Đồng cảm- “Café thứ 05”

Tác giả: Kim Dung/ Kỳ Duyên.  Ảnh: Nguyễn Đình Toán- Kim Dung

Ngày cuối tuần, lại là dịp nghỉ lễ, vợ chồng anh chị Nguyễn Gia Hảo- Phạm Chi Lan có nhã ý mời các anh em bạn bè Nhóm Café thứ 05, như các anh chị vẫn đùa, tự đặt tên nhóm, bên canh Café thứ 07 của Nhạc sĩ Dương Thụ-  gặp mặt.

——————–

Vào những năm tháng XH có biết bao chuyện bất ổn, buồn cho thế sự, thì sự gặp gỡ, chung vui giữa những người bạn chân thành, hồn nhiên, quý nhau, quả là ấm áp.

Những người bạn ở đây là nhà giáo- nhà văn Phạm Toàn, đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy, nhà văn Lê Thanh Dũng, hai người- nhà báo, họa sĩ đồng thời là cựu chuyên gia ngoại giao- Nguyễn Quang Dy, và Hoàng Hải; giảng viên ĐH Nguyễn Vũ Lê, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, cô giáo Phạm Chi Mai (em gái chị Chi Lan) và mình. Chỉ có một vài anh chị do bận rộn nên không đến được.

Mình là một trong số ít những người ít tuổi hơn so với các anh chị. Nhưng về tính tình của nhóm, thì nói thật chẳng biết ai … trẻ hơn ai. Ai dám bảo nhà văn- nhà giáo Phạm Toàn, U 90 là già, vì ổng đùa cười hồn nhiên như trẻ con. Có lẽ tại lây bệnh nghề nghiệp của Nhóm GD Cánh Buồm, mà ông là Thuyền trưởng, khi mang đến hàng chục bài thơ của các bé tiểu học làm theo thể loại Hai Ku (Nhật Bản) và bắt mọi người phải đọc. Vừa đọc mọi người lại… phải vừa gật gù khen nắc nỏm, thế là ổng sướng lắm. Mắt cứ sáng lên hỏi liên tục: Hay không, hay không?… Hay! Hay!  😀

Bất ngờ nhất là sự xuất hiện của một nhân vật khá nổi tiếng- André Menras Hồ Cương Quyết. Ông là người Pháp, sang Việt Nam dạy tiếng Pháp ở Đà Nẵng, rồi ở Sài Gòn. Hiếm có một người nước ngoài nào yêu VN và hoạt động xã hội không mệt mỏi cho VN như Hồ Cương Quyết.

Nhưng nổi tiếng nhất là khi ông bắt tay làm bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát. Ông là người đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của những người ngư dân VN. Mặc dù chuyện làm phim, chiếu phim của ông gặp không ít trở ngại.

Chỉ một chi tiết này, đủ biết ông yêu bạn bè VN đến độ nào, khiến tất cả mọi người  trân trọng và yêu quý.

Đó là khi nhà giáo- nhà văn Phạm Toàn, phôn cho ông (đang ở Sài Gòn) mời ông ra HN chỉ để gặp gỡ bạn bè tại nhà anh chị Gia Hảo- Chi Lan. Ông đã ngay lập tức mua vé máy bay, và xuất hiện đúng giờ hẹn.

Khỏi phải nói mọi người đã cảm động ra sao. Nhất là Đạo diễn Trần Văn Thủy. Hai người nói chuyện liên tục, sôi nổi về VN, biển đảo, Hoàng Sa- Trường Sa. Có lúc André Menras Hồ Cương Quyết như nghẹn giọng, và Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng vậy. Mọi người lặng đi giây lát.

Đạo diễn Trần Văn Thủy giở trang sách 144- 145 của cuốn sách mới nhất- “Trong đống tro tàn”- vừa xuất bản và phát hành ở Mỹ, mà theo ông, đó là cuốn sách tâm huyết nhất, máu thịt nhất của đời ông, đọc cho André Menras – Hồ Cương Quyết nghe. Và tặng cho André Menras Hồ Cương Quyết tác phẩm Chuyện nghề của Thủy- một cuốn sách rất nổi tiếng của ông (viết cùng nhà văn Lê Thanh Dũng)

 

“Trong đống tro tàn” đạo diễn Trần Văn Thủy viết gì? Xin hãy đọc:

“… Từ lâu lắm rồi, qua những trải nghiệm của bản thân, tôi không quá vui mừng khi có người ngoại quốc tin yêu, gắn bó với VN. Tôi e sợ họ thất vọng. Tôi e sợ họ bị lừa đảo, bị cướp giật ngoài đường. Tôi e sợ qua cửa khẩu họ bị hạch sách, vòi tiền hay lấy trộm đồ. Tôi e sự trợ giúp của họ rơi vào túi của những kẻ tham lam như đã từng xảy ra với quỹ Thụy Điển.

…. Những người ngoại quốc một lúc nào đó hứng chí lên mà vào quốc tịch VN thì tôi càng lo ngại, có nhiều thí dụ như trường hợp nhà báo người Pháp André Menras với cái tên VN là Hồ Cương Quyết. Nhưng phải nói thêm cho rõ Hồ Cương Quyết là một người rất đáng được kính trọng, yêu quý khi anh chịu đựng nổi cái “Tổ quốc thứ hai của mình”. Cái Tổ quốc đã gây cho anh quá nhiều bức xúc.

Một người có lòng bao dung như vậy rất hiếm.

… Tôi xin lỗi, thành tâm xin lỗi nếu tôi nói ra rằng xung quanh chúng ta đời nay đang đầy rẫy những tình yêu vô trách nhiệm với nhân dân và đất nước mình. Đó là một thứ “ngụy” thứ thiệt. Chính xác là như vậy”

Sau những giờ phút chia sẻ về đất nước, là cụng li và thưởng thức rất nhiều món nem- nem cuốn, nem rán, nem nướng- của ông bà chủ hiếu khách. Là những câu chuyện tiếu lâm, đời thường hóm hỉnh. Tiếng cười chốc chốc rộ lên…

Yêu đất nước, yêu VN với tình yêu sâu sắc. Bởi đằng sau là những nỗi đau, nỗi buồn, day dứt với những cung bậc khác nhau. Nhưng vẫn không thể thiếu được cái nhìn bình thản, thấu hiểu quy luật vận động của XH. Và vì thế vẫn phải chung tay làm việc cho cộng đồng, vì cộng đồng

Mình chỉ nghĩ- đó là sự Đồng cảm!

Yêu và trân trọng thế sự đồng cảm của con người, của bạn bè!

Cảm ơn anh chị Gia Hảo- Chi Lan và cảm ơn tất cả các anh, các chị!