Lý Quang Diệu và chiến lược siêu ốc đảo

Tác giả: Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
.
KD: Đúng là một vĩ nhân- một huyền thoại. Thời đại này, chúng ta đang sống, vẫn có may mắn là được chứng kiến có những vĩ nhân làm nên nghiệp lớn cho quốc gia họ, đất nước họ. Và có những số phận độc tài bị treo trên giá treo cổ.
.
Cuộc đời hay cổ tích? Dù còn nhiều bất công, vì sự tham lam vô độ và đạo đức giả của con người, nhưng chiêm nghiệm thế giới, quan sát thế giới bỗng nhận ra những hạnh phúc, những bi hài kịch của các quốc gia đều có thể giúp cho con người ta cái nhìn về đời sống này để ta có thể khóc cười, tràn đầy năng lượng sống, tràn đầy cảm hứng yêu thương và đau đớn…
.
Ly Quang Dieu
Thế giới những ngày cuối tháng 3.2015 vừa mất đi một trong những vĩ nhân lớn nhất trong lịch sử thế kỷ 20 khi nguyên thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu qua đời ở tuổi 91. Ngay từ khi còn sống, vị thủ tướng được mệnh danh là cha đẻ của Singapore này đã là một huyền thoại, khi bản thân ông cũng như câu chuyện ông xây dựng đất nước Singapore trong thế kỷ 20 đều là những huyền thoại sống. 

Nhà nữ ngoại giao Việt Nam là bà Tôn Nữ Thị Ninh đã từng nói một câu rất nổi tiếng về huyền thoại ở đảo quốc sư tử này: “Nếu phải nêu hai cái tên không thể tách rời nhau thì đó phải là Singapore và Lý Quang Diệu, và Lý Quang Diệu và Singapore”. Nhìn lại lịch sử hiện đại Singapore vì thế cũng là nhìn lại cuộc đời và thành tựu của cả cuộc đời Lý Quang Diệu. Và nếu phải nói một điều duy nhất về câu chuyện của Lý Quang Diệu và Singapore, thì đó phải là về chiến lược siêu ốc đảo.

Đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu tài ba nghiên cứu về câu chuyện Lý Quang Diệu và Singapore, cũng như hàng loạt cuốn sách dày đã ra đời để nghiên cứu về vị cha của đảo quốc sư tử và câu chuyện huyền thoại liên quan đến sự phát triển chóng mặt của đảo quốc này trong thế kỷ 20. 
Những cuốn sách dày cộp phân tích nguyên nhân thành công của vị thủ tướng họ Lý trong việc biến Singapore từ một đảo quốc nhỏ bé không có tài nguyên và dân số khiêm tốn thuộc thế giới thứ ba trở thành một trong những quốc gia siêu phát triển hàng đầu thế giới – một câu chuyện kỳ lạ đến mức không ai trên thế giới lại không coi đó là một huyền thoại, nhưng cũng thực tế đến nỗi bí quyết thành công ấy của Singapore đã trở thành hình mẫu cho mọi quốc gia ở châu Á học theo, trong đó có cả nền kinh tế thứ hai thế giới ở thời điểm hiện tại là Trung Quốc.
 
Công thức thành công ấy của Singapore, về một khía cạnh nhất định đã góp vai trò lớn vào một châu Á thịnh vượng như hiện nay, nhưng đó mới chỉ là bề nổi của chiến lược siêu ốc đảo của Lý Quang Diệu mà thôi. Vì sao lại gọi đó là chiến lược siêu ốc đảo, là vì cũng giống như vai trò vô cùng quan trọng và quý giá của một ốc đảo trong sa mạc mênh mông, Lý Quang Diệu cũng muốn đưa Singapore trở thành một ốc đảo có vai trò như thế trong một sa mạc mênh mông khác là thế giới. 
Nếu như trong sa mạc, ốc đảo là nơi cung cấp nước mát, bóng râm và thực phẩm vốn là những thứ không thể có trong sa mạc, đồng thời ốc đảo cũng là trạm trung chuyển, nơi tập trung các đoàn lái buôn để mua bán trao đổi hàng hóa, thì đó cũng là những điều cốt lõi trong chiến lược siêu ốc đảo mà Lý Quang Diệu theo đuổi để biến đảo quốc nhỏ bé của mình trở thành một siêu quốc gia phát triển.
Theo đó, cũng như trong sa mạc chỉ có thể tìm thấy nước trên ốc đảo , Singapore sẽ vừa trở thành nơi cung cấp những thứ chưa có trong toàn bộ khu vực. Singapore chính là nước đi đầu trong việc thiết lập chiến lược phát triển dựa trên đầu tư nước ngoài vốn khi đó vẫn còn rất xa lạ không chỉ với các nước châu Á mà còn trên toàn thế giới do quan niệm cố hữu rằng nếu để một tập đoàn quốc tế lớn vào hoạt động thì cũng đồng nghĩa với việc giao tay hòm chìa khóa quốc gia cho họ.
 
Singapore của Lý Quang Diệu đã phủ nhận quan niệm sai lầm này một cách triệt để và đã thành công một cách rực rỡ. Đầu thập kỷ 80 Singapore trở thành nước xuất khẩu điện tử hàng đầu thế giới và đầu thập kỷ 90 tất cả các tập đoàn lớn nhất trên thế giới đều có mặt ở Singapore. 
Thành công vượt ngoài sức tưởng tượng này của Singapore đã trở thành công thức cho hàng loạt các nước châu Á học theo như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và cả Trung Quốc nữa. Mô hình phát triển kinh tế dựa trên đầu tư nước ngoài của đảo quốc sư tử chính là điều mà Đặng Tiểu Bình đã đem về áp dụng tại Trung Quốc hết sức thành công sau khi những chuyến công du đến Singapore để gặp Lý Quang Diệu.

Và khi mà cả châu Á đều đã đua nhau áp dụng mô hình phát triển dựa trên đầu tư nước ngoài của Singapore, thì đảo quốc của Lý Quang Diệu đã chuyển sang hình thái phát triển cao hơn, đó là nền kinh tế tri thức – một hình thái phát triển được coi là hình mẫu trong tương lai.

Đơn giản là vì trong chiến lược siêu ốc đảo của Lý Quang Diệu, Singapore sẽ luôn phải đi trước các nước trong khu vực ít nhất là 20 năm để cung cấp những thứ mà các nước khác chưa có. Ốc đảo sẽ không thể duy trì vị trí đặc biệt quan trọng của mình đối với sa mạc nếu như nó không thể cung cấp những thứ mà trong sa mạc không thể có.

Ở một phương diện khác, cũng giống như ốc đảo là trạm trung chuyển, tập trung hàng hóa để mua bán trao đổi trong sa mạc, Singapore cũng thực sự trở thành một trạm trung chuyển hàng đầu trên thế giới cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đảo quốc sư tử dưới thời Lý Quang Diệu không chỉ là một trong những cảng trung chuyển lớn nhất thế giới trên con đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới qua eo biển Malacca, mà Singapore còn thực sự trở thành một trung tâm kinh tế và tài chính quan trọng bậc nhất của châu Á và của cả thế giới. 
Một câu nói nổi tiếng lưu truyền trong giới tài chính toàn cầu về tầm quan trọng của thị trường tài chính Singapore: “Sau khi thị trường tài chính ở San Francisco chìm trong giấc ngủ vào ban đêm và trước khi thị trường tài chính ở Zurich thức giấc vào buổi sáng, đó là lúc thị trường tài chính ở Singapore thức và hoạt động”. 
Nói cách khác, Singapore đang là mắt xích quan trọng bậc nhất trong toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu, đó cũng là miếng ghép cuối cùng vào bức tranh tổng thể về một siêu ốc đảo thực sự trong một sa mạc mênh mông là toàn thế giới. Thế giới sẽ luôn cần Singapore như sa mạc cần ốc đảo, ốc đảo quan trọng với sa mạc như thế nào thì Singapore cũng quan trọng với thế giới như vậy.
Nhưng sự phi thường của Lý Quang Diệu không chỉ dừng lại ở kỳ tích biến đảo quốc của mình từ một hòn đảo nghèo nàn thuộc thế giới thứ ba thành một siêu ốc đảo phát triển thuộc thế giới thứ nhất, mà còn ở chỗ ông đã vạch ra hướng đi gần như vĩnh viễn cho Singapore trong tương lai. 
Sẽ không có một nhà lãnh đạo nào của đảo quốc sư tử trong tương lai có thể đưa Singapore rẽ ngoặt ra khỏi con đường mà Lý Quang Diệu đã vạch ra cho đất nước của mình cách đây nửa thế kỷ. Con đường của Singapore là con đường mà Lý Quang Diệu đã chọn, đó là trở thành một siêu ốc đảo thông minh phát triển vượt bậc trong một sa mạc mênh mông là thế giới, nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ thay đổi dù tương lai có ra sao. Vì một lẽ đơn giản rằng “Singapore là Lý Quang Diệu, và Lý Quang Diệu là Singapore”.
————