Trao đổi về nghề báo

Tác giả: Thảo Anh và Kỳ Duyên

.KD: Một điều rất bất ngờ. Mình nhận được email của một bạn sinh viên báo chí tên là Thảo Anh có nói rằng bạn đang học nghề báo, rất thích đọc Tuần VN và Blog KD/KD. Nay bạn muốn mình trả lời cho bạn một số vấn đề xung quanh thể loại gọi là bình luận của báo điện tử, giúp cho bạn hiểu thêm về nghề báo. Nhận thấy những câu hỏi của Thảo Anh khá thú vị, sau khi trả lời cho Thảo Anh, mình xin đăng lên Blog, để những bạn trẻ học về báo chí hoặc viết báo có thể quan tâm hiểu thêm về một nghề mà các bạn đó theo đuổi.

  • FB nhắc lại cho mình ảnh và bài này vừa tròn một năm. Một bài về nghề báo. Xin đăng lại để bạn đọc chia sẻ 😀
    ————–

Thưa cô, cô tham gia làm biên tập viên cho Tuần VN từ khi nào? Sức hút nào khiến cô gắn bó với cho chuyên trang bình luận chuyên sâu Tuần VN? Xin cô chia sẻ đôi điều về lịch sử hình thành chuyên trang Tuần VN

-Mình làm việc với VietNamNet từ khi còn đang làm báo bên Báo Nhân Dân. Lúc đó anh Nguyễn Anh Tuấn còn đang là Tổng biên tập (hiện anh NAT làm việc ở Boston- Mỹ), mời mình về làm việc với VietNamNet. Và thế là mình làm “hai mang”. Điều rất hay, VietNamNet chấp nhận không quản lý mình về giờ giấc hành chính, mà quản lý bằng sản phẩm- bài vở. Chính điều đó tạo cho mình điều kiện có thể làm việc hai tòa báo một lúc mà vẫn không ảnh hưởng gì tới công việc, sản phẩm của mình ở Báo ND. Và khi mình nghỉ hưu ở Báo ND, mình làm việc hẳn với VietNamNet từ đó tới nay.

Khởi đầu mình phụ trách mục Thư Hà Nội, một chuyên mục đặc biệt của VietNamNet, đòi hỏi bài viết luôn cập nhật thời sự nhưng lại mang chất văn chương. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều sau này phụ trách mảng này từng có lần thốt lên: Hóa ra, Thư Hà Nội rất khó viết. Nó là một thứ Socola đặc biệt chị ạ.

Rồi …vật đổi sao dời, mình về Tuần VN.

Sức hút nào khiến mình gắn bó với Tuần VN? Trước hết là ý thức tổ chức. Rồi sau cảm thấy thú vị với trang báo chính luận này. Lúc đó Tuần VN, (sau những năm tháng hình thành với tính chất một trang báo tuần- nhưng phải luôn cập nhật và phản biện bằng thể loại chính luận- kịp thời với những vấn đề thời sự nảy sinh trong XH, giống như các trang báo thời sự của tòa soạn. Đó là một đòi hỏi và thử thách không nhỏ. Đến giờ TuầnVN vẫn phải tổ chức trang báo theo tinh thần như thế), bắt đầu có tên tuổi, được độc giả chú ý với hàng loạt vệt bài mang tính chất phản biện XH gây tiếng vang: Về công cuộc đổi mới, Biển Đông, biên giới, rồi sau này là Vinashin, Bauxite…, những vấn đề thời sự đang rất được dư luận chú ý theo dõi.

Một đặc điểm nổi bật của Tuần VN khi đó là thu hút được một đội ngũ trí thức có tên tuổi ở trong nước, ngoài nước viết bài, cộng tác thông tin như bác Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, rồi Trần Văn Thọ, Vũ Minh Khương, Giáp Văn Dương…Mình nhớ một câu nói về mục tiêu và chất lượng mà VietNamNet nói chung, Tuần VN nói riêng theo đuổi khi đó là “Phong cách nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”.

Nghĩa là mục tiêu mà VietNamNet và Tuần VN theo đuổi là đẳng cấp, là thương hiệu một tờ báo phải khẳng định, chứ không chỉ phong cách. Dù phong cách thường tạo ra sức hút đầu tiên. Nhưng muốn có đẳng cấp, có thương hiệu, các bài báo phải thể hiện tầm tư duy trẻ, trí tuệ, có tính mở, sáng tạo, và mềm dẻo, uyển chuyển trước cuộc sống còn vô vàn bất cập và nảy sinh các tình huống bất ngờ từ các chính sách vĩ mô

Và điều đó dần dà thu hút chính mình, thông qua tổ chức bài vở ở chuyên mục Thông tin đa chiều, tổ chức mạng lưới CTV nhưng nhất là viết bài phản biện các chủ trương, chính sách XH và cần thiết, kiến nghị các giải pháp. Mình cảm nhận ra đây chính là mảnh đất cho mình hành nghề. Gian khổ đấy nhưng thú vị!

Là phóng viên, biên tập viên chuyên trang lâu năm, mong cô cho biết về tôn chỉ hoạt động của chuyên trang Tuần VN.

-Tuần VN được lập ra với đặc điểm là một trang báo mang tính chính luận vĩ mô- viết bài phản biện XH, có lý luận, có phân tích trước thực tiễn đang nảy sinh, từ đời sống dân sinh đến các chủ trương, chính sách nhà nước chưa phù hợp với thực tiễn, còn bất cập. Và bên cạnh đó không thể thiếu là viết về những kết quả, thành quả tích cực mà XH đạt được.

Nhận thấy những bài viết của cô rất khách quan nhưng vẫn giữ được chính kiến và có tính bình luận cao, rất sắc sảo và cá tính. Cô có thể chia sẻ kỹ năng tác nghiệp báo chí khi viết thể loại bình luận trên báo mạng điện tử không?

-Bình luận báo chí xưa nay vẫn luôn là một thể loại khó và khó viết. Trước hết nó đòi hỏi tư duy logic chặt chẽ, tính lý luận cao, vốn hiểu biết khá rộng. Nếu bạn đọc các bài bình luận, chính luận về quốc tế, đấu tranh ngoại giao, hoặc phê phán các quan điểm…, trên các báo chính luận như Nhân Dân, QĐND (thời chiến tranh chống Mỹ) trước đây bạn sẽ thấy tính chất đó đậm đặc trong các bài bình luận, chính luận của các tờ báo. Nhưng nói thẳng, viết theo kiểu đó có phần khó hấp dẫn, và bạn đọc đọc rất mệt. Thông thường tư duy logic chặt chẽ thì tư duy trìu tượng thường hạn chế, và ngược lại. Đó là một thách thức rất lớn với nhà báo, nhất lại là nhà báo nữ.

Tuy nhiên phải thấy bình luận trên báo điện tử, nhất là mục Phát ngôn- Hành động ấn tượng, rồi mục Phát ngôn Tuần Việt Nam và nay là mục Ấn tượng trong tuần của Tuần VN mình trực tiếp phụ trách có một yêu cầu hơi khác với bình luận phổ biến. Đó là yêu cầu tổng hợp cả sự kiện, phân tích sự kiện và bình luận sự kiện. Yêu cầu đó nảy sinh từ lúc Tuần VN ra đời, xuất hiện mục Phát ngôn và Hành động ấn tượng, xuất phát từ thực tế hành nghề với tính chất báo mạng, và tương tác với bạn đọc.

Viết chính luận đương nhiên đòi hỏi người viết phải có chút ít vốn lý luận. Nhưng nếu lúc nào cũng lý luận thì bạn đọc chán, không thể đọc. Ngay bản thân mình cũng vậy. Nếu đọc một bài chính luận, bình luận có chất văn, mình sẽ đủ kiên nhẫn đọc từ đầu đến cuối. Còn nếu đọc một bài bình luận mà lúc nào cũng thấy trích dẫn kinh điển, toàn câu khẩu hiệu như… đại bác, nói thẳng, mình bỏ ngay, không đọc, và sợ nhất những bài kiểu “dạy dỗ” vì những loại bài đó không bao giờ thấm vào một bạn đọc như mình 😀

Bí quyết để một bài chính luận trở nên hấp dẫn bạn đọc không phải là bài đầy ngôn từ “chiến đấu”, mà chính là sức sống của thực tiễn, sự phân tích mang tính thuyết phục để cuối cùng đưa ra sự phản biện (mang chất chính luận, bình luận) về vụ việc đó- có thể là chủ trương, chính sách XH, có thể là một vụ việc nảy sinh gây ấn tượng và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Đó là quan niệm về kỹ năng nói chung. Nhưng văn là người thì báo cũng là người. Mỗi nhà báo còn có cách tư duy, cảm nhận, sự nhạy cảm, quan sát và cấu trúc bài của mình khác nhau tùy lựa chọn và cảm thụ quan sát của họ trước cuộc đời, trước bàn phím. Điều đó cho phép bạn đọc phân biệt anh nhà báo A và anh nhà báo B, anh nhà báo C với anh nhà báo D. Và điều đó dường như thuộc về năng khiếu riêng của mỗi người.

Trong làng báo cũng vậy, có người là nhà báo thì cũng có người vẫn chỉ là thợ viết, cho dù viết rất nhiều bài. Đó có thể là ân huệ của lao động, là sự may mắn hoặc sự trả giá cho lao động mỗi cá nhân nhà báo. Có lần nhà thơ Việt Phương có nói, đó còn là thiên tư Trời cho. Vâng, đó là một nhận xét cực kỳ tinh tế.

Nhưng đằng sau kỹ năng viết báo, là cả một bề dày kiến thức, kinh nghiệm sống, học vấn văn hóa, phông văn hóa mà họ tích tụ được trong cuộc đời.

-Các bài viết của cô rất hay mượn lời ca, tiếng hát, câu thơ để “nói đúng và nói trúng” vấn đề. Vậy theo cô, có thể xem báo chí là một loại nghệ thuật đặc biệt không?

-Không, báo chí chưa bao giờ được coi là một loại nghệ thuật đặc biệt. Dù bài báo sử dụng ngôn từ văn chương, ca từ, thơ phú, về hình thức có vẻ có phần “giao thoa” với nhau. Bởi sự khác nhau căn bản mang tính bản chất này: Báo chí là thông tin, phản ánh, bình luận một vụ việc, một chủ trương, chính sách, một việc có thật xảy ra trong đời sống. Còn nghệ thuật bản chất là sự sáng tạo, hư cấu trên nền tảng đời sống.

Việc mình sử dụng ca từ, thành ngữ, ca dao chính là để “mềm hóa” bài viết, nó như một kiểu tư duy dân gian dễ đi vào lòng bạn đọc. Và sử dụng đúng chỗ thì sẽ tạo nên hiệu ứng thú vị. Tuy thỉnh thoảng cũng có những khó khăn riêng của nó. Có lần mình viết một bài về Giáo dục của Ireland, bạn đại diện sứ quán Ireland ở VN làm việc với mình mỉm cười: Bài chị em đọc thích quá, nhưng giao các bạn trẻ nó không thể dịch nổi, em phải trực tiếp dịch, vì có nhiều thành ngữ, ca dao dịch rất khó 😀

Theo cô với thể loại bình luận thì yếu tố kinh nghiệm, tuổi đời, tuổi nghề có phải là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất không? Ngoài ra theo cô còn cần yếu tố gì?

-Một câu hỏi tinh tế. Tất cả những yếu tố bạn đưa ra, về kinh nghiệm, tuổi đời, tuổi nghề đối với thể loại bình luận đều là yếu tố rất quan trọng. Bởi viết báo là một nghề đòi hỏi được đào tạo bài bản. Không phải ngẫu nhiên mà người ta mở ra những Phân viện rồi Khoa Báo chí ở một trường đào tạo đại học. Cho dù nếu nhìn vào lịch sử báo chí VN thì rất nhiều những nhà báo lão thành, già đời nổi tiếng lại không hề trải qua trường lớp ĐH. Đó là bởi hoàn cảnh hạn chế của lịch sử, của thời cuộc khi đó. Họ viết báo vì nhiệm vụ. Và Trường Đời giúp họ trưởng thành.

Nhưng điều quan trọng nhất là ở chỗ này, nghề báo cũng là nghề tự đào tạo, lao động cá nhân rất lớn. Mình đã từng trả lời phỏng vấn một nhà báo khi hỏi về nghề, rằng bài báo là sản phẩm của tập thể tòa soạn (người biên tập, người duyệt), nhưng lao động báo chí luôn là lao động cá nhân. Do đó, sự tích lũy kiến thức , sự học bằng nhiều phương cách khác nhau trong suốt cuộc đời làm báo là ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Và một lời khuyên chí tình với tất cả các bạn sinh viên đang học nghề báo, cần học thêm một ĐH khác- đó là ĐH Luật. Người viết báo cần am hiểu Luật, rất cần.

Đương nhiên càng có tuổi đời, tích lũy vốn sống, hiểu biết càng dầy thì càng có lợi cho nghề viết. Và đây là một đặc điểm khác biệt giữa lĩnh vực KHXH với KHTN. Nhưng để có thể viết bình luận tốt thì tư duy người viết báo, dù tuổi đời cao nhưng tư duy lại phải trẻ, thức thời, hiểu thời cuộc, không thể thủ cựu, xơ cứng như…. tuổi tác . Có được điều đó đòi hỏi nhà báo phải liên tục cập nhật được thông tin thời sự và có cái nhìn “hiện đại hóa” của thời hội nhập, để trau dồi chính tư duy mình.

Tít bài của cô đa phần đều có tính bút chiến. Vậy theo cô yếu tố tít chính, tít dẫn trong một bài bình luận chiếm bao nhiêu phần trăm để tạo ấn tượng cho độc giả?

-Các tít bài (tít chính, tít phụ) đều rất quan trọng. Nó như bao bì bắt mắt thì độc giả mới chú ý. Nói chiếm bao nhiêu phần trăm tạo ấn tượng cho độc giả thì rất khó định lượng. Nhất là báo điện tử, một bài báo bình thường, có khi có thể đẩy lượng bạn đọc lên cao cũng nhờ vào cái tít câu khách. Đó là thực tế. Do đó các báo mạng nói chung, đặc biệt Tuần VN nói riêng đều rất coi trọng chuyện giật tít, đặt tít. Nhưng tuy nhiên bài cũng phải có chất lượng tương xứng, bởi “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Một bài tít bài hay mà chất lượng nhạt nhẽo, có thể “đánh lừa” bạn đọc một vài lần nhưng không thể đánh lừa mãi được.

Để thực hiện chức năng phản biện xã hội của báo chí, cô có cho rằng thể loại bình luận là lựa chọn tốt nhất không, thưa cô?

-Trong báo chí, nếu để thực hiện chức năng phản biện, thì cá nhân mình cho rằng thể loại nào cũng có thể có chất phản biện: Bài bình luận, tiểu phẩm, điều tra, phóng sự, thậm chí là tin ngắn theo cái cách của từng thể loại đó. Miễn là nhà báo có đủ khả năng nhận thức, tư duy và trình độ hiểu biết để phản biện trước vấn đề đó. Nhưng rõ ràng, bình luận vẫn có ưu thế hơn của nó, như cái tên thể loại vậy!

-Được biết cô đã có khoảng thời gian gắn bó rất lâu với báo Nhân dân, xin cô chia sẻ đôi điều về điểm khác biệt về phản biện xã hội trên Tuần VN và báo Nhân dân.

-Một câu hỏi rất thú vị. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng bạn đã hỏi thì mình tạm thời nhìn nhận thế này:

Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận TƯ Đảng, ngang Bộ. Một ông TBT Báo ngang một Bộ trưởng.

Báo VietNamNet là cơ quan truyền thông thuộc Bộ TTTT, nói về chức vụ (hành chính), tờ báo ngang một Vụ. Còn Tuần VN nằm trong một tờ báo (cấp Vụ), thì thực chất chỉ ngang như một Phòng, ban.

Báo Nhân Dân với đặc điểm cơ quan ngôn luận của TƯ Đảng thì nhiệm vụ của báo là thông tin, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân. Và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, phát hiện cả những cái tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực thì biểu dương kịp thời, tiêu cực thì phê phán.

Báo VietNamNet nói chung, Tuần VN nói riêng là tờ báo mang tính thông tin, phản biện XH trước những vấn đề bất cập từ thực tiễn đời sống, chủ trương, chính sách chưa phù hợp để Nhà nước kịp thời điều chỉnh. Dĩ nhiên, như mọi tờ báo khác, Tuần VN vẫn phải phát hiện những cái tích cực, cái hay trong XH để viết và giới thiệu. Nhưng cách viết cũng phải có chiều sâu, có thân phận, số phận con người, không thể dừng lại ở sự việc kiểu người tốt, việc tốt

Nếu nói về tính phản biện giữa hai tờ báo thì xuất phát từ đặc điểm, đặc thù có thể thấy, tính phản biện của VietNamNet khác với tính phản biện của Báo ND. Báo ND với đặc thù cơ quan tuyên truyền, vận động chính sách Đảng, Nhà nước, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan, và do cơ chế quản lý mang tính bao cấp phần nhiều, mà tính công chức, hành chính của đội ngũ báo ND còn khá nặng. Do đó sự phản biện của báo ND còn mờ nhạt, không thật rõ rệt.

Trong thực tế, bài viết phản biện của Tuần Việt Nam khó có thể đăng trên Báo ND, và ngược lại bài phản biện của báo ND cũng khó mà đáp ứng yêu cầu của Tuần VN

Xin cảm ơn cô!