Chuyện cũ

Tác giả: theo FB Tạ Trí

KD: Một câu truyện rất hay, về một góc khuất, một nhân cách lớn của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Chủ nhân nhà hàng trang trí nội thất – xưởng gỗ có tên MEMO ở Hà Nội thời thuộc Pháp – qua lời kể của hoạ sĩ Trịnh Lữ (Trịnh Tuấn) người con thứ 9 trong số 12 người con của hoạ sĩ – Thiền sư Trịnh Hữu Ngọc. Đọc xong thấy quá hay và không thể không xin anh Tuấn đưa về đây cho mọi người cùng đọc. Chuyện cũ. Mà cứ dịp này lại hay nhớ lại (Tạ Trí)

Còn mình đọc và cảm nhận được quá nhiều điều về nhân cách con người, trong đó, đặc biệt là nhân cách lớn của Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Kính nể nhân cách, cốt cách, khí phách của người nghệ sĩ- quá đẹp!

—————–

1945, Cụ Hồ (thôi thì cứ gọi theo lối của Bảo Đại) về Hà Nội, ở nhà bác Trịnh Văn Bô chỗ Hàng Ngang, lúc ấy vừa được nhà MEMO làm xong toàn bộ nội thất. Cụ Hồ ốm, mà vẫn để ý thấy nhà cửa đẹp và mới lạ, mới hỏi chủ nhà xem ai làm.

Bác Nguyễn Hữu Đang lúc ấy đến nhà nói chuyện làm lễ đài, bố mới cho thợ mang gỗ ra giúp dựng cái lễ đài ấy. Rồi sau bác Bô đến nói với bố Ngọc rằng “Ông Cụ muốn mời anh đến gặp – chính thể mới rất cần những người có tài tham gia…” Lúc ấy vừa xong Fontainebleau, bố Ngọc bảo bạn: “Tao nghĩ anh chàng này là gián điệp của Tây lắm, chứ không sao lại thế…” Và không đến gặp Cụ Hồ.

Năm 1953, nhà MEMO vừa ra được mặt hàng thảm tơ theo phong cách Việt Nam. Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí đến nhà đặt vấn đề rằng “Đức ông Hoàng đệ sẽ đầu tư để nhà MEMO cùng mở một xưởng dệt thảm tơ xuất khẩu cạnh tranh với thảm len Hàng Kênh…” Bố mẹ bàn nhau, và có lời thoái thác rằng nhà MEMO chỉ mới thử nghiệm thành công một vài khâu trong việc thảm tơ, chưa dám nhận đầu tư của nhà vua. Và cũng phân bua rằng chỉ dám nghĩ đến việc đưa khung cửi về các gia đình nghèo ở Hà Nội để đàn bà con gái có việc làm, chứ không dám nghĩ đến mở nhà máy lớn xuất khẩu. Mỗi lần nhắc lại, mẹ thường cười bảo “Ai mà đi chung voi với đức ông làm gì…”
Rồi đến năm 1962, bác sỹ Nhữ Thế Bảo – đang là bác sỹ của cụ Hồ, một hôm đến chơi bảo rằng “ông Cụ muốn xin anh một con béc-giê còn non…” Sáng hôm ấy, đang quần đùi may ô chơi ngoài hè phố thì bố mở cửa ra gọi vào bế con Đô đi theo mấy chú đây, chứ không nó nhất định không theo người lạ. Ngồi bế con chó lên cái xe command car chả biết đi đâu. Lúc đỗ xe xuống thì thấy bụi dâm bụt ra hoa rất đẹp, rồi rõ ràng là Bác Hồ từ sau đó bước ra, hỏi mấy chú kia “Thế ông Ngọc đâu?” Rồi lại quay vào ngay. Một chú ra đưa cho một gói kẹo to bằng cả cái mũ bộ đội, bảo là “Bác bảo mang về chia nhau”, rồi lại chở ô tô đưa mình về nhà. Mấy hôm sau bác Bảo đến nhà cứ phàn nàn sao anh không đi mà lại bảo thằng Tuấn nó đi thế… Mỗi lần nhắc lại, bố lại bảo “Ông Cụ xin chó thì mình gửi chó đến, chứ có mời mình đâu mà dẫn xác đến…”

Vậy mà Cụ Hồ là người vẫn cho người đến mua tranh của bố Ngọc để làm quà tặng khách nước ngoài, rồi tạo nhiều hợp đồng như trang trí nội thất chuyên cơ AN24, rồi nhà nghỉ Tuần Châu của “ông Cụ”.

Năm 1988, bố Ngọc có triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất ở Ngô Quyền, mới bày một chân dung “ông Cụ” ở trên, một chân dung thày Nam Sơn và bức tượng chân dung thày Tardieur ở dưới. Mọi người hỏi, thì bố bảo là hai người thày đã dạy mình thành họa sỹ, còn ông Cụ là người công nhận mình là họa sỹ. Đấy là lần đầu tiên một sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương công khai bày tỏ lòng biết ơn hai người thầy ấy của mình.

Người ta biết nhau, có thể cũng chẳng cần phải gặp mặt bao giờ. Những gì là chân thiện và tự trọng cũng vẫn nhận ra nhau, rồi mới có tương kính lẫn nhau được.

Phần tiếp theo của truyện cũ bên nhà dịch giả – hoạ sĩ Trịnh Lữ mang về. Mọi người đọc thêm

CHUYỆN CŨ (kể nốt)

Từ cấp hai cấp ba, bố Ngọc đã thường bảo tôi phụ việc này việc kia với bố. Ví dụ như sang sân bay Gia Lâm đo đạc mặt bằng để làm nội thất mới cho mấy sảnh chờ và phòng khách quốc tế của sân bay – làm mô hình thiết kế bằng gỗ dán… rồi khi công trình đã xong thì mang giấy màu sang vẽ trực họa mấy sảnh mới làm ấy. Hoặc như khi làm lại nội thất cho phòng khánh tiết và văn phòng của bác Trần Duy Hưng ở ủy ban hành chính Hà Nội thì tôi được bố giao cho việc đi cùng với “bác Hưng gái” vào cửa hàng giao tế chọn vải và nhung cho các loại rèm cửa, rồi làm bức phù điêu Cụ Hồ bằng thạch cao gắn trên nền nhung đỏ để treo phía trên bộ sơn khắc “Tiếp quản Thủ Đô” bố làm treo trong phòng khánh tiết. Năm 1965, năm cuối phổ thông (lúc ấy còn là hệ 10 năm), sau khi được bố đồng ý, tôi làm hồ sơ xin thi vào Mỹ thuật Công nghiệp, khoa Trang trí nội thất, nơi bố đã dạy được 3 năm, vì chỉ muốn đi theo nghề của bố, chứ chả thích vào đại học nào khác.

Tháng 8 năm ấy, một ngày rất nóng nực, tôi vẫn nhớ như in, tôi nghe tiếng chuông cửa, ra mở thì là thầy Nguyệt, người vẫn cùng dạy với bố ở trường, bộ môn kỹ thuật mộc. Lúc ấy thầy Nguyệt đã lên làm trưởng phòng tổ chức hoặc giáo vụ của trường. Đưa thầy vào gặp bố rồi thì thầy bảo tôi ra ngoài để thày nói chuyện riêng với bố. Chỉ một lúc sau, đang ngồi ở cửa, thì thấy bố đưa thầy Nguyệt ra, mà một tay bố cứ nắm gáy cổ áo thầy rất lạ. Bố cứ thế đẩy thầy Nguyệt ra ngoài hè phố, rồi nói rất bình thản rằng “Từ ngày mai tao không làm việc với các cậu nữa.”

Hóa ra, thầy Nguyệt đem hồ sơ xin vào trường của tôi đến trả tận nhà, và giải thích rằng “chúng tôi không thể nhận cháu được vì vấn đề lý lịch”.
Mấy hôm sau, em gái tôi, lúc ấy vừa hết sơ cấp trường nhạc (bây giờ là Nhạc viện Hà Nội), bộ môn piano, cũng được thông báo là không được học tiếp lên trung cấp nữa, và cũng vì vấn đề lý lịch.

Từ đó, bố Ngọc không tham gia bất kì một công việc gì với một tập thể nào nữa. Ông chỉ nhận làm những hợp đồng trang trí nội thất với tư cách cá nhân, hoàn toàn độc lập.

Cũng chả được lâu. Bom đạn ra đến Hà Nội. Tháng 10/1967, nhà chúng tôi ở Quán Thánh trúng bom Mỹ. Dân phòng đào bới cả chiều mới thấy bố mẹ và hai em gái tôi vẫn còn sống dưới căn hầm bố tôi đã đào sâu dưới nền nhà. Hầu như tất cả tranh tượng trong nhà đều bị hủy hoại cả.
Sau mấy tháng ở nhờ chỗ này chỗ kia, mẹ tôi mới làm đơn lên UB hành chính thành phố, rồi bác Trần Duy Hưng có giấy để thành phố cấp cho gia đình chúng tôi 250 mét vuông đất ở đầu làng Phủ Tây Hồ, gọi là để đền bù phần nào cho 20 ngàn mét đất của bố mẹ đã bị trưng dụng để lập khu biệt thự cho trung ương ở gần ngay đấy. Mấy bố con nhặt nhạnh gỗ lạt còn dùng được ở nhà đổ Quán Thánh, mượn xe ba gác kéo lên chỗ sân nhà thầy Đới Xuân Ninh bên trong trường Chu Văn An; rồi buộc bịu thành bè, dùng hai thùng ton-nô rỗng làm phao nổi bè, chống sào đẩy sang mảnh đất bên Phủ Tây Hồ, dựng thành túp nhà sau này vẫn được gọi là Lều Vịt Hồ Tây. Bố đã sống một mình ở túp nhà ấy trong 28 năm sau đó. Một giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc đời. Anh chị em chúng tôi đóng góp mỗi người một ít hàng tháng để bố tôi có cơm ăn. Ai cũng nhớ, bố thường bảo :”Căn bản là cứ có nửa cân mỡ và cân muối là được…”

Khi tôi nói không đi học 10+1, bố bảo “con cứ sắm một bộ đồ cắt tóc, tập cho thành thục. Với khả năng vẽ của con, cứ một cái xe đạp, đi đến đâu chả sống được, việc gì phải lụy ai. Học thì cứ tự mình với cuộc đời và sách vở là tốt nhất…”

Mỗi khi tuyệt vọng, tôi lên Lều Vịt ở với bố ít ngày. Bố thường bảo “Không có bom đạn đổ nhà thì mình đã chẳng có được những năm chiêm nghiệm và toàn tâm với vẽ ở giữa hồ thế này… Gió có ngược thì diều mới bay cao…”

Lều Vịt là cả một câu chuyện tôi hy vọng sẽ bình tâm kể lại được cho chính mình và con cháu của mình.

Bức ảnh tôi chụp Lều Vịt trước khi đi xa. Bức vẽ là tôi phục dựng lại theo trí nhớ khôn nguôi của mình về những ngày cùng với anh Chuyên thợ mộc ghép dựng nên nó, rồi tự mình sửa sang từng chi tiết sau này.
Hoa si Trinh Huu Ngoc

Hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc tại “lều vịt” Hồ Tây. (khoảng những năm 1980)Hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc tại “lều vịt” Hồ Tây. (khoảng những năm 1980)

Trinh Huu Ngoc
Lều vịt – Ảnh tác giảLều vịt – Ảnh tác giả

Trinh Huu Ngoc 1
Bản vẽ phục dựng lại theo trí nhớ – Ảnh tác giảBản vẽ phục dựng lại theo trí nhớ – Ảnh tác giả