.KD: Nên kéo ông này xuống đất, và tặng ông ý thuốc dưỡng não 😀
——————
Xin đăng nhận xét của TS Tô Văn Trường về vấn đề này để bạn đọc theo dõi:
Thực sự, tôi cũng không hiểu trình độ của các vị quản lý nhà nước nhà ta, sao lại dễ tin người đến thế! Nói có sách, mách có chứng. Tôi nhớ lại, trước đây nhà nước đã cho thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ tiêu đề “Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo tại Việt Nam” do PGS Vũ Thanh Ca thuộc Bộ TNMT làm chủ nhiệm. .Theo các nguồn tài liệu khoa học thí nghiệm đầu tiên về tác động lên mây đã được thực hiện vào cuối những năm 1940 của Thế kỷ XX. Vào những năm 50 của thế kỷ này, nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và Liên Xô, sau đó là Nga đã tập trung nghiên cứu về vấn đề này. Khi đó, người ta đã nghĩ tới 1 ngày nào đó có thể bấm 1 nút vào buổi sáng để quyết định ngày hôm đó mưa hay nắng và con người có thể điều khiển được thiên nhiên.
.
Theo PGS Vũ Thanh Ca tường trình vào thời điểm năm 2005, Nga đang cực kỳ tự tin về những nghiên cứu của mình về mưa nhân tạo. Ngoài Nga, một số nhóm khoa học tại Mỹ và Israel cũng công bố những phương pháp và công nghệ mới để tác động lên mây làm mưa nhân tạo. Cạnh ta thì có Trung Quốc, Thái Lan cũng đầu tư rất lớn cho những nghiên cứu và trên thực tế đã triển khai nhiều dự án làm mưa nhân tạo để chống hạn, làm sạch không khí và nhiều mục đích khác. Các nước Nga, Trung Quốc và Thái Lan đều tuyên bố họ đã nghiên cứu và triển khai thành công các dự án gây mưa nhân tạo. Đặc biệt, theo số liệu của các nhà khoa học Nga và Trung Quốc, giá thành nước làm từ mưa nhân tạo rất rẻ.
.
Mặc dù có nguồn kinh phí không lớn vì đây chỉ là một đề tài cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc liên hệ, sắp xếp chương trình hợp tác với các nước, đề tài của PGS Vũ Thanh Ca đã mời được nhiều chuyên gia nổi tiếng nhất thế giới về tác động lên mây và làm mưa nhân tạo từ Mỹ, Nga sang Việt Nam phối hợp nghiên cứu, tổ chức hội thảo về làm mưa nhân tạo ở Việt Nam.
.
Nhóm nghiên cứu cũng đi Nga, Thái Lan và Trung Quốc để học tập kinh nghiệm làm mưa nhân tạo. Ủy ban nhà nước Nga về Khí tượng Thủy văn và Cục Khí tượng Trung Quốc đã bố trí cho đoàn tới các viện nghiên cứu, các cơ sở quan trắc khí tượng và các cơ sở làm mưa nhân tạo hiện trường, tổ chức một số buổi giảng lý thuyết, các cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về các quá trình vi vật lý mây, các công nghệ cụ thể để tác động lên mây… Cần chú ý rằng không chỉ Trung Quốc, Nga và Thái Lan, hai nhóm nhà khoa học Mỹ hợp tác với nhóm nghiên cứu cũng tuyên bố là công nghệ của họ rất hiệu quả trong việc làm mưa nhân tạo và họ sẵn sang chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
.
Một nhóm các nhà khoa học Israel cũng đã chuyển giao miễn phí cho nhóm nghiên cứu một mô hình số trị mã nguồn mở về mô phỏng rất chi tiết các quá trình vi vật lý mây và tác động lên mây để làm mưa nhân tạo. Mô hình có thể được sử dụng để thực hiện các thực nghiệm số trị, tìm phương án tốt nhất để làm mưa nhân tạo. Các nhà khoa học Mỹ ngoài việc tự túc kinh phí để sang Việt Nam hỗ trợ nhóm nghiên cứu làm mưa nhân tạo cũng đã chuyển giao miễn phí cho phía Việt Nam một mô hình số trị dự báo thời tiết với thời hạn cực ngắn (2 đến 3 giờ) với độ chính xác cao sử dụng các số liệu của ra đa số hóa để phục vụ nghiên cứu và tác nghiệp làm mưa nhân tạo cũng như để cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
.
Tuy nhiên, vì đầu tư làm mưa nhân tạo cần một lượng kinh phí rất lớn nên thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, là cần phải đánh giá các công nghệ của các nước một cách khoa học và báo cáo với Lãnh đạo Bộ một cách trung thực, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào các nghiên cứu đánh giá hiệu quả thực sự của các dự án làm mưa nhân tạo trên thế giới. Nhóm nghiên cứu của VN đã rà soát tất cả các kết quả đánh giá, chủ yếu của các nhà khoa học Mỹ về các dự án làm mưa nhân tạo. Theo đó, việc làm mưa nhân tạo chỉ được coi là thành công nếu thỏa mãn ba điều kiện: (1) giải thích được cơ chế vật lý của việc tăng lượng mưa do tác động làm mưa nhân tạo; (2) Các kết quả phải đảm bảo độ tin cậy thống kê; (3) Kết quả làm mưa nhân tạo phải được lặp lại với các điều kiện mây và tác động tương tự như nhau, hay nói cách khác, công nghệ được nghiên cứu và phát triển tại vùng này phải áp dụng được một cách hiệu quả tại các vùng khác.
.
Nhóm nghiên cứu VN đã phối hợp với một số nhà khoa học Mỹ để làm rõ và đánh giá các kết quả nghiên cứu và thực nghiệm làm mưa nhân tạo trước đó. Kết quả cho thấy hầu như các nghiên cứu trên thế giới đều giải thích rõ được cơ chế tác động để biến mây thành mưa, nhưng không giải thích rõ được cơ chế tăng lượng mưa tới mức thương mại được khi tác động. Thực ra, khi đó các nhà khoa học Thái Lan đã xây dựng và áp dụng một công nghệ có thể tạo mây trong điều kiện trời không mây và tác động tiếp để đám mây phát triển và gây mưa.
.
Tại một cuộc họp ở Thái Lan, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu chung với các nhà khoa học Mỹ, phía VN đã chỉ ra rằng các trận mưa có lượng mưa đủ để cải thiện đáng kể tình trạng hạn hán phải có nguồn cung cấp lượng ẩm từ các quá trình hoàn lưu quy mô lớn. Tác động làm mưa nhân tạo tại một quy mô rất nhỏ không thể huy động đủ lượng ẩm để tạo ra một trận mưa để làm thay đổi đáng kể tình trạng khô hạn. Hay nói một cách khác, có thể tạo mưa từ tác động, nhưng lượng mưa tạo được không hiệu quả về mặt kinh tế. Ông Giám đốc Văn phòng làm mưa nhân tạo Hoàng gia của Thái Lan đã không trả lời được câu hỏi này của phía VN. Trong thực tế, phân tích các kết quả làm mưa nhân tạo tại Thái Lan là không khả thi về kinh tế .
.
Vì không có số liệu tại Trung Quốc, các nhà khoa học Mỹ đã đánh giá hiệu quả làm mưa nhân tạo tại các thí nghiệm, dự án đã được thực hiện tại Mỹ, Nga, Thái Lan và Cu Ba (do Liên Xô thực hiện). Các kết quả phân tích một cách rất khoa học cho thấy không có đủ độ tin cậy thống kê để khẳng định rằng các tác động làm mưa nhân tạo làm tăng lượng mưa. Hơn nữa, cùng một công nghệ nhưng áp dụng tại các khu vực khác nhau cho các kết quả khác nhau.
.
Xin lưu ý, nhóm chuyên gia VN của PGS Ca hợp tác với 3 nhóm các nhà khoa học Mỹ. Hai nhóm đầu đề xuất công nghệ và sẵn sàng chuyển giao để làm mưa nhân tạo ở Việt Nam. Nhóm thứ 3 lại nêu ra những nghi ngờ về kết quả làm mưa nhân tạo và khuyến nghị chưa nên làm mưa nhân tạo vì không có đủ cơ sở khoa học. Khi phía VN sử dụng các kết quả nghiên cứu, đánh giá hiệu quả làm mưa nhân tạo của nhóm thứ 3 để trao đổi với các nhà khoa học Mỹ thuộc hai nhóm đầu, các nhà khoa học Thái Lan và Trung Quốc, tất cả đều không phản bác các kết quả này. Tuy vậy, một số nhà khoa học Nga nói rằng họ đã và đang có những nghiên cứu và có đủ cơ sở khoa học để bác bỏ những kết luận về hiệu quả làm mưa nhân tạo của nhóm các nhà khoa học Mỹ và khẳng định công nghệ của Nga là hiệu quả. Họ hứa sẽ chuyển giao các kết quả này cho VN. Sau đó, phía VN đã nhiều lần liên hệ đề nghị họ cung cấp các kết quả nhưng không được phản hồi (im lặng là vàng)!. Qua theo dõi các tạp chí khoa học quốc tế từ đó đến nay nhưng cũng không thấy các nhà khoa học Nga phản bác lại ý kiến của các nhà khoa học Mỹ.
.
PGS Vũ Thanh Ca đã báo cáo kết quả nghiên cứu với Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận thấy rằng hiện tại trình độ khoa học, công nghệ của ta còn hạn chế, phương tiện, thiết bị còn lạc hậu, phải đầu tư một lượng kinh phí rất lớn nhưng chưa khẳng định được hiệu quả. Vì vậy, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo chưa triển khai thực hiện ngay dự án làm mưa nhân tạo mà tiếp tục nghiên cứu cho tới khi khẳng định được hiệu quả kinh tế của việc làm mưa nhân tạo.
.
Từ năm 2006, năm kết thúc đề tài đến nay, nhóm nghiên cứu VN vẫn tiếp tục theo dõi các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới về tác động nhân tạo để biến đổi thời tiết và khẳng định rằng các nghiên cứu mới cũng chưa cung cấp được kết quả nào khác hơn với những nhận định trước đây. Vì vậy, đầu tư nghiên cứu làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí vì chắc chắn là không có hiệu quả. Hay nói cách khác việc Xin ứng “khẩn” 5000 tỷ đồng cho dự án “Lên trời gọi mưa”! rất viển vông “tiền mất tật mang” không thể bắc thang lên đòi tiền ông trời!
—————
Bên cạnh việc đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ để bàn riêng về dự án “Lên trời gọi mưa” thì “cha đẻ” của dự án có tên gọi khác lạ này cũng xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10 tới.

“Lên trời gọi mưa”, đây là tên dự án đang được một doanh nghiệp là Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh đề xuất lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ ngành liên quan nhằm mục đích chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino.
Được biết, về đề xuất trên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị 7 bộ cùng tham gia. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn chỉ đạo Công ty An Sinh Xanh liên hệ với 7 bộ để triển khai theo 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.