Tác giả: Châu An
.KD: Có lẽ ông Phạm Văn Chi, cựu CTUBND Khánh Hòa là quan chức hiếm hoi dám từ chối một dự án mà vì nó có thể đem lại những nguy cơ tàn phá môi trường. Trong khi hiện nay người ta nghĩ ra đủ thứ dự án, vì có dự án mới có …. hoa hồng.
- Thưa bạn đọc! Ngay sau khi bài viết của báo Đất Việt được đưa lên FB, chủ Blog nhận được bài viết này do bạn bè gửi tới. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, xin đăng lên, để có cái nhìn tổng thể khách quan hơn về một bài báo đã đăng.
ÔNG PHẠM VĂN CHI CÓ ĐÚNG LÀ ANH HÙNG?
Mấy hôm nay lướt mạng xã hội và báo chí lề phải thấy xôn xao về chuyện “Ông Chủ tịch tỉnh từ chối dự án thép tỷ đô”, bỗng cảm thấy xấu hổ cho tính “nhận vơ” của người Việt. Thất bại thì đổ tại yếu tố khách quan, thành công thì vơ vào sự sáng tạo, năng động của bản thân. Những anh hùng rởm, huân chương rởm xuất hiện tràn lan. Tuy nhiên, tuyệt không thấy ai nhận mình là ngu dốt cả.
Lại nói về ông Phạm Văn Chi. Ông đúng là Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 1999-2004. Đầu năm 2004 ông đã nghỉ hưu, nhường ghế lại cho ông Võ Lâm Phi, trong khi dự án thép của Posco liên doanh với Vinashin ở Đầm Môn, Vạn Ninh, Khánh Hòa giữa năm 2007 mới được đề xuất. Tôi nghĩ Posco chẳng ngu ngốc bỏ tiền mời một cán bộ đã nghỉ hưu chẳng có vai trò quyết định gì đối với dự án đi thăm nhà máy của họ.
Thời gian đó nhiều cán bộ đã được Posco mời đến thăm khu liên hợp thép của họ ở Qwangyang, trên bờ biển phía Nam Hàn Quốc. Tôi ngày ấy chỉ là một Trưởng phòng ở Cục Đầu tư nước ngoài cũng được họ mời lên trực thăng đi thăm quan toàn bộ khu vực đó để ngắm các lồng bè nuôi cá trên biển cạnh bến cảng của Nhà máy thép, những khu rừng bao quanh khu liên hợp, sau đó mới đi thăm các dây chuyền sản xuất và kết thúc bằng bữa ăn thịnh soạn ngay tại đó.
Lên trực thăng cùng với tôi còn có Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, Cục phó Cục Hàng hải – ông Thắng, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng – ông Hòa (bây giờ họ cũng đã nghỉ hưu rồi). Dường như Posco muốn khẳng định sẽ xây dựng ở Vân Phong một nhà máy như vậy. Tôi nhớ ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch tỉnh Khánh hòa thời đó đã phát biểu trong một cuộc họp rằng, với công nghệ hiện đại của Posco, hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề môi trường. Tôi cũng nhớ ngày đó người phản ứng mạnh nhất dự án này là Bộ Giao thông vận tải, vì Bộ muốn đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong trên khu đất đó.
Cảng hay thép thì cũng đều gây ô nhiểm cả, tất nhiên thép thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Năm 2010 tôi ghé qua Đầm Môn thấy cảng trung chuyển đã đóng được mấy hàng cọc với quyết tâm làm trước bến số 1 và bến số 2,mấy trăm tỷ đồng đã được rót vào đấy. Sau lại thấy thông báo đầu tư không có hiệu qủa, vì chẳng có hãng tàu lớn nào muốn rời cảng trung chuyển Singapore để đến với Vân Phong nên việc xây dựng cảng phải dừng lại, mấy trăm tỷ đồng đi toi cùng với sự sụp đổ của chủ đầu tư – “Quả đấm thép” Vinashin.
Vây thời gian 2007 ông chủ tịch đã nghỉ hưu Phạm văn Chi làm gì? các bạn chịu khó tra google sẽ thấy, từ khoảng giữa năm 2006 ông đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an triệu tập để làm rõ vấn đề liên quan đến một số dự án có sai phạm về đất đai mà ông nhiệt tình ủng hộ, trong đó có dự án Rusalka (nàng tiên cá), chủ đầu tư là ông Nguyễn Đức Chi bị bắt vì tội lừa đảo.
Báo chí một thời đã từng ca ngợi nhầm nhiều “anh hùng” mà sau đó trở thành tội đồ, sao không rút kinh nghiệm lại nhân sự kiện biển chết ở miền Trung mà lợi dụng những hạn chế và sự ngu dốt của người khác để tôn vinh “anh hùng” Phạm Văn Chi như vậy? Chúng ta đang ở thể chế chính trị nào và ai mới có quyền quyết định những dự án quan trọng, chắc nhiều người hiểu. Sự mơ hồ và hời hợt của nhà báo có thể mang lại sự ngộ nhận cho xã hội, dẫn đến làm đảo lộn các tiêu chuẩn về đạo đức và nhân cách. Mấy lời mạo muội xin được trao đổi cùng các bạn.
Còn dưới đây là bài của Báo Đất Việt:
Với hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu từ vùng biển có nhà máy thép hoạt động, chắc chắn nguyên nhân là do ô nhiễm nguồn nước.
- Đà Nẵng phát hiện cá chết dạt bờ: Hiện tượng bình thường
- Cá chết ở Đà Nẵng: Xét nghiệm đúng quy trình
Vì sao ”bác” mối lợi tỷ đô?
Những lùm xùm về chuyện cấp phép xả thải của Formosa thời gian gần đây khiến dư luận nhắc lại câu chuyện của ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông đã quyết liệt, kiên trì đấu tranh loại dự án nhà máy thép có công suất, vốn đầu tư “khủng” ra khỏi khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cách đây 9 năm với các nguy cơ môi trường.
Giữa năm 2007, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề xuất dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp tại vịnh Vân Phong có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD, được xem là dự án lớn nhất Việt Nam về sản xuất thép thời điểm đó.
Với kinh nghiệm của một kỹ sư chế tạo máy, ông Phạm Văn Chi lặng lẽ đi thu thập nhiều tài liệu để phân tích, chỉ rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ đại dự án trên, để xin không cho thực hiện xây dựng trên địa bàn Khánh Hòa.
Bản thân tôi biết rằng công nghiệp luyện gang thép là ngành công nghiệp có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên quy mô rất lớn.
Tôi không nói vo mà có cơ sở khoa học, phân tích các thông số cụ thể của các phản ứng hóa học trong quá trình sản xuất thép.
Ông Phạm Văn Chi (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) |
Cụ thể, trước hết, chất thải của nhà máy thép vô cùng khủng khiếp, mà không thể đổ đi chỗ khác, có thể lên tới hàng triệu tấn/năm. Bên Hàn Quốc cũng như các nước, họ thiếu đất nên mới phải lấp biển. Chúng ta không thể làm được như vậy, nên không thể xử lý được chất thải.
Thứ hai, nước thải của luyện thép khoảng 100 độ, hàng ngày thải ra hàng trăm m3/ngày đêm, cá ở biển chắc chắn sẽ chết hết, không thể sinh sống được.
Thứ ba, tiêu thụ lượng khí độc vô cùng lớn, người dân sống xung quanh không có ô xy thở, vì thải ra lượng CO2 vô cùng lớn. Bình thường chúng ta đốt than sẽ cần 1 thép, 2 quặng, 1 quặng phải 3 than, cứ 15 triệu tấn thép thì cần 30 triệu tấn quặng, tương đương 100 triệu tấn than.
Thứ tư, tạo ra các loại a xít bốc lên, ngưng tụ, gặp nước thì tạo ra mưa a xít, gây tác động môi trường ghê gớm.
Thứ năm, lượng chất thải của con người hàng ngày phải chuyển đi, chứ không chôn lấp, tiêu hủy được ở địa phương. Cần một lượng xe khủng khiếp, chở phân đi ra ngoài, hàng mấy chục xe ca đi lại hàng ngày cho công nhân đổi ca” – ông Chi kể lại
Vị chủ tịch tỉnh thời đó nhân thức rõ, nếu các nguồn xả thải không xử lý thì phía nhà máy sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí, chi phí rẻ. Vì vậy, rủi ro môi trường nếu chấp thuận những dự án này là rất lớn.
Quản lý có khó?
Theo vị nguyên chủ tịch tỉnh, việc quản lý các nhà máy luyện thép về cơ bản không phải khó, kể cả chất thải lỏng, chất thải rắn hay khí. Vấn đề xảy ra khi và chỉ khi quản lý bị buông lỏng.
Đề cập thẳng tới vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, ông Chi cho rằng, việc tìm nguyên nhân cá chết, chỉ cần lấy ngay mẫu nước nơi cá chết đầu tiên, phân tích mẫu nước, thì chắc chắn sẽ phát hiện ra. Điều này không hề khó khăn.
![]() |
Cá chết dọc biển miền Trung |
”Đặc biệt, khi đã có nghi ngờ nguyên nhân do nguồn nước xả thải từ Formosa thì cần kiểm tra nơi này đầu tiên, lấy mẫu nước kiểm tra thì chắc chắn sẽ ra ngay kết quả. Tôi nghĩ không có gì khó khăn, chỉ là vấn đề có muốn làm hay không?” – ông Chi khẳng định..
Ông Chi nhận định, với riêng các tỉnh miền Trung, cụ thể là Hà Tĩnh, phải làm kiên quyết, triệt để, tìm cho ra đơn vị gây ô nhiễm, đóng cửa sản xuất, yêu cầu công khai chỉ số nước xả thải, nếu không thì đóng cửa.
”Sắt thép đối với Việt Nam không phải quá cần, thậm chí giá của chúng ta còn rẻ hơn đi nhập khẩu, nếu cần thì bán quặng của Hà Tĩnh, chứ không nên đánh đổi thiệt hại của 5-6 tỉnh miền Trung.
Hãy nhìn vào lợi ích bền vững từ môi trường đến sức khỏe nhân dân, đừng đánh đổi với lợi ích kinh tế. Nếu như lãnh đạo địa phương tiếp tục không kiên quyết thì sẽ gây hậu quả” – vị cựu lãnh đạo thẳng thắn.
Kể lại câu chuyện Nhật Bản cách đây 60 năm, theo ông Chi, họ đã gặp trường hợp tương tự như Việt Nam, sau đó, họ đã phải khắc phục bằng cách nạo vét đáy biển nhiều năm nay mà chưa thành. Vì thế, các nhà quản lý hãy tổ chức, kiểm tra, xử lý kịp thời, tránh tình trạng đổ thừa cho thủy triều đỏ, hay cho ông trời, cho thiên nhiên.