Tác giả: theo FB Vinhhuy Le
.KD: Bạn Vinhhuy Le gửi cho Blog KD/KD bài viết này đăng trên FB của bạn ấy, như một ý kiến phản biện bài viết trên các báo Thanh niên, Tuổi trẻ cùng chủ đề. Hàng trăm comment đăng ở dưới với những quan điểm rất khác nhau, bất phân thắng bại. Đọc bài viết này, chính chủ Blog cũng tự hỏi, vậy đâu là sự thật?
.Dẫu sao xin đăng lên Blog bảo đảm tính thông tin đa chiều, và rộng đường dư luận. Bài viết này là ý kiến riêng của tác giả
——————
Đó là title chạy trên các báo Thanh Niên[1], Tuổi Trẻ, Lao Động mấy ngày nay.
“Phóng sự” đó thực chất là gì? Có thật làm “rúng động” Đài Loan không? Nó do nick J.B Trần Đình Vũ up load lên YouTube ngày 21/6/2016, với lời bình: “Phóng sự về thảm họa biển miền trung do đài truyền hình Đài Loan thực hiện. Tôi tự hỏi tại sao báo đài nước người ta lại làm được những phóng sự thực tế như thế này. Còn VTV nước ta thì đem nhau ra đấu tố?”[2]
Tôi định chạy phụ đề Việt ngữ cho “phóng sự” này để đặt những thông tin truyền tải vào đúng ngữ cảnh của nó nhưng không có thời giờ, đã vậy lại dốt IT nên chỉ gõ đôi dòng thưa lại với các báo thôi.
Ngay đầu phóng sự đã lấy tấm ảnh cá chết trắng trên bờ biển tận bên Mỹ để minh họa cá chết ở Việt Nam. “Phóng sự” cho người xem được biết đây là buổi tường thuật trong mục “Đảo của chúng ta” (我們的島 – Our Island) của kênh truyền hình Đài Loan PTS.
“Phóng sự” dài hơn 50 phút này là công trình ráp nối nhiều buổi phát hình trong chuyên mục “Đảo của chúng ta” của PTS Đài Loan, cộng với các cuộc phỏng vấn vài người Việt Nam mà thành.
Phần phỏng vấn cư dân Hà Tĩnh có tiếng Việt nên không cần phải nói thêm, tùy người xem tự đánh giá độ khả tín của các nhân vật phát biểu vậy. Vd: hầu như chỉ là kể lại việc mình chứng kiến một nạn nhân nào đó ăn cá bị nhiễm độc; khi nói về chất nhờn kịch độc bám vào lưới thì lại là cảnh quay ngư dân… giở đống lưới xếp xó nhà mình ra; có ông nọ kể chính mình bị nhiễm độc, bảo ông đánh cá bằng tàu nhỏ, ở GẦN BỜ, vì ở đó RẤT NHIỀU CÁ, và ông đã phải nhập viện 3 ngày vì trúng luồng nước độc[3]. Tức là những hiểm họa đang hiển hiện lẫn tiềm ẩn đều chỉ được chứng minh bằng thuật hùng biện.
Phút 15:50-17:50 là hình ảnh một cuộc biểu tình ở Taiwan chống Formosa, nhưng đó là cuộc biểu tình xảy ra vào ngày 7/11/2007, trong một vụ khủng hoảng khác, của tập đoàn mẹ là Formosa Plastics Group ở Đài Loan. Những tiếng hô đả đảo trong đoạn này không liên quan, nhưng đã được lồng ghép khiến người xem có cảm giác Đài Loan đang “rúng động” vì cá chết ở Việt Nam vào 7 năm sau đó.
Phút thứ 28:38, ở Đài Loan: các đoàn thể biểu tình, và tổ chức họp báo đòi hỏi Formosa công khai nguyên nhân cá chết, có người Việt ở Đài Loan tham gia.
Phút 30:04, ở Đài Loan, ngày 17/6/2016, đại hội cổ đông tập đoàn mẹ Formosa Plastics Group. Người đại diện cơ quan Bảo vệ môi sinh Đài Loan đã đề nghị với chính phủ Việt Nam về việc hợp tác điều tra vụ cá chết nhưng không được chính phủ này đồng ý hợp tác. Lâm Kiện Nam, chủ tịch hội đồng quản trị Formosa Plastics Group xác nhận tập đoàn của ông đã đề nghị chình phủ Việt Nam thành lập đoàn kiểm tra phối hợp, có mời các chuyên gia quốc tế cùng tham gia, kết quả kiểm tra sẽ được thông báo công khai, vì Formosa Plastics Group cũng không muốn phải bị ô danh vì chuyện này.
Đáng chú ý là phút 32:02, có một thanh niên đã phát biểu khẳng khái, theo tường thuật của báo Thanh Niên: “Trước đây khi công ty Mỹ sang Đài Loan đầu tư đã gây ô nhiễm nghiêm trọng tới đất đai Đài Loan, khiến người dân xứ Đài phải chịu nhiều suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Chúng ta đã thấm thía nỗi đau đó, vậy đừng để nỗi đau này chuyển sang với người dân Việt Nam”, một thanh niên Đài Loan tham gia biểu tình thẳng thắn nói. Ở cuối bài báo, Thanh Niên có nhắc đến Trương Dự Duẫn, chủ tịch Hiệp hội Luật gia môi trường Đài Loan. Đó cũng chính là người “thanh niên thẳng thắn” kia, cùng một người, nhưng khi thì được phóng viên bảo là thanh niên vô danh, lúc lại là giám đốc hội luật gia, dụng ý gì vậy?
Từ phút 34:43 đến hết phim (phút 50:20), là một cuộc biểu tình của khoảng 20-30 công dân Đài Loan. Đó là cuộc biểu tình ngày 4/6/2016 ở trụ sở huyện Kỳ Sơn, thành phố Cao Hùng. Họ phản đối việc chính quyền huyện giải tỏa nhà cửa của mình. Họ đã sống ở đấy hơn 60 năm nay, vậy mà bị đuổi đi nhưng không được đền bù. Đại diện chính quyền cho biết các công dân này xây dựng công trình kiến trúc bất hợp pháp trên đất công nên không thể được bồi thường. Vụ mương thoát nước Số 2 ở huyện Kỳ Sơn Cao Hùng thì liên quan gì với cá chết ở Việt Nam, thưa quý báo?
Cuộc biểu tình của “nhân dân” huyện Kỳ Sơn – Cao Hùng cùng nằm trong mục “Đảo của chúng ta”, nhưng chỉ là về… một cái mương thoát nước, nó đã được ráp vào với dụng ý xuyên tạc[4].
_______
[1] http://thanhnien.vn/…/phong-su-tham-hoa-ca-chet-viet-nam-ru…
[2] https://www.youtube.com/watch?v=ET4L-tjEoho
[3] Phút 4:25 đến 9:48.
[4] https://www.youtube.com/watch?v=LntqZXkK76k




