Tác giả: Lê Khắc Hoan
.KD: Văn Trí, trong cuốn Mực mài nước mắt cũng chính là nhà báo Lê Khắc Hoan. Một thời tuổi trẻ, làm báo và viết về Giáo dục, mình và nhà báo Lê Khắc Hoan khá thân thiết. Mình không hề được đào tạo về sư phạm, khi đó quá trẻ, rất ngây thơ, trong sáng, và yêu nghề. Còn anh Lê Khắc Hoan nguyên là nhà giáo am hiểu GD, có tư duy chặt chẽ về các vấn đề. Chính những chuyến đi công tác ở cơ sở đã giúp mình am hiểu, nhận thức và trưởng thành trong cách nhìn về GD của một thời cuộc đầy những biến động, chưa thoát khỏi các nền GD hàn lâm của quá khứ nhưng lại trầy trật trong những đổi mới.
Xin trích một số trang trong cuốn sách, đoạn viết về mình của tác giả. Thời đó, làm báo nghèo và gian truân lắm, nhưng mình yêu nghề quá, và để rồi cuối cùng nghề cũng… yêu mình.
Đó là hạnh phúc của một người cầm bút. Cái hạnh phúc đó không hiểu bây giờ nhiều nhà báo trẻ có không?
————-
Rất nhiều kỷ niệm hàng trăm chuyến đi làm báo giáo dục. Tôi hay đi cùng anh Văn Trí và cô Kim Dung, phóng viên phụ trách mảng bài giáo dục ở báo Nhân Dân. Bộ ba chúng tôi tổ chức nhiều chuyến đi lên rừng xuống biển, như thủy điện Thác Bà Yên Bái, xã Cẩm Bình Hà Tĩnh. Nhiều kỷ niệm nhất là các chuyến về Nghệ An quê tôi, thăm trường phổ thông cơ sở Nghĩa Đồng huyện Tân Kỳ. Hôm ở tỉnh, hội nghị chiêu đãi cà phê ngon nhưng đậm quá, cô Kim Dung quen uống cà phê mà còn say lử đử, nữa là anh Văn Trí và tôi bị say nằm lả hàng giờ! Lên Nghĩa Đồng thì đi xe khách hàng trăm cây số đường núi xóc nẩy tưng tưng. Tới phòng giáo dục Tân Kỳ, lại phải ngồi nhờ xe máy vào Nghĩa Đồng. Hôm trở về mới khổ chứ, không kiếm ra xe máy, ba anh em phải nhờ xe công nông chở ra bến ô tô Tân Kỳ! Đi lại vất vả nhưng sống với Nghĩa Đồng núi rừng heo hút lại rất vui.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Phùng và đội ngũ giáo viên trẻ đã vận động, dìu dắt học trò Nghĩa Đồng vươn lên học giỏi làm chăm, xây dựng nhà trường thành đơn vị tiên tiến xuất sắc, là cờ đầu giáo dục miền núi Nghệ An. Một loạt bài báo tôi viết về Nghĩa Đồng được đăng báo ngành giáo dục và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam làm tôi vui và tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình. Nói chung, thầy trò các trường tôi đã đến đều có tình cảm chân thành với nhà báo, cứ có dịp về Hà Nội là tới cơ quan hoặc nhà riêng chúng tôi thăm hỏi chuyện trò như người thân. Đó là phần thưởng rất quý với nhà báo… “
2
Anh Hoàng Minh Nghiệm nhắc nhiều tới “bộ ba” Nghiệm, Trí và Dung. Đó thật sự là một nhóm nhà báo quyến bện cùng nhau làm ra hàng loạt bài viết có chất lượng tốt về ngành giáo dục. Kim Dung và “ông xã” Thế Long (cùng là phóng viên báo Nhân Dân) từng viết hàng chục bài báo đặc sắc cho các số đặc san của ngành giáo dục do “bộ ba” Hoàng Minh Nghiệm, Quốc Anh và Văn Trí phụ trách tổ chức xuất bản.
Cô Kim Dung trẻ hơn Hoàng Minh Nghiệm mươi tuổi, còn với Văn Trí thì khoảng cách tới 15 năm. Nghĩa là tuổi Trí gấp rưỡi tuổi Dung. Chênh lệch tuổi tác thế, mà rất nhiều lần ba người hào hứng rủ nhau đi công tác. Bởi giống nhau ở tinh thần xông xáo bám trụ cơ sở trường học và cùng yêu văn nghệ, dễ dàng hòa đồng với các nhà giáo tươi trẻ yêu nghề yêu người. Về các địa phương, cán bộ cơ sở thường “kính thưa cô Kim Dung” trước, rồi sau đó mới “thưa anh Văn Trí, thưa anh Minh Nghiệm”. Bởi Kim Dung là phóng viên báo Nhân Dân, trên cao ba bốn bậc so với báo ngành giáo dục. Thế nhưng Kim Dung- tính nàng vốn rất khiêm nhường, có lần nàng nói “Em không phải dân sư phạm, không được đào tạo gì về ngành này, nên muốn đi theo học các anh, nhà báo giáo dục lâu năm nhiều kinh nghiệm. Em muốn viết bài thật am hiểu lĩnh vực này, sao cho sâu sắc, thật hay…” Nói rồi, nàng cười khanh khách.
Ôi trời, Kim Dung mà cất tiếng cười thì thôi rồi… Bao nhiêu người bạn thân đã phải “ngả mũ thán phục và say đắm” tiếng cười Kim Dung (trong số đó hẳn nhiên có “bộ ba” Hoàng Minh Nghiệm, Đỗ Quốc Anh, và Văn Trí!). Bởi nó giòn tan, trong sáng và vô tư lự làm sao. Hệt như chưa bao giờ cuộc đời nàng có những nỗi đau đời như nàng từng chia sẻ, trò chuyện, thậm chí có những lần Kim Dung ngân ngấn nước mắt khi kể về những đắng đót của môi trường làm việc, mà nơi đó, nàng đã chọn “con đường độc đạo- không vào Đảng- để đi”, môi trường mà muốn tiến thân, thì điều đầu tiên phải là đảng viên. Nhưng Kim Dung cười giòn tan- lại cười- và bảo: Em chưa bao giờ ân hận, anh Văn Trí ạ!
Và cũng trong sáng, vô tư như những lần nào đó, Văn Trí điện thoại mời cả Hoàng Minh Nghiệm và Kim Dung đến ăn cơm tại gia. Nói là mời cho nó …. sang trọng thế, chứ bữa cơm của nhà báo Văn Trí thời bao cấp thì nó giản dị, xuề xòa lắm. Có mỗi món lạc rang và rau muống luộc. Sang hơn, có lần ăn cơm xong còn có món chè đỗ đen nóng hổi, Văn Trí nấu, coi như món “đét xe”. Nhà không có tủ lạnh nên lấy đâu ra đá. Trời thì nóng, trên trần nhà chiếc quạt trần quay tít. Vậy mà bộ ba cứ xì xụp húp húp, đầy vẻ thú vị. Mồ hôi vã ra như tắm…
Có lẽ nghe thấy tiếng “người đẹp” Kim Dung đến, mà bác Hoàng Trọng Hanh, rồi anh Nguyễn Ngọc Trụ, anh Trần Đức Tam cùng ngó vào…. Và thế là câu chuyện của bộ ba bỗng thành câu chuyện bộ sáu, bộ bẩy rôm rả, ồn ào, vui không thể tả được.
Những cực nhọc thời bao cấp với Văn Trí và với cả những người bạn thân thiết- Hoàng Minh Nghiệm, Kim Dung bỗng trở nên thi vị, khó quên, bởi nó sáng trong và tràn đầy lòng yêu nghề yêu đời
Một người bạn thân thiết của Kim Dung, có lẽ là người hiểu nàng nhất, và từng gắn bó với nàng nhất trong cuộc hành trình của kiếp người, nhiều khổ đau nhưng không ít hạnh phúc, ngọt lành, có bút danh là Hà Thành đã sáng tác một bài thơ rất ấn tượng, riêng tặng “chuỗi cười xiêu đình đổ quán” ấy. Bài thơ có tên “Chuỗi ngọc” : “…Nguời ta kiềng vàng chuỗi ngọc / Quanh cổ trắng ngần / Em tôi chỉ có chuỗi cười / Nở tự đôi môi / giòn tan xa gần / Trong vắt / Như tình em vô cùng / Như tình anh ăm ắp / Tháng năm / Rất quen mà rất lạ / Ngàn vạn dặm xa / Rót vào tai ta / Bỗng nhiên sững lặng / Vườn xuân sau mùa giông bão / Nở bung dưới nắng hanh hao / Nụ hồng qua đêm giá lạnh / Rạng ngời sắc thắm năm nào / Cuộc đời bão giông thử thách / Cô đơn bẽ bàng cay đắng / Trái tim đau vẫn nở hoa / Kỳ ngộ bỗng thành hiện thực /Chuỗi cười chuỗi ngọc thanh thanh / Em là nguời ngọc đời anh / Quý hơn vàng son trần thế / Chuyện tình “hàng nghìn đêm lẻ” / Chuỗi cười chuỗi ngọc long lanh / không phai không rạn /nguyên lành…”
Không chỉ Kim Dung và Văn Trí chơi thân với nhau mà cả gia đình đôi bên cũng chia sẻ mối đồng cảm nghề báo thân thiết ấy. Trên bãi biển Tuần Châu Thái Bình, trưởng nam của Dung là Thế Văn và út nam của Trí là Lê Khắc Cường từng theo cha mẹ chơi đùa thỏa thích. Kim Dung vô Sài Gòn có dùng cơm rau với vợ chồng Văn Trí. “Ông xã” Thế Long của Kim Dung, có lần ghé cơ quan của Văn Trí, hai anh em hàn huyên suốt buổi.
Rồi bất ngờ, nghe tin Kim Dung làm việc ở báo điện tử VietNamNet. Bất ngờ hơn cả, nàng trở thành một cây bút có thương hiệu, có bản sắc riêng, được bạn đọc rất ngưỡng mộ, như trong lời giới thiệu của VietNamNet nhân dịp tờ báo này kỷ niệm 15 năm thành lập. Xin trích lời của tòa soạn: Nhà báo Kim Dung (bút danh Kỳ Duyên) được coi là một trong những cây bút linh hồn của Tuần Việt Nam – một chuyên trang lớn của VietNamNet. Khởi đầu từ chuyên mục “Thư Hà Nội”, đến “Phát ngôn và Hành động ấn tượng”, rồi Phát ngôn Tuần Việt Nam, nhiều bài viết của chị gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả bởi tư duy sắc sảo, trực diện, đa cảm, với vốn sống, sự từng trải sâu sắc và đầy nhân văn thể hiện trong những vấn đề mà chị tiếp cận. (trích trong Bài Socola cho người cầm bút, ngày 10/10/2012)
Rồi Kim Dung lại mở blog Kim Dung/ Kỳ Duyên với slogan độc đáo, rất Kim Dung: “Yêu cần tri kỷ/ Viết cần tri âm”, hệt tính cách và con người nàng, chân thành, tinh tế, nữ tính; với những lời bình trên mỗi bài viết của bạn đọc rất trí tuệ, sắc sảo, hấp dẫn, khi hài hước, đùa đùa, khi xót xa, bất bình trước những điều bất công và bất cập của XH. Blog Kim Dung/ Kỳ Duyên cũng trở nên nổi tiếng, hấp dẫn cộng đồng mạng với nhiều triệu lượt truy cập – mà Văn Trí … “nghiện rồi”, ngày nào cũng phải “nhảy vô” đôi lần!
Tháng 02 năm 2014, trên website rất riêng biệt của mình, Kỳ Duyên ôn lại tình bạn ấm áp và trong sáng một thời giữa Kim Dung và Văn Trí:
“….Thật bất ngờ. Đang nằm dưỡng bệnh ở nhà, thì nhận được cú điện thoại của nhà văn Hoàng Minh Tường mời đến trụ sở Hội nhà văn Việt Nam tham dự Hội thảo ra mắt cuốn sách “Trăm Năm Ly Hợp” của nhà báo Văn Trí, nguyên Phó tổng biên tập báo Giáo dục – Thời đại, và cũng là một người bạn đồng nghiệp thân thiết một thời của mình. Rồi Hoàng Minh Tường chuyển máy cho Văn Trí, ba anh em “tám chuyện”, cười ầm ĩ…
Chợt nhớ tới những kỷ niệm một thời làm báo trẻ trung, sôi nổi, đầy sức sống.
Khi đó, Văn Trí là cây bút sáng giá của báo chí giáo dục, rất am hiểu ngành mình phục vụ. Còn mình là cô phóng viên trẻ của báo Nhân Dân, mới bước vào nghề, viết về mảng giáo dục, không hề được đào tạo qua một trường lớp nào về sư phạm, hay giáo dục. Máu nghề nghiệp ham học hỏi, mình có ý thức “bám” Văn Trí để “học nghề”, để hiểu và có cái nhìn về giáo dục trong thực tiễn. Dạo đó, những chuyến đi công tác luôn là niềm hứng khởi của mình.
Nói có trời có đất, đời sống lúc đó cực khổ vô cùng, vậy mà mình yêu nghề viết đến nỗi, có khi ngay trên chiếc xe com- măng- ca nhảy sóc khủng khiếp, hay trên chiếc xe khách đường dài chen chúc, bụi bặm, hơi người ngột ngạt, thậm chí có khi đi nhờ cả xe… công nông, là mình đã nghĩ đến “đề cương”, ý tứ bài viết. Và chưa bao giờ mình có ý nghĩ viết để kiếm tiền. Chưa bao giờ.
Cho đến tận giờ, lương tâm nghề nghiệp- với mình luôn trong sáng và hồn nhiên như vậy đó.
Nghề báo rất tự do. Dạo đó, lại còn quá trẻ, chưa đến 30 tuổi, thân gái dặm trường, rất nhiều chuyến công tác xa, làm sao học việc được, mà vẫn gìn giữ “bảo toàn năng lượng”, để bền lâu với nghề? Cái bản năng tự vệ, láu lỉnh, ranh mãnh của đứa con gái trẻ có bản lĩnh một cách tự nhiên, mách bảo mình. Và mình, thú thực, đã sống như “một thằng con trai” xông xáo, sánh vai bên đồng nghiệp, ông anh Văn Trí. Dĩ nhiên, đi công tác, bọn mình bao giờ cũng có ba người trở lên.
Và xoay quanh câu chuyện đường dài, là chuyện thời cuộc, chuyện giáo dục. Nỗi đau đời trong tâm trí một đứa con gái trẻ ở mình rất sớm, khi nhìn ra cái cơ chế bao cấp với những giá trị đen trắng đảo lộn, nhìn thấy sự dối trá, vô cảm kinh khủng ở môi trường làm việc. Không ai biết, đằng sau vẻ hồn nhiên của một đứa con gái trẻ, nỗi đau đời lại nặng đến thế, nhức nhối đến thế.
Nó nặng đến mức, mình gần như không có tuổi xuân!
Nhưng cũng có bao nhiêu kỷ niệm nghề nghiệp đẹp đẽ của mình với nhà báo Văn Trí. Những đêm sáng trăng ở giữa núi đồi Nghĩa Đồng (Tân Kỳ- Nghệ An), bọn mình đàn hát với các thầy giáo, cô giáo suốt đêm. Những chuyến công tác, làm việc, liên hoan, bịn rịn với các thầy giáo, cô giáo Cẩm Bình (Cẩm Xuyên- Hà Tĩnh), mình nghẹn ngào khi chia tay vì thương họ sống cực quá, dù mình khi đó, sống cũng cực đâu kém. Nhưng dẫu sao vẫn là ở Thủ đô.
Nhất là có lần đi cùng với đoàn báo Giáo dục – Thời đại về Tuần Châu (Thái Bình). Vốn là đứa lãng mạn, mình đã theo Văn Trí ra bờ biển để xem… bão biển, mà không biết rằng, lúc đó, Tuần Châu đang ở trong tâm bão. Lần đầu tiên mình chứng kiến bão biển khủng khiếp ra sao. Hai anh em tưởng chết đến nơi, khi gió bão cuốn đi, ngã lăn lông lốc trên bãi cát, gắng bò dậy, để tránh nguy cơ bị cuốn xuống biển. Vậy mà may mắn thế nào, cuối cùng bọn mình chạy lạc vào căn nhà nhỏ của một gia đình thuyền chài. Hi…hi… Đó là kỷ niệm và nỗi sợ nhớ đời.
Có một kỷ niệm đẹp và buồn cười nữa giờ mới nhớ ra. Mình và cả báo Giáo dục – Thời đại đi nghỉ mát ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Mình không biết bơi, nhát nước. thấy vậy, Văn Trí liền bảo chui vào phao, để ổng kéo đi cho đỡ sợ. Mình nhẹ dạ nghe lời. Chui vào phao rồi, “nàng” thấy trời biển đẹp quá, nên cứ thao thao nói chuyện về thời cuộc. Còn Văn Trí cứ kéo mình đi. Mải chuyện, hai “anh chị” bị làn nước kéo đi xa cách bờ tới 3 km, mà chả biết gì, làm cả đoàn nhà báo hết hồn. Khi chẳng thấy bờ bãi đâu, mình mới hoảng, còn Trí vừa phải bơi vào bờ, vừa kéo phao trong đó có mình bám chặt.
Về được đến bãi tắm, Tổng biên tập Trường Giang mới càu nhàu Văn Trí: Ông kéo con nhà người ta đi xa biển thế, nhỡ chết thì sao? Trí cười rất hóm, đúng tính cách của ổng: Chết đuối ngoài biển còn hơn chết trong vũng trâu đằm! Mình chả biết gì cả, cứ cười khanh khách và hồn nhiên kể lại cho mọi người lúc mình ngỡ ngàng nhận ra, mình đang ở rất xa, tít ngoài biển.. .
Thế nên, thời trẻ, mình cũng “được mang tiếng” lắm “bồ”. Và Văn Trí là một trong số đó!
Khi nghe đồn, mình và Văn Trí đều cười hi…hi… Văn Trí còn cười to rất khoái chí. Ghét quá cơ!
Khổ cho một đứa con gái trẻ là mình. Được nhiều người khác giới quý mến,, thì đi kèm đó cũng là sự ganh ghét, đố kỵ, dựng chuyện của người cùng giới… Nhưng mình hoàn toàn dửng dưng với dư luận. Vì mình quá tự tin ở sự trong sáng của mình. Thú thực, đã không hề đếm xỉa đến thói đời.
Bởi nỗi đau trong lòng mình – thời cuộc – khi đó nó choán ngợp hết cả tâm trí đứa con gái mới 25-26 tuổi…
Nhưng Văn Trí là một người bạn đồng nghiệp được mình nể trọng, và ông rất tôn trọng mình. Những lúc buồn quá, thỉnh thoảng đến nhà ông (ở ngay trong tòa soạn 14 Lê Trực) ăn cơm “khách” – chỉ có món lạc rang, và sang trọng hơn, có khi có món chè đỗ đen, nỏng bỏng lưỡi, xì xụp húp. Thấy mình đến, nhà báo Hoàng Trọng Hanh (khi đó là Tổng biên tập), rồi nhà báo Nguyễn Ngọc Chụ, (Tổng biên tập báo sau này), nhà báo Hoàng Minh Nghiệm – người luôn đồng hành cùng Văn Trí và mình, vào chung vui, trò chuyện. Mấy anh em nói đủ thứ chuyện thời cuộc, chuyện đời, chuyện viết lách. Đó là những năm tháng làm báo khổ cực, nhưng trong sáng vô cùng, đẹp vô cùng…
Vậy mà đã 30 năm. Giờ, Văn Trí lại tiếp tục ra cuốn sách – mà mình nghĩ, chắc chắn nó là tâm huyết cả đời ông. Văn Trí vốn là người thông minh, và đầy ý chí, bản lĩnh trong nghề và trong cuộc sống.
Anh em mình nói chuyện qua điện thoại rất vui. Vui nhất, ông bảo: “Mình vẫn là một fan hâm mộ Kỳ Duyên đó! Kỳ Duyên giỏi lắm”. Mình thì bảo: “Còn anh vẫn tiếp tục ra sách, lại là cuốn sách khá đồ sộ về dòng họ. Anh cũng rất giỏi đó. Chúc mừng anh”. Hai anh em mình đang sống những giây phút “mình phục mình quá cơ”- anh hát, em khen hay, và ngược lại….
Em xin được chúc mừng anh đã thực hiện được tâm nguyện của chính đời mình, anh Văn Trí ạ. Chúc anh và cả đại gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc…”
Bạn phải đăng nhập để bình luận.