Mưu sự tại doanh nghiệp, thành sự tại… chính sách!

Tác giả: TS Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương

Tôi kỳ vọng Chính phủ là phải có tầm nhìn thời đại, gắn với cải cách thể chế trong nước – cụ thể nhất là cải cách thể chế liên quan đến kinh doanh, để giảm chi phí hành chính cho DN và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, làm cho luật lệ Việt Nam tương thích với các cam kết và thực thi một cách nghiêm túc.

“Thiên thời địa lợi”, sẽ là thuật ngữ được dùng nhiều nhất cho bức tranh về môi trường kinh doanh ở Việt Nam năm 2015. Tuy nhiên, với cái nhìn từ thực tế thì Việt Nam rất cần sự quyết tâm và làm mạnh, làm thật.

Dự báo năm 2015 tiền tệ, lạm pháp sẽ thấp, sẽ linh hoạt hơn, nhưng đây cũng là một năm khó khăn trong bối cảnh đồng đô la rớt mạnh. Chính vì vậy, bên cạnh việc cụ thể hóa Luật DN, năm nay các nhà quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa kỷ luật thị trường….

Không như kỳ vọng

Trong cuộc trò chuyện gần đây với anh Mai Huy Tân – Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Thực phẩm Đức Việt, Chủ tịch, TGĐ Cty Tư vấn nhịp cầu Việt Đức tôi được biết, vấn đề quan tâm nhất của anh hiện nay là những cải cách mạnh mẽ mà Chính phủ đưa ra có đem lại sự “dễ thở” thực sự cho doanh nghiệp hay không ? Vì theo như anh Tâm nói, chỉ 1 cái xúc xích của Cty anh đến giờ có tới 7 bộ quản lý. Gần đây, cảnh sát môi trường đến kiểm tra DN của anh. Tất cả đều đạt tốt. Nhưng có một đồng chí cảnh sát môi trường phát hiện ra khu vực chất thải của DN để trong thùng màu xanh với chữ màu đỏ là “tập kết rác thải”, trong khi luật quy định là… phải để trong thùng chứa màu đỏ. Vì vậy, DN đương nhiên… vi phạm an toàn thực phẩm với “tội danh”… “thùng chứa không đúng màu”. Vậy là, sự máy móc, hành chính của cơ quan quản lý nhà nước trở thành quá đáng. Sự quá đáng đó đang khiến cho nhiệt huyết kinh doanh và đầu tư của giới DN trong nước bị suy giảm.

Ngay cả trong hai bản báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Thương Mại Nhật Bản (Jetro) và báo cáo của Ngân hàng thế giới WB so sánh Việt Nam với nhiều nước trên thế giới và các nước trong khu vực cũng đều thống nhất ở chỗ, Việt Nam đang còn nhiều hạn chế ở vấn đề thể chế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… Vậy là, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài gần đây không có nhiều chuyển biến đáng kể. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài luôn có nhiều lựa chọn và chắc chắn Việt Nam không phải là điểm lựa chọn duy nhất của họ. Hai ví dụ điển hình về hai thái cực đầu tư trong và ngoài nước đều cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam gần đây thật sự không có nhiều chuyển biến đáng kể như kỳ vọng.

Tuy vậy, trên thực tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh:

Thứ nhất là khởi sự kinh doanh đã được đơn giản hoá giúp làm giảm rào cản gia nhập thị trường. Thứ hai là quyền tự do kinh doanh của người dân và DN được mở rộng thêm, được bảo đảm một cách chắc chắn hơn. Luật Đầu tư sửa đổi đã quy định rõ cụ thể có 6 ngành cấm kinh doanh thì tức là, tất cả các ngành khác sẽ được tự do. Luật DN sửa đổi không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận DN. Hai điểm cơ bản đó đã làm giảm chi phí tuân thủ pháp luật của DN; quan trọng hơn là sẽ giúp giảm rủi ro pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của DN, từ đó tăng an toàn cho hoạt động kinh doanh…

Cần hơn những con số tăng trưởng GDP?

Cải cách thể chế ở Việt Nam hiện nay, đang “thông trên, tắc dưới”, nghĩa là, trên văn bản giấy tờ, cải cách thể chế được thể hiện rất quyết tâm. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện thì khâu có tốc độ chậm nhất, yếu nhất của hệ thống, lại chính là cán bộ cơ sở. Vậy nên, điều cốt lõi là phải có giải pháp quyết liệt đối với cấp thừa hành.

Mặt khác, việc tiếp tục tái cấu trúc DN nhà nước vẫn sẽ là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2015, trong đó có việc cổ phần hóa, thoái vốn ra khỏi những lĩnh vực ngoài ngành và nhà nước không cần thiết phải nắm giữ chính là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này, cũng như của nền kinh tế. Bởi việc thoái vốn ở đây không chỉ đơn thuần là rút một phần vốn kinh doanh ra khỏi các mục tiêu đầu tư công mà còn tạo điều kiện cho các DN dân doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp sức đầu tư. Điều này sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử, khuyến khích người dân đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ là phải có tầm nhìn thời đại, gắn với cải cách thể chế trong nước – cụ thể nhất là cải cách thể chế liên quan đến kinh doanh, để giảm chi phí hành chính cho DN và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch…

Đối với các DN nhà nước, các cổ đông trong hội đồng quản trị sẽ tạo áp lực nâng cao năng lực quản trị, tính minh bạch của khu vực này. Yếu tố then chốt để đẩy mạnh tái cấu trúc là cải thiện đáng kể nguyên tắc công khai và minh bạch hóa thông tin, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với tập đoàn, TCty nhà nước. Đây là điều kiện để thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập từ bên ngoài đi đôi với việc cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, đánh giá bên trong, trước hết là giám sát, đánh giá của chủ sở hữu cũng là việc có thể làm được ngay.

Thừa nhận rằng, thu hút FDI đầu tư trong nước sẽ là yếu tố quan trọng, giúp Việt Nam đẩy mạnh tốc độ phát triển nền kinh tế và là điều tất yếu khi Việt Nam tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới. Song, Việt Nam cần phải thay đổi cách nhìn và cách thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, Việt Nam đã qua rồi cái thời kỳ tối đa hóa giá trị khối lượng trong thu hút FDI, mà giờ đây cái cần hướng tới là FDI có chất lượng.

Thể chế quyết định tăng trưởng. Do đó, nếu không đổi mới thể chế và con người thì động lực tăng trưởng của Việt Nam đã tới hạn. Tiềm năng của đất nước không phải tài nguyên thiên nhiên mà chính là con người, là thể chế và quyết định tăng trưởng. Giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người và Việt Nam có nhiều tiềm năng con người.

Chốt lại những dự định mới mẻ cho bài toán về môi trường kinh doanh năm 2015, yếu tố quan trọng nhất không phải ở chỗ sẽ tăng trưởng GDP được bao nhiêu mà quan trọng là đẩy mạnh cải cách cơ chế để tạo thuận lợi cho DN. Tôi tin rằng, với những kinh nghiệm, bài học tích lũy từ giai đoạn sóng gió năm qua, cộng đồng DN, doanh nhân sẽ có thêm sự tự tin, chủ động thích nghi, linh hoạt ứng phó, xoay sở vượt khó, tận dụng cơ hội để bước vào giai đoạn phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng Chính phủ là phải có tầm nhìn thời đại, gắn với cải cách thể chế trong nước – cụ thể nhất là cải cách thể chế liên quan đến kinh doanh, để giảm chi phí hành chính cho DN và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, làm cho luật lệ Việt Nam tương thích với các cam kết và thực thi một cách nghiêm túc. Chính phủ phải xây dựng hình ảnh thân thiện với kinh doanh và hỗ trợ DN chống chọi, vượt qua những cú sốc kinh tế.

——–

http://dddn.com.vn/lang-kinh/muu-su-tai-doanh-nghiep-thanh-su-tai-chinh-sach-20150205030634659.htm