Chuyện luật sư Loseby không tố cáo thân chủ và chuyện “Tố giác thân chủ”

Tác giả: Luật sư Trần Hồng Phong và Bùi Phú Châu

.KD: Bạn bè gửi cho mình hai bài viết này, theo mình, là hai bài sâu sắc và hay nhất trong vệt bài cùng chủ đề “Tố giác thân chủ” mà có những ĐBQH kiến nghị tại kỳ họp mới đây. Bùi Phú Châu tuy công tác ở Ngân hàng, nhưng anh cũng là một Thạc sĩ Luật, tốt nghiệp ở Anh Quốc. Những kiến thức của các Ls, các nhà học Luật ở tư bản giẫy chết, không hiểu có được QH lắng nghe không? Xin đăng để bạn đọc chia sẻ

.Do đăng ghép hai bài, nên chủ Blog tạm đặt title   😀

———– 

Bài: Chuyện luật sư Loseby không tố cáo, mà bao che, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931

.Tác giả: LS Trần Hồng Phong

Bào chữa là một trong những quyền cơ bản, cổ xưa và quan trọng nhất của con người. Pháp luật của tất cả các nước trên thế giới – trong đó có Việt Nam, Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc ghi nhận và tôn trọng quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, được xét xử bởi một phiên tòa công khai, nghiêm minh. Để thực hiện quyền bào chữa, từ lâu đã xuất hiện chế định luật sư. Luật sư là người có nghĩa vụ, xứ mệnh bào chữa, bảo vệ quyền,  lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Nói một cách đơn giản, trách nhiệm của luật sư là gỡ tội, không được phép làm tăng nặng/xấu đi tình trạng pháp lý của nghi can, bị can, bị cáo. 

Sách về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931 được xuất bản rất nhiều tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Điều này cũng giống như trách nhiệm của bác sỹ là chữa bệnh cho bệnh nhân, không phân biệt bệnh nhân là phe “ta” hay phe “địch”, giàu hay nghèo, quan hay dân. Trong khi đó, trách nhiệm phát hiện và chứng minh tội phạm là của Nhà nước, của các cơ quan tiến hành tố tụng: như Công an, Viện kiểm sát và cả Tòa án (thông qua xét xử).

LS Trần Hồng Phong

Từ trước đến nay, pháp luật Việt Nam cũng quy định như trên. Và điều đó là hợp lý, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Thế nhưng, tại kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra tháng 5/2017, dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự và một vài ý kiến của đại biểu Quốc Hội đã đề nghị sửa đổi Bộ luật hình sự hiện hành theo hướng buộc người luật sư phải tố giác hành vi có dấu hiệu phạm tội của thân chủ (đối với những tội danh liên quan đến an ninh quốc gia). Nói một cách đơn giản, là luật sư bị buộc phải đi tố cáo thân chủ!

Theo tôi, việc luật sư bị buộc (bởi luật) phải đi tố thân chủ của mình, là không hợp lý về mặt pháp luật, đạo đức và cả quyền con người. Vì lẽ:

– Trong khi nhận trách nhiệm bào chữa, giảm nhẹ cho thân chủ, luật sư lại đi tố cáo thân chủ của mình, tức làm xấu đi tình trạng pháp lý của thân chủ, chính là sự phản bội đối với khách hàng. Xét về mặt đạo đức, điều ấy thể hiện luật sư là một người hai vai, không đàng hoàng và không thể đàng hoàng.

– Không thể viện dẫn rằng những tội về an ninh quốc gia là nghiêm trọng, nên luật sư phải tố cáo thân chủ. Vì như đã nói, đây không phải là trách nhiệm của người luật sư. Vì luật sư là người bào chữa chứ không phải là người kết tội. Điều này là chân lý rõ ràng, không cần phải bàn cãi.

– Nếu luật sư đi tố cáo thân chủ, thì liệu có ai dám nhờ đến luật sư? Khi đó, quyền bào chữa của bị can bị cáo nghiễm nhiên bị hạn chế, ảnh hưởng, không được bảo đảm một cách chính đáng và thực chất.

Thiết nghĩ không cần thiết phải dài dòng về những vấn đề đã mang tính chân lý, là thành tựu của nhân loại, là bản chất tốt đẹp của loài người. Tôi chỉ muốn kể lại câu chuyện sau đây: câu chuyện về Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam), đã được luật sư Loseby và gia đình ông, che dấu, giúp đỡ trốn thoát khỏi Hồng Kông năm 1931.

Đây là một câu chuyện có thật 100%, rất nhiều sách, tài liệu, báo chí đã xuất bản. Ai cũng có thể  dễ dàng tìm đọc. Câu chuyện ấy như sau:

Nguồn: Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931 (báo Nghệ An) Ghi chú: Danh từ “Người” chỉ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh)
…………

Ngày 6/6/1931,  Mật thám Pháp ở Đông Dương và mật thám Anh ở Hồng Kông đã bắt được Nguyễn Ái Quốc – một “trùm cộng sản” tại địa chỉ “186 Tam Lung – Hongkong. Tuy nhiên, trong toàn bộ diễn tiến của vụ án, Nguyễn Ái Quốc chỉ khai mình là Tống Văn Sơ – một nhà buôn. Chứ không thừa nhận mình là Nguyễn Ái Quốc.

Qua giới thiệu, Nguyễn Ái Quốc được Loseby, một luật sư nổi tiếng lúc đó, đang hành nghề ở Hồng Kông giúp đỡ. Tống Văn Sơ cảm ơn sự quan tâm của luật sư đối với mình, và tỏ ý băn khoăn vì không có tiền để trả công cho ông. Luật sư nói: “Tôi nhận giúp vì danh dự chứ không phải vì tiền. Tôi sẽ ra sức cứu giúp, mong người tù hãy tin tưởng và hãy nói, cung cấp cho luật sư những điều gì có thể giúp trong việc bênh vực… “

Vụ án này đã trải qua 9 phiên toà xét xử, từ ngày 31/7/1931 đến 19/9/1931. Bào chữa cho Tống Văn Sơ, tham gia tranh tụng tại phiên tòa có luật sư J.C Jenkin và luật sư Loseby. Cả hai luật sư đã hết lòng bào chữa cho Tống Văn Sơ.

Kết quả xét xử: Toà án Viện Cơ mật Hoàng Gia Anh tuyên trả tự do cho Tống Văn Sơ, bằng cách cho Người được tự do lựa chọn nơi mình đến. 

Ngày 28/12/1932, Tống Văn Sơ được tự do và đi đến Singapore. Nhưng ngay khi đi đến Singapore, Tống Văn Sơ lại bị buộc quay trở lại Hồng Kông, không được phép nhập cảnh.

Ngày 19/1/1933, Nguyễn Ái Quốc lại bị bắt giam tại Hồng Kông. Ngay khi ấy, Người đã kịp thời viết thư báo tin cho luật sư Loseby và nhờ ông giúp đỡ. Luật sư đã đề nghị Thống đốc HongKong can thiệp, và Thống đốc đã buộc phải ra lệnh thả Tống Văn Sơ và hạn trong ba ngày phải rời khỏi Hồng Kông.

Một lần nữa gia đình luật sư Loseby lại bênh vực và cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù. Kế hoạch di chuyển và bí mật tổ chức cho Tống Văn Sơ trốn đã được vạch ra. Khi ở tạm thời trong Ký túc xá Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (YMCA), khi thì ở ngay trong nhà của luật sư Loseby, liên tục di chuyển chỗ ở 3-4 lần, cuối cùng ngày 22/1/1933, Nguyễn Ái Quốc đã cải trang thành một thương gia Trung Quốc giàu có, đi xuồng ra khơi bằng chính chiếc cano công vụ của Thống đốc Pin do ông bà Loseby bí mật bố trí.  

Ngày 25/1/1933, tàu cập bến Hạ Môn. Ở Hạ Môn một thời gian, Người lên Thượng Hải, và sau khi nhờ bà Tống Khánh Linh giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc được với Quốc tế Cộng sản và trở về Liên Xô an toàn sau đó.

Sau khi Tống Văn Sơ thoát khỏi Hương Cảng, luật sư Loseby vẫn chưa cảm thấy yên tâm, ông liền nghĩ ra một “diệu kế” là tung tin Tống Văn Sơ tức lãnh tụ An Nam Nguyễn Ái Quốc đã chết trong bệnh viện ở Hương Cảng. Báo chí bắt được tin đó đã nhanh chóng cho đăng tải ngay. 

30 năm sau, lúc này Nguyễn Ái Quốc đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh và không quên ân nhân của mình. Ông đã mời gia đình luật sư Loseby đến thăm Hà Nội năm 1960. Thông tin chi tiết xem tại đây:  Bác Hồ đón tiếp gia đình luật sư Loseby qua lời kể của người phiên dịch

…………………

Qua câu chuyện trên cho thấy:

1. Luật sư Loseby và đồng nghiệp của mình không những không tố cáo, mà còn bao che, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc trốn thoát khỏi Hồng Kông. Ông đã làm điều đó vì thiên chức của người luật sư, chứ không phải vì tiền. Điều luật sư Loseby đã làm cũng không bị cấm chính quyền Hồng Kông cấm, dù việc Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông cũng liên quan đến an ninh quốc gia ở xứ sở này.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết ơn người luật sư đã bào chữa, che dấu cho mình. Thiết nghĩ đây là tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mà đảng viên nào cũng cần hiểu và học tập.

3. Nếu luật Hồng Kông quy định luật sư bị buộc phải tố cáo thân chủ, thì có lẽ câu chuyện vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông sẽ có kết quả khác đi.

————-  

http://dandensg.blogspot.com/2017/05/chuyen-luat-su-joseby-khong-to-cao-ma.html

Bài 2: Tố giác thân chủ

Tác giả: Bùi Phú Châu (theo VnExpress)

Nếu anh cho rằng thân chủ của mình có dấu hiệu phạm tội, là luật sư, anh có tố cáo không?
Đó là câu hỏi cốt lõi cho nhiều cuộc tranh luận tại Quốc hội, trên truyền thông và trong giới luật những ngày này. Rất nhiều lập luận phức tạp, nhưng chỉ xoay quanh một câu hỏi.
Câu trả lời của tôi, là không. Chắc chắn là không.
Tôi muốn bắt đầu câu trả lời từ những nguyên tắc lập quốc cơ bản. Nhà nước được nhân dân dựng nên, được nhân dân trao cho phối hợp thực hiện các quyền, trong đó có quyền tư pháp – hiểu đơn giản quyền công tố, là đưa công dân ra xét xử. Cùng với đó, Hiến pháp được Quốc hội, đại diện cho nhân dân soạn ra để giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước, không để nhà nước vượt quá quyền hạn, xâm phạm vào những quyền con người cơ bản của công dân. Và như thế – một hệ thống quan hệ nhà nước – nhân dân ra đời, hoạt động với một mục đích đơn giản nhất: phục vụ nhân dân – những người đã dựng nên nhà nước.
Nhưng trong thực tế, bất chấp các quyền hiến định, trước quyền lực to lớn của nhà nước, nếu bị nhà nước thực hiện quyền công tố, mỗi cá nhân không hề có cách gì kháng cự. Và vì thế, chế định luật sư ra đời.
Về bản chất, luật sư phải được đặt ở vị trí đối trọng với quyền công tố của nhà nước. Nếu luật sư đứng cùng phía với nhà nước trong quá trình công tố thì trước hết luật sư không cần phải tồn tại làm gì. Và quan trọng hơn, nguyên tắc lập quốc cơ bản cũng đã bị phá bỏ, tính cân bằng nhà nước – nhân dân không còn.
Những quan điểm ủng hộ luật sư tố cáo thân chủ đã dựa trên một khái niệm rất cao cả: “Nghĩa vụ công dân”. 
“Công dân” là để chỉ trạng thái tồn tại của cá nhân trong quan hệ nhà nước – nhân dân. “Nghĩa vụ công dân” tức là nghĩa vụ làm đúng vai trò của mình trong quan hệ đó. Đối với công dân nói chung, nghĩa vụ đó có thể là bầu cử – lập ra nhà nước của mình; giám sát nhà nước của mình hoạt động. Còn với tư cách luật sư, làm đúng “nghĩa vụ công dân” là phải luôn luôn giữ mình đúng với vai trò luật sư, luôn luôn ở thế đối trọng với quyền công tố của nhà nước, bảo vệ khách hàng của mình. Nếu đứng về phía nhà nước trong quá trình công tố thì chính luật sư đang vi phạm nghĩa vụ của họ.
“Thân chủ của tôi vô tội” luôn luôn là kết luận và tâm niệm của một luật sư chân chính. Bởi vì chỉ một khoảnh khắc luật sư buộc tội thân chủ, thì có nghĩa anh đã không còn là luật sư nữa rồi. Nếu luật sư không còn là luật sư, thì nền tư pháp sẽ đi theo một chiều duy nhất: công tố – kết tội – thi hành án.
Trong thực tế hoạt động, những gì luật sư biết ngoài hồ sơ phần lớn là từ lời khai của thân chủ. Sẽ là ấu trĩ khi chỉ từ những lời khai đó mà bắt luật sư phải tư duy để kết tội thân chủ. Đó là lối tư duy “trọng cung hơn trọng chứng” – thứ đã hơn một lần làm tư pháp của chúng ta mắc sai lầm. Những lời nói, không đủ là cơ sở kết tội bất kỳ ai, đặc biệt là khi trước mặt anh ta là một luật sư – người buộc phải đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội. Một nền tư pháp coi trọng bằng chứng, thậm chí sẽ không dễ dàng chấp nhận cả những lời thú tội, chưa bàn đến các suy đoán.
“An ninh quốc gia” là một khái niệm nữa mà những người tranh luận nhắc tới. Cảm giác nguy hại mà nó tạo ra là rất lớn. Và như thế, thật dễ dàng để buộc tội luật sư nếu: “vì luật sư không tố cáo thân chủ mà an ninh quốc gia bị xâm phạm”.
Tôi tin rằng, để bảo vệ “an ninh quốc gia”, để “an ninh quốc gia” không bao giờ có thể bị xâm phạm, trước hết, nhà nước bao gồm toàn bộ bộ máy của mình phải làm đúng với nguyên tắc lập quốc cơ bản: Phục vụ nhân dân. Lúc đó sẽ không có kẽ hở nào cho những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng, và quan trọng hơn, lúc đó chính nhân dân với sức mạnh to lớn của mình, sẽ đứng lên bảo vệ nhà nước.
……………….