‘Thánh Kiệu’ phá ô tô, tướng tìm cách dỡ nhà

Tác giả: Mi An

.KD: Từ người Việt xấu xí, nên đổi sang khái niệm người Việt tàn bạo, hung hãn mới đúng với hiện trạng khá phổ biến hiện nay.

————–

Một nhóm phu kiệu ở lễ rước kiệu làng Xuân Đỉnh đã hò nhau dùng kiệu đập vỡ kính một chiếc xe ô tô và đổ cho “Thánh Kiệu”.

a

Đám phu kiệu phá vỡ kính chiếc xe ô tô.

Mấy ngày nay, mạng xã hội đang ồn ào về một clip phát trên internet, đó là clip rước kiệu phá ô tô của hội làng Xuân Đỉnh ngày mùng 7 tết Ất Mùi. Nếu xem clip này rồi, chắc quý bạn đọc cũng cảm thấy như tôi, thất vọng vì lối hành xử của một bộ phận người trẻ hôm nay đến nỗi không dám tin đó những điều đang xảy ra ở thủ đô vào những ngày này.

Nhóm phu kiệu ở làng Xuân Đỉnh gồm những thanh niên khỏe mạnh, vai khiêng kiệu cùng hò nhau dùng kiệu đập vỡ kính sau của một chiếc ô tô. Họ không hề bị sự điều khiển của bất kỳ một vị thánh thần nào cả.

Trong clip thể hiện rõ, những phu kiệu làm theo tiếng còi, chạy từ xa lấy đà, dùng sức mạnh để lao vào chiếc xe trong tiếng hò reo phấn khích man dại của đám đông. Chẳng có thánh thần nào lại nghe theo tiếng thổi còi toe toe như vậy cả.

Lần dở lại những mùa lễ hội trước, cư dân mạng đã tìm thấy khá nhiều clip khác ghi hình đội khiêng kiệu cũng đã từng đập vỡ kính một chiếc xe ô tô, đập vỡ cửa kính một tòa nhà cao tầng trong khu đô thị Ciputra gần đó.

Đương nhiên, những người mê tín tin vào “Thánh Kiệu” cho rằng, những người phu kiệu đã bị thánh thần điều khiển. Nhưng thực chất đó là một dạng lợi dụng uy danh thần thánh để phá hoại tài sản của người khác công khai mà không phải chịu hậu quả.

Là một người dân đang sinh sống ở Hà Nội, tôi cảm thấy xấu hổ vì có những công dân trẻ như nhóm phu khiêng kiệu kia. Họ hò nhau phá một chiếc ô tô, phải đến khi người phụ nữ chủ xe đã phải quỳ xuống vái lậy van xin họ mới thôi.

Những hành động vô văn hóa như thế này đang khiến chúng ta sớm bạc tóc về xã hội hôm nay. Người ta có thể lợi dụng lễ hội để đánh nhau, chém nhau, phá tài sản của nhau hay sao?

Người ta có thể lợi dụng những đám đông hỗn loạn để hành xử như phường vô học.

Ứng xử, hành vi là phản chiếu của đạo đức và văn hóa. Bởi vậy mùa lễ hội năm nay có quá nhiều chuyện để nói, để day dứt và xót xa cho sự xuống cấp trong đạo đức và văn hóa của một bộ phận người Việt.

Hội đền Gióng, có một đám “hỗn chiến” như côn đồ, clip ghi lại rõ ràng. Trong khi ấy, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội vẫn khẳng định: “Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn thì làm gì có chuyện ẩu đả, đánh nhau”.

Điều ấy cũng dễ hiểu thôi, vì cấp làng chưa báo cáo lên cấp xã và dĩ nhiên như thế thì cấp xã chưa có gì để báo cáo lên cấp huyện. Phải đợi thôi. 

Những lộn xộn, hỗn loạn thể hiện trong mùa lễ hội, thể hiện ở con số 6.200 người nhập viện vì đánh nhau trong kỳ nghỉ Tết là những “triệu chứng” để cho thấy sự thượng tôn pháp luật và tôn trọng đạo lý dường như đang bị những người trẻ xem thường.

Nhìn cảnh nhóm thanh niên khiêng kiệu phá nát kính xe ô tô một cách dễ dàng như vậy, tôi chợt thấy hoài nghi khi nghĩ tới việc tư dinh vị tướng ở tỉnh Quảng Nam xây trái phép tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân cho đến giờ vẫn chưa tìm ra cách tháo dỡ.

Báo chí đưa tin, ngày 10/3 tới đây là hạn cuối cùng để tháo dỡ ngôi biệt thự của ông Phan Như Thạch xây bề thế tại khu vực rừng đặc dụng. Chính quyền TP Đà Nẵng đã cho chủ nhân ngôi biệt thự 35 ngày để tháo dỡ, nhưng đến nay ngôi biệt thự vẫn còn nguyên. Tin cho biết con trai vị tướng vẫn “đang tìm kiếm nhân công”.

Giá mà được, chủ nhân ngôi biệt thự cứ thuê béng đám phu khiêng kiệu kia từ Hà Nội vào Đà Nẵng, với sức khỏe và sở thích phá phách của họ, chả mấy chốc mà ngôi biệt thự trái phép ấy tan tành.

———

http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/thanh-kieu-pha-o-to-tuong-tim-cach-do-nha-3234491/