bàn luận nhiều về việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất xem xét thành lập Bộ Phụ nữ!?

Có lẽ người đề xướng chưa hiểu rõ vấn đề mình đặt ra và nhiều người nghe rồi suy diễn không đúng với tinh thần đáng có. Nhìn vào ngân sách của Việt Nam qua số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) thì thấy tỉ lệ dành cho quản lý hành chính tăng hàng năm cao hơn đầu tư cho khoa học công nghệ hay giáo dục và y tế quá nhiều. Điều đó, chứng tỏ sự bất ổn của các chính sách và thể chế.
Nguyên tắc muốn thành lập một tổ chức, trước hết phải xác định chức năng nhiệm vụ, đối tượng quản lý trên cơ sở khoa học căn cứ vào mối quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và tình hình thực tế của đất nước.

Có ý kiến chia sẻ, đồng tình với bà Kim Ngân, cho rằng nếu đã có Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng, có Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thì việc thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ là hiển nhiên. Tất nhiên, là Bộ Phụ nữ có sức mạnh chính quyền hơn Hội, những quyết định của Bộ có tầm cỡ chính quyền, có uy lực hơn. Nước ta, tuy đã thống nhất từ nhiều thập kỷ, nhưng vì sản xuất nông nghiệp vẫn còn chật vật, tập tục phong kiến vẫn còn không ít, nên phụ nữ còn chưa thực sự được giải phóng, tiếng nói của đoàn thể không mạnh, vai trò của Hội còn lu mờ.

Tuy nhiên, nếu có Bộ Phụ nữ rồi, tình hình có cải thiện được hơn không? Vai trò của người mẹ, người vợ liệu hy vọng sẽ có một bước ngoặt lớn?. Theo logic của bà Kim Ngân thì có lẽ cần thành lập Bộ Thanh niên trước tiên vì Thanh niên là rường cột, nắm tương lai vận mệnh của Quốc gia.

GS Nguyễn Lang cho biết trước kia đã từng có tình trạng Liên hiệp xã đấu tranh đòi thành lập Bộ liên hiệp Hợp tác xã. Nay thành lập Bộ Phụ nữ, thì có thành lập Bộ thanh niên, Bộ công đoàn vv…. không? Bộ là cơ quan làm chức năng quản lý Nhà nước, vậy chức năng này có liên quan gì đến việc quản lý Nhà nước đối với Hợp tác xã, Phụ nữ, thanh niên, công đoàn, gì không?. Còn đối với Phụ nữ, thanh niên, công đoàn, … thì quản lý Nhà nước về phát triển phụ nữ, thanh niên, công đoàn là gì ? Nếu thêm các Bộ phụ nữ, thanh niên thì các Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Văn hóa Du lịch & thể thao sẽ làm gì, có chồng chéo nhau không?

Nhiều ý kiến bình luận những chàng ga lăng vẫn nịnh đầm rằng không nên đánh phụ nữ dù bằng nhành hoa, nhưng nếu nhành hoa hồng có gai thì khác lắm đấy. Cái việc đề xuất lập Bộ Phụ nữ nghe ngồ ngộ quá, khi phụ nữ được đặt vào vị trí quá cao, được tung hô quá mức thì hay bị tẩu hoả nhập …mê man các hotgirl trên showbiz cũng vậy mà.

Phải chăng chức năng nhiệm vụ của Bộ Phụ nữ có thể có các Cục/Vụ như Cục Chống bạo hành, Cục chống quấy rối tình dục, Vụ Thời trang, Vụ Giải phẫu thẩm mỹ, Tổng cục sinh con theo ý muốn và tất nhiên phải có Bộ phận Một cửa! vv…

Tôi có người bạn là giáo sư tiến sĩ, hàm Thứ trưởng đã nghỉ hưu, bình luận rất dí dỏm nguyên văn như sau: “Tiếc quá, già mất rồi, nếu không thì tôi ủng hộ bà Kim Ngân để có hy vọng được làm bộ trưởng cái bộ ấy.” . Nói dayz chứ không phải dayz, ai người ta cho đàn ông làm bộ trưởng bộ của ‘phái đẹp” ấy nhỉ?

Theo thiển nghĩ của người viết bài này, việc tách ra / nhập vào hoặc “mọc” ra những cơ cấu hành chính, những tổ chức này nọ như đã từng có và lặp đi, lặp lại nhiều lần, có những trường hợp không căn cứ vào chức năng hữu hiệu cần thiết cho xã hội mà là để có cớ bổ nhiệm thêm chức tước hoặc tăng quyền hạn cho ai đó, nhóm người nào đó – mà cái “quyền” lại gắn liền với cái “lợi” vì các cương vị đều có kèm theo lương bổng – tất cả các loại lương bổng đều gõ vào đầu dân.

Thể chế trùng lặp, nhiều người bú vào bầu sữa ngân sách, lại lắm quan lại, chức tước là một sự bòn mót tế nhị vào dân, “trăm dâu đổ một đầu tằm” ! Trời thì cao, đất thì dày – dân biết kêu ai ?! Trong khi nhiều người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nhà cửa dột nát, con cái sài đẹn, làm ăn xo súi đủ đường, nợ nần chồng chất, trăm thứ bà rằn mà bàn tới việc làm mâm, làm cỗ sao đang!

Chức bộ trưởng ngày xưa ở các triều đình gọi là thượng thư là cấp cao nhất (thượng) để hoạch định ra sách lược (thư) cần phải có để quản chế cho một mặt thiết yếu nào đó của xã hội. Vậy, việc bày ra cho đủ mâm đủ bát, cho sang, cho xôm tụ thì cái chức thượng thư lại là hạ sách!

Nhìn chung trong xã hội, phụ nữ thường chịu thiệt thòi hơn nam giới trong đường công danh vì họ vừa lo sự nghiệp, vừa làm chức năng người Mẹ, lại còn phải chăm lo ngọn bếp lửa hồng trong gia đình. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.

Phụ nữ cần có chính sách, chứ không thể đã có Hội phụ nữ rồi lại thành lập Bộ phụ nữ (Sở Phụ nữ, Phòng phụ nữ), rồi sau này có người nổi hứng lại đề nghị thành lập Bộ Trẻ em và nhi đồng, Bộ Người cao tuổi, Bộ Dân tộc thiểu số, Bộ Trí thức và Việt kiều vv…Cần nhớ rằng theo nguyên tắc quản trị, đối tượng quản lý của bộ/ngành không thể là một bộ phận lãnh thổ, không thể là bộ phận dân cư.

Nhìn lại lịch sử nước nhà năm 1945 thời Chính phủ của ông Trần Trọng Kim có thành lập Bộ thanh niên do ông Phan Anh làm Bộ trưởng bởi vì lúc đó không có tổ chức đoàn thanh niên, không có Liện hiệp hội thanh niên. Bộ thanh niên lúc đó thực chất chỉ để cổ vũ cho phong trào thanh niên Phan Anh. Khi Cụ Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ lâm thời thì trong nội các không có Bộ Thanh niên.

Theo tôi biết trên thế giới chỉ có vài nước như Anh, Úc, New Zealand, Thụy Điển, Afghanistan có Bộ phụ nữ nhưng nước họ không có Hội liên hiệp phụ nữ và thể chế như ở nước ta. Vẫn biết, phụ nữ rất quan trọng và là một nửa phần hơn của thế giới. Về thuật ngữ ” bình đẳng giới ” ( Gender equality ) cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt còn có rất nhiều vấn đề cần được xem xét ở nhiều góc nhìn khoa học khác nhau. Nó có thể đúng và phù hợp ở một phạm vi hẹp về ” nhân quyền” nhưng khó có thể phù hợp về các mặt giới tính, thiên chức và sinh học vv…

Trong lúc cái không khí dân chủ đang lan tỏa khắp bàn dân thiên hạ thì việc một nữ chính khách cấp cao, có cao hứng lên mà đề xuất thêm một Bộ này, một ngành nào đấy cũng là chuyện bình thường vì phụ thuộc vào tầm nhìn, tư duy chiến lược của mỗi người. Bất cứ một thể chế nào, hành chính và chính trị mà không chuyên nghiệp thì người dân dưới chế độ ấy sẽ lĩnh đủ mọi hậu họa.

Cái không bình thường ở đây là đất nước đang trăn trở đến mức báo động về nợ công, nợ xấu đầm đìa, trong khi các cấp, các ngành đang lo sốt vó về chuyện phải giảm biên chế theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ thì cái đề xuất “trên trời” thành lập Bộ phụ nữ liệu có khả thi, liệu có làm người ta thêm ngưỡng mộ cái vương miện hoa hậu của quý bà không?