Tác giả: Gs. Ts Nguyễn Đăng Dung (theo FB Đức Bảo Phạm)
KD: Title bài thực chất là lời bình của Ts- Ls Phạm Đức Bảo xung quanh vụ việc bài viết của Gs Ts Nguyễn Đăng Dung, được ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội nhà báo mượn lời để phát biểu, cho rằng dân trí VN thấp nên chưa thể đưa ra Luật Trưng cầu dân ý. Xin đăng nguyên văn:
ÔNG HÀ MINH HUỆ ĐÃ ĐẶT ĐIỀU CHO GS.TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung chỉ nói những hạn chế của việc trưng cầu ý dân trong trường hợp dân trí thấp chứ không hề nói trình độ dân trí của Việt Nam hiện nay thấp như đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội nhà báo bịa đặt, đánh tráo khái niệm để lấy lý do chưa cần luật Trưng cầu ý dân. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Tôi đăng lại bài trả lời phỏng vấn của GS.TS Nguyễn Đăng Dung để mọi người hiểu rõ hơn tư cách của ông Hà Minh Huệ.” (Phạm Đức Bảo)
Còn đây là nhận xét của mình: Giả dụ đi, GS Nguyễn Đăng Dung nói, vẫn là quan điểm của người nghiên cứu mang tính chất học thuật, và giả dụ đi, ông Hà Minh Huệ có quan điểm như vậy, thì khi phát biểu với trách nhiệm quản lý báo chí ổng phải chịu trách nhiệm về chính phát ngôn của mình. Việc trả lời báo chí thanh minh thanh nga theo kiểu vin vào tờ báo có bài viết của GS Nguyễn Đăng Dung, để biện bạch cho thái độ coi thường dân, thực chất mang tính cơ hội nhiều hơn. Điều đó chỉ chứng tỏ ông HMH không đàng hoàng, không dám chịu trách nhiệm bản thân phát ngôn. lại đổ vấy cho bài báo của GS Nguyễn Đăng Dung. Vậy thì não trạng của ông hình như có vấn đề.
Khi không có chính kiến của bản thân, mà phải đổ cho một nhà luật học với quan niệm mang tính học thuật, mình hết sức ngạc nhiên về kỹ năng giải quyết các tình huống. Vẫn là một lỗ hổng của GD, và văn hóa quan chức như vậy rất kém.
Còn dưới đây là bài viết của Gs TS Nguyễn Đăng Dung Xin đăng lại để bạn đọc chia sẻ
*************************
GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nói về trưng cầu ý dân
CẦN THIẾT, NHƯNG KHÔNG THỂ VỘI
Tác giả: Vũ Thủy (thực hiện)
.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đưa ra bàn thảo dự luật Trưng cầu ý dân. GS. TS Nguyễn Đăng Dung cho rằng đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng khi cụ thể hóa quyền con người theo Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, theo ông không phải vấn đề nào cũng đưa ra trưng cầu dân ý và khi thực hiện, chúng ta buộc phải chấp nhận nhũng rủi ro, hạn chế mang tính tất yếu…
CỤ THỂ HOÁ QUYỀN CON NGƯỜI
Hỏi: Lần đầu tiên, Quốc hội đưa ra bàn thảo dự luật Trưng cầu ý dân. Theo ông thì việc này có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời: Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng bởi lần đầu tiên chúng ta đưa ra được một dự thảo luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, mọi quyền lực nhà nước đều xuất phát từ nhân dân như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Dự thảo luật này ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện Hiến pháp. Với việc trưng cầu ý dân, nhân dân được tự quyết những vấn đề quan trọng của đất nước thông qua lá phiếu của mình.
Hỏi: Trưng cầu dân ý khác với lấy ý kiến nhân dân ở chỗ nào, thưa ông?
Trả lời: Cả hai hình thức này đều thể hiện tính dân chủ. Tuy nhiên, trưng cầu dân ý thể hiện tính dân chủ cao nhất, lựa chọn của nhân dân là quyết định tối cao buộc nhà nước phải thực hiện. Còn lấy ý kiến nhân dân chỉ là một kênh để cơ quan nhà nước tham khảo và không nhất thiết phải làm theo.
Hỏi: Khi thực hiện luật này, chúng ta sẽ được gì?
Trả lời Trước hết, cần hiểu trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp. Đây là hình thái căn nguyên nhất của dân chủ, tức là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Từ cách đây chừng 2.500 năm người ta đã áp dụng rồi, nhưng vì có vấn đề khách quan là dân số quá đông, lãnh thổ quá lớn, và qúa nhiều vấn đề phức tạp, không đơn giản như trước đây 2500 năm khiến người dân khó tham gia vào việc quyết định các vấn đề của đất nước. Do vậy, dân chủ trực tiếp đã không được phát triển, chỉ tồn tại trong chưa đầy 100 năm.
Nó được thay thế bằng dân chủ đại diện là cách mà hiện nay chúng ta đã và đang làm, thông qua việc bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, cũng như cùng các cơ quan nhà nước khác, khi họ nhận được uỷ thác của nhân dân thong qua cá cuộc bầu cử. Tuy nhiên sự ủy thác không thể bằng việc trực tiếp làm và việc ủy thác đại diện đôi khi cũng không thể giải quyết được mọi vấn đề. Nhiều khi dân chủ gián tiếp chưa ngã ngũ trước một vấn đề nào đó (tỉ lệ ủng hộ của Quốc hội 50: 50) thì việc trưng cầu dân ý là rất cần thiết.
Hỏi: Hiện, đã có khoảng bao nhiêu quốc gia có luật trưng cầu ý dân và việc áp dụng của họ trên thực tế thế nào?
Trả lời: Tôi không nhớ con số chính xác, hiện nay có khoảng hơn 150 quốc gia ban hành luật này. Tuy nhiên, hình thức trưng cầu cũng không phải lúc nào cũng được áp dụng/ thực hiện trên thế giới. Tỷ lệ quyết định của người dân bằng trưng cầu dân ý so với của các cơ quan nhà nước đương nhiên là rất ít, không đáng kể. Người ta vẫn phải dùng, nó như là biện pháp bổ khuyết cho sự thiếu hụt của chế độ dân chủ đại diện, khi mà mà một vấn đề nào đó mà dân chủ đại diện / cơ quan đại diện cũng không thể quyết định được.
Ví dụ Một cuộc trưng cầu dân ý độc lập được tổ chức tại Scotland vào ngày 18 tháng 9 năm 2014 là một minh chứng. Để người dân quyết định về việc có đồng ý, hay không đồng ý việc Scotland độc lập và ly khai Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Với kết quả đã đếm hết từ tất cả 32 khu vực bầu cử, với tỉ lệ số dân tham gia là 84,59 %, với kết quả là 2.001.926 cử tri (55,30 %) đã bỏ phiếu chống và 1.617.989 cử tri (44,70 %) bỏ phiếu thuận. Scotland vẫn ở trong Liên hiệp Anh và Bắc Ireland
TRÌNH ĐỘ DÂN TRÍ QUYẾT ĐỊNH VIỆC TRƯNG CẦU
Hỏi: Tại sao trưng cầu ý dân vẫn không được áp dụng phổ quát, thưa ông?
Trả lời: Về cơ bản, dân chủ trực tiếp tốt hơn bởi nó mang tính nhân dân trực tiếp quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, trúng với từ “dân chủ” hơn. Tuy nhiên, vì dân bỏ lá phiếu quyết định mà chỉ có hai phương án lựa chọn hoặc có hoặc không nên không thể hiện tính lý trí, sự tranh luận để cho ra nhẽ của vấn đề. Bên cạnh đó, vấn đề cần phải quan tâm là tâm lý đám đông rất phổ biến, cho nên rất có thể xảy ra tình trạng dù vấn đề được đại đa số người dân đồng ý song điều đó không hẳn đã hợp lý, thúc đẩy cho sự phát triển. Vì Không phải bao giờ đa số cũng đúng.
Hỏi: Trình độ dân trí ảnh hưởng như thế nào đến việc trưng cầu ý dân?
Trả lời: Theo tôi, nó có vai trò quyết định. Bởi trong khi tâm lý đám đông rất phổ biến mà trình độ dân trí nói chung còn thấp thì việc trưng cầu dân ý có khi lại gây hại. Trên thực tế, những người lý trí, giỏi giang, anh minh, suy nghĩ có tính chất triết học vẫn nằm ở thiểu số. Đó là hạn chế của trưng cầu ý dân.
Hỏi: Tức là khi tổ chức trưng cầu ý dân đồng nghĩa với việc phải chấp nhận yếu tố rủi ro như quyết định của dân không là động lực cho sự phát triển?
Trả lời: Đúng vậy. Thậm chí nếu làm không cẩn thận, sẽ có chuyện ý dân đi ngược lại với cái mà quy luật khách quan của vận động xã hội. Chẳng hạn như ở Belarus, Theo như hiến pháp cũ thì Tổng thống đương nhiệm Lukasenco không được tham dự vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2006, nhưng vào tháng 10 năm 2004 ông ta đã cho trưng cầu dân ý, để giới hạn này không còn giá trị đối với ông ta. Do đó, phải làm hết sức cẩn thận.
CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VÀ LÃNH THỔ QUỐC GIA KHÔNG THỂ TRƯNG CẦU
Hỏi: Ở nước ta, ngay từ Hiến pháp đầu tiên (1946), tại Điều 21 có quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia” và Điều 32 quy định: “Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý”. Sau này, các Hiến pháp cũng đã quy định việc trưng cầu ý dân nhưng đến nay chúng ta mới đưa ra dự thảo luật. Theo ông thì tại sao lại có sự chậm trễ này?
Trả lời: Có nhiều nguyên nhân để chúng ta chậm trễ trong việc cụ thể hóa trưng cầu ý dân như chiến tranh, đất nước chia cắt… Đặc biệt, chúng ta chưa có luật nào cụ thể hóa việc này. Tại bản Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên chúng ta đưa ra vấn đề quyền con người và đây là thời điểm để tính đến việc đưa ra dự thảo, tiến tới xây dựng luật về trưng cầu dân ý.
Hỏi: Trong dự thảo luật có đưa ra các phương án để Quốc hội lựa chọn vấn đề và đề nghị trưng cầu ý dân. Quan điểm của ông thế nào, đâu sẽ là vấn đề cần phải trưng cầu và liệu có vấn đề không thể trưng cầu không?
Trả lời: Tôi cho rằng, cần quy định cụ thể những vấn đề nào cần trưng cầu ý dân. Ở góc độ của tôi thì việc sửa đổi, thông qua Hiến pháp mới hoặc sáp nhập lãnh thổ các địa phương cần phải tổ chức trưng cầu. Nhưng có những vấn đề tuyệt đối không thể trưng cầu là vấn đề lãnh thổ quốc gia, chủ quyền quốc gia (chẳng hạn tách địa phương nào đó thành một quốc gia mới hoặc sáp nhập vào nước khác). Đó là những vấn đề truyền thống, vấn đề của lịch sử, một sự thật hiển nhiên không thể thay đổi bằng lá phiếu của đa số được.
Ở nước ta, đã có lần nào mà nếu như chúng ta tổ chức trưng cầu ý dân thì tình hình có thể sẽ khác chưa?
Nếu làm trưng cầu ý dân theo cách mà thế giới đang làm và chúng ta đang soạn thảo thì tôi thấy là chưa.
PHẢI HẠN CHẾ SỰ CHUYÊN CHẾ CỦA SỐ ĐÔNG
Hỏi: Khi tổ chức trưng cầu sẽ phân chia ý kiến nhân dân làm hai luồng: Hoặc đồng tình hoặc không và thực hiện theo đa số. Vậy phải làm sao để hài hòa lợi ích giữa thiểu số và đa số khi tổ chức trưng cầu ý dân, thưa ông?
Trả lời: Đây là việc làm rất khó, phức tạp đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Vấn đề quan trọng theo tôi là phải làm sao hạn chế được sự chuyên chế của số đông. Muốn vậy, việc lựa chọn vấn đề trưng cầu phải chuẩn bị hết sức cẩn thận. Trước khi tổ chức trưng cầu, phải giải thích rõ ràng để người dân hiểu vấn đề thông qua những cuộc trao đổi, tranh luận tại quốc hội, trên các diễn đàn… với sự tham gia của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, nhà quản lý. Tiếp đó, trong lá phiếu phải giải thích xem nếu như người dân chọn phương án đồng ý hay không đồng ý thì sẽ được gì và mất gì.
Hỏi: Cá nhân ông có mong Luật Trưng cầu ý dân sớm được thông qua?
Trả lời: Tôi tin nhiều người cũng mong nó sẽ sớm được thông qua. Vì đây là văn bản luật thể hiện được đầy đủ nhất khái niệm dân chủ – quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng khi áp dụng nó không thể vội vàng vì là đòi hỏi sự nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ lưỡng để khi áp dụng, chúng ta sẽ tránh được những rủi ro, hạn chế như tôi đã nêu ở phần trên.
Trân trọng!
Box: Theo dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân bao gồm: Những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng; xây dựng các công trình, dự án kinh tế – kỹ thuật đặc biệt quan trọng.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị trưng cầu ý dân là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
Tôi (GS Nguyễn Đăng Dung) đăng lại bài này để mọi người hiểu tôi như thế nào và ý của ông Huệ thế nào!
Theo Fb Dung Nguyễn Đăng
————