—————
Những người Nhân văn có một đặc điểm chung là rất yêu chữ. Nếu Lê Đạt tự nhận “danh hiệu trọn đời” của mình là phu chữ, thì Trần Dần gọi nghề thơ của ông là công tác chữ, thậm chí nghề gây sự chữ. Những cách tân chữ nghĩa của nhà thơ mà tôi vừa trình bày ở trên (mục 5) quả gây sự. Ông đã chống lại tập quán đọc văn chỉ để hiểu nghĩa, tìm nghĩa. Kể cả khi cái nghĩa đó được mớm trước vì nó là nghĩa tự điển, nghĩa tiêu dùng. Tập quán này đã đặt nghĩa trước chữ, trên chữ: NGHĨA → CHỮ.
Đọc thêm:
Trần Dần, hành trình thơ sạch (I)
Thực ra, trong văn chương, nhất là thơ, vị thế của chữ phải ngược lại: CHỮ → NGHĨA. Chữ trong thơ là để phát nghĩa mới, thậm chí, nghĩa không có trong tự vị. Nghĩa tiêu dùng nếu được sử dụng lại, thì trong mạng lưới quan hệ mới nó cũng được chùi sạch, để trở lại sự trinh nguyên ban đầu. Trần Dần đã tìm mọi thủ pháp biến tấu âm, biến tấu chữ để mọi con chữ của ông đều phát ra nhiều nghĩa. Đặt chữ lên trước nghĩa, tức coi ngôn ngữ là mục đích, ngôn ngữ có giá trị tự thân, Trần Dần đã làm một cuộc cách mạng lần thứ hai sau Thơ Mới. Một cách mạng mang tính hiện đại.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.