.Có bao nhiêu ông “lý trưởng, chánh tổng”- cường hào mới nghênh ngang trên đất nước này?
—————
Cách đây ít năm, có câu nói của một kẻ giang hồ nghiễm nhiên thành “triết lý đương đại”: Thứ gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền!
Chỉ có cường hào mới thì mới o ép dân đến thế
Còn giờ đây, có rất ít tiền cũng có thể “mua” được sự… tham lam.
Đó là vụ việc khiến dư luận xã hội bất bình cả tuần nay.
Địa danh xảy ra vụ việc: Phường Đông Cương (t/p Thanh Hóa)
Nhân vật trung tâm: Người dân tổ 07, tổ 08 của phường và cán bộ phường này.
Nội dung vụ việc: Nhiều hộ dân của phường có đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện đền bù đất (do Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Tuấn Minh lấy đất xây dựng khu thương mại và văn phòng phải đền bù). Ngay lập tức, sau khi họ nhận tiền đền bù, cán bộ phường này đến “xin” lại gần một nửa số tiền nói trên (báo GDVN, ngày 30/11).
Rõ là tiền có thơm tho, người mới… đến.
Mà số tiền được đền bù đâu có nhiều nhặn gì cho cam. Mặc dù, với nhiều hộ dân, có khi là cả một tài sản. Có người như bà Lê Thị Lũy, 73 tuổi đã thốt lên: Đời tôi chưa bao giờ được cầm nhiều tiền đến thế (!) Mà số tiền bà Lũy được đền bù là 21 triệu đồng. Vậy nhưng bà cũng không thoát khỏi số phận được cán bộ phường xin lại… 11 triệu. Bà Lê Thị Tuyền, 77 tuổi, được đền bù 38 triệu, bị cán bộ thu lại 18,8 triệu đồng. Ông Nguyễn Quang Trung 63 tuổi, được đền bù hơn 30 triệu, bị thu lại hơn 20 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Phượng (giáo viên đã nghỉ hưu) được đền bù 100 triệu, bị cán bộ thu hồi lại 65 triệu…v.v..
 |
Trụ sở phường Đông Cương (t/p Thanh Hóa). Ảnh: Minh Thảo/ GDVN |
Khốn khổ cho những người nông dân, quan thì xa bản nha thì gần, chuyện công quyền, chuyện bản nha bao giờ chả rất e ngại. Mà mỗi nhà một vẻ, lý do chẳng ai giống ai. Nhà thì “thu để nộp cho phường hoặc làm trích lục…”. Nhà thì để “nộp vào ủy ban, nhưng không nói dùng vào việc gì cả”. Nhà thì phải ký vào biên bản “tự nguyện nộp tiền cho phường”.