Chính khách và chính trị

Tác giả: Tô Văn Trường

KD: Theo chúng tôi hiểu phần lớn người mà ở các quốc gia dân chủ khác gọi là chính khách thì ở ta họ là nhà chính trị. Chính khách là một nghề nên rất  chuyên nghiệp có thể do yêu thích mà đi vào nghề và cũng có thể do gia đình, dòng họ khuyến khích, đào tạo và do đó họ rất giữ danh giá, gắn bó với cộng đồng  là đối tượng mà họ kiếm phiếu bầu (TVT).

.Ts Tô Văn Trường gửi cho bạn bè bài viết cũ này bàn về chính trị, chính khách và nghị trường. Nhưng nội dung đề cập vẫn còn rất nhiều điều mang tính thời sự. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ

——————–

Trong các kỳ họp của Quốc hội Việt Nam, người dân thường quan tâm theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.  “Điều trần” là thuật ngữ liên quan đến việc hỏi và trả lời trong hoạt động của Quốc hội. Chính khách của bất cứ quốc gia nào cũng phải biết diễn thuyết nghĩa là hùng biện, có ngữ điệu, diễn giải có logic, nói đúng, rõ ràng bản chất sự việc, nguyên nhân các vấn đề và các giải pháp khắc phục.  

dbqh

Theo chúng tôi hiểu phần lớn người mà ở các quốc gia dân chủ khác gọi là chính khách thì ở ta họ là nhà chính trị. Chính khách là một nghề nên rất  chuyên nghiệp có thể do yêu thích mà đi vào nghề và cũng có thể do gia đình, dòng họ khuyến khích, đào tạo và do đó họ rất giữ danh giá, gắn bó với cộng đồng  là đối tượng mà họ kiếm phiếu bầu.

Ở nước ta, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm chưa đầy 1/3 tổng số đại biểu, phương tiện hỗ trợ còn hạn chế, đại biểu kiêm nhiệm nhiều vai, thậm chí “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên nhìn chung chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của dân biểu. Đối với những người làm công tác quản lý, tổ chức muốn thành công phải hội tụ cả ba khả năng: làm tốt, viết tốt, và nói tốt. Ở đây chỉ bàn đến khả năng “nói”, đương nhiên muốn “nói tốt” và “viết tốt” thì trước hết phải làm tốt đã.  Có cảm giác ở ta khả năng “nói” ở nhiều người, kể cả lãnh đạo và chính khách chưa được tốt! Nhiều vị nói năng lủng củng, rối rắm, sai cả ý lẫn ngữ pháp. Cũng có cảm giác là nhiều vị đại biểu Quốc hội ít phát biểu. Mà cử tri thì lại rất muốn nghe họ phát biểu để xem quan điểm của họ về những vấn đề quốc kế dân sinh mà mình quan tâm như thế nào. Còn ấn nút bỏ phiếu như “áo gấm đi đêm”, ít minh bạch lắm!

Ở những đại biểu hăng hái phát biểu, kể cả ý kiến trái chiều không những  hội tụ khả năng diễn thuyết mà còn thấy ở họ một tố chất là sự dũng cảm trước những rủi ro, thiệt hại có thể gặp phải. Truyền hình cách đây ít lâu chiếu bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy”, một việc làm rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. Chưa rõ Ông Kim Ngọc ngoài đời thế nào, chứ Ông Kim Ngọc trên ti vi có một khả năng nổi trội nói rất giỏi, thuyết phục rất giỏi, tức là “diễn thuyết” rất giỏi! Chắc chắn các nhà làm phim khi xây dựng “nhân vật điển hình” không thể hư cấu ra nhiều. Ông Kim Ngọc làm được nên mới nói được. Nhưng trước hết Ông là một người rất dũng cảm. Người dân mong rằng đất nước có nhiều chính khách, nhiều đại biểu của dân như Ông bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc.

Chúng tôi tìm hiểu thành phần dân biểu của một số nước tiên tiến, kể cả trong khu vực Đông Nam Á, nhận thấy vấn đề khác biệt cơ bản và quan trọng nhất là họ không có thành phần cơ cấu Quốc hội. Chính khách là nghề chuyên nghiệp, người ta theo đuổi như sự nghiệp cá nhân, không phải đi vào, đi ra trong một mùa hoặc một nhiệm kỳ. Sự nghiệp ấy đòi hỏi sự rèn luyện bản lĩnh và tài năng lâu dài. Các cá nhân được đảng phái chính trị đưa ra làm khuôn mặt ứng cử cho đảng mình, họ phải chuẩn bị mọi mặt từ nội dung cương lĩnh đến hình ảnh tiếp cận với nhân dân để lấy được lá phiếu của cử tri.

Ý thức người nghị sĩ là “công bộc” của nhân dân thể hiện rất rõ ở chỗ họ cực kỳ nhậy bén với bức xúc của người dân, bằng cách nêu ra các vấn đề đó hoặc đưa ra các giải pháp (lời hứa khi tranh cử) để lấy lòng dân thì mới hi vọng có đủ phiếu vào được Quốc hội.  Khi đã là nghị sĩ, họ cũng hết sức cẩn thận trong lời ăn, tiếng nói vì sẽ được các phương tiện thông tin đại chúng soi chiếu trên công luận.  Nếu để người dân thấy ông này, bà kia còn ngáp ngủ trong nghị trường, hoặc nhớn nhác trong cuộc họp sẽ khó lòng khôi phục được hình ảnh đẹp trong người dân. Ở các nước tiên tiến, chúng ta thường thấy  các vị chính khách tự tin, đĩnh đạc, trình bầy quan điểm và ý tưởng rõ ràng mạch lạc. Ngoài năng lực và rèn luyện bản thân, họ còn được hỗ trợ bởi ban cố vấn tốt về nội dung chính sách, pháp luật, và có cả tư vấn về xây dựng hình ảnh của mình trên công luận.

Cấp càng cao thì vấn đề chăm sóc hình ảnh trước công chúng càng phải công phu và tinh tế. Ví dụ như ở Quốc hội của  Úc, mỗi nghị sĩ đều có nhân viên văn hay, chữ tốt viết bài, biên tập đề cương nội dung câu hỏi hoặc  bài phát biểu. Một nghĩ sĩ có ít nhất là ba thư ký phục vụ. Đội ngũ này là nhân viên được hưởng lương hành chính trong Quốc hội, nhưng nghị sĩ là người quyết định tuyển dụng, nên thường tạo được đội ngũ giúp việc hợp ý. Cái khó của chúng ta là đại biểu Quốc hội không được đáp ứng hậu cần như vậy. Thư ký trong Quốc hội thường phải phục vụ cả tiểu ban, hoặc cả đoàn đại biểu từng địa phương, và phải làm nhiều việc từ A đến Z, không có thì giờ quan tâm phục vụ cho từng đại biểu được. Thư ký của chúng ta thường làm hành chính, hiếm có thư ký có khả năng và được dùng làm tư vấn cho nên  càng hiếm có nghị sĩ nào quan tâm đến vấn đề “làm đẹp” cho mình trước công luận vì nó không ảnh hưởng lắm đến sinh mệnh chính trị của họ như ở các nước khác.

Vấn đề khác biệt cơ bản thứ hai là họ có đối lập và không có vùng cấm. Nghị sĩ đối lập cũng vẫn là đại biểu được ăn lương Quốc hội. Nhiệm vụ của họ chính là  “vạch lá tìm sâu” trong mọi hoạt động của Chính phủ và họ công khai mọi vấn đề, mọi phát hiện ngay tức thì. Họ lấy thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ cử tri, để phát hiện những vấn đề nổi cộm, có tính thời sự nóng bỏng của xã hội. Mỗi bộ trưởng đều bị phái đối lập suốt ngày “soi chiếu” làm cho bộ nào cũng phải hết sức thận trọng thực hiện đúng chức năng theo luật định. Họ đấu nhau trên nghị trường, trên nền tảng luật pháp rõ ràng.

Vấn đề khác biệt rất cơ bản thứ ba là về mặt kỹ thuật lưu trữ. Ở các nước tiên tiến có hệ thống ghi âm và ghi lưu biên bản họp Quốc hội tại chỗ. Tất cả mọi lời nói, mọi âm thanh trong phòng họp, kể cả tiếng ho, tiếng cười, tiếng giở trang giấy sột soạt lúc phát biểu chính thức đều được ghi âm lưu trữ, tất cả mọi điều diễn ra đều được ghi văn, sau đó được in ấn thành từng tập cho từng kỳ họp để lưu trữ, để tham khảo, để làm tư liệu lịch sử. Vì thế, không ai là đại biểu trong Quốc hội lại đẩy ghế đi ra,  đi vào gây tiếng động ảnh hưởng đến không khí họp hoặc chất lượng âm thanh, không ai dám nói năng linh tinh vì sẽ được lưu danh muôn thủa, dù phiên họp có được truyền hình trực tiếp hay không, họ cũng vẫn hết sức thận trọng từng lời nói, từng cử chỉ, vì đó là cách phải làm trong khung cảnh ấy. Bộ văn thư lưu trữ toàn bộ nội dung Quốc hội được in ấn lưu trữ tại thư viện Quốc hội tại các cơ quan liên quan và thư viện một số trường đại học, ai cũng có thể tra cứu. 

Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta, người dân đánh giá cao một số vị đại biểu Quốc hội đã biết vượt lên chính mình để lại ấn tượng rất sâu sắc về khả năng diễn thuyết, những câu hỏi có chiều sâu, xây dựng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ trong giai đoạn phát triển khó khăn của đất nước. Tuy nhiên, còn nhiều vị đai biểu Quốc hội chưa hiểu rõ tầm quan trọng của ống kính truyền hình khi có truyền hình trực tiếp, nên chưa biết cách thể hiện mình cho phù hợp với vai trò, vị thế người đại diện cho dân. Người dân bắt gặp không ít các gương mặt thờ ơ, mệt mỏi, còn nói chuyện riêng, buồn ngủ, không có vẻ chú ý tập trung  đến nội dung đang diễn ra. Nhìn những chiếc ghế trống, đoán rằng chắc do đại biểu vắng mặt có lý do, không phải là trốn họp và lười vỗ tay như các hội thảo, hội nghị thường thấy diễn ra trong cả nước.  

Biên tập truyền hình không biết vô tình hay cố ý để lại  nhiều “hạt sạn” trong chương trình.  Không nên chiếu những cảnh như đại biểu, phóng viên  chạy ra, chạy vào, len qua hàng ghế làm ảnh hưởng đến người khác. Có người còn vừa đi, vừa đang ôm bụng kéo áo, hoặc đang ngủ gật làm mất đi tính trang trọng của cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Nhiều cảnh quay chỉ thấy đầu người lấp ló trên nền nhung đỏ vì ghế dựa cao quá, phương tiện sang trọng này làm cho người ta cảm thấy người ngồi đó rất căng cứng và ức chế, không thoải mái, không tạo được không khí làm việc hiệu quả cho các đại biểu phải ngồi nhiều giờ và khó tập trung tinh thần nghị lực cho nội dung cuộc họp bàn. Một lưu ý về mặt kỹ thuật, thấy hãng SONY có sản phẩm laptop VAIO được có mặt trên bàn chủ tọa Quốc hội. Với công chúng xem truyền hình nhìn rất rõ thương hiệu sản phẩm rõ hơn cả tên Chủ tịch Quốc hội. Để như thế chẳng khác nào chúng ta đã vô tình quảng cáo cho thương hiệu này trong một chương trình được nhiều khán giả theo dõi.

Trong chất vấn vẫn còn nhiều câu hỏi  chưa có chiều sâu, các câu trả lời thì quá dài, nhiều điệp ngữ quá quen tai, hiếm thấy có trả lời nào ngắn, đủ ý và đúng ngay vào nội dung được hỏi.  Vinashin đúng là làm ăn thua lỗ nặng, phải gọi đúng tên là phá sản, không thể tiếp tục lấy vốn ngân sách tức là tiền thuế của dân và bắt ngân hàng giãn nợ, để nói rằng Vinashin tự vay, tự trả như lời tuyên bố của ông Tổng giám đốc Vinashin mới được bổ nhiệm.  Rất ít đại biểu can đảm và sâu sắc phát hiện những vấn đề còn rất đáng lo ngại ở phía trước của Vinashin, bô xít Tây Nguyên và liên quan đến quốc kế dân sinh như các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Phạm Thị Loan, Lê Quang Bình, Lê Văn Cuông  vv… Đặc biệt đối với dự án bô xít Tây Nguyên tính kiểu gì cũng lỗ nhưng rất tiếc là Bộ Công thương  không công khai, minh bạch trước công luận về phương pháp tính toán, các dữ kiện đầu vào của bài toán kinh tế, tài chính, chi phí cơ hội, thuế, phí môi trường, hoàn thổ  vv…của dự án bô xít Tây Nguyên để cử tri cả nước được tỏ tường. Ngay việc giải thích về an toàn của hồ chứa bùn đỏ của Tây Nguyên mà lại đi so sánh giá trị pH của bùn đỏ ở Hungary 13-15%, sai kiến thức cơ bản về khoa học vì pH làm gì có đơn vị phần trăm, chưa kể  thang giá trị cao nhất của pH cũng chỉ đến 14. Trong bùn đỏ, có xút NaOH, trong đó có nhiều độc tố rất nguy hiểm, nhất  là thủy ngân. Trong quá trình tương tác giữa xút và các lớp vải địa kỹ thuật ở đáy hồ bùn đỏ, không có nhà khoa học nào trên thế giới dám khẳng định lớp vải địa kỹ thuật này được an toàn trong bao lâu để các độc tố không thấm qua đáy hồ vào mực nước ngầm. Đấy là chưa kể  đến nguy cơ về an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội cho đến rủi ro phụ thuộc vào đầu ra sản phẩm là thị trường của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà hàng nghìn người dân, trong đó có rất nhiều các nhà quản lý, lão thành cách mạng, tướng lĩnh, các nhà khoa học  tên tuổi ở cả trong và ngoài nước đồng loạt ký tên đề nghị tạm dừng dự án để xem xét đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện về dự án mất lòng dân nói trên. Người dân vẫn nhớ chỉ thị của Bộ Chính trị là làm thí điểm dự án bô xit Tân Rai nếu thấy có hiệu quả về kinh tế, an toàn về môi trường thì mới tiếp tục thực hiện. Phải chăng cách hiểu chỉ thị của Bộ Chính trị giữa Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV)  và người dân là khác nhau? 

Đất nước đã nghèo, đầu tư lại tràn lan không hiệu quả, chỉ số ICOR ((Hệ số tăng vốn – sản lượng) cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, lạm  phát quý IV cao nhất từ gần 20 năm nay, trong khi lãi xuất ngân hàng cũng cao ngất ngưởng, cử tri rất lo ngại không biết biện pháp ổn định vĩ mô là gì? Nợ công đến mức báo động,  kinh tế đất nước không phải là con chuột bạch để làm phép thử!  Luật các nước  không bao giờ cho Tổng giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị để bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực, luật của chúng ta cũng có quy định đó, tại sao lại cho phép việc làm trái pháp luật diễn ra trong nhiều năm với lý do là không có nhân sự?

Quan trọng nhất đối với Quốc hội là phải làm đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình trên cơ sở thực hiện quyền lực của dân. Tổ chức nào được dân trao quyền đến đâu, thì nghiêm chỉnh, vững vàng, tự tin làm đúng đến đấy. Nếu mọi tổ chức nhà nước, mọi quan chức nhà nước đều thực sự là người con hiếu thảo, người đầy tớ trung thành, người học trò khiêm tốn của dân tộc thì sẽ trở thành người quản lý đáng tin cậy của dân và không có chỗ tranh giành hoặc mâu thuẫn về quyền lực.

Chính trị chính là sản phẩm của chính khách nhưng ở nước ta chính trị có trước chính khách. Câu chuyện chính trị là gì còn khó hơn nhiều, chủ yếu được phân biệt bởi chính trị là mục tiêu hay là phương tiện. Chính khách là một nghề, trước hết là người phải có chính kiến riêng của mình. Người dân mong các vị chính khách hiểu rằng khi điều trần không phải Chính phủ bị Quốc hội chất vấn mà nên hiểu được chất vấn vì đây là cơ hội rất tốt để Chính phủ giải trình, báo cáo trực tiếp trước cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, trước dân tộc và nói với thế giới với dư luận quốc tế. Nếu có tư duy và tấm lòng vì dân thì các phiên điều trần của Quốc hội mới thực sự chất lượng và có ý nghĩa đi vào lòng dân. Cử tri mong muốn Quốc hội cần sớm tăng cường tính chuyên nghiệp kể cả số lượng các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp với các phương tiện và điều kiện làm việc ngày càng cao hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.