Đà Nẵng: Đắp hơn 200 ngôi mộ giả trong rừng để lấy tiền đền bù dự án

Tác giả: Hòa An (tổng hợp)

.KD: Thật quái đản. Để vì tiền, không việc gì mà những kẻ tham lam không nghĩ ra được

————————–

Lực lượng chức năng xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng hiện vẫn chưa tìm được ai là người thực hiện đắp hơn 200 ngôi mộ giả tại rừng Trung Sơn sau khi UBND thành phố công bố quy hoạch dự án Khu di tích đồi Trung Sơn tại đây.

Theo thông tin trên Báo Đà Nẵng, sự việc diễn ra trong hơn 10 ngày qua, ngay sau khi UBND thành phố phê duyệt dự án Khu di tích đồi Trung Sơn. Trên những khoảnh đất vừa được tạo ra sau khi tiến hành chặt, phá cây rừng, có hàng chục ngôi mộ giả được đắp một cách sơ sài.

dap hon 200 ngoi mo gia trong rung trung son da nang

Anh Hà Thúc Vũ, làm việc trong bộ phận dân quân thường trực xã Hòa Liên cho biết: “Đây là những ngôi mộ giả, vì nó khác hoàn toàn những ngôi mộ đã được lập cách đây hàng chục năm. Những ngôi mộ này không xây bằng xi măng, bê tông các loại mà chỉ là những đống cát được vun lên một cách sơ sài. Hơn nữa, không thể trong thời gian ngắn mà có đến hàng trăm ngôi mộ được chôn cất bất thường như vậy”.

Quan sát tại hiện trường cho thấy, mỗi khoảng đất rộng khoảng 40-50 m2 có hàng chục ngôi mộ nằm san sát cạnh nhau, bên dưới những lùm cây lớn có nhiều loại rác sinh hoạt, là những thứ do những người phá rừng lập mộ giả để lại.

Những ngôi mộ giả được đắp bằng cát trắng, cao khoảng 40 cm, khoảng rừng quanh các khu mộ đều bị phát, chặt, đốt nham nhở để lấy đất trống đắp mộ. (Nguồn: motthegioi.vn)
 
Theo chính quyền xã Hòa Liên, khi dự án quy hoạch Khu di tích lịch sử đồi Trung Sơn được phê duyệt, có 62 hồ sơ là nhà cửa, vật kiến trúc khác như công trình văn hóa, lăng mộ, đền chùa các loại nằm trong khu vực quy hoạch phải di dời, giải tỏa, trong đó 42 hồ sơ là nhà của các hộ dân.

Ông Nguyễn Thu – Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay, hiện tại, xã đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tiếp cận hiện trường để tìm hiểu sự việc, thống kê số cây rừng bị chặt phá và số lượng mộ giả được lập nên. Những trường hợp phá rừng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Số lượng mồ mả tại rừng Trung Sơn từ trước đến nay đều được địa phương và người dân trong làng nắm rất rõ, vì ở làng Trung Sơn có những quy định rất riêng trong việc bảo vệ rừng cũng như chôn cất người chết tại đây.

Cũng theo ông Thu, nếu có chuyện di dời, giải tỏa thì căn cứ theo số lượng mồ mả đã thống kê từ trước, nếu người dân có lập mộ giả đi chăng nữa thì cũng khó hưởng lợi từ nguồn đền bù, hỗ trợ kinh phí di dời của nhà nước.

Trao đổi về sự việc trên báo Người Đưa Tin, ông Thu cho biết, rừng Trung Sơn tồn tại khoảng 300 năm nay, lưu dấu nhiều chứng tích qua các thời kỳ lịch sử, có nhiều mộ cổ, đình làng, miếu âm linh, bia chiến tích, hầm bí mật… dày đặc trong khu rừng.

Người dân Trung Sơn lưu giữ, bảo tồn cánh rừng đặc biệt này (chủ yếu là cây bụi, nằm trên đồi cát trắng xóa rộng gần 13 ha), người dân của làng còn lập hương ước bằng miệng truyền qua các đời về việc không được chôn cất, cải táng hoặc chặt cây cối trên rừng Trung Sơn.

Vào ngày 1/3 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL-1/500 Khu di tích đồi Trung Sơn, người dân của thôn mong muốn có quy hoạch cụ thể hơn và có khoản tiền đền bù để có khoản kinh phí cho các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng sau này.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã, đã có một số người lợi dụng việc này để lên chặt, phát cây bụi (giang, sơn, trầm bùa…), đốt thực bì (lá cây rụng) và đắp hơn 200 ngôi mộ giả trên đất rừng Trung Sơn với diện tích khoảng 500 m2. Hiện, lực lượng chức năng của xã đang tiến hành xác minh ai là chủ mưu, thực hiện việc đốt thực bì và đắp mộ giả để trục lợi tiền bồi thường từ dự án.

Theo chia sẻ của ông Võ Chí Thanh (trưởng thôn Trung Sơn), thôn có khoảng 198 hộ với 679 người sinh sống. Riêng các hộ được đền bù, giải tỏa ở quanh rừng Trung Sơn hiện tại còn khoảng 64 hộ, trong đó, có khoảng 40 hộ là dân bản địa, còn lại là người dân từ nơi khác tới mua đất sinh sống.

Việc có người bí mật đêm khuya đến đắp mộ giả rồi đốt cây, chặt phá cây rất khó nhận biết vì khu rừng rất rộng, khó phát hiện họ ra vào. Ông Thanh cho biết, người dân chưa đồng thuận với quy hoạch xây dựng khu di tích, khi rừng Trung Sơn gắn với cả 198 hộ dân chứ không chỉ 64 hộ được nhận đền bù.

Theo chia sẻ của người dân Trung Sơn, vì đây là khu vực đồi cát nên việc đắp mộ dễ dàng, đây chỉ là hành động cố tình đòi thêm tiền đền bù, chứ trước nay, rất hiếm có chuyện người dân được xây mộ tại đây.

Chỉ có những dòng tộc lớn từ đời tiền hiền đã xây khu mộ gia tộc ở đây và dưới mép rừng mới được chôn cất người thân, chứ không có chuyện người dân tự tiện lên đây để làm bậy.

————–

Nguồn: Đại kỷ Nguyên