Động thái của tỉ giá rúp – đô la vẫn được các chuyên gia xem như kim đồng hồ chỉ thị độ ổn định của thị trường tài chính tiền tệ và cả tâm thái “muốn làm ăn” (của doanh nhân) trong mắt dân cư. Đã có những cơ sở nào cho một sự lạc quan tại một thị trường đang bị phong bế như vậy?
Thứ nhất, kể từ đầu tháng ba trị giá đồng rúp đã vững lên rõ rệt, tới giữa tháng năm trao đổi ngoại tệ đã đạt tới mức một đô la ăn gần 50 rúp, Sự cứng cáp này của đồng nội tệ Nga, tuy thế, chủ yếu vẫn nhờ vào hơi thở của “thần dầu khí”: bất chấp các cảnh báo trước đó của các chuyên gia phân tích thị trường, giá dầu vẫn vượt lên trên mức 60 – 70 USD/thùng. Thứ hai, theo đánh giá của ngân hàng Alfa – Bank, đã xuất hiện tâm trạng lạc quan hơn về triển vọng kinh tế đối ngoại, cùng với cuộc viếng thăm Moscow vừa rồi của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ.
Đơn cử, trong họp báo công bố Báo cáo tài chính của Ngân hàng ngoại thương Nga (VTB) hôm 19/5/2015, Gerbert Moos, giám đốc tài chính của VTB cho hay dự báo của ngân hàng này cho năm tài chính 2015 vừa được chỉnh sửa . Có điều VTB không cung cấp số liệu chính xác về những chỉnh sửa này.
Tuy nhiên, “Thần đèn” thắp lên triển vọng tươi sáng hơn này, theo ông Gerbert Moos, là… Ngân hàng Trung ương (TƯ)) Nga. Ông nói: “Những tháng gần đây chúng tôi quan sát động thái tích cực của chủ trương giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng TƯ Nga và chúng tôi chào đón. Nó cho phép chúng tôi đưa ra những đánh giá tích cực hơn cho tài khóa này. Nêu con số cụ thể là không đơn giản, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng VTB đang dồn hết nỗ lực vào giảm lỗ trong năm nay”.
Một nguồn tăng thu, giảm chi nữa của các ngân hàng thuộc nhà nước của Nga là hợp lý hóa về nhân sự. Chẳng hạn, VTB đã cắt giảm biên chế tại cả cơ quan đầu não lẫn tại các chi nhánh ở các nước thuộc Liên Xô cũ, tới mức 2000 nhân viên của nó đã phải ra đi tìm việc làm khác trong quý I/2015. Và quá trình giảm biên vẫn đang tiếp diễn.
Ta còn nhớ nợ của doanh nghiệp nhà nước khủng chuyên khai thác khoáng sản Mechel lên tới 7 tỉ USD, và các nhà tài trợ cho nó là “hầu bao” của chính phủ như Gazprombank, Ngân hàng tiết kiệm Liên bang Sberbank, và VTB.
Lãi suất Ngân hàng TƯ Nga sau cú đồng rúp sụp đổ kinh hoàng vào lúc giao thời giữa hai năm Ngọ – Mùi, từ 17 % đã điều chỉnh được xuống 15 %, rồi xuống 14%, và gần nhất, từ 5/5 tới nay, xuống còn 12,5%. Các nguồn tin cho hay chỉ cần Ngân hàng trung ương Nga giảm đi 1% lãi suất cơ bản thôi, thì BTV đã “lãi” được đến 21 tỉ rúp/năm.
Về kinh tế trong nước, các báo cáo về GDP cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội của Nga quý I 2015 chỉ “rơi” có 1,9 %, không tới dăm bảy phần trăm trong 2015, theo như một số nguồn đã dự báo. Vì thế, hy vọng mức sụt giảm có thể tiến tới 0 không phải là quá viển vông. Lạm phát trong tháng 4 đã đạt đỉnh của nó và đang chậm dần đều từ con số 16% – 17% năm về một mức hòa dịu hơn – khoảng 10 %. Thất nghiệp tới đây chắc cũng sẽ đạt đỉnh điểm và sẽ không vọt lên nữa, các chuyên gia Alfa – Bank kỳ vọng. Những con số thống kê như thế xuất hiện ngay trong báo cáo của các nhà lãnh đạo trong chính phủ, và dĩ nhiên có tác dụng “an thần” đối với “tâm thái” của nền kinh tế Nga.
Bộ trưởng Bộ kinh tế Alexei Uliukaev quả thực đã tuyên bố, ngay từ trong phiên họp chính phủ Nga cuối tháng trước, rằng nền kinh tế đang có những động thái đáng khích lệ.
Những con số thống kê không tồi về thực trạng kinh tế Nga, theo chuyên gia phân tích tài chính, gắn với ba nhân tố chính sau. Thứ nhất, đang xảy ra thay đổi cơ cấu tiêu dùng: nhập khẩu dịch vụ trong quý I – 2015 giảm đi 5 tỉ USD, có thể xem là 20 tỉ Mỹ kim tính cho quy mô năm tài chính, nghĩa là khoảng 3 phần trăm tổng giá trị “giỏ” tiêu dùng hàng năm của Nga. Số tiền lớn này trước kia được dùng thanh toán cho các chuyến đi ra nước ngoài của dân Nga, bây giờ bẻ lái sang hỗ trợ tiêu dùng trong nội địa. Thứ hai, nền kinh tế đã nhận được gói “tiếp sức” của chính phủ, dưới dạng sau: mức tăng chi phí về quân sự trong tháng tư giảm đáng kể (trong quý I 2015 mức tăng chi phí về quân sự lên tới 51 % , nhưng mức tăng này trong cả bốn tháng đầu năm chỉ còn chiếm 41 %). Cuối cùng, hạn chế nhập khẩu hàng từ châu Âu dù sao cũng đang hỗ trợ các nhà sản xuất thức ăn nội địa, các nhà phân tích thị trường tài chính Nga nhận định…
“Trong mắt ai”
Trong đợt hoạt động kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít vừa qua, đã có những người Việt từng học tập, làm việc ở Liên Xô được dịp quay lại quê hương thứ hai. Họ lại có dịp sững sờ trước khu trung tâm tráng lệ của Moskva, chứng kiến những người Nga điềm tĩnh trong cơn bão ‘cấm vận”, tranh thủ đọc sách trên các thang chuyền nối các nhà ga tàu điện ngầm (metro) mang tên các văn hào nổi tiếng như Chekhov, Pushkin, Mayakovsky… thân thuộc.
Một cú sốc nữa, đến từ cảm nhận về một căn bệnh chưa có thuốc chữa của nền kinh tế chưa vực lại được ở xứ Bạch Dương. Đó là sự tương phản người giàu kẻ nghèo – một khoảng cách tưởng như vô hạn. Có cảm giác là, ngay trong khủng hoảng, vẫn có gia tốc cho sự giàu lên của những người giàu có và nghèo đi của những “kẻ khó”, như trong những ngày giá dầu còn cao ngất ngưởng. Cảnh những người nghèo có gì đó “quen thuộc”. Còn cảnh những người xa xỉ kia dường như tồn tại trong một thế giới bóng mờ, không phải là một phần của nền kinh tế, thậm chí của cuộc sống Nga mà ta từng biết.
Có bạn Việt ứa nước mắt, nhìn cảnh một người về hưu (trông giống một chuyên gia Liên Xô từng ở Việt Nam?), ngượng ngùng hỏi người bán hàng trong một siêu thị cực kỳ hào nhoáng, xem là với số tiền xu đang có thì bác nên mua bánh mì hay một cân khoai tây thì hơn. Một bạn Việt khác mừng rỡ nhận thấy trên đường từ Moskva ra một tỉnh ngoài những đàn bò ung dung gặm cỏ, điều khó thấy dưới thời Liên Xô. Tuy nhiên bác lái xe người Nga cho biết một sự khuyến khích thực tâm dành cho giới doanh nghiệp vẫn chưa thấm nhuần được từ cấp cao xuống tới những quan chức cơ sở. Việc thực sự cải tạo môi trường kinh doanh để tháo cương nguồn nội lực hùng mạnh cả về tài nguyên và tài năng của Nga như chưa vượt ra ngoài những trang giấy và tuyên bố của các cấp ngành hữu quan.
Tuy nhiên người ta vẫn nuôi hy vọng rằng những cải thiện thực sự của nền kinh tế sẽ ngăn chặn chảy máu nhân tài (về phía những nền kinh tế ổn định hơn) và thất thoát nguồn tư bản khỏi nước Nga.
———–
Nguồn:
http://www.finmarket.ru/currency/analytics/4018468
http://tass.ru/ekonomika/1978632
———–